Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

PGS.TS Phạm Quang Long - nhà quản lý và người thầy giáo

Thứ năm - 01/10/2015 03:07
Tính đến thời điểm này, PGS.TS Phạm Quang Long đã tròn 40 năm trong nghề làm thầy, gần nửa thời gian đó, ông không có may mắn trực tiếp đứng lớp, do được phân công đảm nhận nhiều chức danh quản lý: là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn gần trọn một nhiệm kì (từ 1992 đến 1996), Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (từ 1996 đến 2001), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2001-2005), Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội (2005-2013)… Và bây giờ sau nhiều cuộc “viễn du”, ông lại trở về cái nôi quen thuộc, từng nhiều năm gắn bó, gần gũi - Khoa Văn học, với nghiệp làm thầy…
PGS.TS Phạm Quang Long - nhà quản lý và người thầy giáo
PGS.TS Phạm Quang Long - nhà quản lý và người thầy giáo

Nhìn bề ngoài, hẳn ai cũng nghĩ, cái số ông này thật “sướng”, có vẻ như ông sinh ra là để được “làm quan”, làm lãnh đạo. Đúng ra, ông được đào tạo là để trở thành giảng viên văn học, vì quả thật, nếu xét cả tâm tính con người và tư chất chuyên môn, tôi dám chắc một trăm phần trăm rằng, Phạm Quang Long thực sự là người có thừa khả năng để trở thành một thầy giáo dạy văn giỏi. Thế nhưng, kể từ ngày tốt nghiệp Tổng hợp Văn (năm 1975), được giữ lại làm giảng viên bộ môn Lý luận văn học (thực ra ông tốt nghiệp với một đề tài luận văn về văn học nước ngoài), thời gian lên lớp chưa nhiều, ông được cử sang Nga làm nghiên cứu sinh (cũng lại một đề tài có liên quan tới văn học nước ngoài). Trở về nước sau năm 1984, đến 1987, ông lại rời Khoa lên giữ chức Phó Trưởng phòng Khoa học. Rồi sau đó liên tục là con đường thăng tiến. Phải đến thời gian gần đây, tháng 6 năm 2013, khi rời chức Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, trở lại với Khoa Văn, đảm trách công việc bình dị nhất như tất cả bạn bè đồng lứa, giảng dạy văn học, ông mới thực sự là con người của chính mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long/Ảnh: Thành Long

Ông là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1992-1996); Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (1996-2001); Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2001-2005); Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội (2005-2013).

Nói về những ngày tháng làm quản lý của PGS.TS Phạm Quang Long, quả thật tôi không biết gì nhiều. Bởi lẽ tôi quan hệ với ông trong tư cách bạn bè nhiều hơn là tư cách nhân viên – thủ trưởng, và tôi cũng không đủ thân để “được nghe” hay “can thiệp” vào những công việc riêng tư của ông. Ngày ông mới làm chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, tiếp nối chức vụ quản lý của giáo sư Nguyễn Kim Đính, tôi chỉ cảm nhận được ông là người nhiệt huyết với công việc chung, hòa hợp với mọi người, biết lắng nghe và khiêm tốn. Cũng phải thôi, vì Phạm Quang vốn có gốc gác là một cán bộ đoàn. Hồi còn là sinh viên, tôi biết ông từng nhiều năm tham gia công tác chi đoàn, rồi liên chi đoàn, ban cán sự lớp; ra trường, ở lại làm cán bộ giảng dạy, vẫn lại đoàn và hội, thứ công việc tôi biết không mấy thầy cô giáo nào ở khoa Ngữ văn muốn nhận làm, vì nó chiếm mất nhiều thời gian riêng tư của mọi người. Nhưng vốn xuất thân trong một gia đình cách mạng (là con liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng), Phạm Quang Long miệt mài với công việc được giao mà không bao giờ so đo, tính toán. Tôi nghĩ, có lẽ vì thế mà ông được tin cậy, tín nhiệm. Những năm làm quản lý Khoa Ngữ văn, Phạm Quang Long đã thật sự “hết mình”: ông xoay sở, đôn đáo, sắp xếp bộ phận này, cải tiến bộ phận kia, tuy thật khó có thể làm nên một “đột biến vĩ đại” gì, nhưng tôi nghĩ Khoa Văn những năm dưới sự quản lý của ông vẫn được coi là ổn định. Vào khoảng những năm 1992-1995, ngay trước thời điểm Đại học Quốc gia ra đời, là một đơn vị của Đại học Tổng hợp cũ, dù sao, Ngữ văn vẫn được coi là một khoa lớn, “tầm cỡ”, không kém gì các khoa Lịch sử hay Toán học. Có lẽ vì thế mà dù còn trẻ, lại chỉ mới bắt đầu công việc quản lý một đơn vị lớn như Khoa Văn, PGS Phạm Quang Long đã giữ được cho khoa một vị thế không  đến nỗi bị “lép vế” với các đơn vị lớn khác ngay trong trường và cả bên ngoài. Như thế đã là một sự đóng góp. Vì thế mà ông lại càng được tín nhiệm, tin cậy.

Ở cấp độ quản lý cao hơn, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng, rồi sau đó còn lên tới cấp Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, tôi được biết, Phạm Quang Long vẫn giữ được niềm đam mê với nghề ông thầy và cả trọng trách được giao của mình, xả thân vì việc chung, không nề hà với bất cứ công việc gì. Nhưng, có lẽ vì thế mà ông bắt đầu có “chuyện”. Tôi nói “có chuyện”, chứ đúng ra thì cũng chẳng “có chuyện” gì.. Chỉ là thế này thôi: nhiều người nhận xét rằng, Pham Quang Long là một tuýp người thẳng tính, cương trực, lại nhạy cảm nữa, ông chỉ giữ được “độ an toàn” trong những công việc vừa phải, quản lý nơi ít người, cán bộ cấp dưới dung hòa, ví dụ như Khoa Văn, hay thậm chí to hơn là Trường KHXH&NV chẳng hạn. Cứ để ông được thể hiện phẩm tính vốn có của mình ở những nơi nhiều người hiểu được tính cách của ông, hoặc họ “dễ tính”, thì ông làm tốt. Trong trường hợp “ép” một ông thầy dạy Văn, dù là ở cương vị phó giám đốc, mọi suy nghĩ việc làm đều thẳng băng, vào những việc cụ thể ví như vấn đề “giải phóng mặt bằng” trong thời gian sớm nhất; hoặc bắt một ông giám đốc sở của thành phố Hà Nội “to đùng” (sau khi sáp nhập với Hà Tây), với bao nhiêu “cái miệng” (nói nhiều nhưng làm ít) lo “canh giữ”, “giám sát” việc đại tu chùa Trăm gian ở tận Chương Mỹ, thì dù có “trăm tay, trăm mắt”, ông cũng khó mà tránh được sai sót. Chứ thật ra, trong cương vị người đứng đầu khi còn ở Đại học Quốc gia Hà Nội, hay Sở Văn hóa Hà Nội, nhiều người thừa nhận Phạm Quang Long là người có tâm thật lòng. Một ví dụ rất nhỏ trong nhiều việc ông làm thời còn giữ chức giám đốc Văn hóa, do chính ông kể lại khi được nữ phóng viên An ninh thế giới hỏi: “Câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến một cuộc triển lãm về văn hóa Hà Nội mà tôi đã tổ chức hồi còn làm giám đốc…Có một số vị cao niên trong Hội đồng tư vấn nói với tôi là triển lãm về văn hóa Hà Nội thì nhất định phải có chiếc xe xích lô, vì xe xích lô gắn rất chặt với văn hóa Hà Nội một thời kì dài, thậm chí có thể coi như một biểu tượng của Hà Nội. Nhưng tôi phản đối, vì cho rằng hình ảnh chiếc xích lô chỉ gợi sự lam lũ, cực nhọc, chứ không mang tính biểu tượng cho tinh hoa văn hóa Hà Nội, và tôi chọn chủ để “văn hóa thi thư” để triển lãm” Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều những ví dụ khác có thể nêu ra, để khẳng định, dù không được đào tạo chuyên sâu về văn hóa, nhưng khi được giao một mảng công việc, thực ra cũng không xa lạ gì so với cái nghề ông đã từng làm (quản lý và giảng dạy trong trường đại học), Phạm Quang Long làm được, chứ không phải ông “nhận liều”. Nhưng tôi biết, gần mười năm quản lý văn hóa ở Hà Nội, cũng như chừng ấy thời gian làm quản lý ở Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội, Phạm Quang Long đã hết sức, hết lòng. Còn sự đóng góp thực sự của ông được đến đâu, nó còn tùy thuộc vào thời cuộc, sự đồng lòng, giúp đỡ của mọi người, sự đánh giá của tập thể. Và có một điều tôi biết và xin nhắc lại, vì thẳng thắn, cương trực, và cả nóng tính nữa, “nhà quản lý” Phạm Quang Long, cũng có lúc bị người này “ghét”, người kia “không hài lòng”. Ngay cả tôi, cũng có lúc tôi không hài lòng với ông vì cái tính “cực đoan”, hay vì “lòng tốt không đúng chỗ”; hay nữa vì cực đoan mà sinh ra ‘cứng nhắc” đôi khi hỏng việc. Nhưng tôi cũng nghĩ, con người “nhân vô thập toàn”, biết làm sao! Trời sinh ra Phạm Quang Long đâu phải làm một nhà quản lý đâu? Công việc chính của ông là thầy giáo dạy học. Và còn cả một mảng công việc nữa, mà theo tôi, đúng phóc sở trường của ông: không chỉ dạy học và nghiên cứu, Phạm Quang long còn là một cây bút viết sáng tạo không hề tồi. Giá như ông cứ đi đúng cái sở trường đã có từ ngày đầu lập nghiệp? Nhưng, nói vậy, con người mấy ai tự “lập trình” được con đường đi cho mình. Phạm Quang Long cũng thuộc cái dạng người “không mấy ai” đó. Và biết đâu, nhờ có sự lăn lộn trong nhiều cượng vị quản lý những năm qua, nhất là thời gian làm quản lý văn hóa ở Hà Nội, Phạm Quang Long đã “mài sắc” được ngòi bút và vốn sống của mình. Bây giờ thì ông đã trở về với cái sở trường vốn có đó. Chỉ tiếc là ông không còn nhiều lắm quỹ thời gian…

Nhưng dù sao thì ông cũng đã trở về vị trí của một người thầy. Trong cương vị này, tôi biết Phạm Quang Long là một ông thầy được nhiều học sinh mến mộ. Giảng dạy lý luận văn học có lẽ cũng là thế mạnh lựa chọn của ông. Vì ông sắc sảo và lợi khẩu. Bất chấp cái “âm lượng” có phần không thật dồi dào, không âm vang như của giáo sư Hà Minh Đức, hay một vài ông thầy khác ở khoa Văn, tôi vẫn thấy những giờ giảng lý luận của Phạm Quang Long được học trò mê tít. Đã có lúc tò mò, tôi muốn nấp ở đâu đó nghe “trộm” bài giảng của ông, để kiểm chứng xem những lời khen từ mấy đứa học trò liệu có đúng? Nhưng ý đồ đó chưa kịp thực hiện thì ông đã lại được cất nhắc lên các chức vụ quản lý, thời giờ giảng dạy ít hơn. Ít thôi, chứ không phải bỏ hẳn, vì tôi biết dạy học với Phạm Quang Long là công việc ông yêu thích. Bảo rằng vì làm quản lý nhiều mà quên công việc nghiên cứu, thì đó cũng chỉ đúng một phần, chứ theo tôi thì không hẳn. Bởi lẽ nhìn vào danh mục những công trình nghiên cứu của PGS.TS Phạm Quang Long, có thể chúng ta không tìm thấy một công trình nào thật sự dày dặn (một quyển sách riêng), nhưng số lượng những bài viết in trên tạp chí chuyên ngành thì không hề ít. Đấy là chưa kể hàng trăm bài báo về văn hóa ông viết và in đều đặn trên các tờ báo thời ký ông làm quan lý văn hóa Hà Nội. Rồi còn nhiều nữa những trang viết của ông trong cương vị thư ký tạm thời Tổng kết 30 năm đổi mới văn hóa của Hội đồng Lý luận Trung ương, thường không công bố rộng rãi. Đặc biệt, tôi nghĩ đây mới là sở trường thứ thiệt của Phạm Quang Long: trong những ngày tham gia quản lý văn hóa tại Hà Nội, tận dụng thế mạnh của một nhà nghiên cứu nhân văn, Phạm Quang Long đã viết hàng chục vở kịch, trong đó nhiều vở đã được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu, có vở được nhận giải A trong Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2005. Những vở kịch của Phạm Quang Long đúng là “mạch ngầm” của một ông thầy đọc nhiều, quan sát rộng, nghĩ sâu sắc, bởi nó chứa đựng nhiều tâm sự về nhân tình thế thái trong cả những vấn đề về lịch sử lẫn hiện tại. Đó là các vở Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nợ non sông, Những khoảnh khắc Hồ Chí Minh, Sắm vai, Người trở về, Quỷ mặt người, Quan thanh tra…, toàn là những đề tài “gai góc”. Đã có lần tôi hỏi, thế ông viết thế mà không sợ “bị đụng chạm” sao? Ông không trả lời nhưng tôi biết đã đến lúc, con người tự do và thành thật trong ông bắt đầu “vùng vẫy”. Khi được trở lại là mình thì ông cũng chẳng việc gì phải “quá giữ gìn”. Có người lo cho ông, nhưng tôi lại nghĩ, với thời gian gần nửa thế kỷ “rèn rũa”, Phạm Quang Long chẳng bao giờ “dại dột” phá bỏ “những nguyên tắc” đã có của mình. Ấy là vì nhìn thời cuộc trớ trêu, một con người nặng tình như Phạm Quang Long sao có thể “làm thinh” cho được. Ông tiết lộ với tôi rằng, hiện đang có ba bản thảo sắp tới sẽ được in ra: hai cuốn tiểu thuyết (đang nhờ nhà phê bình Bùi Việt Thắng đọc thẩm định); một công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam ông vẫn từng nung nấu và ấp ủ từ lâu…

Một “bức chân dung" đầy đủ về PGS.TS Phạm Quang Long, chắc chắn cần đến một bài viết dài. Trên đây chỉ là đôi nét phác họa, từ góc nhìn của một người từ xa quan sát. Và một cái nhìn phác họa từ xa, hẳn chỉ có thể soi sáng được đôi ba “vấn đề”. Tôi không dám chắc mình đã “vẽ” hoàn toàn chính xác bức chân dung về ông. Bởi tôi nghĩ Phạm Quang Long vẫn còn nhiều khả năng tiềm ẩn mà ta chưa kịp phát hiện hết. Bởi nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác giả mà Phạm Quang Long từng nghiên cứu, đại ý: Trong mỗi con người đều chứa đựng  trong lòng những nét đẹp đẽ, kỳ diệu, đến nỗi cả một đời người ta vẫn không kịp khám phá ra. Phạm Quang Long là một con người như thế.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ PHẠM QUANG LONG

  • Năm sinh: 1952.
  • Quê quán: Thái Bình.
  • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1975.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad năm 1984.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996.
  • Thời gian công tác tại trường: 1975-2005; 2013-nay.

+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, nay là Khoa Văn học.

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1992-1996).

Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (1996-2001).

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2001-2005).

Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội (2005-2013).

  • Những hướng nghiên cứu chính: Lý luận văn học, nghệ thuật, văn học Việt Nam hiện đại, các vấn đề lý luận văn hóa
  • Những công trình khoa học tiêu biểu::

Lý luận văn học, NXB GD, Hà Nội, 1995, viết chung

Nhớ lại một thời đại trong thi ca, NXB GD, 1993, viết chung

Xây dựng chiến lược văn hóa cho Hà Nội, Kỉ yếu HNKH, NXB HN, 2005, viết chung,

Xã hội hóa các hoạt động biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp ở Hà Nội, cần một giải pháp đồng bộ, Kỷ yếu HTKH, NXB Hà Nội, 2006, viết chung.

Đổi mới lý thuyết văn hóa dựa trên quan điểm lịch sử, Kỷ yếu HTKH, NXB Hà Nội, 2006, viết chung.

Tác giả: Trần Chiến Hữu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây