Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào đón diễn giả
Bài thuyết trình xoay quanh mối quan hệ giữa bác sỹ Asaba Sakitaro (1867-1910) và nhà cách mạng Việt Nam Phan Bội Châu và sự ra đời của tấm bia tưởng niệm bác sỹ Asaba.
Ông Amma Yukiho (Chủ tịch Hội Asaba Việt Nam) cảm ơn sự tiếp đón của Nhà trường
Năm 1884, Pháp xâm lược Việt Nam và ép triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Một loạt các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nổ ra chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
Đầu thế kỷ 20, trong các hội nhóm của các nhà nho yêu nước và giới trí thức tại các tỉnh thành nhằm chống lại thực dân Pháp có Hội Duy Tân do nhà yêu nước Phan Bội Châu thành lập. Hội đề ra nhiệm vụ nâng cao dân trí thông qua giáo dục và phát hành sách báo tân văn, đồng thời tổ chức hoạt động cầu viện nước ngoài.
Sau khi hay tin Nhật chiến thắng nước Nga Sa hoàng trong chiến tranh Nhật – Nga, Hội đã kỳ vọng rất lớn vào Nhật Bản như một quốc gia châu Á tân tiến, và tiến hành cử các thành niên yêu nước sang Nhật học tập để phục vụ cho hoạt động giành độc lập sau này của Việt Nam.
Tháng 1/1905, lần đầu tiên một số sĩ phu Việt Nam do Phan Bội Châu đứng đầu sang Nhật. Từ lời giới thiệu của Lương Khải Siêu, sĩ phu Việt Nam đến gặp một số nhà yêu nước, ủng hộ Việt Nam như Okumura, Kashiwabara Buntaro, bác sĩ Asaba Sakitaro. Phong trào Đông du phát triển mạnh với con số hơn 200 du học sinh Việt Nam sang Nhật vào giai đoạn hoàng kim
Đến năm 1908, Pháp đã yêu cầu chính phủ Nhật đuổi các du học sinh Việt Nam về nước và Phan Bội Châu cũng bị ra lệnh trục xuất. Phong trào Đông du sụp đổ. Các du học sinh Việt Nam gặp khó khăn khi tiền chi viện từ các tổ chức yêu nước cạn kiệt nên thậm chí không thể trở về. Trong thời điểm ấy, Phan Bội Châu đã quyết định nhờ cậy sự giúp đỡ của ngài Asaba Sakitaro.
Ngài Asaba Sakitaro sinh ra tại Umeyama, thôn Asaba, thành phố Fukuroi, Nhật Bản. Ông học ngành Y tại trường đại học Tokyo và sau đó mở một bệnh viện lớn ở Odawara. Ông từng hết lòng giúp đỡ các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nên được ca tụng là một người hảo tâm, nghĩa hiệp. Nhận được thư thỉnh cầu của Phan Bội Châu, dù chưa từng gặp mặt, Asaba Sakitaro đã ngay lập tức chi viện một khoản tiền lớn là 1.700 yên (khi đó lương tháng của hiệu trưởng trường tiểu học Higashi Asaba là 18 yên). Năm 1909, để cảm ơn về sự giúp đỡ của ông, Phan Bội Châu đã đến thăm ông tại nhà riêng trước khi về Việt Nam.
Năm 1918, khi Phan Bội Châu quay trở lại Nhật Bản thì ngài Asaba Sakitaro đã qua đời. Để bày tỏ tấm lòng tri ân ông, Phan Bội Châu đã tổ chức dựng bia tưởng niệm tại chùa Jourin, Umeyama, thôn Higasshiasaba. Tấm bia cao 2,7m được hoàn thành với sự đóng góp vật chất của những người dân trong thôn.
Năm 2003, tại Asaba đã diễn ra lễ kỷ niệm 85 năm xây dựng bia tưởng niệm và lễ kỷ niệm 85 năm quan hệ hữu nghị Asaba – Việt Nam. Cho đến nay, tấm bia tưởng niệm bác sỹ Abasa không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ giữa lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và nhà chi viện cho phong trào giành độc lập của Việt Nam Asaba, mà còn là minh chứng cho mối liên kết lịch sử hiếm có giữa phong trào độc lập của Việt Nam và nhân dân Nhật Bản thời cận đại. Trong giai đoạn hiện tại, sự kiện này được nhân dân hai nước nhắc nhở như một biểu tượng mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Hội Asaba Việt Nam là hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản mang tên người bác sỹ Nhật Bản được coi là người bạn của nhân dân Việt Nam. Hội đã liên tục thực hiện các hoạt động hữu nghị giữa hai nước. Năm 2005, Hội mở cuộc triển lãm “Lịch sử bia tưởng niệm Asab Sakitaro” tại thành phố Huế.
Tác giả: Thanh Hà, Công Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn