Ngôn ngữ
Tham dự chương trình có GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường), PGS.TS Phạm Quang Long (nguyên Hiệu trưởng Nhà trường), PGS.TS Phạm Gia Lâm (nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường), PGS.TS Trần Văn Hải (Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Nhà trường), cô Trần Hồng Dung (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản lí Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng (Nguyên Cục trưởng Cục Ngoại tuyến BCA, Phó trưởng ban cán bộ chi viện chiến trường miền Nam), Đại tá Ngô Thành Lâm (đại diện Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội). Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham dự của các thành viên thuộc Hội cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, các thân nhân gia đình liệt sĩ, các cộng tác viên của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và đông đảo các bạn sinh viên trong trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chia sẻ: “Sinh trưởng trong một gia đình có bố và các anh chị tham gia quân đội, tôi cũng trải qua những năm tháng rất gian nan nhưng cũng đầy tự hào của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi nghĩ rằng, trong mỗi chúng ta đều tự hào về truyền thống đó, về trang sử hào hùng của dân tộc. Buổi giao lưu hôm nay như một sự truyền lửa từ những người đi trước đến những đoàn viên thanh niên của Nhà trường. Những buổi như thế này sẽ đem lại nguồn sinh lực mới, niềm tự hào mới trong công tác, trong định hướng hoạt động của mỗi đơn vị chúng ta”.
Chương trình đã đem đến cho khán giả những ca khúc được tuyển chọn từ kho tàng âm nhạc của nền nghệ thuật nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Những ca khúc này không chỉ là một di sản âm nhạc mà còn là những dấu ấn, cột mốc cho những giai đoạn lịch sử cách mạng không thể nào quên. Bên cạnh đó, khán giả cũng đã được lắng nghe những câu chuyện, những chia sẻ chân thực và xúc động của chính những người con trở về từ chiến trường để có cái nhìn rõ nét hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Một số hình ảnh tại chương trình:
GS.TS Phạm Quang Long - nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, đồng thời là thân nhân gia đình liệt sĩ, không kìm được xúc động khi chia sẻ về những người bạn đại học của mình sẵn sàng gác lại công việc học tập, xông pha ra chiến trường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bản thân thầy khi còn là sinh viên không có cơ hội được đi ra chiến trường chiến đấu nhưng thầy vô cùng cảm phục những sinh viên sẵn sàng xếp bút nghiên để ra chiến trường. Đối với thầy, sự hi sinh của những người lính ấy là một giá trị mà “không ai - không điều gì có thể lãng quên”.
Đ/c Phạm Ngọc Thanh - thành viên Hội cựu chiến binh TP Hà Nội xúc động chia sẻ về những kỉ niệm trên cung đường Trường Sơn thời kháng Mỹ cứu nước. Thầy cũng bày tỏ sự kính phục của cá nhân mình đối với sự hi sinh lớn lao của các nữ chiến sĩ thời kì đó: “Mặc dầu chúng tôi cũng là những người lính nhưng thấy sự hi sinh của các chị em quá lớn. Có những lúc họ đứng dưới màn mưa bom bão đạn của địch để dẫn dắt cho từng đoàn quân vượt qua an toàn. Có những lúc họ là cột thiêu sống, biển báo sống trên các bãi bom từ trường, bom nổ chậm. Những sự hi sinh đó quá lớn lao mà bất kì một người lính nào nhìn vào cũng phải kính phục và xúc động”.
Các thành viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” cùng nhau cất lên tiếng hát tri ân những người lính đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc
Thành viên của Hội cựu chiến binh thành phố, thành viên và cộng tác viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, đại diện Ban chấp hành Đoàn trường chụp ảnh lưu niệm
Tác giả: Mỹ Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn