Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Vô cùng thương tiếc nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê

Thứ bảy - 23/06/2018 07:42
Nhà sử học nổi tiếng - Giáo sư Phan Huy Lê đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ 6 phút ngày 23-6 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Vô cùng thương tiếc nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê
Vô cùng thương tiếc nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê

Trước khi nhập viện cách đây khoảng vài tuần, Giáo sư (GS) Phan Huy Lê còn tham gia chuyến công tác đi Trường Sa vào đầu tháng 6. Sau đó, ông nhập viện cấp cứu vì bệnh tim và một số vấn đề về phổi.

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê văn hiến của xứ Nghệ, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, cần cù và hiếu học. Cả hai dòng họ nội, ngoại của GS Phan Huy Lê đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh ông là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, phúc đức, nhân hậu, hết mực yêu con, quý cháu.

GS.NGND Phan Huy Lê (1934-2018). Ảnh: Vietnamnet

Năm 1952, khi 18 tuổi, ông rời gia đình ra học dự bị Đại học ở Thanh Hoá và tại đây ông có cơ hội được tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Vốn là học sinh có năng khiếu và ham mê khoa học tự nhiên, ông dự định chọn toán - lý cho tương lai nghề nghiệp của mình, nhưng dường như số phận đã định trước cho ông con đường trở thành nhà sử học. Ông dự cảm từ trong chiều sâu lịch sử Việt Nam có con đường đi của mình. 

Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chính GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra ở Phan Huy Lê phẩm chất quý giá này và hướng ông vào học Ban sử - địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa toán - lý, hoá - sinh, văn và sử. Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân sử - địa đã được nhận ngay vào Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS Đào Duy Anh.

Ngay từ khi còn làm trợ lý giảng dạy, ông đã được các GS Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực thụ. Có lẽ vì thế mà chỉ 2 năm sau, khi GS Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, mới 24 tuổi đời, ông đã vững vàng trong trọng trách của một Chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, GS Phan Huy Lê chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những trận đánh lớn trong lịch sử. Ông tổ chức hàng loạt chuyến điều tra khảo sát thực địa tại các vùng chiến trận, không chỉ mở rộng thêm đáng kể nguồn sử liệu để hiểu một cách cụ thể và đa diện các sự kiện lịch sử vốn được ghi chép hết sức cô đọng trong sử cũ, mà còn mở ra một phương hướng nghiên cứu và đào tạo mới, gắn chặt với nhu cầu của đời sống thực tiễn. Những công trình "Khởi nghĩa Lam Sơn"; "Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam", "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc", "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288"... đã trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu. 

GS Phan Huy Lê cùng vợ chụp ảnh chung với Đại sứ Pháp - ông Bertrand Lortholary tại lễ trao huy chương của Viện Hàn lâm Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp cho GS ngày 20/3/2017. Ảnh: Vietnamnet

Sau ngày đất nước thống nhất, GS Phan Huy Lê tiếp tục dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài chống ngoại xâm. Khoảng 15 năm tính từ năm 1975, ông viết đến trên 80 công trình loại này, đưa tổng số các công trình về lịch sử chống ngoại xâm lên 120 (chiếm 26,97% trong tổng số 445 công trình ông đã hoàn thành).

Cùng với lịch sử quân sự, GS Phan Huy Lê còn dành nhiều thời gian cho đề tài chế độ ruộng đất, nông dân, làng xã. Từ những năm 1980, GS Lê bắt đầu mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hoá - truyền thống. Những công trình tiêu biểu là "Truyền thống và cách mạng", "Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay" (3 tập), "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại" và hệ thống các bài viết về di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội...

GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho GS Phan Huy Lê chính là tổng kết lịch sử đất nước. Ngay từ năm 1959 ông đã có một tập bài giảng "Lịch sử Việt Nam từ 1406 đến 1858". Liên tiếp 2 năm sau, ông cho ra mắt "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập II (1960) và "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập III (1961), góp phần làm nên tầm vóc của Khoa Lịch sử. Năm 1971, ông cùng cố GS Trần Quốc Vượng viết "Lịch sử Việt Nam" tập I, được coi là cuốn thông sử đầu tiên của chế độ mới. Trong thời gian này, hàng loạt các bài giảng, giáo trình khác về "Lịch sử Việt Nam"ra đời (vào các năm 1966, 1970, 1978...) làm cơ sở cho sự xuất hiện "Lịch sử Việt Nam" tập I (1983) - một cuốn sách tổng kết lịch sử Việt Nam từ thời kỳ nguyên thuỷ đến thế kỷ thứ X tương đối đầy đủ và cập nhật. 

Đặc biệt gần đây, trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách "Lịch sử Việt Nam" 4 tập, GS. Phan Huy Lê vừa là chủ biên, vừa là tác giả chính của 2 tập I và II, được coi là tổng kết cao nhất về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.

Từ năm 1988 cho đến nay, GS Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt hay là uỷ viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia... Ở cương vị nào ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc.

Ông được phong học hàm GS (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), hạng Nhì (1994), hạng Ba (1974); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002).

Theo nld.com.vn

Tác giả: Yến Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây