Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Báo cáo tổng kết Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất: Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam

Chủ nhật - 16/06/2024 03:04
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả Báo cáo tổng kết Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất: Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam do GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN soạn thảo.
Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất vinh dự đón lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan ở trung ương, địa phương, các nhà khoa học trên toàn quốc
Ngày 15 tháng 1 năm 2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành kết luận về việc nghiên cứu biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam “là bộ Quốc sử mang tính quốc gia chính thống” làm cơ sở cho Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, lấy phương pháp tiếp cận toàn bộ, toàn diện, khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử làm nguyên tắc triển khai. Ngày 1 tháng 5 năm 2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án Quốc sử) đã phát động toàn ngành Sử học đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Công việc nghiên cứu và tuyên truyền về lịch sử Việt Nam nói chung và về chủ quyền quốc gia lãnh thổ lãnh hải Việt Nam nói riêng được toàn giới Sử học hưởng ứng nhiệt liệt và đã dồn tâm dốc sức chạy đua với thời gian và dịch bệnh, đến nay đã căn bản hoàn thành bộ Quốc sử 30 tập, trong đó các tập đều có những nghiên cứu bài bản và chuyên sâu về cương vực của tất cả các nhà nước, các vương triều, các thể chế chính trị trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và quá trình tích hợp vào lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, Đại Nam cho đến lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, hàng trăm đề tài khoa học các cấp, hàng chục hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề, hàng chục tập sách, hàng trăm bài báo khoa học đã được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác nhau ở trong nước và nhiều nước trên thế giới. Mười năm qua, tính từ ngày GS Phan Huy Lê phát động, giới Sử học Việt Nam đã tiến được một bước rất dài và rất căn bản trên con đường nhận diện giá trị đích thực của lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam và của chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2024 là năm có nhiều sự kiện lịch sử nổi bật liên quan đến chủ quyền quốc gia lãnh thổ như Kỷ niệm 1480 năm nhà nước Vạn Xuân, 1100 năm ngày sinh của Đinh Tiên Hoàng, 1080 năm ngày mất của Ngô Quyền, 1050 năm ngày sinh của Lý Thái Tổ, 220 năm ngày chính thức ra đời của Quốc hiệu Việt Nam, 190 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ, 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp nghị Giơnevơ và tiếp quản Thủ đô Hà Nội… Ở mỗi sự kiện lịch sử quan trọng này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thường hợp tác với các địa phương và các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt học thuật. Hôm nay vừa tròn 10 năm GS Phan Huy Lê phát động phong trào, cũng vừa đúng 6 năm GS Phan Huy Lê vĩnh viễn đi xa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất tổng kết 10 năm đẩy mạnh nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam. Hội nghị đã nhận được 164 báo cáo tóm tắt và in thành thập Kỷ yếu tóm tắt dầy 325 trang phục vụ cho tất cả các vị đại biểu tham dự. Đồng thời Hội nghị cũng đã nhận được 149 báo cáo toàn văn được biên tập sơ bộ và in thành 3 tập với tổng số 1455 trang khổ A4 phục vụ cho Ban Tổ chức, Ban Chuyên môn của các tiểu ban và là tài liệu tham khảo, tra cứu, trao đổi học thuật khi thật cần thiết ngay trong hội thảo. Hội nghị được tổ chức thành 4 phiên, gồm 2 phiên toàn thể dưới hình thức hội nghị và 2 phiên hội thảo khoa học của 3 tiểu ban là (1) Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền, (2) Biển Đông - Không gian sinh tồn của các cộng đồng cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam và (3) Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn báo cáo tổng kết tại Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất ngày 15/6/2024
Trong phiên Khai mạc, chúng ta đã nghe báo cáo Đề dẫn của PGS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội KHLSVN); nghe phát biểu chào mừng của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng 03 báo cáo về những vấn đề chung của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia; vị trí ý nghĩa của Quốc hiệu Việt Nam trong tiến trình lịch sử đất nước và về phương pháp tiếp cận toàn bộ toàn diện của lịch sử Việt Nam được vận dụng nghiên cứu lịch sử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Hội thảo của 03 tiểu ban, mỗi tiểu ban được chia thành 02 phiên là hoạt động học thuật chuyên sâu của từng lĩnh vực gắn với chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải. Tại các tiểu ban, nhóm chuyên gia điều hành và tổ thư ký đã làm việc rất chuyên nghiệp và đạt được hiệu quả cao. Hội nghị vừa nghe các vị GS thay mặt cho 3 tiểu ban trình bày các báo cáo tổng kết của tiểu ban mình với tổng số 28 báo cáo được trình bày toàn văn và trên 30 ý kiến trao đổi thảo luận rất sôi nổi. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và xem báo cáo của các tiểu ban là tổng kết khoa học chuyên sâu của cuộc hội nghị. Về phần mình chúng tôi xin được vừa tổng hợp vừa diễn giải thêm mấy ý sau đây:
1. Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là một trong những khu vực được coi là cái nôi của loài người, gần đây Khảo cổ học đã phát hiện trên đất An Khê, tỉnh Gia Lai một hệ thống di tích sơ kỳ đá cũ cách ngày nay 80 vạn năm, xác nhận nước ta là một trong những nước có con người sinh sống sớm vào bậc nhất. Tuy nhiên nói hình hài đất nước với tư cách là quốc gia lãnh thổ thì người ta chỉ bắt đầu từ thời kỳ dựng nước đầu tiên tương đương với sơ kỳ thời đại đồ Sắt, còn trước đó là thời kỳ nguyên thủy hay thời đại Tiền sử, tức là thời kỳ chưa có nhà nước dù là nhà nước sơ khai.
2. Bước vào thời đại Đồ Sắt trên phạm vi đất nước ta hiện nay đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn dẫn đến sự ra đời của 3 nhà nước đầu tiên là nước Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc; các nhà nước Sa Huỳnh cổ - Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chămpa ở miền Trung và Phù Nam ở miền Nam. Thời điểm ra đời của các nhà nước Văn Lang - Âu Lạc sớm hơn nhiều so với Chămpa và Phù Nam, nhưng cũng chỉ khoảng 2700 năm cách ngày nay, chứ không phải 4000 năm như xưa nay vẫn hằng quan niệm. Tuy có sớm muộn cách nhau đến vài ba thế kỷ, nhưng cả ba loại hình nhà nước trên đều được xếp chung vào thời đại dựng nước đầu tiên của Việt Nam. Sự ra đời của các nhà nước đầu tiên đều dựa trên hai nguồn lực cơ bản của đại lục và đại dương, trong đó yếu tố biển phủ lên trọn vẹn cả 3 vương quốc và càng đi sâu xuống phía Nam yếu tố biển càng tăng manh, mà dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở các đảo ven bờ, mở rộng ra đến quần đảo Trường Sa và di tích văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở Cửa Cạn Phú Quốc, Bến Ngự Thổ Châu là những minh chứng rất tiêu biểu. Như thế kể từ khi chưa có nhà nước cư dân các bộ lạc nguyên thủy ở vùng duyên hải miền Trung đã làm chủ cả vùng Hoàng Sa, Trường Sa giữa Biển Đông và toàn bộ vùng biển đảo Tây Nam. Chính cuộc sống mưu sinh của các lớp cư dân của của các vương quốc Văn Lang - Âu Lạc, Sa Huỳnh - Chămpa và Phù Nam đã tạo dựng hình hài đất nước để các thế hệ con cháu bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay.
3. Trong quá trình hình thành và biến đổi, dần dần hình thành một khuynh hướng phát triển chung, một dòng chảy chủ đạo của lịch sử đất nước là vai trò quy tụ và lan tỏa của trung tâm Đông Sơn, Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc. Phạm vi lãnh thổ của nước Âu Lạc trước khi bị rơi vào ách đô hộ của phương Bắc có thể hình dung là toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tính cho đến địa đầu tỉnh Quảng Bình, nhưng ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn thì lại bao trùm lên toàn vùng lãnh thổ của các vương quốc Chămpa và Phù Nam. Các nghiên cứu gần đây cũng phân biệt khá rạch ròi giữa vương quốc Phù Nam được hình thành trên vùng đất gốc của văn hóa Óc Eo tương đương với vùng đất Nam Bộ hiện nay với đế chế Phù Nam hay đế quốc Phù Nam rộng lớn bao gồm nhiều vương quốc và thuộc về giai đoạn lịch sử sau.
4. Đầu thế kỷ thứ X, họ Khúc rồi họ Dương giành quyền tự chủ, đặt cơ sở để vào đầu năm 939, sau đại thắng quân Nam Hán ở cửa biển Bạch Đằng, Ngô Quyền mở nước, xưng vương, định đô Cổ Loa, khẳng định mạnh mẽ sự tiếp nối quốc thống từ thời Hùng Vương, An Dương Vương. Các thời Đinh, Tiền Lê trên đại thể lãnh thổ của quốc gia Đại Việt cũng không khác so với thời Ngô. (Xin được giải thích rõ thêm là tên chính thức của nước ta ngay từ thời Đinh đã là “Đại Việt”; còn các tên “Đại Cồ Việt”, “Cù Việt”, “Nam Quốc” hay “Việt Quốc” vẫn được sử dụng trong dân gian, nhưng không phải là Quốc hiệu chính thức).
5. Năm 1009 vương triều Lý thành lập, năm 1010 Lý Thái Tổ định đô Thăng Long khẳng định Thăng Long là kinh đô mãi mãi muôn đời ở trung tâm bờ cõi, mở ra thời kỳ Văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt, phát triển huy hoàng, rạng rỡ của đất nước. Nhà Lý là triều đại quân chủ đầu tiên của Việt Nam đã đề ra chiến lược biển và nước Đại Việt đời Lý là quốc gia có chiến lược biển rất sớm trên thế giới. Năm 1069 Lý Thánh Tông lần đầu tiên mở mang lãnh thổ Đại Việt vượt quá Đèo Ngang bao lấy toàn bộ tỉnh Quảng Bình và 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh Quảng Trị ngày nay.
6. Vương triều Trần với hào khí Đông A, 3 lần đại phá đại đế chế Mông Nguyên, rạng rỡ Văn trị, Võ công đã mở mang lãnh thổ của quốc gia Đại Việt đến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và phần phía Bắc tỉnh Quảng Nam hiện nay. Đến đầu thế kỷ XV,  đất đai của quốc gia Đại Ngu nhà Hồ được xác định đến vùng Chiêm Động, Cổ Lũy tương đương với khu vực thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi.
7. Năm 1471 Lê Thánh Tông mở rộng phạm vi lãnh thổ của quốc gia Đại Việt đến đèo Cù Mông ở phía Nam tỉnh Bình Định và kéo dài vùng ảnh hưởng đến tận địa đầu Phan Rang chia thành 2 nước Hoa Anh (vùng duyên hải Phú Yên, Khánh Hòa) và Nam Bàn (vùng Tây Nguyên Gia Lai) và có thể theo truyền thống lâu đời của Chămpa đã vươn ra chiếm lĩnh Bãi Cát Vàng ở giữa Biển Đông (tức quần đảo Hoàng Sa). Nhà Mạc thế kỷ XVI đã khẳng định chiến lược biển tương tự như ngày nay.
8. Chúa Nguyễn thế kỷ XVII, XVIII đã hoàn thành công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam, tạo hình hài đất nước Việt Nam đúng như nước Việt Nam hiện nay. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) được coi là vị Chúa của các kỳ công mở cõi trong lịch sử dân tộc, không chỉ bước đầu xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, mà còn cho lập đội Hoàng Sa để quản lý, khai thác Biển Đông, chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ở đây con đường Nam tiến của dân tộc chủ yếu thông qua đường biển, có khi tiến thẳng ra làm chủ biển khơi rồi lấy biển đảo làm bàn đạp để tiến sâu vào đất liền.
9. Chúa Nguyễn Phúc Chu cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là người cho lập phủ Gia Định, các dinh Trấn Biên và phiên Trấn khẳng định hệ thống hành chính đầy đủ và chặt chẽ đến cấp cơ sở ở Nam Bộ. Ông cũng đồng thời mở mang lãnh thổ bao gồm cả Hà Tiên, Mũi Cà Mau, lập ra đội Bắc Hải chuyên trách khai thác và quản lý các đảo và quần đảo ở Nam Biển Đông và Tây Nam Bộ.
10. Nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tương tự như ngày nay được khẳng định một cách tuyệt đối kể từ khi Vương triều Nguyễn được thành lập. Năm Giáp Tý (1804) Hoàng đế Gia Long đặt tên nước Việt Nam là sự tiếp nối tên nước đã có từ nhiều thế kỷ trước (nhưng chưa chính thức) và mở ra giai đoạn phát triển mới của quốc gia dân tộc Việt Nam. Năm Mậu Tuất (1838) Hoàng đế Minh Mệnh lại quyết định đổi tên nước thành Đại Nam cho tương xứng với phạm vi lãnh thổ đã được mở rộng cực đại sang cả phía Tây và phía Đông. Lúc này biên giới đất liền của đế quốc Đại Nam đã tiếp giáp với Xiêm La (Thái Lan). Minh Mệnh cũng là người đã đưa hoạt động chủ quyền của Việt Nam - Đại Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa đến đỉnh cao nhất của thời đại quân chủ. Tiếc rằng sau khi Minh Mệnh qua đời, Thiệu Trị và Tự Đức vì nhiều những khó khăn mà không cử người thường xuyên ra Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trên căn bản chủ quyền của quốc gia Đại Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa vẫn được duy trì. Không có bất cứ một vị vua nào của nhà Nguyễn tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa.
11. Sau năm Giáp Thân (1884) chủ quyền của nước ta bị rơi vào tay Thực dân Pháp. Bước sang đầu thế kỷ XX, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa xuất hiện. Người Pháp lúc đầu tỏ ra thờ ơ, nhưng sau đó đã quyết định đứng về phía Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa trên cơ sở chủ quyền lâu đời của vương quốc An Nam và tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa bằng các hành động chiếm đóng thật sự. Đến cuối những năm 40 của thế kỷ XX, người Pháp đã bàn giao lại chủ quyền ở cả Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam theo luật thừa kế chủ quyền của luật pháp quốc tế. Tình hình biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam cũng được giải quyết tương đối hợp lý và ổn thỏa.
12. Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa tiếp nhận quyền thừa kế chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa, cũng đã có nhiều cố gắng đấu tranh bảo vệ chủ quyền thật sự và lâu đời mà tổ tiên đã tạo dựng. Tuy vậy, Việt Nam Cộng hòa không thể không chịu trách nhiệm vì đã để mất quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Năm 1975, Việt Nam Cộng hòa tan rã, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện chân chính duy nhất của nước Việt Nam thực hiện tiếp quản quần đảo Trường Sa theo đúng luật pháp quốc tế. Từ sau năm 1975 đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, nhưng tình hình biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam và tình hình tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều chuyên gia đã đi sâu nghiên cứu và có những đóng góp cho những quyết sách của Đảng và nhà nước bảo toàn trọn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam trong những điều kiện lịch sử mới.
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc hội nghị, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo và động viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, của các cơ quan chuyên môn của Đảng, Nhà nước, của thành phố Hà Nội, sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả của các trường đại học các viện nghiên cứu, đặc biệt là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; sử hưởng ứng viết bài của các chuyên gia từ khắp mọi miền đất nước, trong đó tập trung cao ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Sơn La. Chúng tôi xin được gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc đến gia đình ông Lê Thành Long và bà Huỳnh Thị Thương đã hoàn toàn tự nguyện đứng cùng chúng tôi, âm thầm đồng hành với chúng tôi từ những chuyến đi nghiên cứu khảo sát ở vùng biển đảo xa xôi nhất về phía cực Nam của Tổ quốc, đến sông Tiền, sông Hậu, đến các cuộc hội thảo, tọa đàm ở nhiều địa phương và cho đến giờ phút này, tại cuộc hội thảo, hội nghị của chúng ta hôm nay. Nếu không có sự giúp đỡ vô tư và chí tình như thế này thì chúng tôi làm sao có thể vượt qua nổi những khó khăn và nguy cơ luôn rình rập, bủa vây tứ phía.
Hội nghị, hội thảo của chúng ta cho đến giờ phút này có thể được xem là đã thành công vượt ra ngoài những dự tính ban đầu. Dù cố gắng đến mấy chúng tôi cũng không thể tổng hợp hết được các ý tưởng khoa học trong gần 2.500 trang bản thảo cùng với gần 3 chục báo cáo được trình bày phong phú, sáng tạo và hàng chục ý kiến đầy tâm huyết của các chuyên gia. Chúng tôi thực tin những tổng kết tốt nhất là tổng kết của mỗi nhà khoa học, mỗi vị đại biểu tham gia hội nghị, hội thảo. Sau cuộc hội nghị, hội thảo hôm nay, các tác giả tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hiệu chỉnh và hoàn thiện các báo cáo toàn văn để chúng ta biên tập và xuất bản tập kỷ yếu chính thức với chất lượng chuyên môn cao. Đến khi ấy mới có thể nói hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất đã thành công trọn vẹn.
Khi xây dựng đề án tổ chức Hội nghị, chúng tôi đề nghị lấy tên là “Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất”, với hàm ý trong khoảng vài ba năm tới sẽ có “Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ hai”. Trong cuộc Hội thảo hôm nay, các tiểu ban đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục đào sâu nghiên cứu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Đây có thể cũng là một hướng rất cần thiết. Cũng có một số chuyên gia gợi ý nên chọn chủ đề cho Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ hai là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước hay mối quan hệ giữa dựng nước và giữ nước trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để không chỉ tìm được chủ đề mới mà cả hướng phát triển mới của Sử học nước nhà.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN

Báo chí đưa tin về sự kiện:
Truyền hình Nhân dân:
Truyền hình Quốc hội: 
Báo Đại biểu Nhân dân: 
Báo Nhân dân:  
Đại học Quốc gia Hà Nội: 
Cổng thông tin đối ngoại:
 
Báo Quân đội Nhân dân: 
VOV2:
Tạp chí Khoa học và Công nghệ: 
Báo Sài Gòn giải phóng: 
Tạp chí Doanh  nghiệp VN: 
Báo Phụ nữ: 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây