Ngôn ngữ
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------------
Lê Phương Duy
XUÂN THU QUẢN KIẾN: VẤN ĐỀ VĂN BẢN
VÀ TƯ TƯỞNG NHO HỌC CỦA NGÔ THÌ NHẬM
Chuyên ngành: Hán Nôm
Mã số: 62 22 01 04
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM
Hà Nội - 2020
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------------
Lê Phương Duy
XUÂN THU QUẢN KIẾN: VẤN ĐỀ VĂN BẢN
VÀ TƯ TƯỞNG NHO HỌC CỦA NGÔ THÌ NHẬM
Chuyên ngành: Hán Nôm
Mã số: 62 22 01 04
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM
Hà Nội - 2020
Công trình được hoàn thành tại:
game đánh chắn online đổi thưởng , Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn
Giới thiệu 1 ..................................................................................
Giới thiệu 2...................................................................................
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, họp tại game đánh chắn online đổi thưởng , ĐHQGHN
vào hồi:.......giờ.......ngày.......tháng.......năm.......
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Xuân thu quản kiến được Ngô Thì Nhậm biên soạn trong khoảng 5 năm lánh nạn Kiêu binh Tam phủ (1782 - 1786). Đây có thể coi là tác phẩm luận giải trên quy mô toàn bộ kinh Xuân thu đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. So với các tác phẩm luận giải Kinh học cùng giai đoạn, Xuân thu quản kiến có dung lượng đồ sộ hơn cả. Và không chỉ lớn về mặt dung lượng, tác phẩm này còn hàm chứa rất nhiều giá trị tư tưởng học thuật cần được khai thác và làm sáng tỏ. Xuân thu quản kiến có lẽ không chỉ là nơi để Ngô Thì Nhậm ký thác tâm sự, nói lên tiếng lòng của mình trước thời cuộc, đặc biệt là những dính líu của bản thân với vụ án năm Canh Tý (1780), mà còn thể hiện tầm vóc trí tuệ, học vấn, cũng như hoài bão, ước vọng của ông khi muốn dựa vào việc luận giải kinh Xuân thu nhằm tìm một lối thoát cho bản thân và xã hội đương thời. Vì vậy, việc nghiên cứu Xuân thu quản kiến có ý nghĩa và đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu về con người, học thuật, tư tưởng của Ngô Thì Nhậm. Đồng thời, việc nghiên cứu Xuân thu quản kiến còn có thể góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề của tư tưởng Nho học, Kinh học Việt Nam giai đoạn này.
Dù được giới thiệu từ khá sớm, nhưng cho tới nay, chúng ta có rất ít những công trình nghiên cứu, tiếp cận một cách chuyên biệt, chuyên sâu về Xuân thu quản kiến cả về vấn đề văn bản cũng như vấn đề nội dung, tư tưởng. Dựa trên việc nắm bắt tình hình nghiên cứu, hiện trạng tư liệu, xác định mục tiêu và tính khả thi của đề tài, cũng như nhu cầu và khả năng nghiên cứu của cá nhân, chúng tôi quyết định lựa chọn tác phẩm Xuân thu quản kiến là đối tượng nghiên cứu cho luận án: Xuân Thu quản kiến: Vấn đề văn bản và tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm.
2. Mục tiêu khoa học
Trước hết, luận án thông qua công tác nghiên cứu văn bản học để làm rõ tình hình văn bản của Xuân thu quản kiến, xác định chất lượng văn bản và lựa chọn bản đáng tin cậy phục vụ dịch thuật, nghiên cứu. Thứ tới, trên cơ sở khai thác trực tiếp nguyên điển Xuân thu quản kiến, luận án tập trung nghiên cứu một số hoạt động kinh học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến, từ đó tiến tới làm rõ một số tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm thể hiện trong tác phẩm và đưa ra những nhận định, đánh giá.
3. Đối tượng nghiên cứu - Phạm vi tư liệu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tác phẩm Xuân thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm, trong đó tập trung vào các vào vấn đề văn bản, hoạt động Kinh học và tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm.
3.2. Phạm vi tư liệu
Phạm vi liệu của luận án là văn bản Xuân thu quản kiến (gồm 3 dị bản A.117; VHv.806; VHv.807 hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Bên cạnh đó các di văn của Ngô Thì Nhậm như Kim mã hành dư, Thuỷ vân nhàn vịnh, Hàn các anh hoa… có thể cung cấp thông tin bổ trợ cho việc tìm hiểu tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến cũng là những tư liệu mà đề tài quan tâm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
+ Phương pháp ngữ văn học, phiên dịch học để minh giải nội dung văn bản tác phẩm Xuân thu quản kiến.
+ Phương pháp văn bản học, tỵ huý học để giải quyết các vấn đề văn bản (khảo sát, lựa chọn bản nền, đối chiếu dị bản, xác định niên đại, công bố bản đáng tin cậy...) của Xuân thu quản kiến.
+ Phương pháp nghiên cứu kinh học, thuyên thích học để khai thác và giải mã những nội dung tư tưởng, nghĩa lý trong tác phẩm
+ Các phương pháp mô tả, phân tích, thống kê, phân loại, so sánh, đối chiếu (đồng đại, lịch đại)....sẽ được sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu.
+ Ngoài ra, đề tài còn kết hợp sử dụng các phương pháp tiếp cận liên ngành của lịch sử, lịch sử tư tưởng, văn hoá,...
5. Đóng góp của luận án
- Luận án tiến hành tổng thuật được tình hình nghiên cứu, dịch thuật liên quan đến đề tài từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay. Trên cơ sở đó đánh giá những thành tựu, thiếu khuyết của những công trình đi trước.
- Khảo sát, đối chiếu, lập bảng khảo dị một số bộ phận trong 3 dị bản Xuân thu quản kiến, đưa ra nhận định về chất lượng, phỏng đoán niên đại và lựa chọn được văn bản VHv.807 làm bản đáng tin cậy phục vụ dịch thuật, nghiên cứu.
- Chỉ ra quan điểm của Ngô Thì Nhậm về sự ra đời và ý nghĩa, giá trị của kinh Xuân thu, mục đích biên soạn Xuân thu quản kiến.
- Quy nạp và trình bày 04 phương pháp chủ đạo được Ngô Thì Nhậm sử dụng để luận giải kinh Xuân thu.
- Nghiên cứu và làm rõ một số vấn đề về thể lệ (bút pháp) và đại nghĩa Xuân thu được luận giải trong tác phẩm.
- Nghiên cứu và làm rõ tư tưởng của Ngô Thì Nhậm ở các phương diện như thiên nhân cảm ứng, đạo đức - tu dưỡng, chính trị, quân sự. Bước đầu có sự đối sánh giữa tư tưởng của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến với một số tác phẩm khác của ông, chỉ ra một số nhân tố từ bối cảnh lịch sử tác động đến hoạt động luận giải kinh điển và tư tưởng của Ngô Thì Nhậm.
- Cung cấp một bản dịch chú (tuyển chọn) Xuân thu quản kiến có chất lượng tốt để phục vụ nghiên cứu.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án được chia thành 4 chương.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và định hướng nghiên cứu.
Chương 2: Những vấn đề văn bản của Xuân thu quản kiến
Chương 3: Hoạt động kinh học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến
Chương 4: Tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
1.1. Khái lược về kinh truyện Xuân thu
Xuân thu 春秋 là một trong các bộ kinh điển Nho gia và cũng là bộ sử theo thể biên niên sớm nhất hiện còn của Trung Quốc. Tương truyền Xuân thu do Khổng Tử căn cứ vào sử thư nước Lỗ san định nên. Xuân thu có ba bộ truyện là Tả thị truyện, Công Dương truyện và Cốc Lương truyện, gọi chung là Xuân thu Tam truyện 春秋三傳. Đến đời Tống, xuất hiện bộ Xuân thu Hồ thị truyện 春秋胡氏傳 do Hồ An Quốc biên soạn. Bộ sách này có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế. Tam truyện 三傳 cùng với Trình truyện 程傳, Hồ truyện 胡傳 cũng được gọi là Xuân thu Ngũ truyện.
1.2. Giải thích khái niệm
+) Xuân thu học
Xuân thu học là một bộ phận của Kinh học, chuyên nghiên cứu về Xuân thu cùng các trước tác chú giải, luận giải bộ kinh này của Nho gia lịch đại và các vấn đề liên quan.
+) Thể lệ
“Thể lệ” 體例 Xuân thu còn được gọi là “lệ” 例, “bút pháp” 筆法, “thư pháp” 書法, “nghĩa lệ” 義例. “Thể lệ” là căn cứ, là phương tiện để cầu tìm “vi ngôn đại nghĩa” Xuân thu trong văn tự. Người xưa quan niệm khi Khổng Tử tu soạn Xuân thu “cái gì đáng chép thì chép, cái gì đáng bỏ thì bỏ” (筆則筆,削則削). Trong việc “bút tước” của Khổng Tử là có nguyên tắc. Đó chính là thể lệ hay nguyên tắc ghi chép, chỉnh lý Lỗ sử của Khổng Tử.
+) Đại nghĩa:
Đại nghĩa Xuân thu được lịch đại học giả công nhận là tư tưởng chính trị của Khổng Tử gửi gắm trong Xuân thu. Đại nghĩa Xuân thu chủ yếu gồm Chính danh tự 正名字, định danh phận 定名分, ngụ bao biếm 寓褒貶, tôn Vương nhương Di 尊王攘夷, đại nhất thống 大一統.
+) Vi ngôn
“Vi ngôn” là những lời nói sâu kín, vi ẩn, không thể hiện ra ngoài ngôn từ. Tưởng Bá Tiềm giải thích “vi ngôn” rằng: “Ngoài “đại nghĩa”, Xuân thu còn có “vi ngôn”. “Vi ngôn” chính là việc cải lập pháp chế, nhằm đưa thiên hạ đạt tới thái bình. Khổng Tử thông qua việc “tá sự minh nghĩa” để gửi gắm lý tưởng chính trị của mình vào vào Xuân thu”. “Đại nghĩa” thì có thể cầu tìm trong văn tự, nhưng “vi ngôn” thì không thể dùng lời để bàn luận được.
+) Quản kiến
“Xuân thu quản kiến” có nghĩa là kiến giải một cách hạn hẹp về kinh Xuân thu, là cách đặt nhan đề mang tính tự khiêm của Ngô Thì Nhậm. Song, dù là “quản kiến”, nhưng mục đích trước thuật, mức độ quan tâm và nội dung luận giải của Ngô Thì Nhậm thể hiện trong tác phẩm không hề hạn hẹp.
1.3. Tình hình nghiên cứu, dịch thuật liên quan đến đề tài
Với tư liệu hiện có, ta có thể khái quát tình hình nghiên cứu, dịch thuật liên quan đến đề tài ở 3 phương diện:
1.3.1. Tình hình nghiên cứu tác giả, văn bản Xuân thu quản kiến và công tác khảo dị, hiệu điểm
1.3.1.1. Vấn đề tác giả
Xuất phát từ thông tin trong hai bản dịch Lịch triều hiến chương loại chí (bản của Nxb Sử học, 1961 và bản của Uỷ ban dịch thuật, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974) nói tác giả của Xuân thu quản kiến là Ngô Thì Sỹ, Mai Ngọc Hồng đã khảo cứu tư liệu và khẳng định lại tác giả Xuân thu quản kiến là Ngô Thì Nhậm chứ không thể là Ngô Thì Sỹ.
1.3.1.2. Vấn đề văn bản và công tác khảo dị, hiệu điểm
Ở phương diện này, có thể kể đến những công trình như: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam - tập 2 của Trần Văn Giáp, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm - Tiểu dẫn - tập 2; Ngô Thì Nhậm tác phẩm - tập 4 (Mai Quốc Liên chủ biên); Ngô Thì Nhậm toàn tập - tập 4 (Lâm Giang chủ biên); Phần Hiệu điểm thuyết minh về Xuân thu quản kiến trong Nho tạng - Tinh hoa biên của Đinh Thanh Hiếu. Có thể nhận định, phần giới thiệu về văn bản Xuân thu quản kiến trong các công trình nói trên (trừ bản Nho tạng) cũng mới chỉ dừng lại ở mức mô khái quát, sơ lược.
1.3.2. Tình hình nghiên cứu Xuân thu quản kiến và tư tưởng của Ngô Thì Nhậm
1.3.2.1 Những công trình nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, Nho học Việt Nam
Những công trình nghiên cứu thuộc nhóm này không nhiều. Đầu tiên có thể kể đến công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam - tập 1, Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1997. Trong chương XXIII, các tác giả đã trích dẫn một vài đoạn của Xuân thu quản kiến để trình bày về tư tưởng chính trị - xã hội, tư tưởng triết học, đạo làm người của Ngô Thì Nhậm, nhưng luận điểm và đánh giá còn khá sơ lược.
Luận án Phó Tiến sĩ Những xu hướng của Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX và sự tác động của nó tới văn học của Nguyễn Kim Sơn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 1996), là công trình đầu tiên giành riêng một phần để trình bày về Xuân thu quản kiến từ góc độ Kinh học. Những nhận định, đánh giá trong đó có tính chất chỉ nam, gợi mở rất hữu ích cho người nghiên cứu sau này.
Trong Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam do Phan Đại Doãn chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, 1998, nhóm tác giả cũng đã giới thiệu qua về tác phẩm và phương thức tiếp cận kinh điển của Ngô Thì Nhậm.
Trước hết, cuốn sách Ngô Thì Nhậm - con người và sự nghiệp do Văn Tân chủ biên, Ty Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản năm 1974 đã trích dẫn một số đoạn của Xuân thu quản kiến làm minh chứng để trình bày về một số tư tưởng chính trị, quan niệm về cuộc sống và đạo đức của Ngô Thì Nhậm.
Công trình Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn của Mai Quốc Liên do Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1985 cũng đã giới thiệu qua về bối cảnh ra đời và một số nội dung của Xuân thu quản kiến, cũng như bước đầu đưa ra những đánh giá của mình.
Hai luận án Tư tưởng Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) của Trần Ngọc Ánh (bảo vệ tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, 2006) và Tư tưởng chính trị xã hội của Ngô Thì Nhậm của Trần Thị Thuý Ngọc (bảo vệ tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQGHN, 2019), cũng đã sử dụng Xuân thu quản kiến để trình bày về một số tư tưởng của Ngô Thì Nhậm. Nhưng nhìn chung, cả hai tác giả chưa khai thác được nhiều thông tin từ Xuân thu quản kiến.
1.3.2.3. Những công trình nghiên cứu chuyên biệt về Xuân thu quản kiến
Ngoài luận án kể trên, Trần Thị Thuý Ngọc còn có những công trình liên quan trực tiếp đến Xuân thu quản kiến như bài viết 吳時任的春秋管見的管見 (Quản kiến trong Xuân thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm) trong hội thảo quốc tế「越南儒學與近代東亞」(Nho học Việt Nam và Đông Á thời Cận đại) tổ chức ở Đại học Từ Tế, Đài Loan, 2012 và bài viết Sự chuyển biến tư tưởng của Ngô Thì Nhậm từ Xuân thu quản kiến tới Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Tạp chí Triết học, số 7, 2015. Tuy nhiên,những phân tích, nhận định của tác giả còn vắn tắt. Và phần lớn dữ liệu được sử dụng dựa trên bản dịch đã có, chứ không khai thác từ văn bản gốc.
1.3.3. Tình hình dịch thuật Xuân thu quản kiến
Có thể coi tập sách Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII (trích tuyển tư liệu), 2 tập, Viện Triết học, Uỷ ban KHXHVN, 1972 là tư liệu đầu tiên tuyển dịch Xuân thu quản kiến. Tập sách này đã giới thiệu qua về Ngô Thì Nhậm và tư tưởng chính trị, tư tưởng triết học của ông, đồng thời tuyển dịch 5 mục của Xuân thu quản kiến.
Tiếp đến là Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (tập 2), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1978 đã giới thiệu qua về vấn đề văn bản và nội dung Xuân thu quản kiến, đồng thời tuyển dịch 7 mục của sách này. Trong đó 5 mục đầu, lời văn dịch đại đồng tiểu dị so với 5 mục trong tập Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII (trích tuyển tư liệu), có lẽ đã có sự kế thừa.
Tổng tập văn học Việt Nam - tập 7, Nguyễn Lộc chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 2000 và Tuyển tập Ngô gia văn phái - tập 1, Trần Thị Băng Thanh và Lại Văn Hùng đồng chủ trì có giới thiệu bài tựa Xuân thu quản kiến, bản dịch này chính là bản dịch trong Tuyển tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm.
Trong hai bộ giới thiệu thơ văn Ngô Thì Nhậm có quy mô khá đồ sộ là Ngô Thì Nhậm tác phẩm, 4 tập, Mai Quốc Liên chủ biên (Nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2002) và Toàn tập Ngô Thì Nhậm, 5 tập Lâm Giang chủ biên (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005), đã giành ra những tập riêng để giới thiệu và tuyển dịch Xuân thu quản kiến.
1.3.4. Một số nhận xét
Nhìn một cách bao quát, cho đến thời điểm này, chúng ta có rất ít những công trình nghiên cứu một cách chuyên biệt, chuyên sâu về Xuân thu quản kiến. Những công trình hiện có hoàn toàn của học giới Việt Nam, đa phần mới dừng lại ở mức độ giới thiệu, nghiên cứu trường hợp, sơ bộ, góc độ, phạm vi tiếp cận nhỏ hẹp và phương pháp, định hướng nghiên cứu chưa được xác lập rõ ràng. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đạt được không nhiều.
1.4. Định hướng những vấn đề nghiên cứu chủ yếu của luận án
Dựa trên việc tổng thuật tình hình nghiên cứu, luận án phác định ra ba hướng nghiên cứu sẽ triển khai là: 1. Về vấn đề văn bản. 2. Về vấn đề Xuân thu học. 3. Về vấn đề tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm.
Tiểu kết chương 1
Các công trình giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật mà Chương 1 đã tổng thuật mới chỉ khai thác một cách rất hạn chế về Xuân thu quản kiến, đa phần chỉ là một bộ phận nhỏ trong một công trình lớn nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, lịch sử Nho học Việt Nam hay tư tưởng của Ngô Thì Nhậm. Từ tình hình nghiên cứu trên, để khắc phục những hạn chế của những công trình nghiên cứu đi trước, luận án đã phác định ra đường hướng và nhiệm vụ nghiên cứu gồm ba nội dung chính: Vấn đề văn bản, vấn đề Xuân thu học (chủ yếu gồm vấn đề phương pháp luận giải, nội dung “thể lệ” và “đại nghĩa” Xuân thu) và vấn đề tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm.
Chương 2. NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN BẢN CỦA XUÂN THU QUẢN KIẾN
2.1. Xuân thu quản kiến - tác giả, tác phẩm
2.1.1. Tiểu sử Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm 吳時任 (1746 - 1803) là con trai trưởng của Ngô Thì Sỹ. Thủa nhỏ, ông tên là Phó 付, sau đổi Nhậm 任, tự Hy Doãn希尹, hiệu Đạt Hiên 達軒, khi nghiên cứu Thiền học lấy đạo hiệu Hải Lượng thiền sư. Năm Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775), thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân, rồi ra làm quan cho triều Lê – Trịnh. Năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Ngô Thì Nhậm ra làm quan với nhà Tây Sơn. Khi nhà Tây Sơn mất (1802), vua Gia Long cho Đặng Trần Thường đem ông và Phan Huy Ích đánh đòn ở Văn Miếu. Ông mất sau trận đòn đó, vào ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803), hưởng thọ 58 tuổi. Có thể nói, Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn học, nhà quân sự kiệt xuất của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII.
2.1.1. Tác phẩm Xuân thu quản kiến
Xuân thu quản kiến được Ngô Thì Nhậm biên soạn trong thời gian lánh nạn Kiêu binh Tam phủ (1782). Tác phẩm này y chiếu theo văn bản Kim văn Xuân thu trình bày và bình luận các sự kiện lịch sử thời Xuân thu từ Lỗ Ẩn Công 1 (722 TCN) đến Lỗ Ai Công 14 (481 TCN), gồm 12 Công (242 năm) trên cơ sở tham chiếu, đối sánh với Tam truyện và thuyết giải của Trình truyện, Hồ truyện (tức Xuân thu Hồ thị truyện của Hồ An Quốc đời Tống), cùng một số Tiên Nho lịch đại. Toàn bộ các sự kiện xảy ra trong 12 đời Công của Xuân thu được Ngô Thì Nhậm trích dẫn đầy đủ. So với các tác phẩm bình giải Kinh học cùng giai đoạn, Xuân thu quản kiến có dung lượng khá đồ sộ.
2.2. Mô tả văn bản
2.2.1. Văn bản A.117
Văn bản A.117 gồm 7 quyển, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là bản chép tay, chữ viết chân phương, nhất quán trong toàn bộ văn bản. Nhìn chung chữ viết rõ ràng, dễ đọc, ít xuất hiện chữ dị thể. Văn bản có cú đậu, khuyên điểm. Văn bản A.117 là văn bản sao chép đầy đủ nhất nội dung của Xuân thu quản kiến.
2.2.2. Văn bản VHv. 806
Văn bản VHv.806, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 1005 trang. Đây là văn bản chép tay, gồm 4 quyển, có cú đậu, khuyên điểm. Thư thể chép trong văn bản không thống nhất giữa các quyển. Nhìn chung, văn bản VHv.806 tương đối khó xử lý, bởi nhiều chỗ chữ nhỏ, viết tháu, nhiều tục tự, dị tự, lại thêm tẩy xoá, chỉnh sửa không sạch sẽ. Văn bản VHv.806 thiếu phần Tương Công.
2.2.3. Văn bản VHv. 807
Văn bản VHv.807, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 1520 trang. Đây là bản chép tay, gồm 7 quyển, chữ viết theo lối hành thảo, phong cách viết nhất quán từ đầu đến cuối. Tuy viết theo lối hành thảo, nhưng tự dạng rõ ràng, thoáng đạt, dễ đọc hơn văn bản VHv.806. Văn bản có cú đậu, khuyên điểm. Cuối văn bản đã bị mất một đoạn khoảng 103 chữ.. Có thể văn bản đã bị rách mất trang này.
2.3. Đối chiếu, so sánh dị bản
2.3.1. Chọn bản nền
Dựa trên tình hình thực tế văn bản Xuân thu quản kiến đã trình bày ở trên, chúng tôi lựa chọn văn bản A.117 làm bản nền để tiến hành khảo dị., đối chiếu. Tuy đây là văn bản muộn nhất nhưng nội dung Xuân thu quản kiến được bảo lưu đầy đủ nhất, văn bản sáng sủa, cấu trúc rõ ràng, chữ viết chân phương, có cú đậu khuyên điểm.
2.3.2. Phân tích các dị bản
Trong phần này, chúng tôi căn cứ theo lý thuyết văn bản học để phân chia sự sai biệt, xuất nhập giữa các dị bản thành hai loại chính là sai biệt vô ý thức (gồm lỗi chép sai chữ, lỗi chép thiếu chữ/câu/đoạn, lỗi chép thừa chữ, lỗi chép lộn, lỗi cú đậu) và sai biệt có ý thức (dùng chữ khác nhau, dùng câu khác nhau), cùng các hiện tượng khác như xuất nhập văn tự, dùng các cặp chữ tương đương. Từ số liệu thống kê cho thấy, sự sai biệt vô ý thức chiếm đa số. Về mặt chất lượng, chúng tôi thấy bản VHv.807 là bản ít lỗi sai, có chất lượng tốt hơn cả, thứ đến là bản A.117 và cuối cùng là bản VHv.806 có chất lượng thấp nhất.
2.4. Thế hệ văn bản
Để xác định thế hệ văn bản, chúng tôi dựa trên hai tiêu chí:
+) Về niên đại văn bản:
Dựa vào đặc điểm thư thể, chữ huý như ở phần Mô tả văn bản đã trình bày, chúng tôi nhận thấy văn bản A.117 được Viện Viễn Đông Bác Cổ cho sao chép lại nên có niên đại muộn nhất (khoảng đầu thế kỷ XX). Hai văn bản VHv.806 và VHv.807 có niên đại sớm hơn, được sao chép trong khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, văn bản nào có trước thì chúng tôi chưa đủ cứ liệu để chứng minh.
+) Về độ tương đồng văn bản:
Dựa trên kết quả khảo sát, chúng tôi cho rằng văn bản A.117 khả năng cao là được sao chép lại từ văn bản VHv.806 là chính, nhưng có thể tham chiếu với những nguồn văn bản khác (có thể có cả VHv.807), nên đã có điều chỉnh lại một số lỗi của VHv.806. Tuy nhiên, do khuyết thiếu thông tin nên việc lập sơ đồ truyền bản của Xuân thu quản kiến không thể thực hiện được.
2.5. Chọn bản công bố
Sau khi khảo sát, dựa vào các tiêu chí công bố Văn bản học, chúng tôi quyết định chọn văn bản VHv.807 là bản đáng tin cậy nhất để công bố và sử dụng trong nghiên cứu, dịch thuật.
Tiểu kết chương 2
Trong chương này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu văn bản học, tỵ huý học… để tiến hành khảo sát, mô tả chi tiết diện mạo của 03 văn bản Xuân thu quản kiến gồm A.117, VHv.806, VHv.807, đưa ra phỏng đoán về niên đại văn bản, lựa chọn bản A.117 làm bản nền để tiến hành so sánh, phân tích các dị bản, phân loại những hiện tượng sai khác giữa các văn bản. Chúng tôi đã lập bảng, đưa ra số liệu khảo dị và những thông tin về độ toàn vẹn, sự tương đồng, ưu - nhược điểm của từng văn bản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 03 văn bản đều tồn tại những lỗi sai và thoát văn. Tuy nhiên, VHv.807 là văn bản tốt nhất để phục vụ công tác nghiên cứu, dịch thuật.
Chương 3. HOẠT ĐỘNG KINH HỌC CỦA NGÔ THÌ NHẬM
TRONG XUÂN THU QUẢN KIẾN
3.1. Quan điểm của Ngô Thì Nhậm về sự ra đời và tính chất, giá trị của kinh Xuân thu
3.1.1. Quan điểm về sự ra đời của kinh Xuân thu
Ngô Thì Nhậm đã kế thừa quan điểm truyền thống của Nho gia để tiếp tục khẳng định việc Khổng Tử là người soạn tác Xuân thu qua việc ông trích dẫn lại lời của Mạnh Tử trong thiên Đằng Văn Công hạ - Mạnh Tử và không có lời bàn khác. Và khi kết thúc tác phẩm, Ngô Thì Nhậm đã nâng nguyên nhân Xuân thu ra đời lên một tầm cao, đó là vì “giềng trời lưới đất, việc người lẽ vật mà soạn tác”, đồng thời tán dương công lao “bát loạn phản chính” của Khổng Tử trong bộ kinh này.
3.1.2. Quan điểm về tính chất, giá trị của kinh Xuân thu
Ngô Thì Nhậm đặc biệt chú trọng đến tính chất “hình thư” và giá trị “vi vạn thế giám” (làm gương soi cho muôn đời), “kinh thế chi điển” (điển phạm trị đời) của Xuân thu, cũng như công lao “bát loạn phản chính”, “thuỳ huấn”, “thuỳ giáo” (để lại giáo huấn) cho đời sau của Khổng Tử. Qua đó tư tưởng tôn sùng Thánh nhân và kinh điển của Ngô Thì Nhậm được thể hiện một cách liên tục, hệ thống và rõ ràng.
3.2. Mục đích biên soạn Xuân thu quản kiến
Có thể thấy, Xuân thu quản kiến ra đời nhằm mục đích trước nhất để phục vụ bản thân Ngô Thì Nhậm với tư cách là một thần tử. Thứ tới, ông muốn thông qua việc phát huy giáo pháp Xuân thu trong bộ sách này để giúp các học giả chữa trị cái bệnh tâm thuật chỉ biết học vẹt, không nhận thức đến nơi đến chốn nghĩa lý kinh điển, để từ đó “khi ra ứng xử với đời” có thể “lập thân, xử kỷ”,“quyết việc nước, lập trị pháp”. Có thể nói, tinh thần “thông kinh trí dụng” là nguyên nhân chính để thúc đẩy Xuân thu quản kiến cùng các tác phẩm luận giải kinh học khác nối tiếp nhau ra đời trong giai đoạn này.
3.3. Phương pháp luận giải
3.3.1. Sử dụng Tam truyện và thuyết giải của Tiên Nho
Trong Xuân thu quản kiến, có khoảng hơn 1020 sự kiện được Ngô Thì Nhậm trích dẫn truyện văn của Tam truyện (Tả truyện có tỷ lệ trích dẫn cao nhất), 15 sự kiện trích dẫn Trình truyện, 3 sự kiện trích dẫn Hồ truyện và 41 sự kiện trích dẫn lời bàn của các Tiên Nho khác. Còn lại là những sự kiện chỉ trích dẫn Kinh văn, không có truyện văn. Mức độ trích dẫn các truyện văn không đồng đều, tuỳ theo tính vấn đề của sự kiện và sự quan tâm của tác giả. Việc trích dẫn truyện văn trong tác phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với phần Quản kiến ở sau. Trong đó, tác giả có thể: 1. Tán đồng thông tin trong truyện văn và nhân đó tiếp tục bàn luận, phu diễn ý nghĩa. 2. Phản bác thông tin trong truyện văn, đưa ra ý kiến của mình để chứng minh và cải chính lại. 3. Nhân thông tin trong truyện văn mà bàn tới vấn đề khác.
3.3.2. “Dĩ kinh giải kinh” - vận dụng các kinh điển Nho gia khác giải thích Xuân thu
Việc dẫn dụng các kinh điển Nho gia khác để giải thích Xuân thu là một truyền thống của kinh học. Trong khi trích dẫn, có khi Ngô Thì Nhậm dẫn dụng đơn lẻ từng kinh, hoặc có khi cùng lúc dẫn dụng 2,3 thậm chí 4 kinh một lúc. Nhìn một cách tổng quát, trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm dẫn Kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Lễ ký, Chu lễ) nhiều hơn dẫn Truyện (Tứ thư). Trong việc dẫn dụng kinh điển thì Kinh Dịch và Kinh Thi là nhiều hơn cả.
3.3.3. “Thuộc từ tỉ sự” và vấn đề xâu chuỗi thông tin để trần thuật, bình luận sự kiện
“Thuộc từ tỉ sử” là đặc điểm của bút pháp Xuân thu được nêu ra trong thiên Kinh giải - Lễ ký. Trong Xuân thu quản kiến, ở nhiều sự kiện kinh văn đề cập đến, Ngô Thì Nhậm đã tiến hành xâu chuỗi, kết nối các thông tin trước sau để trần thuật hay giải thích một cách tương đối chi tiết, mạch lạc nguyên nhân, đầu đuôi, diễn biến, kết quả của một sự kiện, một câu chuyện. Phương pháp này có thể giúp độc giả dễ dàng nắm bắt được đầu đuôi của sự kiện và thấy được chủ ý bình luận của tác giả.
3.3.4. “Dĩ sử vi giám” - dùng Xuân thu soi chiếu lịch sử
Trong tác phẩm, Ngô Thì Nhậm không chỉ tiến hành bình giải sự kiện, nghĩa lý của Xuân thu, mà còn mang các sự kiện, nghĩa lý trong bộ kinh này soi chiếu vào các vấn đề lịch sử. Từ trong kinh điển liên hệ, chứng minh những bài học lịch sử, đồng thời lấy bài học lịch sử thuyết minh, bổ trợ cho nghĩa lý kinh điển (“dĩ sử chứng kinh” 以史證經), nhằm trợ giúp cho việc tu thân và làm chính trị.
3.4. Quản kiến về thể lệ (bút pháp) Xuân thu
Trong luận án, chúng tôi đã căn cứ theo cách phân chia thể lệ Xuân thu trong cuốn Xuân thu tam truyện nghĩa lệ nghiên cứu của Triều Nhạc Bội để trình bày về Lệ chép việc nước Lỗ (Vua Lỗ lên ngôi; vua Lỗ hội, chí (hội họp, về nước); Phu nhân và Công nữ nước Lỗ; Đại phu nước Lỗ; tai dị nước Lỗ; việc đắp thành, xây dựng của nước Lỗ); Lệ dùng chữ (dùng chữ cho chiến tranh, dùng chữ cho hoạt động ngoại giao); Lệ xưng vị (xưng vị của Chư hầu, xưng vị của Đại phu). Với từng trường hợp, chúng tôi đều lấy ví dụ và phân tích, chỉ ra sự kế thừa và phát huy thể lệ Xuân thu của Ngô Thì Nhậm.
3.5. Quản kiến về đại nghĩa Xuân thu
Trong Xuân thu quản kiến, Đại nghĩa Xuân thu được Ngô Thì Nhậm thường xuyên đề cập, bàn luận tuỳ từng trường hợp cụ thể với những mức độ khác nhau. Do giới hạn của luận án, chúng tôi tập trung tìm hiểu sự luận giải về Đại nghĩa Xuân thu của Ngô Thì Nhậm ở ba vấn đề: 1. “Định danh phận” 定名分 (định rõ tôn ti trên dưới, không để rối loạn), 3. “Tôn Vương nhương Di” 尊王攘夷 (tôn sùng Chu vương, áp chế di địch), 5. Đại nhất thống 大一統.
Tiểu kết chương 3
Trong Chương 3, chúng đã tập trung trình bày về năm vấn đề chính, gồm: Quan điểm của Ngô Thì Nhậm về sự ra đời và ý nghĩa, giá trị của kinh Xuân thu, mục đích biên soạn Xuân thu quản kiến, phương pháp luận giải, quản kiến về thể lệ và quản kiến về đại nghĩa Xuân thu của Ngô Thì Nhậm. Với phương pháp luận giải, chúng tôi đã chỉ ra bốn phương pháp chính mà Ngô Thì Nhậm sử dụng để tiếp cận Xuân thu quản kiến. Chúng tôi cũng đã giành nhiều dung lượng để trình bày về quản kiến của Ngô Thì Nhậm đối với một số trường hợp thể lệ, đại nghĩa tiêu biểu. Qua đây, chúng tôi bước đầu chỉ ra sự tiếp nhận, kế thừa của Ngô Thì Nhậm về thể lệ, đại nghĩa từ truyền thống Xuân thu học. Nhưng cũng đồng thời chỉ ra sự xác lập thể lệ, phát huy tinh thần đại nghĩa qua những luận giải mang đậm dấu ấn cá nhân và học thức uyên bác của Ngô Thì Nhậm. Việc nghiên cứu kỹ về phương pháp luận giải, thể lệ, đại nghĩa Xuân thu là nền tảng để chúng tôi tìm hiểu về tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến ở phần tiếp theo.
Chương 4. TƯ TƯỞNG NHO HỌC CỦA NGÔ THÌ NHẬM
TRONG XUÂN THU QUẢN KIẾN
4.1. Tư tưởng thiên nhân cảm ứng
Trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm đặc biệt chú trọng thảo luận về vấn đề “thiên nhân cảm ứng”. Ông cho rằng Xuân thu chép việc tai dị, tường tận sự việc trước sau, đều thấy có sự ứng nghiệm, không phải thờ ơ, không có quan hệ gì. Ông cho rằng nhân sự có thể xoay chuyển được thiên biến, với điều kiện con người phải biết kính sợ thiên biến, trau dồi đức hạnh, sửa sang chính sự.
4.2. Tư tưởng đạo đức - tu dưỡng
4.2.1. Gây dựng trung hiếu - gốc rễ của giáo pháp Xuân thu
Ngô Thì Nhậm cho trung hiếu là vấn đề then chốt, là gốc rễ của giáo pháp của Xuân thu. Mục đích của Ngô Thì Nhậm biên soạn Xuân thu quản kiến trước hết là nhằm phục vụ cho chính mình, để tự thân thể nhận và lĩnh hội, qua đó cầu tìm phương pháp học làm trung, làm hiếu. Tinh thần đề cao trung hiếu, phê phán bất trung, bất hiếu được Ngô Thì Nhậm bàn bạc và phát huy trong suốt Xuân thu quản kiến qua nhiều sự kiện, nhân vật.
4.2.2. Biện biệt nghĩa - lợi
Trong Xuân thu quản kiến, biện biệt về nghĩa - lợi là một chủ đề được Ngô Thì Nhậm quan tâm. Ông thường đặt nghĩa - lợi trong cái khung công - tư để bình luận qua những trường hợp cụ thể. Trong đó, Ngô Thì Nhậm không tập trung giải thích nghĩa, lợi là gì, mà chủ yếu đề cao tư tưởng trọng nghĩa khinh lợi, phê phán sự ưa lợi quên nghĩa, hám danh, bỏ công theo tư.
4.2.3. Phương pháp, mục đích tu dưỡng cá nhân và mối quan hệ chí - khí
Trung - hiếu là yêu cầu quan trọng hàng đầu của thần tử. Vậy làm sao để có thể gây dựng trung hiếu? Theo Ngô Thì Nhậm, phương pháp đó chính là việc nuôi dưỡng khí Hạo nhiên. Đây là phương pháp tu dưỡng của Nho gia nhằm đạt đến trung hiếu. Ông cũng lưu ý học giả rằng, mục đích công phu tu dưỡng nói trên không chỉ nhằm giúp ích cho việc “lập thân xử kỷ”, mà rộng hơn là đến việc “đoán quốc thị, lập trị pháp”, “bát loạn phản chính” khi ra ứng xử với đời của nhà Nho. Trong đoạn cuối của Tự tự, Ngô Thì Nhậm còn thảo luận về mối quan hệ chí - khí trong việc tu dưỡng nhằm gây dựng trung hiếu, kiểm soát hành động được chuẩn mực, tránh được sai lầm.
4.2.4. Đề cao phụ đức
“Phụ đức”, tức “đức hạnh của người phụ nữ”. “Phụ đức” được Ngô Thì Nhậm bàn bạc xoay quanh các vấn đề như tam tòng, tứ đức, tiết nghĩa, trinh thuận, thuỷ chung... Ông khen ngợi những người phụ nữ đức hạnh như Thúc Cơ nước Lỗ và cực lực phê phán những người phụ nữ dâm loạn, không giữ tiết tháo như Văn Khương nước Lỗ, Tuyên Khương nước Vệ…
4.3. Tư tưởng chính trị
4.3.1. Chính danh và đại nhất thống
Xuân thu là bộ sách về danh phận và chính danh, đại nhất thống là tinh thần bao trùm, xuyên suốt toàn bộ nội dung của bộ Kinh này. Trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm đã tiếp tục khẳng định và đào sâu, phát huy ý nghĩa của chính danh, đại nhất thống đối với chính trị, xã hội. Theo ông, giữa chính danh và đại nhất thống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đại nhất thống được xây dựng trên cơ sở chính danh.
4.3.2. Quý Vương tiện Bá
“Quý Vương tiện Bá” nghĩa là đề cao Vương đạo, coi thường Bá đạo. Trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm không ít lần bàn về mối quan hệ giữa Vương đạo và Bá đạo, phân tích công dụng của Vương đạo, tác hại của Bá đạo, cũng như nguyên nhân vì sao Vương đạo được tôn sùng, Bá đạo bị hạ thấp, để qua đó khẳng định, phát huy tinh thần “quý Vương tiện Bá” và thể hiện quan điểm chính trị của mình.
4.3.3. Trọng lễ
Cùng với tinh thần đề cao Vương đạo với việc trị lý bằng nhân nghĩa, đức hoá, Ngô Thì Nhậm cũng đề cao lễ và vai trò của lễ trong việc làm chính trị. Ngô Thì Nhậmnhận định, với quân chủ, lễ là công cụ để trị nước, là thứ để ngăn chặn mầm mống tiếm vượt, hoạ loạn. Với kẻ bề tôi, Ngô Thì Nhậm cho rằng lễ là một phương cách tốt để dẫn vua theo đạo.
4.3.4. Quân đạo và phương pháp trị nước
4.3.4.1 Tu dưỡng phẩm đức và sự khuyến giới
Bằng việc phân tích, phê phán hàng loạt những việc làm sai trái của các quân chủ trong Xuân thu như việc đam mê vật dục, xa xỉ, trễ nải chính sự, du quan vô độ, tiếm lễ vượt phận, yêu thương thiên vị, coi thường dân chúng… Ngô Thì Nhậm đã đưa ra những bài học và sự răn trừng với bậc quân chủ, để cảnh báo thâm thiết người làm vua đời sau phải biết soi chiếu vào đó để rút lấy bài học, trợ giúp cho việc tu dưỡng phẩm đức, sửa trị thân tâm, điều chỉnh hành vi của mình.
4.3.4.2. Sửa trị công thất
Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về việc sửa trị công thất của quân chủ tập trung thể hiện ở ba vấn đề: 1. Coi trọng việc thừa thống và đích trưởng tử. 2. Coi trọng đạo vợ chồng, biện biệt đích thiếp. 3. Coi trọng các mối quan hệ khác (anh em, trưởng ấu…) trong tông tộc.
4.3.4.3. Trị quốc
+) Đường lối, phương pháp trị nước
Có thể nói Xuân thu quản kiến là một bộ sách chứa đựng phong phú tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về đường lối, phương pháp trị nước giành cho các bậc quân chủ mà ông gửi gắm vào đó. Những vấn đề như đề cao Vương đạo, trị nước bằng đức chính, trung hiếu, nhân nghĩa, đảm bảo chính danh, tuân thủ lễ chế, kính sợ mệnh trời, gìn giữ dân chúng, chọn dùng hiền tài, xa rời tà vạy, thận trọng chiến phạt… được ông đề cập luôn luôn qua những lời phân tích, bình luận. Ngoài ra, có thể nói qua một số quan điểm khác về đường lối, phương pháp trị nước của Ngô Thì Nhậm như: Trị nước bằng nhân nghĩa và phát huy tự cường; nắm giữ quyền bính; duy trì chính giáo, cương thường; sử dụng hiền tài, xa lìa tiểu nhân
+) Quan hệ vua tôi và cách thức ngự trị bề tôi
Về quan hệ vua tôi, cũng theo quan niệm truyền thống của Nho giáo, Ngô Thì Nhậm cho rằng vua tôi có nghĩa nhất thể. Hai bên như hình với bóng không thể tách rời và có sự tác động qua lại. Trong cách thức xử trị với bề tôi, Ngô Thì Nhậm cùng đề cao vấn đề quyền bính và ân huệ. Cả hai vấn đề này cùng phải được duy trì, sử dụng trong đường lối trị nước, đối đãi bề tôi của quân chủ.
+) Coi dân là gốc
Trong tác phẩm, tư tưởng “coi dân là gốc” thể hiện ra ở các khía cạnh như trọng dân, thân dân, bảo dân, ái dân, khoan dân… Ngô Thì Nhậm cho rằng “coi dân là gốc” là tâm ý của Thánh nhân, là tôn chỉ của Xuân thu. Vì vậy, tư tưởng “coi dân là gốc” của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến cũng là một sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Khổng Tử nói riêng và Nho gia nói chung từ trong kinh điển.
4.3.5. Thần tiết và nguyên tắc làm tôi
4.3.5.1. Giữ đúng phận vị, không được chuyên quyền, thí nghịch
Ngô Thì Nhậm đưa ra những tấm gương để răn dè kẻ vô lễ, cảnh báo kẻ làm tôi sau này phải biết trung với vua, giữ đúng phận vị, làm hết chức phận của mình. Đồng thời cũng lưu ý quân chủ ngay từ đầu phải biết chế ngự bề tôi, nắm giữ quyền bính trong tay để ngăn ngừa tai hoạ.
4.3.5.2. Trau dồi đức hạnh, làm hết chức phận
Ngô Thì Nhậm cho rằng, kẻ bề tôi phải biết giữ lòng cương nghị, trau dồi phẩm tiết, trung thành với công thất. Kẻ bề tôi cũng phải biết dùng lòng trung để tháo gỡ khó khăn, có trí tuệ, mưu lược để gìn giữ quốc gia, đối đãi hoà mục với lân bang.
4.3.5.3. Cách thức giữ mình
Nhiều chỗ trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm đưa ra những cách thức giữ mình cho kẻ thần tử như: Bề tôi thờ vua phải có đức khiêm nhường, không khiêm nhường thì dễ bị hoạ diệt thân. Bề tôi phải lấy sự cao khiết, ngay thẳng, ôn hoà làm quý, nhưng nếu gặp phải nghịch cảnh chốn quan trường thì phải hành xử cho phù hợp, nếu cứ cố ý thể hiện một cách thái quá thì sẽ không bảo toàn được thân mình.
4.4. Tư tưởng quân sự
4.4.1. Phê phán chiến tranh phi nghĩa
Từ Khổng Tử, Mạnh Tử cho tới Tiên Nho lịch đại đều đứng trên lập đề cao Vương đạo, phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa thời Xuân Thu, khiến cho xã hội loạn ly, dân sinh lầm than điêu khổ. Ngô Thì Nhậm cũng thể hiện tinh thần đó khi bàn về các sự kiện chiến phạt trong Xuân thu quản kiến.
4.4.2. Mưu lược quân sự
Về đạo dùng binh, Ngô Thì Nhậm cho rằng nước không cần phải lớn, tự cường thì không có ai lấn áp. Binh không cần phải đông, khéo mưu tính thì không ai địch được. Đạo dùng binh phải thận trọng, cẩn mật, trọng kỷ luật, không gấp gáp, không khinh suất, phải quý ở chỗ tiết chế, xem xét sự phù hợp. Trong quân đội, Ngô Thì Nhậm khẳng định tướng và quân đều cùng quan trọng và gắn kết mật thiết với nhau. Song vì Vì Xuân thu vốn lấy mạng dân gốc nước làm trọng, nên Ngô Thì Nhậm luôn nhấn mạnh đến yêu cầu chọn lựa chủ tướng, bởi nếu sự lựa chọn không thận trọng thì tai hại có khi sẽ đến cả một nước
KẾT LUẬN
1. Giai đoạn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX luôn được đánh giá là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Kinh học Việt Nam, ghi dấu sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm Kinh học ở các lĩnh vực như luận giải nghĩa lý, toản yếu, tiết yếu, diễn Nôm… có quy mô, tầm cỡ, thu hút nhiều tác giả với những phương thức tiếp cận và mức độ quan tâm khác nhau. Thành tựu Kinh học của thời kỳ này vượt xa so với giai đoạn trước và sau đó. Trong đó, lĩnh vực luận giải nghĩa lý kinh điển có thể coi là đã đạt được những thành tựu đặc sắc, nổi bật nhất. Các tác giả Kinh học giai đoạn này đã thể hiện rõ hứng thú học thuật, sự nỗ lực thâm nhập, thể nhận nghĩa lý kinh điển, vượt qua rào cản của cái học từ chương, khoa cử, thoát khỏi sự ràng buộc của hệ thống truyện chú đồ sộ và quyền uy sẵn có để chủ động thảo luận, phê bình và đưa ra kiến giải của mình. Và Xuân thu quản kiến - tác phẩm luận giải Xuân thu của Ngô Thì Nhậm là một thành tựu tiêu biểu cho khuynh hướng này. Công trình này có dung lượng đồ sộ nhất và cũng là tác phẩm luận giải Xuân thu duy nhất trong số các tác phẩm luận giải Kinh học hiện còn của Việt Nam. Không chỉ dày dặn về dung lượng, Xuân thu quản kiến còn dày dặn về giá trị học thuật. Sự ra đời của tác phẩm là một minh chứng cho thấy Kinh học Việt Nam bấy giờ đã có sự phát triển vượt bậc.
2. Xuân thu quản kiến hiện còn 03 văn bản và đều được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu A.117, VHv.806, VHv.807. Số lượng dị bản tuy không nhiều, nhưng dung lượng lớn và nội dung tương đối phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, luận án, chúng tôi sử dụng các phương pháp, thao tác nghiên cứu văn bản học để lần lượt đi vào mô tả chi tiết diện mạo, đặc điểm từng văn bản, lựa chọn bản nền, tiến hành so sánh, đối chiếu, phân tích các dị bản, từ đó đưa ra sự phỏng đoán về niên đại, chất lượng của từng dị bản và cuối cùng tiến tới việc lựa chọn văn bản VHv.807 là bản đáng tin cậy để phục vụ công tác nghiên cứu, dịch thuật.
3. Xuân thu quản kiến ra đời trong bối cảnh động loạn của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII. Nguyên nhân soạn tác và mục đích của tác phẩm này xuất phát từ chính sự thất bại, va vấp trên chính trường Lê - Trịnh của Ngô Thì Nhậm, kết hợp với bối cảnh suy vi về chính trị, xã hội, học phong, sự thất bại trong việc quản lý đất nước, xã hội của Nho giáo,… mà bản thân tác giả phải chứng kiến, nếm trải. Chính thời kỳ này đã ghi dấu những những biến cố đặc biệt của lịch sử đất nước cũng như cuộc đời của Ngô Thì Nhậm. Nó có những điểm tương đồng với hoàn cảnh, mục đích Khổng Tử tu soạn Xuân thu. Có lẽ bởi vậy mà Ngô Thì Nhậm đã lựa chọn Xuân thu để luận giải, ký thác tư tưởng, chứ không phải là một bộ kinh khác. Đây cũng là một đặc điểm trong lịch sử chế độ phong kiến Nho giáo nói chung và lịch sử Kinh học Nho gia nói riêng. Hễ khi người ta muốn bắt tay vào xây dựng một cục thế thái bình, nhất thống thì cần đến Xuân thu. Và khi đời suy đạo mờ, lễ băng nhạc hoại thì người ta cũng cần đến Xuân thu với hy vọng có thể vãn hồi danh giáo, trật tự. Động cơ soạn tác Xuân thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm cũng không nằm ngoài vấn đề này. Tinh thần tôn sùng Khổng Tử và giá trị, ý nghĩa của Xuân thu là yếu tố chi phối toàn bộ quan điểm trước tác và nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Bản ý của Ngô Thì Nhậm muốn thông qua hoạt động trước thuật, luận giải lại bộ Xuân thu để thể nhận, khẳng định những chân lý vĩnh hằng chứa đựng trong kinh điển của Thánh nhân, nhằm tự mình lĩnh hội và tu dưỡng. Đồng thời, ông còn mong muốn việc làm này có thể đóng góp phần nào trợ giúp các học giả chữa trị cái bệnh “tâm thuật”, có cách thức đúng đắn để lập thân xử kỷ, theo đuổi chính sự. Mục đích “bát loạn phản chính”, chấn hưng Đạo học, phục hồi Nho phong sỹ khí, hy vọng về một cục thế thái bình, thống nhất đã được ông gửi gắm trong nội dung tác phẩm. Điều này có sự tương hợp với mục đích ra đời của các tác phẩm luận giải Kinh học khác cùng thời như Luận ngữ ngu án, Thư kinh diễn nghĩa…
4. Cách dùng chữ “quản kiến” trong nhan đề tác phẩm có hàm ý thể hiện sự khiêm nhường về học vấn và những nhận thức mang tính cá nhân đối với Xuân thu. Dạng thức “quản kiến” cũng tương tự như Quản khuy, Ngu án, Thiển thích, Bại sớ, Lược luận, Phu thuyết… trong lịch sử Kinh học Trung Quốc và Việt Nam dù hình thức và mức độ tiếp cận có khác nhau. Tuy nhiên, phạm vi, nội dung khảo cứu và bàn luận của Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm không hề hạn hẹp, thậm chí có thể nói là rất sâu rộng. Từ nền tảng nghĩa lý của Xuân thu nói riêng và Nho giáo truyền thống nói chung, Ngô Thì Nhậm mở rộng liên hệ tới các các vấn đề khác như nhân vật, sự kiện, điển lễ, ngoại giao, quân phú, thời lệnh, tai dị… của bản thân Xuân thu cũng như đặt chúng trong mối tương quan với lịch đại. Tất cả đều được ông khảo cứu, luận giải nghiêm túc và chu tường. Sự đánh giá, bày tỏ quan điểm của Ngô Thì Nhậm đều không nằm ngoài mực thước là những “vi ngôn đại nghĩa” của thánh nhân gửi gắm trong kinh điển.
5. Trong Xuân thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm đã bám sát và giữ nguyên cấu trúc của Xuân thu. Trong đó, hơn 1800 sự kiện của bộ kinh này được trích dẫn đầy đủ. Xét theo các hình thức thuyên thích trong lịch sử thuyên thích Xuân thu, Xuân thu quản kiến bao gồm đủ các dạng thức như luận giải nghĩa lý kinh điển, luận về thư pháp, khảo đính sự nghĩa, tập hợp chú giải… Tuy nhiên, luận giải nghĩa lý kinh điển vẫn là khuynh hướng chính yếu trong tác phẩm. Ngô Thì Nhậm không câu nệ vào văn bản, không làm chú giải Xuân thu theo lối chương cú, huấn hỗ, không phân hợp, tái cấu trúc, phân loại nội dung kinh văn như Luận ngữ ngu án, cũng không thâu tóm, bàn luận những chỗ cốt yếu như Thư kinh diễn nghĩa. Ông hoàn toàn tuân thủ theo trật tự của Xuân thu, dùng Tam truyện và thuyết giải của Tiên Nho làm cơ sở y cứ để truy nguyên, cầu tìm nghĩa lý tư tưởng Thánh nhân. Trong Tam truyện, ông sử dụng Tả truyện nhiều nhất. Việc ông nhiều lần phê phán Tả truyện chủ yếu là từ góc độ bình luận nghĩa lý, song về vấn đề sự kiện lịch sử thì hầu hết ông tuân thủ theo nội dung của Tả truyện. Hồ truyện tuy được trích dẫn ít, nhưng không phải Ngô Thì Nhậm không chịu ảnh hưởng từ Hồ truyện. Trong phần Quản kiến, chúng ta có thể thấy rải rác sự kế thừa của Ngô Thì Nhậm đối với Hồ truyện như về một số thể lệ, thời lệnh (以夏時冠周月 “dùng mùa của nhà Hạ đặt lên trước tháng của nhà Chu”), quan niệm về Hoa – Di… Tuy nhiên, vấn đề này còn cần thêm thời gian khảo cứu nên chúng tôi sẽ trình bày vào dịp khác. Ngoài việc sử dụng Tam truyện và thuyết giải của Tiên Nho làm y cứ, Ngô Thì Nhậm còn sử dụng các phương pháp khác như vận dụng các kinh điển Nho gia khác để giải thích Xuân thu, xâu chuỗi thông tin để trần thuật, bình luận sự kiện, dùng Xuân thu soi chiếu lịch sử đã được ông đồng thời sử dụng để luận giải Xuân thu. Trong lịch sử thuyên thích kinh điển Nho gia, đây là những phương pháp truyền thống. Nhưng dưới sự vận dụng thích trúng và khéo léo của Ngô Thì Nhậm, các phương pháp này đã phát huy tối đa tác dụng và giúp chủ thể thuyên thích thể hiện được mục đích và tư tưởng của mình, cũng như khiến cho nội dung tác phẩm trở nên phong phú, sống động, giàu giá trị học thuật.
6. Nguồn tư liệu được sử dụng trong Xuân thu quản kiến chủ yếu là kinh và sử. Về kinh, trước hết là những bộ liên quan trực tiếp đến Xuân thu như Tả truyện, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện, Xuân thu Tả truyện chính nghĩa (Đỗ Dự chú, Khổng Dĩnh Đạt sớ), Xuân thu đại toàn (bao gồm Trình truyện, Hồ truyện và chú giải của Tiên Nho), thứ tới là các kinh điển Nho gia khác. Chúng tôi hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của các tác phẩm Kinh học về Xuân thu của đời Thanh, dù Xuân thu học đời Thanh khá phát triển. Về sử, có thể kể đến các bộ như Sử ký, Hán thư, Tống sử, Minh sử... Ngoài ra, Xuân thu phồn lộ của Đổng Trọng Thư cũng thường được nhắc tới. Có thể nói, lượng tư liệu sử dụng trong một công trình đồ sộ như Xuân thu quản kiến như vậy không phải quá nhiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc lựa chọn của tác giả là có chọn lọc và thể hiện chủ ý riêng. Bởi Xuân thu vừa là kinh, vừa là sử, nên khi tiếp cận Xuân thu, Ngô Thì Nhậm phải xử lý cả hai vấn đề kinh – sử. Việc dùng nghĩa lý của kinh để soi chiếu vào lịch sử và dùng lịch sử để chứng minh cho nghĩa lý của kinh là một xu hướng chủ đạo trong Xuân thu quản kiến. Và trên thực tế, Ngô Thì Nhậm đã giải quyết một cách nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa kinh và sử khi liên tục kết nối nhiều dữ kiện của Xuân thu với các nhân vật, sự kiện, triều đại… trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc để phẩm bình và đúc rút lấy những bài học kinh nghiệm về đạo đức, chính trị, xã hội. Vì vậy tư liệu kinh, sử chủ yếu được ông lựa chọn sử dụng. Đồng thời, có lẽ Ngô Thì Nhậm còn muốn sử dụng các tư liệu văn hiến cổ mà theo ông chúng mới là nguồn tư liệu thực sự đáng tin cậy để truy nguyên, khảo cứu thông tin và nghĩa lý tư tưởng. Đọc tác phẩm, có thể thấy ông đã tận lực khai thác, đối sánh, tìm kiếm mối liên quan giữa các thông tin, dẫn chứng trong kinh, sử để đưa ra nhận định của mình một cách thận trọng.
7. Xuân thu quản kiến chứa đựng nhiều vấn đề của Xuân thu học. Như trên đã nói, những vấn đề này rất rộng và phức tạp, vì vậy luận án chúng tôi chỉ tập trung vào hai bộ phận cốt yếu nhất của Xuân thu học là “thể lệ” và “đại nghĩa”. Những vấn đề khác như nhân vật, sự kiện, ngoại giao, điển lễ, tai dị... được trình bày xoay quanh hai bộ phận đó. Về vấn đề thể lệ, qua việc phân tích một số trường hợp thể lệ Xuân thu được luận giải, chúng ta có thể thấy Ngô Thì Nhậm vừa có sự kế thừa, vừa có sự chuyển hoá, phát huy đối với vấn đề “thể lệ” Xuân thu, đặc biệt là hệ thống “thể lệ” của Tam truyện. Đặc điểm của việc tiếp cận thể lệ Xuân thu của Ngô Thì Nhậm có điểm tương đồng với xu hướng tiếp cận thể lệ của các học giả thời Vãn Thanh. Về vấn đề đại nghĩa, chúng tôi cũng đã trình bày về vấn đề đại nghĩa Xuân thu được Ngô Thì Nhậm luận giải qua các khía cạnh như định danh phận, tôn Vương nhương Di, đại nhất thống. Về cơ bản, tinh thần đại nghĩa Xuân thu được Ngô Thì Nhậm kế thừa trọn vẹn. Ông không đưa ra cách hiểu mới về vấn đề này. Tuy nhiên, con đường luận giải để đi đến cái đích chung là đại nghĩa thì Ngô Thì Nhậm có những cách thức riêng. Đó là ở một số trường hợp, ông dựa theo kiến giải của mình về thể lệ hoặc khảo cứu lại thông tin lịch sử trong kinh truyện, trong sử tịch... để xâu chuỗi, khen chê, đánh giá lại sự kiện, nhân vật, từ đó thể hiện lập trường tư tưởng của mình không chệch ra ngoài quỹ đạo của đại nghĩa Xuân thu. Đó là đặc sắc riêng của Ngô Thì Nhậm Việc tiếp cận những vấn đề Xuân thu học với quy mô sâu rộng như vậy, trước và sau Ngô Thì Nhậm, Nho gia Việt Nam chưa có ai làm được. Điều này cho thấy ở giai đoạn này, Kinh học Việt Nam đã phát triển tới mức độ hàn lâm và tạo thành một xu hướng học thuật mạnh mẽ.
8. Từ việc tìm hiểu những hoạt động Kinh học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến như quan điểm, mục đích trước thuật, phương pháp luận giải, quản kiến về thể lệ, đại nghĩa Xuân thu, luận án tiến tới nghiên cứu tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm ở các phương diện: Tư tưởng thiên nhân cảm ứng, tư tưởng đạo đức – tu dưỡng, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự. Điều này thể hiện một chỉnh thể của tư tưởng Nho học, từ sự tương tác, cảm ứng giữa trời và người tác động tới đạo đức – tu dưỡng, từ đạo đức – tu dưỡng thể hiện ra chính trị, quân sự. Tất nhiên, tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm không chỉ có vậy, nhưng ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới những vấn đề hiện diện trong Xuân thu quản kiến. Bởi Xuân thu liên quan nhiều đến chính trị học Nho gia nên Xuân thu quản kiến bàn nhiều về phương diện này. Về cơ bản có thể thấy, tư tưởng Nho học của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến thể hiện khuynh hướng đi sâu vào thể nhận và phát huy tư tưởng của Thánh nhân, tiếp tục khẳng định những giá trị có tính “thiên kinh địa nghĩa” trong kinh điển, hoàn toàn không có sự phê phán, phủ nhận, hoặc có ý định kiến lập những tư tưởng khác biệt, trái chiều. Tư tưởng Nho học của Ngô Thì trong Xuân thu quản kiến hoàn toàn dựa trên nền tảng của những nguyên lý Nho giáo truyền thống. Đây là yếu tố bản vị để Ngô Thì Nhậm bày tỏ quan điểm luận giải, xiển thích của mình. Trong đó, các vấn đề như trung hiếu, nhân nghĩa, chính danh, nhất thống, tôn quân, đích thứ, coi dân là gốc... được Ngô Thì Nhậm thảo luận rất nhiều. Đây có lẽ là những “vi ngôn” ẩn chứa sự thanh minh của bản thân và ước muốn đối với nhân tâm thế đạo của Ngô Thì Nhậm. Đồng thời, chúng cũng thể hiện nhu cầu của thời đại đang khát cầu một sự ổn định, trật tự.
9. Trong lúc đi lánh nạn Kiêu binh Tam phủ, tâm trạng của Ngô Thì Nhậm rất phức tạp. Có lúc ông tỏ ra chán nản, tuyệt vọng, nhưng có lúc lại tỏ ra lạc quan chờ đợi một vận hội mới để thi triển tài năng của mình. Ông vẫn coi việc noi theo hiền nhân, lập nên công tích, làm hiển vinh cha mẹ là “sự nghiệp của nhà Nho ta” (Ký đệ Học Tốn thị - kỳ tam - Thuỷ vân nhàn vịnh). Và sau rốt, việc “kiến cơ minh triết” (sáng suốt để thấy được sự cơ), “tuỳ thời” vẫn được Ngô Thì Nhậm đặt lên trên hết. Theo ông, lẽ xuất xử hành tàng không phải là việc lưu ý của đấng trượng phu, hễ cơ hội đến thì hãy mang thân ra giúp đời, thực thi phận sự của nhà Nho. Đứng trước ngã rẽ của cuộc đời, những vấn đề học thuật, tư tưởng được Ngô Thì Nhậm thảo luận, thể hiện trong Xuân thu quản kiến, dường như là để nhằm tìm kiếm hướng đi cho tương lai và chuẩn bị cho một cơ hội thi triển mới mà ông đang chờ đợi. Tinh thần “xuất chính” không lúc nào nguôi lạnh trong con người ông. Và điều này đã thành hiện thực khi ông quyết tâm từ bỏ khuôn khổ chữ trung truyền thống để theo về nhà Tây Sơn, noi theo tinh thần trách nhiệm của bậc “Thánh chi nhậm”.
10. Việc lựa chọn, nghiên cứu Xuân thu quản kiến của luận án là sự tiếp nối và bổ sung cho xu hướng khai thác, nghiên cứu các trước tác Kinh học của Nho gia Việt Nam. Đây là xu hướng nghiên cứu Nho học đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua của Việt Nam. Nó có đóng góp trực tiếp cho việc nghiên cứu Kinh học, Nho học Việt Nam và tư tưởng của Ngô Thì Nhậm. Đồng thời cũng nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập kinh điển Nho gia ở các cấp đào tạo của chuyên ngành Hán Nôm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQGHN. Tuy nhiên, bởi Xuân thu học là lĩnh vực học thuật khó và khá mới mẻ với học giới Việt Nam, lại thêm giới hạn về thời gian, dung lượng, nên luận án chưa thể nghiên cứu triệt để những nội dung của Xuân thu quản kiến. Hy vọng sau đây sẽ có những công trình tiếp tục đi sâu nghiên cứu tác phẩm này.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Lê Phương Duy (2017), “Giải độc Xuân thu quản kiến Tự tự của Ngô Thì Nhậm”, Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017 (Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp quốc gia có phản biện), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 357-369.
2. Lê Phương Duy (2018), “Phương pháp thông diễn kinh Xuân thu của Ngô Thì Nhậm trong Xuân thu quản kiến”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (chuyên san Hội nghị khoa học cán bộ trẻ và học viên sau đại học) T. IV (3b), tr. 432-446.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn