Ngôn ngữ
Ông Ian Park mở đầu với việc làm rõ khái niệm luật pháp quốc tế. Luật quốc tế là một tập hợp những quy định và nguyên tắc nhằm điều chỉnh hành vi của các Quốc gia và tổ chức quốc tế trong quan hệ với nhau và với các cá nhân, nhóm thiểu số và công ty đa quốc gia. Khi các quốc gia phê chuẩn một điều ước quốc tế, họ đã chấp nhận chịu sự ràng buộc của các điều khoản có trong điều ước đó. Trong lĩnh vực quân sự, hai trong số những điều ước quốc tế phổ biến nhất hiện nay là Công ước Geneva và Quy chế của Tòa án Công lý Quốc tế.
Tiếp đó, ông Ian Park đã giới thiệu về tác động của các khung pháp lý với các hoạt động quân sự được thực hiện bởi các quốc gia có chủ quyền, trong đó có Vương quốc Anh. Một ví dụ rõ nhất là Điều 2 khoản 4 trong Hiến chương LHQ. Theo đó, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết, hoặc cần phải bảo vệ bản thân hoặc đồng minh của mình, các quốc gia có quyền triển khai hoạt động vũ trang. Điều này được quy định trong Điều 51 của Hiến chương Liên hợp Quốc.
Ông Ian Park giải thích về khái niệm luật quốc tế
Tuy nhiên, ông Ian Park cho biết, trong thực tiễn thì việc áp dụng pháp luật vào xung đột vũ trang không đơn giản, bởi sẽ có xung đột pháp luật xảy ra. Chẳng hạn, một nghị quyết của Liên hợp Quốc có thể xung đột với các điều khoản nhân quyền và nhân đạo được quy định trong Công ước Nhân quyền Châu Âu. Điều này càng diễn ra nhiều trong hoạt động do các liên minh quân sự tiến hành. Chẳng hạn, trong cuộc xung đột vũ trang ở Afghanistan, nếu các quốc gia NATO đã có sự ủy quyền của LHQ để can thiệp quân sự tại đây, nhiều lực lượng ở các nước khác chịu sự ràng buộc pháp lý của Điều 51 trong Hiến chương LHQ.
Do đó, các quốc gia cần đảm bảo được trách nhiệm giải trình với ngay cả binh lính của mình. Ví dụ, một binh lính Vương quốc Anh phải chịu sự ràng buộc của luật pháp nước mình, Công ước Geneva, Quy chế của Tòa án Công lý Quốc tế và một Bộ luật Quân sự Đặc biệt. Nếu không đảm bảo sự tuân thủ các điều ước quốc tế, cá nhân hoặc quốc gia vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Chẳng hạn, sau cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994, Toà án Hình sự quốc tế đã lập phiên đặc biệt để xét xử các đối tượng vi phạm luật quốc tế; dẫn tới 95 người bị buộc tội và 62 người bị kết tội. Sau cuộc Chiến tranh Nam Tư cũ từ năm 1991-2001, Toà án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ đã buộc tội 161 người và tuyên án 83 người.
Quang cảnh khán phòng
Ông Ian Park kết luận bài thuyết trình bằng việc tái nhấn mạnh tầm quan trọng lớn của luật quốc tế với các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Trước khi tham gia vào bất chứ chiến dịch nào, các quốc gia cần làm rõ bản chất của xung đột vũ trang sẽ tham gia, xác định các khung pháp lý cho từng trường hợp xung đột, huấn luyện binh lính về các điều ước và quy định quốc tế, tạo cơ chế phù hợp về trách nhiệm giải trình, đồng thời ghi chép, lập hồ sơ về các hoạt động quân sự trong suốt chiến dịch đó. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng cần chú ý tới những khuyến nghị này khi tham gia vào các hoạt động dễ gây xung đột quân sự.
Sau phần thuyết trình, ông Ian Park đã tiếp nhận, trả lời một số câu hỏi và bình luận từ các cử tọa về một số vấn đề như vai trò của luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, các phương án pháp lý của Vương quốc Anh để giải quyết vấn đề di cư, tị nạn của người nước ngoài, v.v…
GS. TS Phạm Quang Minh chụp ảnh lưu niệm với ông Ian Park và đại diện của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn