Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   

Tóm tắt luận án NCS: Bùi Bá Quân

Thứ tư - 03/06/2020 07:14

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Kinh Dịch là bộ kinh điển có tính đặc thù so với các bộ kinh khác, ở chỗ: các vấn đề nghĩa lý, tư tưởng không chỉ được trình bày qua hệ thống kinh văn, mà còn được trình bày qua hệ thống phù hiệu (âm dương, quái tượng) và đồ hình (Dịch đồ). Chu Tử (tức Chu Hy, 1130-1200) biên soạn hai bộ sách là Chu dịch bản nghĩaDịch học khải mông để luận giải về các vấn đề trọng yếu trong nghiên cứu Kinh Dịch trên cả ba phương diện: Nghĩa lý, Tượng số và Đồ Thư. Năm 1415, hai bộ sách này được chuẩn định đưa vào Ngũ kinh đại toànTính lý đại toàn và chính thức trở thành tài liệu quan phương của nhà nước, áp dụng cho giáo dục khoa cử để tuyển chọn nhân tài. 

Năm 1419, Tứ thư - Ngũ kinh - Tính lý đại toàn chính thức truyền vào nước ta. Dịch học Chu Tử nhờ đó mà có ảnh hưởng sâu rộng tới tư tưởng, học thuật của nho sĩ Việt Nam thời Trung đại. Hiện nay, VNCHN, TVQG và một số cơ quan lưu trữ khác còn khoảng 60 tác phẩm tương ứng với khoảng 100 văn bản Hán Nôm có nội dung Dịch học. Điểm đáng lưu ý là, đa phần các tác phẩm đó đều tập trung trình bày về “Dịch cửu đồ” của Chu Tử. Đây là một lĩnh vực học thuật cần và đáng được quan tâm nghiên cứu.

Từ thời cận đại đến nay, nước ta chưa có công trình dịch chú trọn vẹn nguyên điển hay chuyên khảo đặt đối tượng nghiên cứu Kinh Dịch trong bối cảnh Việt Nam thời Trung đại để tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình truyền nhập, tiếp thu và vận dụng Kinh Dịch của Nho gia Việt Nam nói chung và Dịch đồ học của Chu Tử nói riêng. Kinh Dịch là một tác phẩm quan trọng trong hệ thống kinh điển Nho gia, bởi vậy việc chỉnh lý và nghiên cứu tư liệu văn hiến về bộ kinh điển này vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích của Luận án là phân tích, làm rõ lý do, quan điểm, phương pháp và nội dung luận giải của Nho gia Việt Nam về Dịch đồ học Chu Tử. Thực hiện mục đích này, chúng tôi giải quyết các nhiệm vụ sau: 1/ Làm rõ khái niệm và nội hàm Dịch đồ học Chu Tử; 2/ Tổng thuật tình hình nghiên cứu Dịch đồ học Chu Tử ở Việt Nam; 2/ Xác lập hệ thống tư liệu Dịch đồ học Chu Tử tại Việt Nam thời Trung đại; 3/ Minh giải nội dung các tác phẩm, vận dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp để tìm hiểu quan điểm, phương pháp và nội dung luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại.     

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là các luận giải của Nho gia Việt Nam thời Trung đại về Dịch đồ học Chu Tử thể hiện qua 52 tác phẩm với khoảng trên 90 văn bản Hán Nôm có nội dung liên quan, trong đó số tác phẩm được sử dụng trực tiếp để nghiên cứu là 37, tương ứng với 75 văn bản, 15.000 trang tư liệu.

Phạm vi nghiên cứu của Luận án là các vấn đề văn bản học, quan điểm, phương pháp và nội dung luận giải về Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại thể hiện qua các tác phẩm nêu trên.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án kết hợp sử dụng các phương pháp: Văn bản học, phiên dịch học, thuyên thích học, thống kê, mô tả, phân tích tổng hợp, và nghiên cứu liên ngành.

5. Đóng góp của Luận án

- Về phương diện Kinh học: Kết quả của Luận án góp phần lấp đầy một khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu Kinh học Việt Nam nói chung và lịch sử, tư tưởng Dịch học Việt Nam nói riêng; Đồng thời tạo tiền đề căn bản để triển khai các nghiên cứu về mảng tư liệu Tính lý hiện tồn ở Việt Nam.

- Về phương diện Văn bản học: Đối với các tác phẩm Dịch phu tùng thuyết, Dịch nghĩa tồn nghi, Hy kinh lãi trắc, v.v. Luận án đã cơ bản giải quyết được các vấn đề tác giả, niên đại biên soạn, sao chép và lý giải được hiện tượng đan xen trùng lặp giữa các văn bản tác phẩm.  

- Về phương diện ngôn ngữ, văn tự học: Kết quả của Luận án góp phần nghiên cứu quá trình phát triển của chữ Nôm giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX; Đặc biệt là cách thức chuyển dịch một tác phẩm Kinh học có độ khó cao như Kinh Dịch và Dịch đồ học Chu Tử.

- Về phương diện nghiên cứu ứng dụng: Kết quả của Luận án cũng tạo cơ sở lý luận quan trọng để triển khai các nghiên cứu liên quan thuộc lĩnh vực y học, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật, v.v. truyền thống của Việt Nam.

6. Cấu trúc của Luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, Luận án gồm 4 chương:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Dịch đồ học Chu Tử

Chương 2. Khảo sát tư liệu Hán Nôm về Dịch đồ học Chu Tử

Chương 3. Quan điểm và phương pháp luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại

Chương 4. Nội dung luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại.

 

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU                          

      DỊCH ĐỒ HỌC CHU TỬ

Thực hiện chương Tổng quan này, chúng tôi đã phân tích chi tiết nhiều tư liệu Dịch học trong nước và nước ngoài hiện có. Trên cơ sở kết quả tổng thuật, kết hợp với những hiểu biết về Dịch học và hiện trạng tư liệu Dịch đồ học Việt Nam thời Trung đại, chúng tôi chỉ ra các khuynh hướng, thành tựu và hạn chế của từng công trình, từ đó đề xuất định hướng nghiên cứu của đề tài.

1.1. Giải thích khái niệm và thuật ngữ

“Dịch đồ 易圖” là thuật ngữ dùng để chỉ chung cho các đồ hình về Kinh Dịch và Dịch học nói chung. “Dịch đồ học 易圖學” là môn học/ lĩnh vực học thuật nghiên cứu, luận giải về các đồ hình Dịch học. Đến thời Nam Tống, Chu Tử tổng kết thành tựu nghiên cứu Dịch học của các thời Hán - Đường, chỉ rõ ưu điểm và hạn chế của từng học phái Dịch học trước đó, mục đích là để thiết lập một hệ thống Dịch học kết hợp Dịch học Tượng số và Dịch học Nghĩa lý, trong đó coi Dịch học Tượng số là “bản nghĩa” của Kinh Dịch.

Hệ thống Dịch đồ mà Chu Tử trình bày trong Chu dịch bản nghĩa Dịch học khải mông gồm: Hà đồ, Lạc thư, Phục Hy bát quái thứ tự, Phục Hy bát quái phương vị, Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự, Phục Hy lục thập tứ quái phương vị, Văn Vương bát quái thứ tự, Văn Vương bát quái phương vịQuái biến đồ. Tất cả gồm 9 đồ hình, nên còn gọi là “Dịch cửu đồ 易九圖”. “Dịch cửu đồ” do Chu Tử định bản, cùng với Thượng Hạ kinhDịch truyện chính thức trở thành một bộ phận quan yếu của Kinh Dịch nói riêng và Kinh học - Lý học Nho gia nói chung. Hệ thống này cùng với chú giải của các tiên nho thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh được đưa vào Chu dịch đại toàn, Tính lý đại toànChu dịch chiết trung, nhờ sự hậu thuẫn của chế định khoa cử nên có điều kiện phát triển, ăn sâu bám rễ và ảnh hưởng sâu rộng tới tư tưởng, học thuật cùng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam thời Trung đại. Nho gia Việt Nam luận giải về Dịch đồ học Chu Tử đa phần đều dựa trên nguồn tư liệu này. Bởi vậy, khái niệm “Dịch đồ học Chu Tử” nói tới trong Luận án là chỉ cho hệ thống “Dịch cửu đồ” do Chu Tử định bản trong sách Bản nghĩa Khải mông cùng các luận thuyết liên quan của tiên nho các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh chủ yếu được thu tập trong ba bộ sách này.

1.2. Các công trình nghiên cứu

1.2.1. Các công trình nghiên cứu văn bản

Người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu văn bản Kinh Dịch của Nho gia Việt Nam là Hoàng Xuân Hãn. Trong cuốn La Sơn phu tử (1952), Hoàng Xuân Hãn phán đoán tác giả Ngũ kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa là Bùi Dương Lịch. Tuy nhiên, Nguyễn Tuấn Cường hoài nghi về giả thuyết này; Nguyễn Phúc Anh cũng cho rằng “phỏng đoán” này “chưa đủ thuyết phục”, nên cần khảo sát thêm. Tiếp sau đó là các nghiên cứu của Trần Kim Anh (về vấn đề tác giả của Hy kinh lãi trắc), Lưu Ngọc Quận (về hiện trạng văn bản và mối liên hệ giữa các tác phẩm Dịch đồ học Hán Nôm) và Nguyễn Phúc Anh. Đáng lưu ý là, trong một số bài viết gần đây, Nguyễn Phúc Anh đã đưa ra một số quan điểm mới trên cơ sở khảo sát văn bản, chẳng hạn: Đặt vấn đề nghi ngờ tác giả Ngũ kinh tiết yếu (diễn nghĩa) là Bùi Huy Bích; Suy đoán phần diễn nghĩa (dịch Nôm) trong Ngũ kinh tiết yếu (diễn nghĩa) “là do những nhà sách tự ý đưa vào trong nội dung của văn bản Bùi Huy Bích”; v.v..

1.2.2. Các công trình nghiên cứu lịch sử

Công trình đầu tiên và có tính tiêu biểu cho thành tựu nghiên cứu lịch sử Dịch học Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay là bài viết “Lược sử Kinh Dịch tại Việt Nam” (2002) của Nguyễn Hữu Quang. Bài viết đã lược khảo lịch sử lưu truyền và phát triển của Dịch học Việt Nam từ thời Bắc Thuộc đến nay. Tiếp sau đó là các công trình “Các nghiên cứu Dịch học của Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay” (Đại học Hà Nam, 2009) của Hứa Thị Minh Phương 許氏明芳; “Sự phát triển và đặc sắc của Dịch học tại Việt Nam” (2011) của Ngô Vĩ Minh 吳偉明; “Sự lưu truyền, phiên dịch và ảnh hưởng của Dịch kinh tại Việt Nam” (2011) của Trần Ích Nguyên 陳益源. Đáng chú ý nhất là công trình của Trần Ích Nguyên. Công trình đã khảo sát các bộ thư mục của Việt Nam, từ đó chỉ ra sự lưu truyền của các văn bản Dịch học Trung Quốc vào Việt Nam; Việc phiên dịch, luận giải và vận dụng Kinh Dịch thể hiện qua các tác phẩm Dịch học Hán Nôm hiện tồn; Tác động của giáo dục khoa cử tới sự phát triển của Dịch học Việt Nam thời Trung đại. Bài viết gợi mở một hướng tiếp cận mới trong việc nghiên cứu lịch sử tiếp nhận thư tịch nói chung và Dịch học nói riêng.

1.2.3. Các công trình nghiên cứu nội dung, tư tưởng

Các công trình tiêu biểu gồm có: Quốc văn Chu dịch diễn giải (1925-1940) của Phan Bội Châu; Tìm hiểu Kinh Dịch (1957) của Bửu Cầm; Dịch kinh tân khảo (1958) của Nguyễn Mạnh Bảo; Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông phương (1972) của Nguyễn Hữu Lương; Dịch học tinh hoa (1973), Chu dịch huyền giải (1975), Dịch kinh tường giải (1986) và Hà đồ Lạc thư và Dịch tượng luận (?) của Nguyễn Duy Cần; Kinh Dịch - Đạo của người quân tử (1979) của Nguyễn Hiến Lê; Dịch kinh đại toàn (1996) của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ; v.v.. Nhìn chung, các công trình trên đều đề cập và phân tích ở những mức độ khác nhau về Dịch đồ học Chu Tử, nhưng hầu hết đều dựa trên nguồn tư liệu Trung Quốc cổ cận đại. Nguyễn Mạnh Bảo lại chủ trương lồng ghép và kết hợp phân tích theo quan điểm khoa học tự nhiên của phương Tây, từ đó đề xuất quan điểm mới, nhưng tựu trung còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Công trình của Nguyễn Hữu Lương phân tích chi tiết về 4 trong tổng số 9 đồ hình của Chu Tử là: Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên bát quái Hậu thiên bát quái. Do đó, có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, đây là công trình chuyên khảo duy nhất của học giả Việt Nam về Dịch đồ học Chu Tử.

Các công trình của học giả nước ngoài gồm có: “Tìm hiểu Chu dịch cứu nguyên (1916) của Lê Văn Ngữ (1859-?)” (2001) của Ngô Vĩ Minh; “Nghiên cứu Dịch học Lý học của Lê Ngữ” và “Sự tiếp nối và sáng tân Dịch lý - Vai trò và những vấn đề của Dịch học Lý học Lê Ngữ” (2008) của Hướng Thế Lăng 向世陵; “Nghiên cứu văn bản Chu dịch theo bản của Việt Nam” (2010) của Chung Thái Quân 鍾彩鈞; “Chu dịch cứu nguyên của Lê Văn Ngữ và các giải thích Nho học của ông” (2012) của Sái Chấn Phong 蔡振豐. Nhìn chung, các tác giả thường đi sâu phân tích và lý giải uyên nguyên tư tưởng Dịch học của Lê Văn Ngữ. Riêng Chung Thái Quân thì tập trung làm rõ sự khác biệt về nội dung và quan điểm tiết lược của hai văn bản: Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa (bản in của Đa Văn đường, 1837, AB.539/7-9) và bản sao Chu dịch (AC.367).    

Ngoài ra, cũng có một số công trình mở rộng phạm vi nghiên cứu, hướng tới tìm hiểu mối liên hệ giữa Dịch đồ học với lĩnh vực khoa học khác như Thiên văn học, Y học, Toán học, v.v.. Một số tác giả khác lại chủ trương truy khảo nguồn gốc của Hà đồ - Lạc thư, đồng thời kết hợp với các chứng tích khảo cổ và truyền thuyết dân gian nhằm chứng minh Kinh Dịch có xuất xứ từ Việt Nam, là sản phẩm của Bách Việt.

1.3. Các công trình thư mục, lược truyện tác gia và ghi chép liên quan

1.3.1. Các công trình thư mục và lược truyện tác gia

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 10 bộ thư mục và lược truyện tác gia đề cập đến tư liệu Dịch học nói chung và Dịch đồ học nói riêng. Các bộ tiêu biểu gồm có: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, trình bày khá kỹ vấn đề văn bản của một số tác phẩm Dịch học như Dịch kinh phu thuyết, Dịch phu tùng thuyết, Chu dịch quốc âm ca, Quần thư tham khảo, v.v.. Lược truyện các tác gia Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin hữu ích đối với việc nghiên cứu lịch sử Dịch học Việt Nam thời Trung đại; Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin về tác gia, tác phẩm liên quan. Đặc biệt, các bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu - Bổ diThư mục Nho giáo Việt Nam đã thống kê và tóm lược một số thông tin chính của hơn 30 tác phẩm Dịch học viết bằng chữ Hán, Nôm hoặc song ngữ Hán Nôm như: Dịch kinh phu thuyết, Dịch phu tùng thuyết, Chu dịch quốc âm ca, Hy kinh lãi trắc, Chu dịch vấn giải toát yếu, Dịch kinh giảng nghĩa, Dịch học nhập môn, Trúc Đường Chu dịch tùy bút, v.v.. Đây là tài liệu tra cứu rất hữu dụng đối với việc nghiên cứu nói chung và Dịch đồ học nói riêng.

1.3.2. Các ghi chép liên quan

Nguyễn Hữu Lương cho biết, tính đến năm 1972, Viện Khảo cổ Việt Nam, Sài Gòn (thành lập năm 1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam) còn lưu trữ một bản in Roneo của tác phẩm Dịch kinh sách lược của Ngô Thế Vinh. Mộng Bình Sơn cũng cho biết, tính đến năm 1996, Viện này còn lưu trữ được một bản Hy kinh lãi trắc dưới dạng vi phim. Nguyễn Tô Lan khảo sát Cổ học viện thư tịch thủ sách A.2601/1-11, cho biết thông tin về 3 tác phẩm Dịch học Việt Nam là: Dịch kinh diễn nghĩa, Dịch phạm mật áoNghĩa ba dịch huấn.

1.4. Các công trình dịch thuật, chỉnh lý tư liệu

Công trình dịch thuật đầu tiên về Dịch đồ học Chu Tử là bộ Kinh Dịch nổi tiếng của Ngô Tất Tố do Nhà xuất bản Mai Lĩnh in lần đầu vào năm 1943, sau đó được tái bản nhiều lần. Bộ sách dịch (một phần) Chu dịch đại toàn. Phần Dịch đồ học Chu Tử tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ sách, nhưng nó có ảnh hưởng nhất định đến các nghiên cứu Dịch học ở Việt Nam về sau. Tiếp sau đó là các bản dịch: Dịch kinh đại toàn của Từ Thanh Nguyễn Văn Phúc (1960); Dịch phu tùng thuyết của Trần Lê Nhân (1965); Chu dịch quốc âm ca của Bùi Hạnh Cẩn (1997).  

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa học thuật, công tác chỉnh lý biên soạn tư liệu văn hiến Nho gia ở Việt Nam nói chung và Dịch học nói riêng cũng có những thành tựu mới, tiêu biểu là hai công trình: (1) Dịch phu tùng thuyết (bản hiệu điểm, hiệu khám) thuộc Nho tạng tinh hoa biên - Việt Nam chi bộ đệ nhất sách (ĐH Bắc Kinh, 2013); (2) Dịch phu tùng thuyếtChu dịch cứu nguyên (bản ảnh ấn) thuộc Tùng thư tư liệu Nho học Đông Á (ĐHQG Đài Loan, 2016).

1.5. Một số nhận xét về các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Nhìn chung, hiện trạng nghiên cứu Dịch đồ học Chu Tử tại Việt Nam còn khá nghèo nàn, chưa thực sự có công trình dịch chú, khảo cứu chuyên biệt; Hơn nữa, cũng chưa có bất kỳ một công trình nào nghiên cứu “Dịch đồ học Chu Tử” với tư cách là bộ phận Kinh Dịch thuộc Kinh học - Lý học Nho gia.

Các công trình dịch thuật, nghiên cứu Dịch học Việt Nam của Trần Lê Nhân, Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Phúc Anh, Nguyễn Thanh Tùng, Mai Thu Quỳnh, v.v., tuy đã được triển khai, nhưng khả năng bao quát tư liệu, năng lực chuyên môn sâu và hướng tiếp cận đều cần được phát huy thêm.

1.6. Định hướng nghiên cứu của đề tài

- Làm rõ khái niệm và nội hàm của “Dịch đồ học Chu Tử”; Tổng quan lịch sử vấn đề nghiên cứu về Dịch đồ học Chu Tử nói chung và Dịch đồ học Chu Tử tại Việt Nam nói riêng.

- Xác lập hệ thống tư liệu Dịch đồ học Chu Tử tại Việt Nam thời Trung đại. 

- Phân tích, làm rõ lý do, quan điểm, phương pháp và nội dung luận giải về Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại.

Chương 2. KHẢO SÁT TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ DỊCH ĐỒ HỌC CHU TỬ

Các tư liệu Hán Nôm về Dịch đồ học Chu Tử hiện lưu tại VNCHN, TVQG và một số cơ quan khác ở trong và ngoài nước, ngoài ra còn có một số được tàng trữ trong các thư viện tư nhân và trong dân gian. Căn cứ vào đặc điểm hình thức, nội dung các tư liệu hiện tra cứu và thu thập được, chúng tôi phân chia thành 5 nhóm: Tư liệu Dịch đồ học Trung Quốc lưu truyền ở Việt Nam; Tư liệu tiết yếu; Tư liệu giải nghĩa, diễn ca; Tư liệu khảo luận; Tư liệu ứng dụng. Do phần lớn các văn bản đều không rõ tác giả và niên đại, nên trong từng nhóm, chúng tôi chủ yếu đi theo thứ tự ABC của tên tài liệu. Riêng hai nhóm: Tiết yếu và Ứng dụng, do các thông tin về tác giả, niên đại biên soạn đều rõ ràng, nên chúng tôi xếp theo thứ tự niên đại văn bản.

2.1. Tư liệu Dịch đồ học Trung Quốc lưu truyền ở Việt Nam

2.1.1. Ghi chép qua các bộ thư mục

Các ghi chép trong các bộ thư mục cổ giúp chúng ta hình dung chút ít về nguồn tư liệu Dịch học Hán truyền, đặc biệt về tình hình từ triều Nguyễn trở về sau. Hiện nay, VNCHN lưu trữ được 5 bộ thư mục viết bằng chữ Hán ghi chép về các tư liệu Trung Quốc lưu truyền ở Việt Nam, đó là: Tụ Khuê thư viện tổng mục sách, Nội các thủ sách, Tân thư viện thủ sách, Cổ học viện thư tịch thủ sách và Bắc thư Nam ấn bản mục lục. Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tầm được thêm một bản Mục lục sách Trung Quốc cổ tại thành phố Hồ Chí Minh do Thư viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên mục vào năm 1977. Kết quả khảo sát đã chỉ ra được 22 tác phẩm có nội dung luận giải về Dịch đồ học Chu Tử như: Chu dịch bản nghĩa, Chu Văn Công Dịch thuyết, Học Dịch ký, Chu dịch đồ thư chất nghi, Dịch kinh Lai chú đồ giải, v.v.. Điều đáng chú ý là, hầu hết các tác phẩm này đều đồng thời ghi trong 5 bộ thư mục nêu trên. Ngoài số ít tư liệu phục vụ khoa cử như Dịch kinh đại toàn, Tính lý đại toàn, còn lại đều là những trước tác Dịch đồ học của học giả các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, trong đó bao gồm cả những tác phẩm luận thuật, phát huy Dịch đồ học Chu Tử (như Dịch tượng sao, Chu dịch chiết trung Chu dịch thông luận) và phê phán, bài xích Dịch đồ học Chu Tử (như Học Dịch ký, Dịch Hán họcChu dịch đồ thư chất nghi). Chi tiết này cho phép chúng tôi suy đoán, ở Việt Nam thời Trung đại từng lưu truyền nhiều trước tác Dịch đồ học của Trung Quốc. Trí thức Việt Nam ngoài tiếp thu kinh nghĩa theo quan điểm chính thống, còn nỗ lực tìm tòi, tham khảo các luận thuyết khác.

2.1.2. Ghi chép qua thư tịch Hán Nôm

Chúng tôi cũng đã phân tích những thông tin liên quan được ghi chép trong các thư tịch cổ như Vân đài loại ngữ, Bắc sứ thông lục, Phương Đình tùy bút lục, v.v.. Kết quả cho thấy ở nước ta thời Trung đại từng lưu truyền một số tác phẩm Dịch đồ học Chu Tử như: Vĩ thư Dịch kê lãm đồ, Kiền Khôn tạc độ Hà đồ quát địa tượng, Đại diễn lịch, Hoàng cực kinh thế thư, Ngự toản Chu Tử toàn thư, Mai hoa Dịch số, Kích nhưỡng tập, Tiêu thị Dịch lâm, Thái huyền kinh, Thăng Am kinh thuyết, Hà đồ Lạc thư nguyên suyễn biên và Trọng thị Dịch.

2.1.3. Tư liệu Dịch học Trung Quốc hiện tồn ở Việt Nam

Do nhiều nguyên nhân, nên chúng tôi chưa có điều kiện thống kê đầy đủ các tư liệu Dịch học Trung Quốc hiện tồn ở tất cả các cơ quan lưu trữ tại Việt Nam, mà bước đầu chỉ thống kê theo kết quả biên mục tại VNCHN, TVQG và TVKLS. Kết quả thu thập được phân thành hai nhóm: Một là, các tư liệu bàn về Kinh Dịch, gồm cả Dịch đồ học Chu Tử: Chu dịch bản nghĩa tiệp lục, Dịch học khải mông, Ngự toản Chu dịch chiết trung, Ngự án Dịch kinh tuân bổ đại toàn và một số sách có nội dung liên quan như Lưu Văn An công Thập khoa sách lược, Sách học toản yếu. Hai là, các tư liệu ứng dụng Dịch học và Dịch đồ học Chu Tử gồm: Càn khôn pháp khiếu, La kinh thiên, Bốc Dịch lược biên, Tân san bốc Dịch trang thành, Dã Hạc chiêm nghiệm, Hoàng kim sách phú, Bốc phệ chính tông, Đoán Dịch thiên cơ, Mai hoa Dịch số, Thái ất thống tông bảo giám. Khảo sát bước đầu cho thấy, thực tế số lượng tư liệu Dịch học Hán truyền ở Việt Nam hiện còn rất ít so với những ghi chép trong thư tịch và thư mục cổ, có thể những tư liệu này đã bị thất thoát do chiến tranh, khí hậu, cách bảo quản, chưa được biên mục, hoặc còn ẩn mình trong các cơ quan lưu trữ khác, v.v..

2.2. Tư liệu tiết yếu

Tiết yếu nghĩa là lược bớt, thu gọn và chắt lọc những điều cốt yếu từ nguyên văn sách gốc. Các văn bản tiết yếu kinh điển Nho gia của Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau như: tiết yếu, toát yếu, toản yếu, tiết lược, lược sao, thuyết ước, tiệp lục, ước giải, v.v.. Cách thức tiết yếu phổ biến là gần như giữ nguyên phần kinh văn, chỉ tiết lược phần truyện chú (bao gồm đại chú và tiểu chú). Mục đích chính của việc tiết yếu là nhằm cung cấp cho người học một tài liệu ngắn gọn, giản tiện, phù hợp với chương trình giáo dục khoa cử.

Tư liệu tiết yếu Kinh Dịch và Dịch đồ học Chu Tử hiện còn 7 bộ là: Chu dịch quốc âm ca, Hy kinh đại toàn, Dịch học khải mông thuộc bộ Tính lý toản yếu đại toàn, Dịch kinh đại toàn tiết yếu, Dịch học khải mông thuộc bộ Tính lý đại toàn tiết yếu, Độc Dịch lược sao và Dịch kinh toát yếu. Đối với mỗi tác phẩm, chúng tôi đều phân tích, xác minh các vấn đề tác giả, niên đại biên soạn, sao chép, khắc in, việc lựa chọn bản công bố; Đồng thời giới thiệu vắn tắt về bố cục, nội dung và giá trị học thuật. Trong một số trường hợp, chúng tôi chỉ rõ sự tương đồng và dị biệt về cách thức và quan điểm biên soạn giữa các tác phẩm.

2.3. Tư liệu giải nghĩa, diễn ca

Giải nghĩa, diễn ca là một loại hình văn bản được áp dụng phổ biến cho các tác phẩm Kinh học Nho gia, mục đích chủ yếu là để minh giải nội dung của kinh văn, phục vụ cho giai đoạn sơ học về Nho học. Ngoài ra, diễn ca còn thể hiện sự cảm thụ và trải nghiệm của tác giả đối với nghĩa lý của kinh điển. Các văn bản giải nghĩa, diễn ca kinh điển Nho gia có nhiều tên gọi khác nhau như: giải âm, giảng nghĩa, diễn nghĩa, diễn âm, diễn ca, giải nghĩa diễn ca, quốc âm ca, quốc ngữ ca, v.v. được thực hiện dưới dạng dịch xuôi hoặc dịch thơ (thường là thể thơ lục bát) ra âm Nôm hoặc Quốc ngữ.

Tư liệu giải nghĩa, diễn ca Dịch đồ học Chu Tử hiện còn 3 tác phẩm: 1/ Dịch kinh giảng nghĩa 易經講義, Phạm Đình Hổ giảng nghĩa toàn văn phần Chu Tử đồ thuyết trong Chu dịch đại toàn. Hiện còn 1 bản lưu tại VNCHN, KH: AB.236, 315 trang. 2/ Dịch quái phân phối tiết hậu diễn ca 易分配節候演歌, Phạm Đình Toái soạn năm 1890. Hiện chỉ còn bản sao lại từ bản in năm 1891 ghi trong sách Trung dung diễn ca - Dịch quái diễn ca, lưu tại VNCHN, KH: AB.540. Nội dung diễn ca nội dung “Viên đồ quái khí” (tức Phục Hy lục thập tứ quái phương vị phối hợp với 24 tiết khí trong năm) theo thuyết của Thiệu Tử và Ngọc Trai Hồ thị. 3/ Hy kinh lãi trắc quốc âm 羲經蠡測國音, Phạm Đình Hổ sưu tầm, phiên nôm. Hiện còn 8 bản viết lưu tại VNCHN, TVQG, TVKLS và trong dân gian, với các tên gọi khác nhau, chúng tôi cho rằng cách gọi “Hy kinh lãi trắc quốc âm” là hợp lý hơn cả. Bố cục của 8 văn bản đều gồm 8 phần tương ứng với bố cục Chu Tử đồ thuyết

2.4. Tư liệu khảo luận

2.4.1. Chu dịch cứu nguyên

Lê Văn Ngữ 黎文語 soạn và viết tựa năm 1916. Hiện còn 1 bản viết lưu tại VNCHN, KH: A.2592/1-2, gồm 2 quyển (Thượng, Hạ), 277 trang. Nội dung khảo luận Dịch đồ học Chu Tử thuộc quyển Thượng, ở 4 phần: Chu dịch đồ thuyết, Đồ Thư tiền luận, Đồ Thư hậu luậnQuy Mã khảo luận. Trong từng phần, tác giả đều có những phát hiện và quan điểm mới.

2.4.2. Chư kinh khảo ước - Dịch kinh

Tác phẩm thuộc nội dung quyển 1 (phần Chư kinh khảo ước 諸經考約) sách Phương Đình tùy bút lục 方亭隨筆錄 của Nguyễn Văn Siêu 阮文超 (sau đây gọi là Dịch kinh khảo ước). Bản in năm Tự Đức thứ 35 (1882) do môn sinh là Tiến sĩ Vũ Như/ Nhự 武茹 phụng kiểm. Hiện còn 9 bản in và 1 bản viết lưu tại VNCHN. Theo khảo cứu của Phạm Văn Ánh thì, hai bản VHv.844/1-5 và VHv.845/1-5 đầy đủ và tốt nhất để nghiên cứu. Dịch kinh khảo ước gồm 56 trang (tr.3-58), khảo luận về nguyên lưu của Dịch học, nguồn gốc bản chất của Đồ Thư, nguyên do hình thành quái, hào, tượng, từ trong Kinh Dịch, ưu nhược điểm trong phương pháp giải kinh của chư nho, v.v.. Trong mỗi vấn đề, tác giả đều phân tích, biện luận và đưa ra những quan điểm mới.

2.4.3. Dịch học nhập môn tiên chú bị khảo

Dịch học nhập môn tiên chú bị khảo 易學入門箋注備考, còn có tên là Dịch kinh tham khảo 易經參考, không rõ tác giả. Hiện còn 1 bản viết lưu tại VNCHN, KH: A.865, 279 trang, có đồ hình. Bố cục gồm 10 phần, ngoài phần 1 bàn về nghĩa lệ của quái hào và phần 10 bàn về một số nội dung trong kinh văn Chu dịch ra, các phần còn lại đều khảo luận về Dịch đồ học Chu Tử, tương đồng với bố cục Chu Tử đồ thuyết, sự khác biệt chỉ là văn bản không có phần Văn Vương bát quái thứ tự. Trong từng phần, tác giả đều căn cứ trật tự đại chú của Thiệu Tử, Chu Tử và tiểu chú của các tiên nho để triển khai khảo luận. Bởi vậy, cũng có thể coi đây là tác phẩm chú giải Chu Tử đồ thuyết.  

2.4.4. Dịch nghĩa tồn nghi

Dịch nghĩa tồn nghi 易義存疑, hiện có các tên gọi khác như Dịch học tồn nghi, Chu dịch vấn giải toát yếu, Dịch kinh tồn nghi. Bài Tiểu tự đề năm Gia Long thứ 4 (1805). Hiện còn 7 bản viết, trong đó 4 bản lưu tại VNCHN (A.2044, A.363, A.2474, VHv.2016/2), 1 bản lưu tại TVKLS (H.537), 2 bản sưu tầm (tạm gọi là bản Tam Mỹ đình và bản DNTN-ST). Qua phân tích văn bản, chúng tôi nhận thấy 7 văn bản đều là bản sao vào thời Nguyễn. Mặc dù bản A.2044 ghi tác giả là Phạm Quý Thích, nhưng qua phân tích chúng tôi nhận thấy thông tin đó cần được kiểm chứng thêm. Tác phẩm này thường được đóng chung và có một phần trùng lặp với Dịch phu tùng thuyết, nên chúng tôi suy đoán, tác phẩm này sau khi ra đời đã được lưu truyền rất rộng, tam sao thất bản, dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều dị bản với bố cục và nội dung không thống nhất. Khảo sát 7 văn bản, chúng tôi nhận thấy bản A.2044 là bản cổ và đầy đủ nhất, nên chọn làm bản công bố; Bản H.537 là bản được biên tập chỉnh lý cẩn thận, nên chọn làm bản đối chiếu để nghiên cứu.

2.4.5. Dịch phu tùng thuyết

Dịch phu tùng thuyết 易膚叢說, hiện còn 13 bản viết với các tên gọi khác nhau như Dịch phu tùng ký, Dịch phu tùng quái đính, Dịch phu tùng thuyết đính, Quế Đường Dịch phu tùng thuyết. Trong đó, 9 bản lưu tại VNCHN (A.2044, A.363, Hv.458, A.1420, A.867, A.2474, VHv.2016/2, AC.189, VHv.2652), 3 bản lưu tại TVQG (R.1332, R.1617, R.1608) và 1 bản chúng tôi sưu tầm (tạm gọi là bản DPTT-ST). Khảo sát 13 văn bản, chúng tôi rút ra 3 nhận xét sau:  

Thứ nhất, kết quả khảo cứu cho thấy, nhiều khả năng Dịch phu tùng thuyết là tàn bản Dịch kinh phu thuyết của Lê Quý Đôn. Tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong học giới Nho gia, dẫn tới sự hình thành nhiều dị bản, gắn với tên tuổi của nhiều tác gia Nho học của giai đoạn đó như Nguyễn Nha, Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ, v.v.. Và cũng có thể tác phẩm đã được Phạm Quý Thích hiệu đính trong thời gian ông nhiệm chức Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Hiệu khảo (sau năm 1779). Tuy nhiên, nguyên mạo của bản hiệu đính đó như thế nào, đến nay chúng ta không còn biết được. Bởi vì, trong số 13 văn bản đã khảo sát trên đây, bản A.2044 là bản cổ nhất nhưng vẫn chỉ là bản sao vào khoảng sau năm 1805 đến trước năm 1847. Các bản còn lại đều có niên đại muộn hơn, bản AC.189 được thực hiện sau năm 1854.

Thứ hai, phần Chu Tử đồ thuyết trong các văn bản Dịch phu tùng thuyết cũng được thiết kế theo đúng kết cấu và trật tự của phần Chu Tử đồ thuyết trong Chu dịch đại toàn, điểm khác biệt là, Chu dịch đại toàn gồm 9 đồ, nhưng ở Dịch phu tùng thuyết chỉ có 7 đồ (không có 2 đồ: Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự và Văn Vương bát quái thứ tự).

Thứ ba, bản AC.189 có nhiều ưu điểm như văn bản ghi chép rõ ràng, mạch lạc, ít sai sót, nên chọn làm bản công bố; Đồng thời, sử dụng các bản H.458, A.1420 và A.867 làm bản đối chiếu.   

2.4.6. Hy kinh lãi trắc

Như đã trình bày ở mục Hy kinh lãi trắc quốc âm, bản Đồ hình và Hán văn, cũng tức nội dung quyển Thượng của bộ Hy kinh lãi trắc 羲經蠡測 do Phạm Đình Hổ sưu tầm, biên tập, chỉnh lý. Hai dạng văn bản này hiện còn 6 bản viết lưu tại VNCHN với các KH: A.867, A.1420, A.1388, A.1182 và VHv.1657 và 1 bản lưu tại TVKLS, KH: H.534. Qua khảo cứu các văn bản, chúng tôi rút ra 3 nhận xét sau:

Thứ nhất, về vấn đề tác giả Hy kinh lãi trắc: Bản Đồ hình do Phạm Đình Hổ sưu tầm và lưu trữ vào năm 1786 - khi đó ông mới 19 tuổi, nhưng mãi đến năm 1837 - trước khi qua đời hai năm, ông mới gia công biên tập, chỉnh lý thành sách. Bản Hán văn hiện chưa đủ căn cứ để khẳng định tác giả là Phạm Đình Hổ, có thể Phạm Đình Hổ đã sưu tầm được văn bản này, sau đó ông gia công chỉnh lý, diễn dịch ra Quốc âm và dùng bản Quốc âm để dạy con em trong gia tộc và học trò.

Thứ hai, bộ Hy kinh lãi trắc gồm 2 quyển: Quyển Thượng gồm bản Đồ hình và bản Hán văn (như ở các bản A.867, A.1420 và H.354); Còn quyển Hạ thì là Hy kinh lãi trắc quốc âm. Về bố cục, bản Đồ hình gồm khoảng 51 - 57 đồ hình; Bản Hán văn và bản Quốc âm, bố cục đều gồm 8 phần, sắp xếp theo đúng trật tự 8 phần trong Chu Tử đồ thuyết thuộc Chu dịch đại toàn. Tuy nhiên, do việc sao chép được thực hiện bởi nhiều tác giả ở những thời điểm khác nhau và đều sau năm 1847 nên không tránh khỏi có sự xuất nhập về tên gọi, tổng số đoạn vấn đáp, cách thức trình bày các đoạn, v.v.. 

Thứ ba, về vấn đề chọn bản công bố: Bản Đồ hình, chúng tôi chọn bản H.354, vì đây là bản đầy đủ 57 đồ hình, bản màu, nét chữ và hình vẽ đều rõ ràng, nghiêm cẩn, công phu. Bản Hán văn, chúng tôi chọn bản A.1420 vì bản này chữ viết tốt và ít sai sót. Bản Quốc âm, chúng tôi chọn bản Hợp Thiện vì bản này đầy đủ, sạch đẹp, ít sai sót hơn cả. Trong khi phiên dịch, chúng tôi đồng thời đối chiếu với các bản VHv.2652 và R.1332.

2.4.7. Trúc Đường Chu dịch tùy bút

Trúc Đường Chu dịch tùy bút 竹堂周易隨筆, còn gọi là Dịch kinh sách lược 易經策略, Ngô Thế Vinh 吳世榮, hiệu là Trúc Đường biên soạn xong vào tháng Mười năm Đinh Mùi Thiệu Trị thứ 7 (1847), môn đệ hiệu Hạo Hiên và Tĩnh Phu lưu trữ, Trần Minh Tân người Vị Hoàng sao chép. Tác phẩm hiện lưu tại VNCHN, KH: A.1153, 380 trang. Đây là tác phẩm “tùy bút”, viết theo lối vấn đáp (234 đoạn vấn đáp), nhằm minh giải và phát huy kinh nghĩa, thuận tiện cho việc giảng dạy, học tập và trao đổi học thuật. Nội dung luận giải Dịch đồ học Chu Tử trong tác phẩm này gồm 31 đoạn, trong đó có 15 đoạn bàn về Hà đồ - Lạc thư, 1 đoạn bàn về Phục Hy bát quái thứ tự, 2 đoạn bàn về Phục Hy bát quái phương vị, 2 đoạn bàn về Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự, 6 đoạn bàn về Phục Hy lục thập tứ quái phương vị, 5 đoạn bàn về Văn Vương bát quái phương vị.

2.4.8. Một vài tác phẩm liên quan khác

Chúng tôi còn tra cứu được thêm 3 văn bản hiện lưu tại VNCHN có nội dung thảo luận về Dịch đồ học Chu Tử là: Tham khảo tạp ký 參考雜記 (A.939) và Quần thư tham khảo 群書參考 (A.487) của Phạm Đình Hổ; Suy diễn Dịch thư lập thành quyển 推衍易書立成卷, Dương đại nhân hiệu Vân Đình soạn, bản viết, KH: Paris.SA.PP.2374, gồm 44 trang, giải thích về Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên bát quáiHậu thiên bát quái.

2.5. Tư liệu ứng dụng Dịch đồ học

Ngoài những tác phẩm in lại hoặc sao chép từ Bắc thư ra, VNCHN và TVQG còn lưu giữ được các bộ sách ứng dụng Dịch học trong thuật số và y học do các nhà nho Việt Nam biên soạn, tiêu biểu như: Thái ất dị giản lục của Lê Quý Đôn, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật của Lê Hữu Trác, Y học thuyết nghi của Bùi Thúc Trinh, Y học toản yếu và Phụ tra tiểu thuyết của Lê Văn Ngữ, Ngũ vận lục khí quốc ngữ ca của An Thọ Bút, và một số văn bản địa lý, phong thủy chưa rõ tác giả như: Thiên Nam địa giám bảo thư địa ý chính tông Tả Ao đính tập, Hòa Chính địa lý, Địa lý tiện lãm, An Nam cửu long kinh, An Nam phong thủy, v.v.. Đối tượng khảo sát của Luận án là các luận giải về Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại, nên chúng tôi chỉ lựa chọn các tác phẩm do nhà nho biên soạn. Đối chiếu tác gia và tư liệu hiện tồn, chúng tôi chọn được 5 tác phẩm là: Thái ất dị giản lục của Lê Quý Đôn, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật của Lê Hữu Trác, Y học thuyết nghi của Bùi Thúc Trinh, Y học toản yếu và Phụ tra tiểu thuyết của Lê Văn Ngữ.

Tiểu kết chương 2

Kết quả khảo sát từ nhóm tư liệu Dịch học Hán truyền cho thấy, trên thực tế ở Việt Nam thời Trung đại tồn tại nhiều tác phẩm Dịch đồ học Trung Quốc, bao gồm cả các tư liệu chính thống dùng cho khoa cử và các tư liệu phi chính thống đối lập với quan điểm của Trình - Chu. Mặc dù nguồn tư liệu này hiện không còn nhiều; Quan điểm, mức độ tiếp thu và khả năng vận dụng của Nho gia Việt Nam đối với nguồn tư liệu phi chính thống này cũng cần phải tìm hiểu thêm; Nhưng nó cho phép chúng tôi suy đoán Nho gia Việt Nam thời Trung đại ngoài học tập, tiếp thu quan điểm Dịch học Trình - Chu ra, còn có xu hướng tham khảo rộng truyện chú của lịch đại tiên nho Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh, đồng thời cập nhật các tri thức và tư tưởng mới của Dịch học thời Thanh, điều này thể hiện rõ qua một số thảo luận của Lê Quý Đôn và Nguyễn Văn Siêu. Đây là một vấn đề quan trọng, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Ở các nhóm tư liệu khác, chúng tôi lần lượt trình bày khái lược về văn bản, nội dung và giá trị học thuật của từng tác phẩm. Đối với các tác phẩm có hệ bản phức tạp như Dịch nghĩa, Dịch phuHy kinh, chúng tôi thấy cả ba tác phẩm đều khuyết danh, tồn tại nhiều dị bản và thường đóng chung thành một sách theo cặp: Dịch phu + Dịch nghĩa hoặc Dịch phu + Hy kinh, mặc dù thứ tự sắp xếp có thể khác nhau. Điều đó một lần nữa củng cố thêm suy đoán: Dịch phu được biên soạn trước Dịch nghĩa Hy kinh. Chúng tôi cho rằng, sở dĩ có hiện tượng này là vì cả ba tác phẩm đều được biên soạn để phục vụ chương trình giáo dục khoa cử, đúng như câu “áp dụng vào thời sách” nói trong bài tựa sách Dịch nghĩa tồn nghi. Bởi vậy, sau khi các tác phẩm ra đời, nó mau chóng được lưu truyền và sao chép rộng rãi trong học giới, tam sao thất bản, dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều dị bản với bố cục và nội dung không thống nhất. Nhìn chung, việc phân định và xác lập hệ thống tư liệu ở chương này tạo cơ sở vững chắc để chúng tôi nghiên cứu quan điểm, phương pháp và nội dung luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại ở các chương sau.

 

Chương 3. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN GIẢI DỊCH ĐỒ HỌC CHU TỬ CỦA NHO GIA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Trọng tâm của chương này là tìm hiểu quan điểm và phương pháp luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thời Trung đại, bởi vậy tư liệu khảo sát sẽ tập trung chủ yếu vào 4 nhóm tư liệu: tiết yếu, giải nghĩa diễn ca, khảo luận và ứng dụng. Ngoài ra, trong khi trình bày quan điểm của Nho gia Việt Nam về Dịch đồ học Chu Tử, chúng tôi cũng liên hệ với các ghi chép trong một số thư tịch khác như Vân đài loại ngữ, Nam Sơn tùng thoại, Đông Tác Nguyễn thị gia huấn, Chí Am tự truyện, Lịch triều tạp kỷ, Chu dịch toát yếu, v.v.. 

3.1. Quan niệm của Nho gia Việt Nam về Kinh Dịch và Dịch học Chu Tử

3.1.1. Quan niệm về Kinh Dịch

Nho gia Việt Nam cho rằng Kinh Dịch là bộ sách khó học, khó nắm bắt. Ngôn từ của nó hết sức giản áo, còn nghĩa lý lại hết sức tinh thâm. Nội dung Kinh Dịch rộng lớn mà đầy đủ, gồm trọn đạo của tam tài, tận cùng lẽ biến hóa của thiên địa quỷ thần, suốt hết tình của vạn vật, người học Nghĩa lý có thể thông qua quái hào từ Kinh Dịch để thấu triệt lẽ biến hóa tinh vi của đạo đức tính mệnh, đem nó áp dụng vào việc tu tề trị bình, suy rộng ra có thể mở mang muôn vật, thành tựu muôn vật, định sự nghiệp trong thiên hạ, tham tán vào sự hóa dục của trời đất; người học Tượng số có thể thông qua tượng quẻ lời chiêm để quyết đoán điều ngờ vực, định rõ phải trái trắng đen, mà không mê lầm bởi cát hung hối lận, coi đó là “tấm gương thiêng của một nhà” “để giữ mình xử thế”.     

3.1.2. Quan niệm về Dịch học Chu Tử

Nho gia Việt Nam tôn sùng Chu Tử, đặc biệt đề cao hai tác phẩm Bản nghĩa Khải mông. Các trước tác Dịch học của Nho gia Việt Nam, dù được biên soạn dưới nhiều hình thức, nhưng nội dung đều xoay quanh việc minh giải, xiển thích nghĩa lý của kinh văn và truyện chú của Trình - Chu, đặc biệt là Chu Tử. Không chỉ có vậy, Nho gia Việt Nam còn cảm thấy rất đỗi tự hào khi trở thành “công thần của Trình - Chu”, cũng giống như Trình - Chu là công thần của tứ thánh (Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử) vậy. 

3.2. Quan điểm của Nho gia Việt Nam về Dịch đồ học Chu Tử

Dịch đồ học Chu Tử là thành phần cốt lõi nhất của Kinh Dịch. Nho gia Việt Nam đi sâu luận giải về nội dung này, một mặt là để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục khoa cử; Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu tri nhận, thể nghiệm đối với nghĩa lý Dịch đồ học Chu Tử và vận dụng nó vào trong các lĩnh vực của học thuật và đời sống.

3.2.1. Các quan điểm hoàn toàn tán đồng

Các nhà nho, thậm chí ngay cả các nhà thuật số cũng đều mặc nhiên công nhận các loại đồ thức của Quan Lãng, Chu Đôn Di, Thiệu Ung, v.v. do Chu Tử định bản là định lý bất di bất dịch, là cơ sở lý luận để giải thích Dịch học. Các học giả người Việt không hề quan tâm đến việc biện biệt tính chân ngụy, hay những quan điểm khác nhau xoay quanh Đồ Thư học, mà cố gắng giảng giải, diễn dịch Đồ Thư học theo quan điểm của Thiệu Tử, Chu Tử và Ngọc Trai Hồ thị.

Các tác phẩm luận giải về Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam thường trình bày theo đúng bố cục phần Chu Tử đồ thuyết trong Chu dịch đại toàn. Chủ đề luận giải thường là các nội dung quan trọng thuộc đại chú của Thiệu Tử, Chu Tử và tiểu chú của các tiên nho thời Tống, Nguyên, Minh. Đối với những vấn đề tồn tại nhiều quan điểm khác nhau giữa Thiệu Tử, Chu Tử và các tiên nho, Nho gia Việt Nam thường phân tích kỹ từng thuyết, sau đó đưa ra nhận định. Trong các tác phẩm Dịch phu, Tồn nghi, Hy kinh, Chu dịch tùy bút, Nam Sơn tùng thoại, Nho gia Việt Nam đều khẳng định thuyết của Chu Tử và Thiệu Tử là tương thông và đúng đắn, còn thuyết của các tiên nho thì có khi là sai, có khi là “suy diễn không đúng với bản ý của Chu Tử”, có khi tạm được “coi là một thuyết”, v.v.. Đặc biệt, Ngô Thế Vinh khẳng định Chu Tử soạn sách Bản nghĩaKhải mông, chỉ rõ căn nguyên làm ra Kinh Dịch của thánh nhân, khiến cho “vị trí của Đồ Thư được xác lập mà Dịch tự nhiên của trời đất được sáng tỏ”. Nguyễn Đức Đạt cũng cho rằng Đồ Thư là “vật báu” của trời đất. Trời đất ban Đồ Thư cho các thánh vương Phục Hy, Đại Vũ chính là muốn ban cho muôn đời. 

3.2.2. Các quan điểm tiếp thu trên tinh thần phản biện

Nguyễn Văn Siêu cho rằng, Dịch học Chu Tử bắt nguồn từ Dịch học của Thiệu Tử. Ông đề cao thành quả Đồ Thư học của Chu Tử là đã “lĩnh hội được bản chỉ của Phục Hy, Văn Vương, sau đó làm sáng tỏ tâm truyền của Khổng Tử”, “Sách Khải mông của Chu Tử có công rất lớn đối với Dịch học. Phàm là Đồ Thư, quái hoạch, sách số, chẳng gì là không chỉ bảo tường tận cho học giả, có thể lĩnh hội được môn hộ của thánh nhân Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử”. Đi sâu vào các nội dung Dịch đồ học Chu Tử, Nguyễn Văn Siêu tán đồng quan điểm “Hà đồ 10 số”, “Lạc thư 9 số”, “Hà đồ là trời trao cho Phục Hy”, “Lạc thư là trời trao cho Đại Vũ” của Chu Tử, nhưng không tán đồng các quan điểm “Phục Hy phỏng theo Hà đồ để vạch ra Bát quái, Đại Vũ nhận được Lạc thư rồi đặt ra Cửu trù”, “Hà đồ - Lạc thư làm sợi ngang, sợi dọc với nhau, Bát quái - Cửu chương làm lần trong, lần ngoài với nhau” của Chu Tử. Nhìn chung, Nguyễn Văn Siêu cho rằng “Lý”, “Tượng” và “Số” là ba phạm trù cốt lõi của Kinh Dịch, nhưng ông thiên về quan điểm dùng “Lý” để giải thích Kinh Dịch. Ngay cả đối với quan điểm “Dịch vốn là sách bói” của Chu Tử, Nguyễn Văn Siêu cũng cho đó là “Nghĩa lý trong bốc phệ”. Cũng bởi vậy nên, đối với Đồ Thư học hay Số học, Nguyễn Văn Siêu khẳng định “chẳng phải điều cần kíp cho học giả”.   

Lê Văn Ngữ tuy tán đồng các quan điểm Hà đồ - Lạc thư của Chu Tử, nhưng cách giải thích của ông lại hoàn toàn khác với luận thuyết của Chu Tử và tiên nho. Chẳng hạn, ông giải thích “Long mã”, “Thần quy” là “loài vật tưởng tượng thể hiện sự linh thiêng huyền bí của Đồ Thư”. Sở dĩ Lê Văn Ngữ đưa ra các diễn giải khác với Chu Tử, nguyên nhân sâu xa là bởi tư tưởng vũ trụ sinh thành luận của ông có sự khác biệt căn bản với Chu Tử. Chu Tử coi Thái cực là Lý, còn Lê Văn Ngữ thì coi Thái cực là Khí hóa. Xuất phát từ quan điểm đó, nên Lê Văn Ngữ lại khẳng định đạo Dịch “suy ra từ trong Khí Số” và khi giải thích sự hình thành của Đồ Thư, ông đã lồng ghép thuyết Ngũ vận - Lục khí với vai trò là một khâu trung gian để Phục Hy tạo ra Bát quái, Đại Vũ đặt ra Cửu trù.        

3.3. Phương pháp luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam

3.3.1. Huấn hỗ

Nho gia Việt Nam đã vận dụng phương pháp này trong toàn bộ các tác phẩm luận giải về Dịch đồ học Chu Tử với mức độ và phương thức khác nhau, nhan đề sách và một số từ ngữ như “giảng nghĩa”, “tiên chú”, “khảo ước”, “bị khảo”, “tham khảo”, “huấn thích”, “thích” xuất hiện ở các văn bản đã phần nào cho thấy điều đó. Trong các tác phẩm, phương pháp này chủ yếu được biểu hiện trên hai phương diện là: giải thích âm nghĩa (giải thích âm đọc, nghĩa chữ, biện biệt từ đồng âm khác nghĩa, chú thích danh vật) và khảo đính (khảo dị, đính chính chữ sai, sửa đổi chữ trong chính văn truyện chú).

3.3.1.1. Giải thích âm nghĩa

Nho gia Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tống học, đặc biệt là hệ thống kinh sách Đại toàn, bởi vậy việc giải thích âm nghĩa của kinh điển cũng hoàn toàn dựa theo văn bản Đại toàn. Việc thích nghĩa truyện chú được thực hiện đồng bộ ở tất cả các văn bản Dịch đồ học Hán Nôm, đặc biệt là ở nhóm văn bản tiết yếu, toản yếu và luận giải. Các tác giả đều bám sát bố cục Chu Tử đồ thuyết, nhưng tập trung vào những câu, tiết quan trọng, khó hiểu đáng ngờ, dễ gây hiểu sai trong chính văn đại chú, tiểu chú, sau đó đặt giả thiết vấn đáp để thích nghĩa và minh giải nghĩa lý truyện chú. Bởi vậy, nếu xét về nội dung thì thích nghĩa thực chất là đọc giải kinh truyện. Còn nếu xét về hình thức thì kiểu thích nghĩa này khá tương đồng với phương thức “hoặc vấn”, “biện hoặc” vốn được áp dụng phổ biến trong lịch sử Kinh học Nho gia.

Việc thích nghĩa chủ yếu được áp dụng ở đơn vị câu hoặc tiết. Trong các văn bản Tiết yếu, Toản yếu, chữ dùng để thích nghĩa thường viết nhỏ ngay sát dưới chữ được thích nghĩa, các chú thích thường ngắn gọn, có khi chỉ là một chữ hoặc một câu được lọc ra từ đại chú hoặc tiểu chú. Việc bổ sung chú thích nhằm giúp người đọc tiếp thu ý nghĩa truyện chú một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Còn các văn bản luận giải thì thường trình bày theo lối vấn đáp, nên nội dung thích nghĩa thường chi tiết, tỉ mỉ hơn. Việc thích nghĩa chữ (hoặc từ) tuy không phổ biến, nhưng được áp dụng cho những chữ (hoặc từ) có ý nghĩa quan trọng, dễ gây hiểu sai do đồng âm khác nghĩa, hoặc cho trường hợp cần giải thích tên người, tên sách, học thuyết, v.v.. Nội dung thích nghĩa ở nhóm văn bản luận giải đối với cùng một vấn đề cơ bản tương đồng về nội dung và quan điểm, chỉ khác ở mức độ luận giải là chi tiết hay giản lược, điều này được thể hiện qua đoạn trình bày về thứ tự vận hành của Hà đồ - Lạc thư đồng thời xuất hiện ở bốn văn bản Dịch phu, Nhập môn, Hy kinhChu dịch tùy bút, trong đó Nhập môn thường có xu hướng chi tiết hơn. Mục đích của việc thích nghĩa ngoài minh giải nghĩa lý truyện chú còn hướng tới việc biện biệt đúng sai.   

3.3.1.2. Khảo đính

Kinh điển Nho gia, đặc biệt là kinh sách Đại toàn ở Trung Quốc và Việt Nam vốn được khắc in, thêm bớt nhiều lần, dẫn đến sự hình thành các hệ bản Đại toàn mà nội dung có những khác biệt nhất định. Bởi vậy, khi nghiên cứu văn bản kinh điển, người giải kinh thường sử dụng phương pháp đối chiếu, chỉ ra điểm giống và khác giữa các văn bản, đồng thời căn cứ các kết quả khảo chứng để minh định đúng sai. Nghiên cứu văn bản học hiện đại gọi phương pháp này là “hiệu khám” hoặc khảo đính, thù hiệu, khảo hiệu, khảo dị.

Trong lịch sử Kinh học Việt Nam, các nhà nho rất ít chú ý đến việc khảo cứu văn bản, mục đích chính của họ là minh giải nghĩa lý của kinh truyện nhằm phục vụ khoa cử và vận dụng nó vào việc tu tề trị bình. Nho gia Việt Nam thường chỉ khảo chứng, biện giải và đề xuất phương án đính chính trong trường hợp câu chữ có ảnh hưởng tới nghĩa lý của kinh truyện. Hiện tượng này xuất hiện rải rác trong các văn bản Dịch đồ học Hán Nôm với các dạng thức như: khảo dị, đính chính chữ sai, và sửa đổi chữ. Việc khảo dị đơn thuần chỉ nhằm cung cấp cho người đọc một dị bản khác; Việc sửa đổi chữ cũng không làm thay đổi hàm nghĩa của từ.

3.3.2. Kết hợp đồ với thuyết   

Đồ giải cũng gọi là “đồ thích”, “đồ thuyết”, “đồ tượng”, “đồ điển”, v.v. là một phương pháp thường được áp dụng trong các công trình nghiên cứu Dịch học truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là từ thời Tống trở về sau, khi phái Dịch đồ học đã hình thành và phát triển. Khi áp dụng phương pháp này, người ta thường có xu hướng đem những nội dung nghĩa lý diễn tả dưới dạng thức đồ hình, đồng thời kết hợp với những giải thích ngắn gọn, nhằm cung cấp cái nhìn trực quan, sinh động, khiến người đọc dễ hình dung, nắm bắt và dễ tiếp nhận hơn, đặc biệt là đối với những vấn đề và nội dung khó, phức tạp. Trong phần mở đầu của sách Chu dịch bản nghĩa, Chu Tử đã sử dụng phương pháp này để trình bày về hệ thống “Dịch cửu đồ” mà ông thu tập, tuyển chọn. Bởi vậy “Dịch cửu đồ” của Chu Tử còn được gọi là “Chu Tử đồ thuyết”.

Các trước tác Dịch đồ học của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hệ thống “Dịch cửu đồ” của Chu Tử in trong Chu dịch đại toàn, Tính lý đại toàn và Tính lý hội thông. Bởi vậy, khi trình bày các vấn đề nghĩa lý của Dịch đồ, Nho gia Việt Nam thường kết hợp trình bày các đồ hình Kinh Dịch. Các đồ hình này bao gồm hệ thống “Dịch cửu đồ” của Chu Tử và nhiều đồ hình khác được thu tập từ các sách Dịch học của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận các đồ hình là do Nho gia Việt Nam tự sáng chế ra để minh giải nghĩa lý “Dịch cửu đồ”. Đối với nhóm đồ hình sao lục từ thư tịch Trung Quốc, Nho gia Việt Nam chủ yếu vận dụng để minh giải nội dung nghĩa lý Dịch cửu đồ của Chu Tử. Còn đối với nhóm đồ hình do Nho gia Việt Nam tự sáng chế, nó thể hiện trình độ và năng lực tư duy theo phương thức đồ hình hóa. Tuy nhiên, đồ hình hóa không nhằm mục đích phản bác hay đưa ra một quan điểm mới trái ngược với quan điểm của tiên nho theo kiểu các nhà Dịch học Trung Quốc từng áp dụng đối với Hà đồ - Lạc thư, mà đơn thuần chỉ là một thử nghiệm, thể nghiệm xuất phát từ nhu cầu tri nhận và truyền giảng nghĩa lý “Dịch cửu đồ”.

3.3.3. Dùng Dịch chứng Y, dùng Y chứng Dịch 

Dịch học và Y học Đông phương có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nho y Việt Nam tiếp thu quan điểm đó và trong khi phân tích, họ cố gắng chỉ ra sự tương thông giữa Dịch lý và Y lý, thể hiện qua một số khái niệm, phạm trù như Thái cực, Âm dương, Bát quái trong Kinh Dịch lần lượt tương ứng với Mệnh môn, Thủy hỏa, Tạng phủ trong Y học. Các Nho y tiêu biểu như Lê Hữu Trác, Bùi Thúc Trinh thường dẫn Tiên thiên Hậu thiên bát quái đồ và coi đó là nền tảng lý luận để triển khai các luận thuật về các phạm trù Tiên thiên, Hậu thiên trong Y học. Tuy nhiên, các quan điểm mà Lê Hữu Trác và Bùi Thúc Trinh đưa ra hoàn toàn là tiếp thu từ Y Dịch nghĩa của danh y thời Minh - Trương Giới Tân (), phương thức họ sử dụng là dùng Dịch chứng Y.

Lê Văn Ngữ vừa là một Nho giả, vừa là một Dịch học gia, đồng thời lại một Y gia. Lê Văn Ngữ nghiên cứu Y học xuất phát từ nền tảng Dịch học, dùng Y lý để nghiệm chứng Dịch lý. Ông cho rằng “Y bắt nguồn từ Dịch”, “Y gốc ở Dịch”, nhưng Dịch học gia “không học Y thì không thể sáng tỏ về Dịch”, Y và Dịch có mối liên hệ tương tác, bổ trợ lẫn nhau, “Dịch đạo rạng mà Y lý sáng, Y lý sáng mà Dịch đạo rạng”. Xuất phát từ quan điểm đó, nên trong các luận giải về Y - Dịch, Lê Văn Ngữ thường sử dụng các phương pháp dùng Y chứng Dịch, dùng Dịch chứng Y. Lê Văn Ngữ lại vận dụng học thuyết Ngũ vận - Lục khí để giải thích về khởi nguồn của Dịch và Y; Đồng thời lại dùng Y và Dịch để giải thích và chứng nghiệm thuyết “Kim Hỏa sinh hóa 金火生化” với tư cách là bản thể vô hình, là nguồn cội phát sinh ra thiên địa vạn vật.

Tiểu kết chương 3

Nho gia Việt Nam đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của Kinh Dịch trong hệ thống kinh điển Nho gia, đặc biệt đề cao hai tác phẩm Bản nghĩa Khải mông của Chu Tử. Các trước tác Dịch học của Nho gia Việt Nam, dù được biên soạn dưới nhiều hình thức, nhưng nội dung đều nhằm minh giải, xiển thích nghĩa lý của kinh văn và truyện chú của Trình (Tử) - Chu (Tử), Thiệu (Tử) - Chu (Tử), đặc biệt là Chu Tử. Phương pháp luận giải Dịch đồ học Chu Tử được Nho gia Việt Nam sử dụng phổ biến trong hầu hết các tác phẩm là: Huấn hỗ; Kết hợp đồ với thuyết; và Dùng Dịch chứng Y, dùng Y chứng Dịch. Về mặt quan điểm, một số tác giả hoàn toàn trung thành với Đồ thuyết của Chu Tử, đại biểu là Đặng Thái Phương, Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ và Ngô Thế Vinh, phát huy Dịch học Chu Tử trên tâm thế rất đỗi tự hào khi trở thành “công thần của Trình - Chu”; Một số tác giả khác thì tiếp thu có chọn lọc trên tinh thần phản biện, đại biểu là Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu và Lê Văn Ngữ. Hai nhóm tác giả này tương ứng với hai nhóm tư liệu: Nhóm trước ứng với nhóm tư liệu phục vụ khoa cử, nhóm sau ứng với nhóm tư liệu khảo cứu. Nhóm trước có dung lượng lớn và chiếm ưu thế hơn nhóm sau, nhưng cả hai nhóm đều thể hiện sự nỗ lực suy cứu, giảng minh nghĩa lý thánh kinh, tạo nên sức sống mới, sự phong phú nhiều màu vẻ cho thành tựu Kinh học Việt Nam.

Chương 4. NỘI DUNG LUẬN GIẢI DỊCH ĐỒ HỌC CHU TỬ

CỦA NHO GIA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Các công trình Dịch học Trung Quốc thường phân “Dịch cửu đồ” của Chu Tử làm ba nhóm chính là: “Thiên địa tự nhiên chi Dịch” (tức Hà đồ - Lạc thư); “Tiên thiên chi học” (tức bốn đồ hình của Phục Hy); “Hậu thiên chi học” (tức hai đồ hình của Văn Vương và Quái biến đồ của Khổng Tử). Bởi vậy, ngoài phần mở đầu, tiểu kết, chương này gồm 4 nội dung sau: 4.1. Luận giải về Hà đồ - Lạc thư; 4.2. Luận giải về Phục Hy bát quái thứ tự, Phục Hy bát quái phương vị, Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự, Phục Hy lục thập tứ quái phương vị; 4.3. Luận giải về Văn Vương bát quái thứ tự, Văn Vương bát quái phương vị; 4.4. Luận giải về Quái biến đồ.

4.1. Luận giải về Hà đồ - Lạc thư

Chu Tử cho rằng Hà đồ - Lạc thư là “bản nguyên của tượng số”. Hai đồ này có quan hệ mật thiết, không thể tách rời và cùng được coi là khởi nguồn của Dịch đồ, Dịch kinh và Dịch học nói chung. Các tư liệu Dịch học từ xưa đến nay thường gộp bàn Hà đồLạc thư, nên Hà đồ - Lạc thư cũng thường được gọi chung là “Đồ Thư” hoặc “Hà Lạc” với nghĩa hẹp là chỉ Hà đồLạc Thư, với nghĩa rộng là chỉ nguồn gốc của Kinh Dịch. Trong các tác phẩm Dịch đồ học Việt Nam thời Trung đại, Hà đồ - Lạc thư được xếp cùng nhau theo đúng thông lệ. Thống kê các văn bản có tất cả 45 đồ hình về Hà đồ - Lạc thư.   

Hà đồ - Lạc thư là hai đồ hình quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống “Dịch cửu đồ” của Chu Tử, đóng vai trò nền tảng, 7 đồ hình còn lại đều diễn hóa ra từ đó. Bởi vậy, trong Chu dịch đại toàn, Tính lý đại toàn và các văn bản Hán Nôm, hai đồ này được bàn luận rất kỹ, dung lượng cũng lớn hơn nhiều so với các đồ hình khác. Nho gia Việt Nam ít khảo chứng tính chân ngụy của Đồ Thư, đa phần các nhà nho đều tán đồng quan điểm “Hà đồ 10 số”, “Lạc thư 9 số” của Chu Tử và cố gắng diễn giải cho rõ đặc điểm, phương vị, sự vận hành, tương tác của Đồ Thư theo quan điểm của Chu Tử, Thiệu Tử và tiên nho trình bày trong Chu dịch đại toàn Tính lý đại toàn. Tuy nhiên, một số nhà nho như Nguyễn Văn Siêu, Lê Văn Ngữ, v.v. lại có cách hiểu riêng nguồn gốc của Đồ Thư, về hình tượng “long mã”, “thần quy”, về mối quan hệ giữa Hà đồ - Lạc thư với Bát quái - Cửu trù, v.v..   

4.2. Luận giải về Phục Hy bát quái thứ tự, Phục Hy bát quái phương vị, Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự, Phục Hy lục thập tứ quái phương vị

Phục Hy bát quái thứ tựPhục Hy bát quái phương vị được gọi chung là Phục Hy bát quái đồ, Phục Hy lục thập tứ quái thứ tựPhục Hy lục thập tứ quái phương vị được gọi chung là Phục Hy lục thập tứ quái đồ.

Các văn bản luận giải Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam đều trình bày thống nhất theo đúng trật tự bốn đồ hình in trong Chu dịch đại toàn. Trong khi luận giải, Nho gia Việt Nam đều phân tích rất chi tiết về tên gọi, cấu tạo, đặc điểm của từng đồ hình theo quan điểm của Chu Tử, Thiệu Tử và các tiên nho. Đặc biệt, Nho gia Việt Nam đi sâu phân tích mối liên hệ biến hóa giữa bốn đồ hình: Phục Hy chế tác Phục Hy bát quái thứ tự sau đó “quây lại cho tròn” thì thành Phục Hy bát quái phương vị. Trên Phục Hy bát quái thứ tự, lần lượt chồng một vạch âm, một vạch dương lên tượng Bát quái, qua ba lần chồng thì được 64 tượng Trùng quái, đó tức là Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự. Còn Phục Hy lục thập tứ quái phương vị thì có hai khả năng, một là do Phục Hy lục thập tứ quái thứ tự “quây lại cho tròn” mà thành, hai là do Phục Hy bát quái phương vị diễn hóa ra.

Trong số bốn đồ hình, Phục Hy lục thập tứ quái phương vị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống bốn đồ Tiên thiên của Phục Hy. Cũng chính vì thế nên, Chu dịch đại toàn, Tính lý đại toàn và các văn bản Dịch đồ học Chu Tử của Nho gia Việt Nam đều dành một dung lượng lớn để trình bày, luận giải. Đồ hình này diễn tả nguyên lý Thái cực là khoảng trắng ở chính giữa Đồ, với vai trò là nguồn cội phát sinh vạn sự vạn vật; Đồng thời cũng thể hiện nguyên lý giao dịch, biến dịch, âm dương tiêu trưởng trong Kinh Dịch.

4.3. Luận giải về Văn Vương bát quái thứ tự, Văn Vương bát quái phương vị

Văn Vương bát quái thứ tự, cùng với Văn Vương bát quái phương vị được gọi chung là Văn Vương bát quái đồ. Sách Hy kinh cho biết đồ này còn có một tên gọi khác là Hậu thiên bát quái thứ tự. Chu dịch đại toàn và các văn bản Dịch đồ học Hán Nôm trình bày rất ngắn gọn về Đồ này. Thiệu Tử, Chu Tử cho rằng, Đồ này do Văn Vương làm ra để diễn tả nguyên lý Càn Khôn phụ mẫu, âm dương giao hóa mà sinh lục tử (sáu quẻ tượng con) là Chấn, Khảm, Cấn, Tốn, Ly, Đoài.

Văn Vương bát quái phương vị còn gọi là Văn Vương hậu thiên bát quái hoặc Hậu thiên đồ. Sách Nhập môn ghi là “Văn Vương bát quái phương vị đồ thuyết chính văn”, Hy kinh lại ghi là “Hậu thiên bát quái viên đồ”. Trong số ba đồ hình Hậu thiên, Văn Vương bát quái phương vị là đồ hình phức tạp nhất và có tính ứng dụng cao nhất, nên Chu dịch đại toàn và các văn bản Dịch đồ học của Nho gia Việt Nam đều trình bày chi tiết. Văn Vương bát quái phương vị bắt nguồn từ “thuyết Quái khí” vốn thịnh hành từ thời Hán, dùng để hình dung về động thái vũ trụ thời không nhất thể, có ý nghĩa và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực ứng dụng Dịch học. Đại danh y Việt Nam thế kỷ XVIII là Lê Hữu Trác khẳng định Hậu thiên bát quái có ứng dụng rộng rãi, “người ta dựa theo đó để phân âm dương, quyết tử sinh, suy rộng ra thì từ thiên văn, địa lý, tinh tướng, y bốc, không môn nào là không dựa vào Đồ này để làm khuôn phép”. Khi luận giải về đồ hình này, Nho gia Việt Nam chú trọng phân tích, giải thích sự tương tác giữa các cặp quẻ và công dụng của chúng; Đồng thời, phân tích sự diễn hóa từ Tiên thiên đồ đến Hậu thiên đồ thực chất là chu trình sinh thành, chuyển vận, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau của hai khí âm dương. 

4.4. Luận giải về Quái biến đồ

Quái biến đồ là đồ hình cuối cùng trong hệ thống “Dịch cửu đồ” của Chu Tử. Theo Chu Tử, thuyết Quái biến bắt nguồn từ Khổng Tử. Khổng Tử nhân theo kinh văn Chu dịch của Văn Vương, vận dụng quan hệ biến đổi của các hào trong quẻ, từ đó sáng tác hai thiên Thoán truyện để thích nghĩa kinh văn của Văn Vương. Trên cơ sở đó, Chu Tử khẳng định thuyết Quái biến là Dịch của Khổng Tử. Dịch của Văn Vương và Dịch của Khổng Tử đều thuộc cái học Hậu thiên. Chu Tử nói rõ thuyết Quái biến “chỉ là một nghĩa trong Kinh Dịch, chứ không phải là bản chỉ của việc vạch quẻ làm Kinh Dịch”. Chu Tử lại khảo sát nội dung Thoán truyện, từ đó lập ra 32 đồ hình Quái biến để trình bày cho rõ, nên thuyết Quái biến lại gọi là Quái biến đồ.

Chu Tử muốn vận dụng thuyết Quái biến để lý giải nguyên do hình thành kinh văn Chu dịch. Nho gia Việt Nam ít luận giải về thuyết Quái biến hay Quái biến đồ của Chu Tử. Sở dĩ như vậy là bởi Nho gia Việt Nam cho rằng Quái biến đồ đã được trình bày chi tiết trong sách Khải mông thuộc Tính lý đại toàn. Quan sát các luận giải của Nho gia Việt Nam về Quái biến đồ, chúng tôi nhận thấy các tác giả tập trung giải thích 5 nhóm quẻ mà Chu Tử phân định. Chẳng hạn: Quẻ có một hào âm hoặc một hào dương đều gồm 6 quẻ, đến từ quẻ Phục hoặc quẻ Cấu; Quẻ có hai hào âm hoặc hai hào dương đều gồm 15 quẻ, đến từ quẻ Lâm hoặc quẻ Độn; v.v.. Riêng sách Dịch phu thì chú trọng phân biệt và lý giải nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong cách lựa chọn Quái biến của Trình Tử và Chu Tử.

Tiểu kết chương 4

Nho gia Việt Nam luận giải Dịch đồ học Chu Tử dựa trên bố cục và nội dung Chu Tử đồ thuyết, nhưng có khi giữ nguyên, có khi lược bỏ một số phần. Khi luận giải, Nho gia Việt Nam đồng thời tham khảo một số luận thuyết trong Dịch học khải mông - Tính lý đại toàn, Tính lý hội thôngChu dịch chiết trung. Nhìn chung, khuynh hướng luận giải Dịch đồ học Chu Tử ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX cũng tương tự ở Trung Quốc thời Minh, chủ yếu tông thuật, xiển phát nghĩa lý Dịch đồ học Thiệu (Tử) - Chu (Tử), theo tinh thần “Chu quan Thiệu đới”. Hơn nữa, do mục đích chính của việc luận giải là để phục vụ nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục khoa cử, nên một số vấn đề căn cốt của Dịch đồ học Chu Tử chưa được đặt ra và giải quyết. Tuy nhiên, một bộ phận nhà nho, mà đại diện là Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Lê Văn Ngữ có xu hướng cập nhật, tiếp thu những thành tựu nghiên cứu và tư tưởng mới của Dịch học lịch đại, đặc biệt là Dịch học thời Thanh, từ đó hình thành một số quan điểm mới về “Thái cực”, về mối quan hệ giữa “Lý” và “Khí”, v.v.. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến cá nhân, nó không đủ mạnh để tạo thành một học phái phê Chu, phản Chu, bài Chu như ở Trung Quốc thời Thanh hoặc Nhật Bản thời Đức Xuyên.

KẾT LUẬN

1. Luận án đã xây dựng một cơ sở dữ liệu Hán Nôm tương đối đầy đủ về Dịch đồ học Chu Tử tại Việt Nam. Các tư liệu được chia thành 5 nhóm: Bắc thư (sách Trung Quốc lưu truyền ở Việt Nam), Tiết yếu, Giải nghĩa - Diễn ca, Khảo luận, và Ứng dụng. Trong mỗi nhóm, Luận án đều phân tích và xác định rõ tác giả, năm biên soạn, sao chép, khắc in, bố cục, nội dung và giá trị học thuật của từng tác phẩm.

2. Nho gia Việt Nam đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của Kinh Dịch trong hệ thống kinh điển Nho gia. Nho gia Việt Nam đánh giá cao hai tác phẩm Bản nghĩa Khải mông của Chu Tử; Đặc biệt đề cao công lao “khôi phục cổ kinh”, “vâng theo tâm pháp của thánh nhân, mở mang cho hậu học”, khiến “Dịch của Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, sau nghìn đời lại được hoàn bị”. Bởi vậy, các trước tác Dịch học của Nho gia Việt Nam, dù được biên soạn dưới nhiều hình thức, nhưng nội dung đều nhằm minh giải, xiển thích nghĩa lý của kinh văn và truyện chú của Trình - Chu, Thiệu - Chu, đặc biệt là Chu Tử. Với nguồn tư liệu hiện tồn, có thể thấy rõ hai nhóm tác giả nhà nho: Nhóm thứ nhất hoàn toàn trung thành với Đồ thuyết của Chu Tử, đại biểu là Đặng Thái Phương, Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ và Ngô Thế Vinh, phát huy Dịch học Chu Tử trên tâm thế rất đỗi tự hào khi trở thành “công thần của Trình - Chu”. Nhóm thứ hai tiếp thu có chọn lọc trên tinh thần phản biện, đại biểu là Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu và Lê Văn Ngữ. Hai nhóm tác giả này tương ứng với hai nhóm tư liệu: Nhóm trước ứng với nhóm tư liệu phục vụ khoa cử (tùng thuyết, tiết yếu, toản yếu, toát yếu, tồn nghi, lãi trắc, sách lược), nhóm sau ứng với nhóm tư liệu khảo cứu (loại ngữ, khảo ước, cứu nguyên). Nhóm trước có dung lượng lớn và chiếm ưu thế hơn nhóm sau, nhưng cả hai nhóm đều thể hiện sự nỗ lực suy cứu, giảng minh nghĩa lý thánh kinh, tạo nên sức sống mới, sự phong phú nhiều màu vẻ cho thành tựu Kinh học Việt Nam.

3. Phương pháp luận giải Dịch đồ học Chu Tử mà Nho gia Việt Nam sử dụng phổ biến trong hầu hết các tác phẩm là: Huấn hỗ; Kết hợp đồ với thuyết; Dùng Dịch chứng Y, dùng Y chứng Dịch. Cách giải thích âm nghĩa của Nho gia Việt Nam hoàn toàn căn cứ theo nội dung Chu dịch đại toàn; Khảo dị đơn thuần chỉ nhằm cung cấp thêm một cứ liệu văn bản; Đính chính chữ sai không dựa trên các kết quả khảo cứu, mà thuần túy bằng phán đoán theo logic của nội dung kinh truyện và các tri thức nền tảng tiếp nhận được, do đó phương pháp này thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp mà nội dung truyện chú không thông suốt. Kết hợp đồ với thuyết tuy không phải phương pháp mới, nhưng thể hiện trình độ và năng lực tư duy của Nho gia Việt Nam theo phương thức đồ hình hóa. Những vấn đề nghĩa lý trong kinh truyện Chu dịch được diễn tả dưới dạng đồ hình, nhằm đem lại sự thuận tiện cho quá trình giảng học và thể hiện nhu cầu tiếp nhận, thử nghiệm, thể nghiệm đối với nghĩa lý Dịch đồ.

4. Khi luận giải về Dịch đồ học Chu Tử, Nho gia Việt Nam thường giảng nghĩa, luận giải nghĩa lý theo từng nội dung của phần Chu Tử đồ thuyết thuộc quyển Thủ sách Chu dịch đại toàn. Ở một số trường hợp, Nho gia Việt Nam cũng đồng thời tham khảo các luận thuyết của Thiệu Tử, Chu Tử và tiên nho, đặc biệt là Ngọc Trai Hồ thị trong sách Dịch học khải mông thuộc Tính lý đại toàn Tính lý hội thông. Nhìn chung, các luận giải đều thống nhất về nội dung và quan điểm, sự khác biệt chỉ là mức độ và cách thức luận giải ngắn gọn hay chi tiết. Đối với các trường hợp mà quan điểm giữa Thiệu Tử, Chu Tử và các tiên nho có sự khác biệt, Nho gia Việt Nam thường phân tích kỹ từng quan điểm, sau đó chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau. Trong một chừng mực nhất định, Nho gia Việt Nam cũng đưa ra các quan điểm riêng, nhưng đa phần đều giữ thái độ ôn hòa, chiết trung, khẳng định sự tương thông giữa thuyết của Chu Tử và Thiệu Tử, thuyết của Chu Tử là sự phát huy tích cực thuyết của Thiệu Tử. Gián hoặc cũng có trường hợp Nho gia phê phán quan điểm của tiên nho là suy diễn theo ý riêng, làm sai lệch và đi ngược lại tôn chỉ, bản ý của Chu Tử. Nói tóm lại, khuynh hướng luận giải Dịch đồ học Chu Tử ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX cũng tương tự ở Trung Quốc thời Minh, chủ yếu tông thuật, xiển phát nghĩa lý Dịch đồ học Thiệu - Chu, theo tinh thần “Chu quan Thiệu đới”. Hơn nữa, do mục đích chính của việc luận giải là để phục vụ nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục khoa cử, nên một số vấn đề căn cốt của Dịch đồ học Chu Tử chưa được đặt ra và giải quyết. Trong khi luận giải từng đồ hình, tuy Nho gia Việt Nam đã phân tích mối liên hệ giữa một số cặp đồ hình, nhưng chưa đưa ra những lý giải thấu đáo về nguyên nhân và mục đích sâu xa của việc Chu Tử xác lập hệ thống “Dịch cửu đồ”, về mối liên hệ giữa 9 đồ hình, giữa Dịch Tiên thiên và Dịch Hậu thiên, vai trò và tầm quan trọng của Hà đồ - Lạc thư, Phục Hy bát quái thứ tự trong toàn bộ hệ thống “Dịch cửu đồ”, v.v..

5. Một bộ phận nhà nho, mà đại diện là Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Lê Văn Ngữ có xu hướng cập nhật, tiếp thu những thành tựu nghiên cứu và tư tưởng mới của Dịch học lịch đại, đặc biệt là Dịch học thời Thanh, v.v., từ đó hình thành một số quan điểm mới về Thái cực, về mối quan hệ Lý - Khí, chẳng hạn Lê Quý Đôn và Lê Văn Ngữ đều cho rằng Thái cực là Khí hóa, Lý ngụ trong Khí, v.v.. Nguyễn Văn Siêu đứng trên lập trường Nghĩa lý để giải kinh, ông cho rằng toàn bộ học vấn trong Kinh Dịch chỉ là một “Lý Thái cực”, tượng số tuy muôn hình vạn trạng, cổ kim thế biến dẫu vô cùng, nhưng Lý thì chỉ có một - Lý ấy bao hàm sự tương tác bắt rễ trong nhau của Âm - Dương, Động - Tĩnh. Không chỉ có vậy, Nguyễn Văn Siêu còn khẳng định Chu Tử tuy bàn về bốc phệ nhưng thực chất đó là “nghĩa lý hàm chứa trong bốc phệ”. Thế nhưng, đối với Dịch đồ học, ông tỏ ý không tán thành quan điểm về Hà đồ - Lạc thư của Chu Tử nói riêng và việc đặt hệ thống “Dịch cửu đồ” lên trước Dịch kinh Dịch truyện nói chung; Đồng thời khẳng định Số học, Tượng học, Đồ Thư học là những thứ chưa thực sự cần kíp cho học giả. Từ đó có thể thấy, Nguyễn Văn Siêu đề cao và chủ yếu tiếp thu phần Nghĩa lý mà coi nhẹ phần Tượng số, Đồ Thư trong Dịch học Chu Tử. Hay nói cách khác, Chu Tử muốn đem Nghĩa lý - Tượng số - Đồ Thư hợp làm một thể trong Kinh Dịch, thì Nguyễn Văn Siêu lại cố gắng phân tách và gạt bỏ phần Tượng số - Đồ Thư ra khỏi Kinh Dịch. Nhưng đó chỉ là những ý kiến cá nhân, nó không đủ mạnh để tạo thành một học phái phê Chu, phản Chu, bài Chu như ở Trung Quốc thời Thanh hoặc Nhật Bản thời Đức Xuyên.

6. Một số hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Nhóm tư liệu Dịch học Hán truyền qua ghi chép trong thư tịch Hán Nôm và thư mục cổ triều Nguyễn cho thấy, trên thực tế ở Việt Nam thời Trung đại tồn tại nhiều tác phẩm Dịch đồ học Trung Quốc, bao gồm cả các tư liệu chính thống dùng cho khoa cử và các tư liệu phi chính thống đối lập với quan điểm của Trình - Chu. Mặc dù nguồn tư liệu này hiện không còn nhiều; Quan điểm, mức độ tiếp thu và khả năng vận dụng của Nho gia Việt Nam đối với nguồn tư liệu phi chính thống này cũng cần phải tìm hiểu thêm; Nhưng nó cho phép chúng tôi suy đoán Nho gia Việt Nam thời Trung đại ngoài học tập, tiếp thu quan điểm Dịch học Trình - Chu ra, còn có xu hướng tham khảo rộng truyện chú của lịch đại tiên nho Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh, đồng thời cập nhật các tri thức và tư tưởng mới của Dịch học thời Thanh, điều này thể hiện rõ qua một số thảo luận của Lê Quý Đôn và Nguyễn Văn Siêu. Đây là một vấn đề quan trọng, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

- Trong quá trình sưu tầm, tra cứu, tìm hiểu, chúng tôi cũng định hình ra một số hướng nghiên cứu tiếp theo như: Tìm hiểu sự lưu truyền và ảnh hưởng của nguồn tư liệu Dịch đồ học Trung Quốc tại Việt Nam; Dịch đồ học Chu Tử trong tương quan với chương trình giáo dục và chế định khoa cử; Sự ảnh hưởng và vận dụng Dịch đồ học Chu Tử trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian và mỹ thuật tôn giáo truyền thống, v.v...

 

Tác giả: ussh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây