Ngôn ngữ
GS.TS.NGƯT Mai Ngọc Chừ sinh năm Kỷ Sửu trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại thôn Đông Vinh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông nội thầy là cụ đồ Mai Văn Tổng (cụ khóa Tổng – theo cách gọi trìu mến của người dân địa phương) vốn là một nhà nho có tiếng bởi lòng nhân đức và yêu thương học trò. Còn người cha, cụ Mai Hữu Trưng, là một nhà cách mạng tận trung với Đảng, hiếu với dân, cực kì ngay thẳng và liêm khiết. Được thừa hưởng những đức tính quý báu từ ông nội và người cha, ngay từ thuở bé, thầy Mai Ngọc Chừ đã nổi tiếng chăm chỉ, ham học và học giỏi.
Nhưng con đường học hành và sự nghiệp của GS.TS Mai Ngọc Chừ không bằng phẳng như những người bạn cùng thời của thầy. Trong cuốn sách Số phận và Tâm linh mới xuất bản gần đây (NXB Hồng Đức của Hội Luật gia Việt Nam, 2013), thầy đã “bật mí” cho độc giả về 5 lần thử thách nghiệt ngã mà thầy đã phải trải qua… Cuốn sách đã và đang được bạn đọc trong cả nước đón nhận “với sự thích thú không giấu nổi” theo lời của nhà văn hóa học – ngôn ngữ học GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Mai Ngọc Chừ.
Ông là giáo sư đầu ngành Ngôn ngữ học và là chuyên gia văn hoá phương Đông
GS.TS Mai Ngọc Chừ là một nhà khoa học và một nhà giáo tận tâm, làm gì cũng làm đến cùng, với một niềm say mê cháy bỏng và sự lao động quên mình, do vậy, theo đánh giá của nhiều người, thầy là người thành đạt.
Cái tuổi Kỉ Sửu của thầy không cho phép thầy lùi bước trước khó khăn gian khổ. Muốn thành công phải chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó như con trâu vậy. Nhờ lao động cần mẫn, đến nay thầy đã cho ra mắt bạn đọc 25 cuốn sách, trong đó, một trong những cuốn để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc chính là Văn hóa và ngôn ngữ phương Đông. Đây là cuốn sách dành hai giải thưởng: giải Đồng cho sách hay do Hội xuất bản Việt Nam bình chọn và giải "Công trình khoa học - công nghệ tiêu biểu" của Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS.TS.NGƯT Mai Ngọc Chừ tại buổi lễ công nhận chức danh Giáo sư
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Công trình nào để lại ấn tượng đẹp nhất cho thầy?”, thầy nói: “Mỗi công trình đều có một kỉ niệm đẹp nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là việc tổ chức và xuất bản bộ sách Quê Việt dành cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài mà thầy là người được Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ định làm chủ biên. Bộ sách gồm 18 cuốn, trong đó 6 cuốn sách giáo khoa, 6 cuốn sách bài tập và 6 cuốn sách hướng dẫn giáo viên. Điều thầy cảm thấy vừa lòng nhất là bộ sách không chỉ đến được với Việt kiều ở châu Âu (Pháp, Đức,…), châu Á (Thái Lan, Lào, Cămpuchia, …) mà còn đến được tận bang California của Mỹ, kể cả quận Cam là nơi được coi là “nóng bỏng” vì tình hình Việt Kiều ở đó khá phức tạp. Vào thời điểm năm 2008, thầy và nhóm biên soạn phải đến California một cách “bí mật” để tập huấn cho đồng bào Việt Kiều ở đó về cách dạy tiếng Việt. Chuyến đi đã thành công mĩ mãn.
Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời đi dạy của mình, thầy đã kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện thú vị, trong đó ấn tượng nhất là tình cảm đặc biệt của các độc giả và giáo viên nước ngoài dành cho thầy khi họ sử dụng những cuốn sách dạy tiếng Việt do thầy biên soạn. Thầy kể: một lần khi tham gia hội thảo quốc tế Việt Nam học, bất ngờ có một cô gái Tây chạy đến ôm chầm lấy thầy và thốt lên: "Trời ơi thầy là thầy Chừ phải không ạ? Em ở Saint Pertersburg nước Nga, từ nhiều năm nay em đều dạy tiếng Việt theo sách của thầy". Thầy thật không ngờ là ở một đất nước xa xôi mà vẫn có người ngưỡng mộ và yêu quý mình đến vậy.
GS.TS.NGƯT Mai Ngọc Chừ là Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học (2000-2010).
Mấy dòng giới thiệu về thầy chỉ như “muối bỏ bể”. Muốn biết sâu hơn về những đóng góp khoa học của thầy, xin bạn đọc hãy tìm đọc những công trình đứng tên thầy như là Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học, Văn hóa và ngôn ngữ Phương Đông, Văn hóa Đông Nam Á, Cộng đồng Melayu: Những vấn đề ngôn ngữ … Muốn biết về nghị lực và tấm gương vượt lên số phận của thầy, bạn hãy tìm đến Số phận & Tâm linh… Và thêm nữa, muốn biết nhân cách và lòng yêu nghề của một nhà giáo thì xin bạn đọc hãy tìm gặp và nói chuyện với các thế hệ sinh viên Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), với các học viên cao học ở Khoa Văn hóa học và Khoa Đông Phương học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), các học viên cao học ở Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng),… Họ rất tự hào vì có thầy Mai Ngọc Chừ, một giảng viên hết lòng vì sinh viên, một nhà quản lí có tâm, có tầm, có tài và có bản lĩnh…
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ MAI NGỌC CHỪ
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1974-1993). Giảng viên Khoa Ngôn ngữ & Ngôn ngữ học, Đại học Malaya, Malaysia (9/1993-9/1996). Khoa Đông Phương học, game đánh chắn online đổi thưởng (9/1996 đến nay). + Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Đông Nam Á học (1997-1999). Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học (2000-2010).
Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học, NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1991, tái bản NXB Văn hóa – Thông tin, 2005. Văn hóa Đông Nam Á, tái bản, NXB ĐHQG Hà Nội, 1999. Cộng đồng Melayu: Những vấn đề ngôn ngữ, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002. Văn hóa & Ngôn ngữ Phương Đông, NXB Phương Đông, 2009.
+ Giải Đồng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam cho cuốn Văn hóa và Ngôn ngữ Phương Đông. + Giải Công trình khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội cho cuốn Văn hóa và Ngôn ngữ Phương Đông. |
Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm