Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Công đoàn là lực lượng nòng cốt xây dựng văn hóa trong trường ĐH

Thứ năm - 16/04/2015 06:28
Trong 2 ngày 11,12/04/2015, tại thành phố Đà Lạt, hội thảo “Văn hóa trường đại học trong bối cảnh mới” đã được tổ chức theo sáng kiến của Ban chấp hành Công đoàn 5 trường: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhiều tham luận và ý kiến trao đổi có giá trị đã được trình bày tại hội thảo nhằm trả lời câu hỏi: công đoàn phải làm gì để khẳng định vai trò tiên phong, nóng cốt trong xây dựng văn hoá trường học?
Công đoàn là lực lượng nòng cốt xây dựng văn hóa trong trường ĐH
Công đoàn là lực lượng nòng cốt xây dựng văn hóa trong trường ĐH

Văn hoá trong trường ĐH - đa dạng góc tiếp cận

Bàn về các giá trị nội hàm của văn hoá trong trường ĐH, tham luận “Truyền thông góp phần phổ biến văn hóa tổ chức” của PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo (Công đoàn Trường ĐH Bách khoa) cho rằng: văn hóa chính là giá trị cốt lõi của một tổ chức, ở đó xác lập niềm tin về cách thức hành xử đúng, bao gồm : Nghi thức (tổ chức các sự kiện thể hiện các giá trị cốt lõi); Câu chuyện (chuyện kể về sự kiện nhằm truyền tải các giá trị cốt lõi); Anh hùng (các nhân vật đã và đang thể hiện giá trị cốt lõi); Biểu tượng (ngôn ngữ và các biểu tượng khác truyền tải giá trị cốt lõi). Tham luận cũng khẳng định, truyền thông đóng vai trò không thể thiếu trong xây dựng các giá trị văn hoá ấy của một tổ chức. 

TS. Hồ Ngọc Khoa (Công đoàn ĐH Xây dựng) thì nhấn mạnh rằng: các giá trị văn hóa truyền thống mà Trường Đại học Xây dựng có được ngày nay chính là yếu tố nền tảng cho ổn định và phát triển bền vững. Quá trình phát triển của Nhà trường là sự kết tinh thành những giá trị cốt lõi, trở thành những giá trị văn hóa đặc sắc cơ bản trong hệ giá trị văn hóa truyền thống của Trường như: năng lực tổ chức, lãnh đạo và tầm nhìn của tập thể lãnh đạo; tinh thần đoàn kết tương ái và gắn kết hệ thống; năng lực tự chủ, thích nghi với mọi hoàn cảnh và điều kiện biến động; dũng cảm kiên cường vượt qua hi sinh, mất mát, năng lực đối ngoại trong nước và quốc tế. 

PGS.TS Đặng Xuân Kháng (Công đoàn Trường ĐH KHXH và NV) lại đề cập đến văn hoá trong trường ĐH nhưng tiếp cận ở góc độ các nguyên tắc đạo đức trong nghề đối với giảng viên ĐH. Điều này hiện là vấn đề “nóng” của xã hội khi những mảng tối của nền kinh tế thị trường đã tác động làm một bộ phận nhà giáo, biến giáo dục trở thành hàng hóa, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoạt động đào tạo cũng như gây xói mòn đạo đức nhà giáo. Tham luận đã phân tích năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của giảng viên đại học, bao gồm: phẩm chất chính trị; giảng viên phải đủ năng lực về chuyên môn và năng lực sư phạm; mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên; tôn trọng đồng nghiệp và vì sự phát triển của Nhà trường. Trong mối quan hệ với sinh viên, tác giả nhấn mạnh: “Giảng viên phải tránh những mối quan hệ “kép” với sinh viên vốn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên hoặc dẫn tới việc giảng viên thiên vị hay bị cho là thiên vị với sinh viên. Giảng viên chỉ được giữ mối quan hệ của mình với sinh viên vì các mục đích sư phạm và yêu cầu về mặt học thuật”. Đồng thời các giảng viên phải có trách nhiệm thực hiện việc đánh giá một cách đúng đắn, cởi mở và công bằng, phù hợp với mục tiêu của môn học.

Cũng bàn về vấn đề văn hoá trường ĐH qua góc tiếp cận là quan hệ thầy - trò, TS. Nguyễn Thị Huyền (Công đoàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa ra những giải pháp: Nhà trường cần đầu tư hơn nữa cho công tác cố vấn học tập, vì thực tế cho thấy sau khi ra trường, đó là những thầy cô mà sinh viên gắn bó và giữ mối liên hệ lâu dài nhất. Thầy cô cần được khuyến khích sử dụng mạng xã hội để chia sẻ với sinh viên, giúp thấu hiểu nhau hơn, để thầy trò gần gũi, thân thiện nhau hơn, từ đó mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và các nhu cầu khác của sinh viên. Mối quan hệ giữa thầy, cô với sinh viên luôn được xem là cầu nối và là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên nên tham gia nhiệt tình hơn vào hoạt động đào tạo và phát triển nghề nghiệp của họ sau này.

PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) cùng các đại biểu của Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV trao đổi bên lề Hội thảo/Ảnh: ĐL

Công đoàn phát huy vai trò tiên phong

Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định tổ chức Công đoàn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát huy văn hoá trong trường ĐH. Vì Công đoàn có khả năng tập hợp, gắn kết các công đoàn viên, triển khai các hoạt động chung hiệu quả và rộng khắp. Làm tốt nhiệm vụ này chính là Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình, cùng các cơ quan Đảng, chính quyền góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của trường ĐH.

GS.TS Phạm Quang Trung (Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) khẳng định: những thành quả mà Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đạt được có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn. Trong tiến trình phát triển đó, chủ đề xây dựng văn hóa trong trường đại học mặc dù không mới nhưng lại có một vị trí vô cùng quan trọng, cần có sự định hướng đúng của các cấp lãnh đạo. Xây dựng văn hóa trong trường đại học chính là cú huých quan trọng cho một bước phát triển mới. Những hoạt động như hội thảo lần này sẽ góp phần thúc đẩy các trường có thêm nhận thức mới và đi tới hành động cụ thể. Do đó, lãnh đạo các trường cần tạo mọi điều kiện có thể để các hoạt động Công đoàn 5 trường ngày một gắn kết và có hiệu quả thực tiễn.

PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cam kết sẽ tạo điều kiện cho công tác Công đoàn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông  cho rằng hoạt động kết nối của Công đoàn 5 trường ĐH duy trì trong 27 năm qua là một thành tích đáng ghi nhận. Công đoàn đã thể hiện vai trò tiên phong của mình khi đi vào một trong những vấn đề nổi bật trong hoạt động của trường ĐH trong bối cảnh hiện đại. Bởi văn hoá của trường ĐH đã ngày càng trở thành một giá trị cốt lõi, giá trị “mềm” làm nên động lực phát triển và thương hiệu của trường ĐH ấy.

PGS.TS Đặng Xuân Kháng (Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV) nhận Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị cụm công đoàn 5 trường ĐH kỳ tiếp theo/Ảnh: ĐL

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ hoạt động của trường mình. Ông cho rằng để xây dựng môi trường văn hoá tốt, chuẩn mực trong trường ĐH, Công đoàn cần tập trung vào những yếu tố cốt lõi: tôn sư trọng đạo, yếu tố đạo đức trong thi cử, học tập. ,xây dựng khát vọng tự do để tạo nên giá trị học thuật, khuyến khích nghiên cứu tốt, giảng dạy tốt, khuyến khích đổi mới và hội nhập… Trong đó, mục tiêu cao nhất trong văn hoá của trường ĐH là đề cao sáng tạo, đào tạo con người có năng lực lao động tốt, đạo đức và nhân cách tốt, có chí hướng cống hiến cho cộng đồng…

Tác giả: Phạm Đình Lân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây