Ngôn ngữ
Giảng viên Ussh tập huấn sử dụng phần mềm dạy trực tuyến UPM
Sự dấn thân của thầy cô là điều kiện tiên quyết
PV: Theo Bộ GD&ĐT, đến 4/2020, chỉ 50% trường đại học Việt Nam triển khai được dạy-học trực tuyến. Yếu tố nào để một trường đại học thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn triển khai nhanh và bài bản, thưa Thầy?
GS Hoàng Anh Tuấn: Thầy cô tâm huyết và chủ động là nhân tố quyết định! Hiện nay 350 giảng viên đã dạy ổn định hơn 1.000 lớp (cả đại học và sau đại học). Tiếp đến là sự đồng hành của 7.500 (gần 95%) sinh viên Nhà trường, sự hỗ trợ của các đối tác và cựu sinh viên… đã giúp sức cho Nhà trường thực hiện hiệu quả dạy-học trực tuyến trong gần 3 tháng qua.
PV: Công tác tập huấn cho giảng viên được thực hiện như thế nào trong bối cảnh rất gấp rút, thưa Thầy?
GS Hoàng Anh Tuấn: Giảng viên trước khi dạy trực tuyến đều được tập huấn: từ ngày 20/2 đến 29/2/2020 có 4 đợt tập huấn trực tiếp cho khoảng 200 giảng viên; sau khi xảy ra dịch bệnh, Nhà trường tổ chức thêm 3 đợt tập huấn online cho những giảng viên còn lại, đồng thời xây dựng video hướng dẫn chi tiết để thầy-trò tham khảo thêm.
PV: Vậy nghĩa là Nhà trường đã tổ chức tập huấn trước khi Bộ GD&ĐT yêu cầu dạy học trực tuyến?
GS Hoàng Anh Tuấn: Vâng, một sự may mắn! Tháng 11/2019, Nhà trường xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 là tăng cường công nghệ hóa hoạt động dạy-học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Lúc đầu, Nhà trường dự kiến triển khai thí điểm trước ở 3-5 ngành, nhưng khi tổ chức thì rất đông thầy-cô tham gia nên Nhà trường tập huấn cho tất cả giảng viên tự nguyện đăng ký. Vì thế, khi Bộ quyết định dạy-học trực tuyến thì Nhà trường đã có “vốn dắt lưng”, chỉ tập huấn bổ sung cho những thầy-cô còn lại.
Tập huấn sử dụng phần mềm UPM cho giảng viên Ussh
Hệ thống văn bản quản lý kịp thời
PV: Văn bản quản lý nhà nước hỗ trợ việc triển khai dạy-học trực tuyến như thế nào, thưa Thầy?
GS Hoàng Anh Tuấn: Văn bản quản lý từ Bộ GD&ĐT đến ĐHQGHN hỗ trợ rất kịp thời các đơn vị đào tạo: Bộ GD&ĐT có các công văn 795 (13/3) và 988 (23/3), ĐHQGHN có công văn 944 (27/3), hướng dẫn chi tiết hoạt động dạy-học, công tác kiểm tra, đánh giá, đảm bảo chất lượng…
Căn cứ các văn bản quản lý của cấp trên, Nhà trường đã cụ thể hóa thành các hướng dẫn để giảng viên và sinh viên yên tâm dạy-học trực tuyến.
PV: Trước đây Nhà trường đã từng tổ chức dạy-học trực tuyến chưa, thưa Thầy?
GS Hoàng Anh Tuấn: Có, nhưng chưa hoàn chỉnh. Sáu năm trước, Nhà trường đã vận hành hệ thống website môn học để hỗ trợ tiến trình đào tạo. Tuy nhiên, hệ thống còn đơn giản, thiếu chức năng dạy học trực tuyến nên mỗi năm chỉ khoảng 10% lớp học sử dụng.
Kỳ trước, một số giảng viên tận dụng thêm chức năng livestream từ zoom, team… để kết hợp với website môn học, dù “chắp vá” nhưng tạo cơ sở để giảng viên bứt phá mạnh khi Nhà trường có nền tảng chuyên nghiệp và hiện đại vào đầu năm 2020.
Tân sinh viên khoá QHX-2019 trong ngày nhập học
Nền tảng dạy - học trực tuyến chuyên nghiệp
PV: Công văn 988/BGDĐT-GDĐH yêu cầu các trường phải sử dụng nền tảng chuẩn (LMS: learning management system) để được công nhận kết quả dạy-học. Nhà trường đã thực hiện “chuẩn hóa” LMS như thế nào?
GS Hoàng Anh Tuấn: Khi tập huấn (2/2020), giảng viên sử dụng nền tảng UPM do Công ty của cựu sinh viên phát triển, tài trợ miễn phí cho Nhà trường sử dụng 2 năm. UPM là nền tảng dạy-học trực tuyến chuyên nghiệp và hiện đại, đầy đủ tính năng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN. 90% trong tổng số gần 1.000 lớp môn học được giảng viên chủ động lựa chọn dạy trên nền tảng này; 10% còn lại được tổ chức trên một nền tảng khác được Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN hỗ trợ.
Hiện nay, 100% các lớp môn học trực tuyến của Nhà trường đã được “chuẩn hóa” trên các nền tảng dạy-học trực tuyến hiện đại và chuyên nghiệp.
PV: Nếu dịch bệnh kéo dài, phương án thi học kỳ sẽ như thế nào?
GS Hoàng Anh Tuấn: Nhà trường đã tính toán chi tiết các phương án thi học kỳ, sao cho khả thi và tối ưu nhất, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thi trên giảng đường là phương án ưu tiên. Nếu dịch bệnh hạ nhiệt và sinh viên trở lại giảng đường trong tháng 5/2020, Nhà trường sẽ tổ chức thi học kỳ trên giảng đường.
Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và sinh viên không thể đến trường, phương án thi trực tuyến sẽ được cân nhắc; phương án bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trực tuyến cho gần 1.500 sinh viên năm cuối cũng đã được tính toán chi tiết. Công văn 944/ĐHQGHN-ĐT đã hướng dẫn cụ thể về việc này để các đơn vị yên tâm thực hiện. Nhà trường căn cứ tình hình thực tế để triển khai, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho sinh viên.
Một buổi dạy trực tuyến tại nhà của TS. Lê Thị Thanh Tâm - giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
Công nghệ hoá dạy-học là xu hướng: Phải nắm cơ hội nhưng không vội vàng!
PV: Trong những ngày này, cộng đồng hay nói đến “nguy” và “cơ” trong dạy-học trực tuyến để hiện đại hóa lĩnh vực giáo dục. Thầy chia sẻ vấn đề này như thế nào?
GS Hoàng Anh Tuấn: Đào tạo trực tuyến là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục. Cùng với yêu cầu thường xuyên cập nhật nội dung bài giảng, hiện đại hóa quản trị đại học, các đơn vị đào tạo sẽ phải tăng cường công nghệ hóa hoạt động dạy-học để không ngừng nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho một thị trường lao động xuyên biên giới, đã rất mở và đang rất cạnh tranh hiện nay. Trong bối cảnh nền giáo dục đang chuyển đổi số rất nhanh hiện nay, đơn vị đào tạo nào chậm chân sẽ lỡ cơ hội, đối mặt nguy cơ tụt hậu, thậm chí phá sản trong xu thế cạnh tranh hiện nay.
Như vậy để thấy công nghệ hóa dạy-học là xu hướng chung của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi trường, việc triển khai sẽ cần được tính toán căn cơ, tùy năng lực tổ chức của đơn vị, có lộ trình cụ thể, tỉ trọng phù hợp, phải tính đến đặc thù của lĩnh vực đào tạo…
Thực tế, ĐHQGHN đã khẳng định xu hướng dạy học Blended Learning (phối hợp trực tuyến và trực tiếp) để hiện đại hóa đào tạo trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT cũng đang thúc đẩy các mô hình đào tạo trực tuyến, hệ thống môn học mở mang tính đại chúng (MOOC), tài nguyên giáo dục mở (OER)… Sau đại dịch Covid-19, như một xu hướng rất tự nhiên, nhiều giảng viên sẽ kết hợp giảng dạy trên giảng đường với sử dụng các nền tảng dạy-học trực tuyến chuyên nghiệp (LMS) để nâng chất lượng dạy học (quản lý tiến trình đào tạo, giao bài tập, kiểm tra-đánh giá, tương tác chặt chẽ với sinh viên…)
Tóm lại, muốn tồn tại trong môi trường giáo dục số đầy cạnh tranh hiện nay, đại học phải tính toán căn cơ, không nóng vội nhưng không thể để lỡ cơ hội!
PV: Xin cảm ơn Thầy!
(Theo Infonet.vietnamnet.vn)
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Video-Sinh-vien-hoc-trong-thoi-dich-Covid-19-1-702-19864
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Video-Bi-quyet-hoc-tap-tu-nha-hieu-qua-1-702-19863
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Thay-co-chung-minh-noi-gi-ve-E-Learning--1-702-19796
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Nhan-van-ron-rang-cung-E-learning-1-702-19797
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Cho-san-truong-ron-rang-nhac-vui-1-702-19817
Tác giả: Tiến Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn