Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Một nhà giáo, nhà khoa học và người phụ nữ Tràng An

Thứ ba - 13/10/2015 04:40
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh giống như người nghệ nhân tài hoa luôn khéo léo chèo lái con đò trở nặng tri thức qua những “khúc sông ngôn ngữ gập ghềnh, nhiều phong ba bão táp nhất”. Nhiều bạn bè đồng nghiệp và cả những nhà khoa học nước ngoài nói rằng, dù chỉ mới gặp PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh lần đầu tiên đã giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, yêu thương học trò; một nhà khoa học nghiêm cẩn, nhạy bén; một người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm, hội tụ những nét đẹp thanh lịch của đất Hà Nội.
Một nhà giáo, nhà khoa học và người phụ nữ Tràng An
Một nhà giáo, nhà khoa học và người phụ nữ Tràng An

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi đã được nghe sinh viên và các giảng viên trẻ của Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) kể về cô  bằng niềm yêu mến, kính trọng. Rồi như có một cái duyên định trước, sau ngày tốt nghiệp, tôi lại được nhận về làm việc cùng với cô, được cô trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt...  

Trong suy nghĩ của nhiều đồng nghiệp, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh là một nhà quản lý giáo dục nghiêm khắc, quyết đoán và cẩn thận đến mức khó tính. Bên cạnh đó, với niềm đam mê dành cho khoa học, cô còn là một trong số những phụ nữ được nhận học hàm phó giáo sư khá sớm của ngành Ngôn ngữ học, một ngành khoa học có tiếng là “khó” và khô khan. Tôi thuộc thế hệ hậu sinh, ngưỡng vọng, yêu kính cô trong tư thế của một dòng nước nhỏ chảy bên bờ sông lớn. Những khoảng thời gian ngắn ngủi được trao đổi, trò chuyện với cô, được cô chỉ dạy, tôi rất trân trọng. Cũng chẳng phải vì vị trí xã hội hay chức vụ mà cô đảm nhiệm mà bởi tôi cảm nhận được ở con người cô tính cách chân thực, thẳng thắn và gần gũi, không đơn thuần chỉ là phép xã giao lịch thiệp...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Việt Thanh

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh sinh năm 1958 trong một gia đình trí thức tư sản Hà thành gốc. Từ thuở thiếu thời, việc học hành của cô có những thuận lợi nhất định. Rồi những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cô cùng gia đình, bạn bè nhiều lần di chuyển giữa các địa điểm sơ tán ở các tỉnh Hà Tây, Hà Bắc. Đó là những năm tháng không thể quên, cho cô và các bạn bè cùng trang lứa những trải nghiệm về chiến tranh, về cuộc sống và con người ở vùng quê Bắc bộ. Khi miền Bắc tạm ngừng tiếng bom, cô được trở về Hà Nội, tiếp tục học và hoàn thành chương trình cấp II ở trường Quang Trung, rồi chương trình cấp III tại trường Việt Đức. Năm 1975, ước mơ trở thành luật sư khiến cô đăng ký thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng do những điều kiện khách quan, khóa Luật đầu tiên của trường bị giải tán sau 3 tuần học, cả lớp bị chia về các khoa Lịch sử, Ngữ văn và Triết học. Như một cái duyên, cô quyết định chọn ngành Ngôn ngữ thuộc Khoa Ngữ văn sau vài lời “rủ rê” của mấy người bạn khóa trên. Những năm học ở trường, cô và các bạn cùng thế hệ có may mắn được trực tiếp dự giờ giảng các nhiều giáo sư nổi tiếng của ngành Ngôn ngữ học như GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Nguyễn Văn Tu, GS. Nguyễn Hàm Dương, GS. Đoàn Thiện Thuật, GS. Nona Stankevich... và nhiều giáo sư nổi tiếng ngành Văn học, Hán Nôm. Các kiến thức thu được sau những giờ học miệt mài trên lớp và những đợt thực tập chuyên ngành ở địa phương đã nuôi dưỡng trong cô tình yêu đối với Ngôn ngữ học, một ngành học đòi hỏi tư duy logic chính xác, vốn được ví là “ngành toán của khoa học xã hội nhân văn”.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

 Tốt nghiệp cử nhân Ngữ Văn với tấm bằng xuất sắc năm 1980, cô  được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Ngôn ngữ học, được phân công đảm nhiệm môn học Ngữ pháp văn bản và Ngôn ngữ học xã hội vốn là những môn học còn khá mới mẻ ở nước ta lúc bấy giờ. Cô kể rằng không thể quên được buổi lên lớp đầu tiên nhưng hoàn toàn thất bại của cô giáo 23 tuổi cho một lớp tại chức gồm toàn sinh viên 30, 40 tuổi. Đứng trên bục giảng, nhìn xuống đối mặt với gần 50 cặp mắt nheo nheo, cười cười, nửa “nghiêm túc” của các “chú, bác sinh viên”, mọi chữ nghĩa, đề cương chuẩn bị trong nhiều ngày bay mất hết. Rất may, cảm giác lúng túng được giảm dần cùng với thời gian và cùng với sự bồi đắp, tích lũy về tri thức chuyên môn trong quá trình làm việc tại Khoa Ngữ văn, dưới sự dìu dắt, giúp đỡ nghiêm khắc nhưng hết sức chân thành của các thầy cô và các anh chị đi trước. 

 Năm 1989, trong khi đang học nghiên cứu sinh hệ trong nước, cô nhận được một cơ hội vô cùng hiếm hoi thời bấy giờ là sang Nhật Bản tham dự chương trình đào tạo của quỹ Giao lưu quốc tế của bộ Ngoại giao Nhật Bản (Japan Foundation) với nhiệm vụ tiếp thu và truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho Việt Nam. Sau hai năm học căng thẳng tại Tokyo, cô trở về nước, được giao nhiệm vụ mở lớp học đầu tiên chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại Khoa Ngữ văn. Mặc dù chuyên ngành này, cùng với chuyên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, chỉ được tổ chức tại Khoa Ngữ văn có 5 năm (từ năm 1992 tới năm 1997), song nhiều sinh viên được tốt nghiệp tại chuyên ngành này đã trở thành cán bộ cốt cán trong nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan tới việc phát triển quan hệ quốc tế với Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực. Đối với cô, mặc dù thời gian trực tiếp dạy tiếng Nhật không dài, song các duyên đối với tiếng Nhật với tư cách là một đối tượng nghiên cứu vẫn đeo đẳng trong sự nghiệp của cô cho tới tận ngày nay qua khoảng 20 bài nghiên cứu trong các Tạp chí chuyên ngành, qua cuốn sách Ngữ pháp tiếng Nhật, một trong những tài liệu cẩm nang được sinh viên nhiều trường đại học sử dụng và qua các Hội đồng chuyên ngành tiếng Nhật của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cô luôn được mời với tư cách là chuyên gia.

Chuyên môn chính được xác định của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh tại Bộ môn Ngôn ngữ học (từ năm 1996 là Khoa Ngôn ngữ học) là Ngôn ngữ học văn bản, sau gọi là Phân tích diễn ngôn. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam so với các lĩnh vực truyền thống khác như ngữ âm, từ vựng, từ pháp, cú pháp… Được làm việc và nhận được sự hướng dẫn khoa học trực tiếp của GS.Trần Ngọc Thêm (hiện công tác tại ĐHQG TP HCM), được sự giúp đỡ của GS. Diệp Quang Ban (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trong nhiều năm, cô đã trực tiếp giảng dạy môn học này cho các khóa sinh viên và học viên cao học. Rất nhiều sinh viên, học viên cao học và một số nghiên cứu sinh đã chọn đề tài tốt nghiệp thuộc lĩnh vực này và được cô trực tiếp làm người hướng dẫn khoa học. Cuốn sách Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt được xuất bản năm 2000 cùng với cuốn Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của Trần Ngọc Thêm (Nxb Giáo dục) trong nhiều năm vẫn được sinh viên sử dụng. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ của một cán bộ trong bộ môn Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, những kiến thức về một số ngôn ngữ phương Đông cũng có vai trò không nhỏ giúp cô thực hiện các công việc chuyên môn, khi sử dụng chúng làm ngôn ngữ để đối chiếu với tiếng Việt nhằm tìm hiểu những đặc trưng tương đồng hay khác biệt giữa các ngôn ngữ vốn rất khác nhau về loại hình.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh từng giữ các chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (2000-2003); Trưởng ban Chính trị và Công tác sinh viên, ĐHQGHN (2003-2010); Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN (2002-2010). 

Từ năm 2001, theo sự điều động của ĐHQGHN, PGS. Nguyễn Thị Việt Thanh được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm cương vị Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, sau đó là Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển. Cô tâm sự  đây là một cơ hội rất hữu ích đối với cô, một người đã nhiều năm gắn với các phương pháp nghiên cứu đơn ngành, có điều kiện tiếp cận, học hỏi và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành theo định hướng khu vực học trong công việc của mình. Vẫn theo đuổi đối tượng ngôn ngữ học, song mỗi hiện tượng ngôn ngữ ở đây không còn được xem xét một cách độc lập, mà trong mối quan hệ hữu cơ, tương tác chặt chẽ với các nhân tố xã hội khác như lịch sử, văn hóa, xã hội, thậm chí cả địa lý, góp phần tạo nên không gian văn hóa chung của Việt Nam hay của từng khu vực của đất nước. Phương pháp tư duy liên ngành này được cô sử dụng xuyên suốt trong các bài giảng về ngôn ngữ trong quan hệ với xã hội, văn hóa và tư duy người Việt cho học viên và nghiên cứu sinh người Việt Nam và người nước ngoài. Những năm gần đây, từ xuất phát điểm ngôn ngữ học, với sự hỗ trợ của các thành viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau trong nhóm nghiên cứu, cô đã chủ trì và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, mà sản phẩm khoa học cuối cùng là hai cuốn sách đang chuẩn bị được công bố là Từ điển văn hóa truyền thống các dân tộc Thái – Tày – Nùng (Nxb ĐHQGHN) và Địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XIX tới nay (Nxb Hà Nội) cùng hàng chục bài báo được đăng trong các tạp chí khoa học.

Không chỉ hạn chế mình trong phạm vi chuyên ngành sâu, từ năm 2011, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động khoa học của mình bằng việc đề xuất, sau đó được phân công làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước Nguồn nhân lực Nữ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế  thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về Nghiên cứu khoa học phát triển Văn hóa, Con người và Nguồn nhân lực của Bộ KHCN. Cô tâm sự đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với cô, nhưng khi được trực tiếp làm việc với các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như xã hội học, tâm lý học, triết học, được tiếp xúc với chục nhà khoa học nữ tiêu biểu của Việt Nam, đọc hàng nghìn phiếu hỏi được thu thập từ nhiều vùng của đất nước, cô thấy thật may mắn khi có điều kiện chia sẻ và hiểu rõ hơn những suy nghĩ và đóng góp âm thầm nhưng đầy hiệu quả, những khó khăn và hy sinh thầm lặng của một lực lượng cán bộ khoa học mang nhiều đặc thù trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Với cô, một nhà khoa học nữ, những nghiên cứu còn giúp cô hiểu hơn những người xung quanh và hiểu hơn chính bản thân mình.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh bên các học trò

Với những thành tựu trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, năm 2002, TS. Nguyễn Thị Việt Thanh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư; năm 2010, cô được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2012, cô được bổ nhiệm bậc Giảng viên cao cấp. “Tôi cũng giống như bao giảng viên khác làm công việc trồng người ở bậc đại học, càng tự hào về nghề nghiệp của mình bao nhiêu thì càng lo lắng và trăn trở bấy nhiêu về trách nhiệm của bản thân đối với yêu cầu đào tạo ngày càng cao của đất nước. Dù sao tôi vẫn nghĩ không bao giờ ân hận về con đường mình đã chọn. Hàng ngày được tiếp xúc với sinh viên, được chia sẻ kiến thức với các bạn trẻ, đó là phương thuốc tốt nhất duy trì tuổi trẻ của mình ” - cô thường chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp về những suy nghĩ, định hướng của mình. Chính việc không ngừng trau dồi, tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm trên cơ sở học hỏi kiến thức và phương pháp sư phạm của những người đi trước, của đồng nghiệp cũng như những ý kiến phản hồi từ phía sinh viên đã giúp cho PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh có một phong cách sư phạm rất riêng, hấp dẫn và thu hút. Nhiều sinh viên sau hàng chục năm tốt nghiệp vẫn nói rằng: Em rất mê cô Việt Thanh, bởi trong cô, tính cách một nhà giáo, một nhà khoa học, một người mẹ, một người bạn luôn hòa quyện với nhau.

Bên cạnh là một nhà sư phạm, một nhà khoa học, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị  Việt Thanh còn được nhiều người biết đến trong vai trò là một nhà quản lý uy tín ở ĐHQGHN. Cô nguyên là Đảng ủy viên Đảng ủy ĐHQGHN các khóa II, III và IV; là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy các  khóa III và IV; Trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy, nguyên  Phó trưởng ban Đào tạo, Trưởng Ban Chính trị và Công tác HSSV ĐHQGHN. Trong những năm tháng làm cán bộ quản lý, bằng những kiến thức, kinh nghiệm của một nhà chuyên môn, cô đã tư vấn cho lãnh đạo ĐHQGHN đưa ra những chính sách hợp lý, kịp thời, hiệu quả. Suốt những năm tháng qua, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh đã âm thầm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp trồng người, dâng trọn tâm huyết cho các thế hệ học trò, cho các hoạt động khoa học. Phần thưởng Huân chương Lao động Hạng III và nhiều Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hơn hết là sự yêu quý, kính trọng của người thân, đồng nghiệp, bè bạn, học trò là những bằng chứng ghi nhận đóng góp của cô với tư cách là một nhà giáo, nhà khoa học của Trường ĐHKHXH&NV, của Viện VNH&KHPT, ĐHQGHN.

Ở một khía cạnh nào đó, trong suy nghĩ của thế hệ chúng tôi, cô Việt Thanh giống như người nghệ nhân tài hoa luôn khéo léo chèo lái con đò trở nặng tri thức qua những “khúc sông ngôn ngữ gập ghềnh, nhiều phong ba bão táp nhất”. Nhiều bạn bè đồng nghiệp và cả những nhà khoa học nước ngoài nói rằng, dù chỉ mới gặp PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh lần đầu tiên đã giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, yêu thương học trò; một nhà khoa học nghiêm cẩn, nhạy bén; một người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm, hội tụ những nét đẹp thanh lịch của đất Hà Nội. Nay đã nghỉ công việc quản lý, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh càng có nhiều thời gian tập trung cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cô kể rằng, mấy năm gần đây, những nghiên cứu của cô về Hà Nội mang lại cho cô nhiều niềm vui khi có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về mảnh đất mình đã sinh ra và những kết quả nghiên cứu, dù rất nhỏ, nhưng cũng là những tri ân của riêng cô đối với mảnh đất đã nâng đỡ, gắn bó với cô cả cuộc đời.  

Mỗi khi có duyên may được trò chuyện cùng PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh, chúng tôi luôn cảm nhận được tình yêu mà cô dành cho khoa học. Cô có thể ngồi say sưa hàng giờ để kể cho chúng tôi nghe về những công trình nghiên cứu, những dự định khoa học mà cô đã, đang theo đuổi và bao giờ cũng vậy cô luôn hướng chúng tôi đến được với những lý do lựa chọn vừa tinh tế, thú vị vừa rất nhân văn. Bài học sâu sắc mà các thế hệ  sinh viên chúng tôi học được từ cô chính là niềm đam mê, tâm huyết với những dự định, ước mơ mà mình ấp ủ. Tuy vậy, riêng tôi, ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận từ PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh là tính cách một nhà giáo, nhà khoa học và phẩm cách của người phụ nữ Tràng An  luôn hòa quyện làm một.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THỊ VIỆT THANH

  • Năm sinh: 1958.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ học, tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980.
  • Nhận bằng tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1994.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2002.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.
  • Thời gian công tác tại trường: 1980-2002.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Ngôn ngữ học (trước là Khoa Ngữ văn) (1980-2002). Hiện đang là giảng viên kiêm nhiệm của Khoa Ngôn ngữ học.

Ban Đào tạo, ĐHQGHN (2/3003-9/2003).

Ban Chính trị và Công tác sinh viên, ĐHQGHN (2003-2010).

Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN (trước là Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa) (2002- nay).

+ Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (2000-2003).

Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN (2/2003-9/2003).

Trưởng ban Chính trị và Công tác sinh viên, ĐHQGHN (2003-2010).

Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN (2002-2010).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Ngôn ngữ học văn bản, Phân tích diễn ngôn, Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt, Nxb GD. H.1999.

Ngữ pháp tiếng Nhật, Nxb ĐHQGHN. H.2000.

Các ngôn ngữ Phương Đông (đồng tác giả), Nxb ĐHQGHN. H. 2003.

Nữ trí thức với sự nghiệp phát triển đất nước (chủ biên), Nxb ĐHQGHN. H. 2015.

Địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XIX đến nay (chủ biên), Nxb Hà Nội. H. 2015.

 

Tác giả: Minh Trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây