Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   

Nhân văn trong tôi: Cảm ơn Nhân văn!

Thứ ba - 15/04/2014 23:20
Tôi, sinh viên năm thứ hai của trường Nhân văn. Tôi nhớ, một lần có cô bạn ở xa hỏi tôi rằng, “Tại sao cậu thi vào đây vậy? Cậu hợp với Học viện báo chí tuyên truyền hơn”. Tôi trả lời: “Tớ không hối hận!” Rồi tôi đưa ra một danh sách thật dài các lí do khiến cô gái ấy phải thốt lên rằng: “Ôi, biết rồi, đúng là dân Nhân văn!”. Lại một lần cách đây không lâu, trên chuyến xe buýt về quê, tôi tình cờ gặp hai bạn nữ mặc đồng phục trường Quốc gia. Tôi cởi mở: “Hai bạn học trường nào thế? Tự nhiên hay Nhân văn?”. Hai bạn ngạc nhiên: “Ơ, bạn cũng mặc đồng phục Quốc gia à? Giờ mới để ý. Chúng tớ học Tự nhiên. Nhìn bạn là biết Nhân văn rồi!” Tôi cười mỉm rồi tiếp chuyện làm quen với các bạn mà trong lòng không khỏi nở một đóa hoa sung sướng và niềm vui đến kì lạ. Có lẽ hai người bạn kia nhìn tôi là thấy dấu hiệu nhận biết của một sinh viên Nhân văn thì phải. Họ nhận ra ở tôi có một sự khác biệt đặc trưng nào chăng? Cái phát hiện làm tôi thấy thú vị vô cùng!

Hai câu chuyện trên chỉ là một phần trong số những câu chuyện đã qua suốt hai năm tôi học dưới mái trường Nhân văn, gắn bó và quen thuộc với câu bạn bè tôi hay nói: “Đúng là dân Nhân văn”. Đôi khi sự lặp đi lặp lại sẽ khiến người ta cảm thấy nhàm chám và tẻ nhạt, nhưng câu nói ấy với tôi, tôi đã coi như châm ngôn sống của mình. Tôi yêu nó. Là một lời khen, hay quà tặng ai đó dành cho tôi, tôi thường nghĩ vây!

Suốt những năm cấp Ba, tôi học lớp chọn khối A, và tất nhiên trong lớp đa số là các bạn nam.Tôi gồng mình lên chạy đua với nào Toán, Lý, Hóa, rồi Sinh, cuối năm là những đề thi thử hóc búa. Thời gian dành cho những gì tôi thích chỉ là những giờ Văn ngắn ngủi trên lớp, không được mấy bạn hào hứng. Về nhà, tôi nuôi dưỡng những cảm xúc của mình vào cuốn sổ nhỏ. Tôi thích ghi chép những câu nói hay và thường vận dụng vào trang văn của mình. Những bài văn của tôi được cô giáo khen nức, bạn bè nể tôi. Tôi trở thành cây văn của khối, nhưng tôi không nhận lời tham gia bất kì thi học sinh giỏi nào, tôi tập trung để chạy đua cho kịp các bạn trong lớp. Tôi làm hồ sơ thi Nhân văn cũng dựa trên niềm tin mà cô giáo dạy Văn trao gửi cho tôi, chứ đây hoàn toàn không phải sự lựa chọn số một của tôi. Đến bây giờ tôi thầm biết ơn cô nhiều lắm, bởi không có cô động viên thì giờ này tôi không được viết những cảm xúc chân thành này, nói về những gì tôi thích, tôi yêu là mái trường Nhân văn. Không còn những những giây phút phải ép mình làm những điều chạy theo đám đông nữa, giờ đây tôi học và sống theo những gì thuộc về đam mê và sở thích của chính tôi. Tôi đến với Nhân văn như thế đó! 

Cảm ơn Nhân văn đã cho tôi được gặp gỡ những thầy cô tuyệt vời nhất. Chưa ở trường Đại học nào tôi thấy một tinh thần nhân ái và thân thiện giữa giảng viên, sinh viên và cán bộ công nhân viên của nhà trường đến vậy! Thầy cô sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ mọi khó khăn đối với sinh viên, từ việc học tập đến chuyện đời sống. Bên cạnh niềm yêu kính đối với bậc làm thầy, người học còn cảm thấy ấm áp và gần gũi với thầy cô như những người bạn lớn!

Cảm ơn Nhân văn đã cho tôi thật nhiều những cơ hội làm thay đổi cuộc sống của tôi. Nếu không lựa chọn ngành Ngôn ngữ học, tôi đã không có những trải nghiệm quý báu với một năm học Tiếng Anh bên trường Đại học Ngoại ngữ; tôi đã không được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn đến từ các trường khác nhau của Đại học Quốc gia. Những kỉ niệm ấy tôi dành cho nó một góc nhỏ trong tim mà mỗi khi hồi tưởng lại trong lòng tôi lại ngân lên một khúc nhạc rộn ràng mà trong trẻo đến vô cùng. Được học miễn phí một năm tiếng Anh là một sự ưu ái lớn cho sinh viên nhiệm vụ chiến lược, vì thế, tôi nhắc nhở chính mình phải học tập và rèn luyện để xứng đáng với niềm tin, với kì vọng của các thầy cô và các cấp lãnh đạo.

Cảm ơn người mẹ Nhân văn đã nuôi dưỡng cho tâm hồn những đứa con thật đẹp. Những người bạn như anh em của nhau, gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau vô điều kiện. Những người con Nhân văn không chỉ học giỏi, tài năng mà còn tốt bụng nữa. Đặc biệt, các bạn nữ còn xinh đẹp, duyên dáng, thùy mị đến nỗi người ta gắn cho: “dịu dàng như gái nhân văn”. Dường như những vẻ đẹp ấy được tạo nên bởi môi trường giàu nhân văn giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đã có lần tôi cảm thấy bay bổng biết nhường nào khi ngắm những tà áo dài của mấy chị khóa trên thướt tha trong những lần chụp ảnh kỉ yếu rồi thầm nghĩ đến những mơ ước ngày ra trường. Tôi trân trọng những giá trị và những điều bình dị như thế. Một chút lắng đọng, sống chậm lại, thấy thư thái hơn nhiều trong nhịp sống hối hả hiện đại. 

Cảm ơn mẹ Nhân văn luôn chăm lo chu đáo hết thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau, cho các con những tri thức bổ ích nhất để sau này tự tạo lập cuộc sống, đứng vững trên đôi chân của mình và trở thành người có ích cho xã hội. Mẹ tạo cho các con một nền tảng và truyền thống gia đình vững chắc. Chẳng có nơi nào chúng con lại thấy bình yên và ấm áp bằng mái nhà Nhân văn, nơi chở che, vun đắp những mơ mộng thời sinh viên đẹp nhất. 

Cảm ơn Nhân văn đã cho tôi cơ hội để phát triển bản thân mình. Ở đây không chỉ học được kiến thức sách vở, tôi còn khám phá ra được những tiềm năng ẩn sâu trong chính con người mình và những niềm yêu thích xưa kia của tôi có cơ hội được sống dậy. Trước kia, tôi thường giới hạn khả năng của mình và không tự tin thể hiện những gì mình muốn, nhưng tôi của ngày hôm nay luôn khát khao được bứt phá, tìm kiếm những điều mới mẻ của cuộc sống. Tôi đã từng nhút nhát như một chú cún nhỏ thu mình với khoảng trời nhỏ bé, giờ tôi như cánh chim sải rộng, bay đến khắp nơi tôi muốn đi. Tôi hiểu ngoài trời còn có trời. Mênh mông và bát ngát, đó là con đường tương lai cho tôi. Vút bay như cánh chim én mùa xuân, tôi hào hứng cho những khởi đầu mới mỗi ngày. Tôi tự tạo cho mình niềm vui và tin yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết.

Cảm ơn Nhân văn dạy cho tôi tìm kiếm đích đến trên từng chặng đường tôi đi. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi con người ta sống mà không có mục tiêu. Phía trước tôi có rất nhiều tấm gương sáng, những người thầy tôi, bạn tôi, những thế hệ đã là một phần của mái trường Nhân văn, tất cả đã cho tôi sức mạnh, động lực để phấn đấu. Mỗi khi tôi đạt được mục tiêu mình đề ra, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Mặc dù đích đến còn xa nhưng được thể hiện mình trên từng chặng đường đã biến tôi thành đốm sáng nhỏ điểm tô trên bầu trời mơ ước. 

Tôi đã nhận được nhiều thứ ở mái trường Nhân văn này. Tôi tâm niệm:

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Tôi không cho phép mình một sự hờ hững hay lãng quên những ân tình lớn lao đó. Biết ơn là không đủ, tôi luôn cố gắng lấy hành động làm vẹn tròn đạo lí và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Tôi tích cực tham gia các hoạt động của trường,  đóng góp những ý tưởng mới cho công tác của lớp. Tôi vinh dự trở thành Đại sứ sinh viên của Trường Nhân văn trong mùa tuyển sinh Đại học 2014. Tôi mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng của người đại diện cho mái trường Đại học, là cầu nối đưa hình ảnh của Nhân văn đến những miền đất xa xôi, truyền lửa cho các em  học sinh. Nhiệt huyết của người trẻ cháy trong tim tôi, thôi thúc tôi vượt qua biết bao trở ngại. Đưa thông tin tuyển sinh đến gần hơn với các em học sinh cũng là trao cho các em nhiều cơ hội hơn để lựa chọn ngã rẽ chính xác cho cuộc đời mình. 

Tôi bỗng nghĩ đến tôi ngày xưa. Biết đâu không có chương trình này, không đưa thông tin đến gần các bạn hơn, đưa tình yêu Nhân Văn trải khắp và vươn xa, thì có lỡ mất những người như tôi ngày xưa ấy? “Hối tiếc, giá như” là quá muộn! Tôi tiếp tục có những chuyến đi để quảng bá hình ảnh Nhân văn, đồng hành với các em học sinh, không cho mình chùng chình để lỡ mất những cơ hội. Tôi nghĩ, hôm nay là Đại sứ Nhân văn, ngày mai tôi cũng vẫn là Đại sứ Nhân văn, không nhất thiết phải là khoác trên mình một tấm áo, đeo  một tấm thẻ hay phải hô hào, tinh thần Nhân văn luôn cháy mãi trong trái tim tôi. Hình thức bề ngoài chỉ là hời hợt, sự sâu sắc vẫn chính là cái tâm của mỗi người. Tôi không muốn trong số các em chuẩn bị thi Đại học kia bỏ lỡ một cơ hội quý giá để trở thành một thành viên của Gia đình Nhân văn. Tôi tự hào vì việc mình đã làm, dù nhỏ bé, nhưng thật với lòng mình. Trao niềm tin và sự hiểu biết cho những người cần nó tựa như ta đang gieo hạt vậy. Sau này, hạt nảy mầm thành cây lớn, rồi lại cho ta những thành quả. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc gieo hạt giống đó, hết sức mình!

Tác giả: Lưu Thị Vân - K57 Ngôn ngữ học

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây