Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Tản mạn về Khoa Văn học trước mùa tuyển sinh 2014

Chủ nhật - 27/04/2014 23:34
Sau hơn nửa thế kỷ trưởng thành và phát triển, khoa Văn học, tiền thân là khoa Ngữ Văn, hay còn gọi là Tổng hợp Văn, cái tên thân thương thuở nào, nay đã gần bước sang tuổi 60.

Tôi hình dung lịch sử gần 60 năm phát triển của một cơ sở đào tạo Ngữ Văn hàng đầu đất nước và tuổi sáu mươi của một đời người. Chợt thấy thú vị khi so sánh và nhận ra ở đó cả những đồng điệu cũng như khác biệt. Một con người khi đang bước gần đến tuổi 60 thì sẽ thật khó có thể quả quyết mình vẫn còn sung sức như khi người ta còn ở tuổi đôi mươi, mười tám, nhưng khoa Văn thì có thể. Đó là điều khác biệt. Nhưng con người sắp đến tuổi 60 hẳn sẽ không còn bồng bột, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt màu xanh như khi người ta còn mười tám, đôi mươi. 60 tuổi người ta sẽ biết sắp đặt một cách khoa học nhất cho cuộc sống của mình, sao cho luôn khỏe mạnh mà vẫn có ích. Khoa Văn học cũng thế. Đó là sự đồng điệu. Vào những ngày này, khi một mùa tuyển sinh mới sắp bắt đầu, tôi cứ luôn hình dung khoa Văn học qua so sánh có phần “kỳ cục” đó.

Cách đây hơn ba năm, tôi có may mắn được mời dự cuộc họp kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường của khóa Ngữ Văn 22, một khóa học với số lượng sinh viên đông nhất trong lịch sử khoa (riêng lớp Văn học đã có tới 180 sinh viên), được gặp lại và nghe những dòng tâm sự của các “anh chị 22” lúc ấy đã trên “ngũ thập”. Chứng kiến sự “háo hức” của một thế hệ sinh viên Ngữ Văn ngày nào, phần lớn đều đã “lên ông lên bà”, dù đã xa khoa, xa trường 30 năm, tôi cũng xúc động như chính mình ngày nào mới bước vào trường vậy. Hóa ra những đồng môn cách tôi sáu khóa, cứ tưởng họ xa trường đã lâu, thành đạt trong môi trường mới (có nhiều anh chị hiện đã và đang là Tổng, phó Tổng biên tập của nhiều tờ báo có uy tín, có anh như Nguyễn Thế Kỷ giờ đang gánh trọng trách phó Ban khoa giáo trung ương, anh Đặng Vũ Thảo hiện là giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, chị Phùng Thị Việt Hương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh…), vậy mà vẫn còn rất nặng lòng với ba chữ Tổng hợp Văn. Các anh chị ai cũng đều tâm sự trong sự nuối tiếc rằng, xã hội cứ mỗi ngày một phát triển, đời sống vật chất đi lên, Khoa Văn học cũng phát triển, nhưng sao vẫn có cảm giác mình đang xa dần một điều gì đó thiêng liêng và quý giá. Bây giờ mỗi khi trở về trường, nghĩ đến trường, vẫn còn đó Khoa Văn học, Khoa Ngôn ngữ học, nhưng ai cũng thấy tiếc khi không còn ba chữ Tổng hợp Văn. Nói vậy để biết, cái nôi Văn khoa Tổng hợp một thời đã để lại ấn tượng sâu nặng đến thế nào. Là sinh viên Tổng hợp Văn khóa 16, bây giờ đang là giáo viên khoa Văn, tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng cảm với những tâm sự sâu nặng của các anh chị K22. Hãy tin rằng, tất cả những “đứa con” sinh ra từ đây đều có chung tình cảm sâu nặng như thế.

Không sâu nặng làm sao được khi mà cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học nhân văn của đất nước này từng có thời ngự trị “cả một dàn sao”, những nhà nghiên cứu Ngữ văn hàng đầu của cả nước. Những cái tên các thầy cô giáo, dù đến nay, người mất người còn: Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Hiểu, Tôn Gia Ngân, Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Đình Kỵ, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh v.v và v.v, nhưng cứ mỗi khi nhắc đến tên họ, niềm tự hào trào dâng khiến tôi thấy trái tim mình như nghẹn lại. Đơn giản thôi, vì từng có thời, chúng tôi là học trò của họ, từng có thời đây là địa chỉ mơ ước của biết bao người. Và không chỉ thế, cũng từ cái nôi đào tạo Ngữ Văn này, hàng trăm hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam đã “cất cánh” bay cao và xa, góp phần quan trọng làm nên vẻ đẹp văn chương dân tộc của một thời: Phan Tứ, Thanh Thảo, Dương Hương Ly, Nguyễn Trọng Định, Hoàng Trung Thu, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Ý Nhi, Bế Kiến Quốc…; hàng ngàn những nhà báo, nhà biên tập, nhà hoạt động xã hội, nghệ thuật, nhà giáo lừng lẫy và cự phách cũng trưởng thành từ cái nôi này, dù khoa Ngữ Văn Tổng hợp ngày ấy và khoa Văn học bây giờ không hẳn là cơ sở đào tạo đa ngành. Nhưng không ai có thể phủ nhận, sinh viên tốt nghiệp từ khoa Văn học, dù ở bất cứ giai đoạn nào, lại không thể trở thành những nhà nghiên cứu, giảng dạy, những nhà báo, nhà xã hội học, biên tập, hoạt động xã hội tài năng, xuất chúng. Điều quan trọng chính là ở phẩm chất, tình yêu và sự quyết tâm của người học. Có một thời, đúng như cái tên “Tổng hợp”, khoa Văn học, tuy không phải là cơ sở đào tạo đa ngành, nhưng sinh viên tốt nghiệp từ đây, dù được phân công làm việc ở bất cứ cương vị nào cũng đều hoàn thành xuất sắc trọng trách xã hội giao phó. Tôi vẫn còn giữ được trong tay nguyên vẹn bức thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên là sinh viên khóa 8 khoa Ngữ Văn (lúc ấy giữ trọng trách Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) viết cho khoa nhân kỷ niệm 35 năm thành lập với những lời lẽ như sau: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy 35 năm qua, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh và có những thành tựu rất có ý nghĩa trong công tác giáo dục, đào tạo. Điều đó đã được thể hiện cụ thể ngay ở cơ quan chúng tôi: số sinh viên do khoa đào tạo và được phân công về Tạp chí Cộng sản, kể từ những khóa đầu tiên cho đến nay, chiếm một tỉ lệ khá cao trong các thế hệ cán bộ của Bộ biên tập. Hầu hết các đồng chí đó, khi về tạp chí đều nhanh chóng làm quen với công việc và đã tự thể hiện là những cán bộ có phẩm chất, có năng lực, một số đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc vào việc nâng cao chất lượng của tạp chí và đã được giao những cương vị phụ trách trong Bộ biên tập. Có thể nói rằng trong những thành tựu mà Tạp chí Cộng sản đã thu được trong 36 năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ cán bộ từng là sinh viên của Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.”  

Những nhận xét chí lý, chí tình của người giữ trọng trách cao nhất tạp chí Cộng sản thời ấy, và bây giờ, giữ trọng trách cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đến lúc này vẫn còn nguyên giá trị. Khoa Văn học có quyền tự hào về điều đó. Đến nay, sau một chặng đường dài gần 60 năm phát triển, đội ngũ các thầy cô giáo của khoa Văn học bây giờ tinh giản, trẻ trung và được đào tạo chính quy, bài bản hơn ngày trước rất nhiều (45 thầy cô giáo, hơn 2 phần ba tuổi dưới 50, nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ). Nhưng sao tôi vẫn thấy băn khoăn: sức hấp dẫn của nó với các bạn trẻ so với trước đây, có phần sa sút? Đó là điều đáng để các thầy cô giáo khoa Văn chúng tôi suy ngẫm. Chúng tôi không trách sự lựa chọn của các bạn trẻ hiện nay. Sống trong một thế giới phát triển như vũ bão, đôi khi chúng ta thật khó có được sự tĩnh tâm để lựa chọn con đường đi đúng đắn nhất cho mình. Và nữa, cuộc sống xã hội thay đổi, nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp của con người cũng phải đổi thay. Tôi nghĩ, có thể tình yêu với văn chương của mọi người vẫn luôn còn đó, nhưng lựa chọn nó như một nghề nghiệp kiếm sống thì phải “cân đo, đong đếm”. Bởi vậy, để tồn tại, Khoa Văn học chỉ có thể tự đổi mới mình. Một số năm gần đây, sau khi khoa Ngôn ngữ tách ra, khoa Văn học vẫn duy trì giảng dạy và đào tạo nhiều chuyên ngành cơ bản một thời đã từng làm nên thương hiệu của cơ sở đào tạo Ngữ Văn hàng đầu cả nước: Lý luận văn học, Văn học Việt Nam, Văn học Dân gian và Trung đại, Văn học phương Tây, Văn học phương Đông, và Hán Nôm. Để tạo được tính đa dạng và gắn kết nhiều hơn nữa giữa khoa với nhu cầu xã hội, cách đây 5 năm, một bộ môn mới khá hấp dẫn cũng đã được mở ra tại khoa Văn học: Bộ môn Nghệ thuật học. Được xây dựng trên cơ sở Dự án Điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ, đây là một chương trình nhằm đào tạo các nhà biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh, truyền hình đang rất cần nhân lực hiện nay. Năm học 2014, khóa đầu tiên đào tạo thạc sĩ chuyên ngành lịch sử, lý luận, phê bình điện ảnh, truyền hình tại khoa Văn học cũng đã chính thức tuyển sinh. Bên cạnh đó, chuyên ngành Hán Nôm, sau hơn 40 năm phát triển, bây giờ cũng đã tuyển sinh riêng cả ba hệ đào tạo: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Một đất nước Văn hiến như Việt Nam, không thể thiếu một cơ sở đào tạo các chuyên gia nghiên cứu di sản văn hóa của dân tộc như ngành Hán Nôm của khoa Văn học. Một mô hình khoa Văn gồm “ba chân kiềng”: Văn học, Hán Nôm và Nghệ thuật sẽ hình thành và phát triển ổn định trong tương lai gần đây. Đó là mong muốn của các thầy cô giáo hiện đang giảng dạy tại khoa Văn học. Sinh viên khoa Văn học hiện nay nếu đủ điều kiện và tâm huyết cũng có thể học thêm bằng “kép” các chuyên ngành gần trong hệ thống Đại học Quốc Gia. Nghĩa là cánh cửa nghề nghiệp tương lai với các bạn trẻ luôn luôn rộng mở…Tại sao lại không tin tưởng lựa chọn?  

Gần 60 năm hình thành và phát triển, khoa Văn học vẫn sẽ luôn giữ được sự trẻ trung, năng động và sáng tạo như ngày nào để xứng đáng với sự tin yêu của tất cả các thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn và xã hội.

 

 

                                                                                                          

Tác giả: Trần Hinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây