Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Văn Tổng hợp - một giá trị

Thứ hai - 12/10/2015 03:04
Tôi không dám so sánh với học trò Khoa Ngữ văn các khóa sau này khi trường mang cái tên mới Nhân văn, nhưng quả thật sinh viên thời Tổng hợp đã để lại một dấu ấn khó phai mờ. Họ dấn thân vào cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng đất nước. Khi ngồi trên ghế nhà trường họ học, họ nghiên cứu về chính cái “dấu chân người lính” mà họ đã in trên chặng đường kháng chiến. Vì thế cùng với vốn sống, họ có kiến văn rất rộng, hiểu biết xã hội và khi tốt nghiệp hầu hết đều có việc làm, đảm nhiệm xuất sắc các công việc ở những ngành thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn. Lớp sinh viên Khoa Ngữ văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ những khóa năm 1985 trở về trước đã thành danh khá nhiều. Hàng chục người trở thành nhà văn, hàng trăm người khác trở thành các nhà báo, nhà giáo có tiếng đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Báo chí, Xuất bản, các đoàn Nghệ thuật và các trường đại học hoặc cơ quan văn hóa…
Văn Tổng hợp - một giá trị
Văn Tổng hợp - một giá trị

Tôi thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội trong một giai đoạn đặc biệt:

Một thằng lính hơn mười năm quân ngũ từ chiến trường ra, kiến thức mỏng tang thời học trò đã rơi rụng hết mà dám liều mạng thi vào Khoa Văn Tổng hợp, hoặc là kẻ đã đứt giây thần kinh sợ hãi hoặc quá ngông ngạo coi trời bằng vung. Thời ấy ai chẳng nằm lòng câu: “Toán Bách Khoa, Văn Tổng hợp”. Câu nói mang hàm ý về cái sự cực khó để đỗ được vào hai khoa này. Những đòi hỏi rất cao của Khoa Toán và Khoa Văn ở hai ngôi trường đầu bảng của miền Bắc thời ấy đã được khẳng định như một thương hiệu sáng giá, đồng thời cũng là niềm mơ ước của bao lớp học trò. Và không chỉ hai khoa ấy, để lọt được vào trường Bách khoa và Tổng hợp những năm tháng ấy, cần đạt một điểm thi cao ngất ngưởng. Chẳng thế mà người đời còn có câu nói vui về nhan sắc nữ sinh hai trường này là: “Quỷ Bách Khoa, Ma Tổng hợp”. Diễu nhại thế oan cho khối nàng sinh viên Bách khoa, Tổng hợp cũng yểu điệu, xinh gái như ai. Nhưng phải công nhận tỉ lệ “người đẹp” của hai trường này khá thấp so với các trường khác. Điều này cũng dễ giải thích. Đám nữ sinh cấp ba ngày ấy nếu may hay chẳng may trời cho chút nhan sắc chắc chắn phải đối mặt với biết bao thử thách, hiểm họa. Một nữ sinh viên Khoa Văn, Tổng hợp - bạn tôi - tâm sự: “Nói thật, học sinh phổ thông mà quá xinh đẹp thì cũng chẳng học được. Đám con trai nó vây quanh như ruồi. Không lấy chồng sớm thì cũng chểnh mảng học hành, tâm trạng đâu mà học mà thi nổi vào mấy trường đó. Vì thế chỉ đám con gái kém nhan sắc chúng em mới chỉn chu học hành thi đỗ vào đây. Người ta bảo “ma Tổng hợp” cũng có cái lý của nó”.

GS. Hoàng Xuân Nhị và sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Khóa 21 chúng tôi vào nhập học ngay sau ngày đất nước thống nhất. Tới hai phần ba mỗi lớp là cựu binh, Thanh niên xung phong. Người ít tuổi cũng 23, 24. Nhiều tuổi nhất là 45. Hầu hết đã lấy vợ có con. Trong khi hầu hết nữ sinh vừa rời ghế trường phổ thông mới chớm tuổi 16. Lúc đầu các nàng xưng hô với chúng tôi là chú cháu. Sang năm thứ hai đều thành anh em cả. Ngại nhất là cái sức học của họ với những thành tích kinh hoàng. Một danh sách dài những giải nhất giải nhì văn miền Bắc. Có cô cậu đã trở thành tác giả có tác phẩm đăng trên báo. Thậm chí họ còn nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, tiếng Anh… nghe ù cả tai.

Với những thành phần khác biệt như thế chúng tôi trở thành đồng môn trong một khóa học vừa mang nét tươi trẻ của sinh viên vừa mang vẻ đĩnh đạc cù lần của những cán bộ đi học. Đói. Thiếu thốn mọi bề. Mỗi lớp phải bầu ra ban cán sự để chăm lo đời sống cho sinh viên là chính. Cái ban cán sự ấy làm sao mua cho hết tiêu chuẩn căng tin rồi phân chia cho anh chị em. Một hai tuần lại tập hợp tem phiếu thực phẩm còn thừa tổ chức cho lớp hay từng nhóm bạn bữa ăn một bữa tươi… Quần áo rách còn được các em khéo tay vá víu lại mặc vẫn tươm chán. Mỗi lớp may ra có 1, 2 cái xe đạp của mấy anh cán bộ đi học được coi là của quý. Cứ thế hơn bốn năm học chúng tôi đã thành một gia đình. Một gia đình vô cùng đáng yêu. Sinh viên Văn khoa hầu hết là người thực tài, lãng mạn, và hết sức hóm nghịch.

Tôi không dám so sánh với học trò Khoa Ngữ văn các khóa sau này khi trường mang cái tên mới Nhân văn, nhưng quả thật sinh viên thời Tổng hợp đã để lại một dấu ấn khó phai mờ. Họ dấn thân vào cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng đất nước. Khi ngồi trên ghế nhà trường họ học, họ nghiên cứu về chính cái “dấu chân người lính” mà họ đã in trên chặng đường kháng chiến. Vì thế cùng với vốn sống, họ có kiến văn rất rộng, hiểu biết xã hội và khi tốt nghiệp hầu hết đều có việc làm, đảm nhiệm xuất sắc các công việc ở những ngành thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn. Lớp sinh viên Khoa Ngữ văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ những khóa năm 1985 trở về trước đã thành danh khá nhiều. Hàng chục người trở thành nhà văn, hàng trăm người khác trở thành các nhà báo, nhà giáo có tiếng đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Báo chí, Xuất bản, các đoàn Nghệ thuật và các trường đại học hoặc cơ quan văn hóa…

Sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

*

*           *

Một điều vô cùng may mắn là ngày ấy chúng tôi còn được các giáo sư lừng danh của nước ta trực tiếp giảng dạy như: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài cẩn, Trần Quốc Vượng, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Bùi Duy Tân, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Văn Khỏa, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Kim Đính, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Hoàng Trọng Phiến, Thạch Giang…Tiết giảng của các thày, cô  là những phút giây vô cùng quý báu với hàm lượng kiến thức rất cao. Tôi còn nhớ cảnh tượng mỗi khi có bài giảng của các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Trần Quốc Vượng, Hoàng Như Mai… là cả một khoảng sân rộng trước căn nhà cấp 4 lớp học của chúng tôi lại đông đặc sinh viên các khoa khác tới nghe. Tên tuổi các thầy, tính cách của mỗi thầy đến cả những chi tiết đời riêng của mỗi thầy cũng trở thành đề tài để đám sinh viên Văn khoa thêu dệt thành chuyện với tình cảm vô cùng yêu mến, tinh nghịch. Câu ghép vần tếu táo tên các thầy mà ngay những ngày nhập học đầu tiên tôi được nghe và nhớ đến bây giờ là: “Lương Nhị, Viết Kỵ, nói Mai, Tài Cẩn, lẩn mẩn Duy Tân…”. Lương thầy Hoàng Xuân Nhị cao nhất trường. Viết hay nhất là thầy Lê Đình Kỵ. Giảng bài cuốn hút nhất là thầy Hoàng Như Mai và Kiến thức sâu rộng nhất là thầy Nguyễn Tài Cẩn. Thầy Bùi Duy Tân chẳng lẩn mẩn chút nào. Ngoài kiến văn đáng nể, thầy còn có nét nghịch ngầm rất duyên. Nhưng là người kỹ tính, nghiêm khắc lại chuyên giảng về văn học Lý - Trần – Lê, thầy Tân có một phong thái khá đặc trưng cho văn học thời ấy. Vợ thầy ở tận Nam Hà, thầy Tân sống trong một căn gác xép có mấy mét vuông bên dưới văn phòng khoa ở nhà C2. Lúc ở nhà thầy hay cởi trần, đi guốc mộc. Tóc cắt cao trắng gáy. Một trưa hè, thầy loẹt quẹt đôi guốc xuống bể nước công cộng giữa hai dãy nhà C2 và C3 lấy nước. Đám học hò thấy thầy vận một cái quần đùi lính rất rộng. Để cho gọn, thầy lôi đám vải thừa ở hai bên quần kéo ngược lên sườn như hai cái lá tai. Ngay hôm sau đám sinh viên Văn khoa đã có vè đố nhau: “Đi lê, nói lý, ở trần. Đầu tân, chân cựu giữa quần tai voi”. Đố mày là ai?. Cái giỏi ở đây là kết hợp được bộ môn thầy Tân giảng với tác phong rất riêng của thầy. Thầy Đỗ Đức Hiểu lại có sự nghiêm khắc khác mà đám học trò chúng tôi nhiều khi phải khiếp vía. Thầy Hiểu người gầy, mắt cận nặng và nói năng hết sức nhỏ nhẹ, lịch sự. Thầy nhiều lần nhắc nhở: “Tôi chẳng biết các anh các chị sau này thành ông nọ bà kia ra sao nhưng hôm nay xin các anh các chị hãy viết cho đúng chính tả, luyện cho thạo tiếng Việt”. Tôi không thể quên trong một lần kiểm tra giấy, tôi đã viết hoa không đúng chỗ. Khi thầy trả bài tôi vừa xấu hổ, vừa buồn cười đến dàn dụa nước mắt. Thầy phê một câu đầy chua chát: “Ô hô, anh lại viết hoa !”. Bạn tôi được thầy hẹn lên văn phòng khoa gặp thầy lúc 2 giờ chiều. 2 giờ 02 phút bước chân lên cửa văn phòng đã thấy một mẩu giấy thầy dán ở đó đề rằng: “Tôi hẹn anh 2 giờ. Bây giờ là 2 giờ 01 phút, chào anh tôi đi nhé”. Lần sau, đố anh nào dám lơ mơ về thời gian với thầy.

Các thầy giáo Khoa Văn, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Đại để các thầy, cô của thế hệ sinh viên chúng tôi đáng kính, đáng yêu như thế. Học trò kham khổ. Các thầy sống cũng rất kham khổ. Nhưng trách nhiệm rất cao và tình thầy trò gần gũi, thân thiết. Dù giáo trình, tài liệu phục vụ học tập còn thiếu thốn, sơ sài nhưng các thầy đã truyền thụ cho chúng tôi một kho kiến thức thật phong phú mà các thầy đã tích lũy bằng nỗ lực lớn trong cuộc đời dạy học của mình. Các cụ ta xưa từng bảo “Thầy già con hát trẻ”. Chúng tôi rất may mắn có diễm phúc được thụ giáo các thầy mà tuổi đời và tuổi nghề đã đến độ viên mãn. Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô thực sự là tấm gương cho chúng tôi học tập và noi theo sau này.

Chuyện những năm tháng sinh viên Văn khoa Tổng hợp thì còn vô kể. Nó mãi mãi là một kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Những người lính sinh viên cùng khóa 21 khoa Ngữ văn chúng tôi ngày ấy giờ mỗi người mỗi việc. Hầu hết đã thành ông thành bà, đã nghỉ hưu cũng có vài bạn đã phiêu du nơi tiên cảnh… Mỗi khi nghĩ về họ, xem lại những tấm hình ngày ấy, càng cảm nhận một quãng đời thật đẹp dưới mái trường Tổng hợp Hà Nội thân yêu và sáng giá. 

Tác giả: Nguyễn Trọng Tân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây