Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Nhớ thầy Bùi Phụng

Thứ hai - 01/09/2014 10:39
Nhớ thầy Bùi Phụng
Nhớ thầy Bùi Phụng

Tác giả Nguyễn Thiện Nam (trái) và PGS Bùi Phụng.

Lần gặp đầu tiên

Tôi được gặp thầy vào buổi chiều đầu tiên của lớp tiếng Anh cho những cán bộ giảng dạy trẻ măng của Khoa Tiếng Việt vào đầu năm 1981. Khi đó chúng tôi gồm 18 cán bộ vừa mới ra trường, được thầy Hoàng Trọng Phiến, Chủ nhiệm Khoa đích thân tuyển từ Khóa 21, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về để chuẩn bị gửi đi dạy tiếng Việt ở chiến trường Căm pu chia. Với tầm nhìn của người lãnh đạo có tâm, có tầm, GS Hoàng Trọng Phiến đã đề nghị Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cấp kinh phí đào tạo tiếng Anh trong vòng 1 năm cho lớp cán bộ giảng dạy trẻ này, chứ không phải là tiếng Khmer.

Ba nhà giáo đầu tiên được mời dạy cho lớp tiếng Anh này là thầy Bùi Phụng, một giáo viên tại Khoa Tiếng Việt, thầy Lê Tuấn, nguyên phiên dịch của Ủy ban Quân sự bốn bên, thầy Trần Văn.

Tại buổi khai giảng đầu tiên ở Hội trường tầng 4 nhà B7 bis, thầy Phiến giới thiệu thầy Bùi Phụng, và thầy Lê Tuấn với chúng tôi. Về thầy Phụng, thầy Phiến nói: “Anh Phụng là một trong những “trụ” tiếng Anh của Việt Nam hiện nay, tôi xin nhắc lại là một trong những “trụ” tiếng Anh của Việt Nam hiện nay”. Thầy Phụng cười, tiếng cười có lẽ tôi chưa nghe bao giờ, vang động, hào sảng và tự tin vô cùng. Chúng tôi cũng bất ngờ với ngoại hình to khỏe của thầy, vào thời điểm ấy, người Việt nói chung đều gầy gò, nhưng thầy Phụng như là ngoại lệ, thầy cao to như một ông Tây. Một điểm tôi cũng bất ngờ nữa, hóa ra thầy Bùi Phụng này chính là “cụ” Bùi Phụng mà tôi đã đọc trong các tuyển tập kịch của Shakespeare, xuất bản từ đầu những năm 60 với tên 2 dịch giả: Bùi Phụng và Bùi Ý. Hóa ra Bùi Ý là chú ruột của Bùi Phụng và Bùi Phụng khi dịch Shakespeare thì chỉ mới 18 tuổi.

Sau phần khai mạc thì lớp học giải lao một chút trước khi vào học. Thầy Phụng hỏi: “Đã có ai biết tí tiếng Anh nào chưa?” Các bạn chỉ vào tôi vì hồi đại học, tôi học tiếng Anh và đã có thể đọc tạm tài liệu chuyên môn. Nhưng tôi nói là: “Em không thể nói được”. Thầy nói là : “Cứ nói xem nào”. Tôi nhớ là tôi đã nói một câu: “I want to speak English very much but I don’t know how to do to speak English well” với phát âm đầy dấu của tiếng Việt. Thầy bảo là, “Ừ, hình như là tiếng Anh hay sao ấy”.

Làm thế nào để nói được tiếng Anh

Hồi năm 1981, việc học tiếng Anh chưa thuận lợi như bây giờ. Chúng tôi học nhưng không có sách mà phải chép lại bài trong một cuốn sách thầy soạn và thầy Lê Tuấn thì dùng sách của thầy ấy đang biên soạn còn thầy Văn thì sử dụng cuốn tự học tiếng Anh của Vũ Tá Lâm. Thực sự khi học với thầy Phụng, tôi mới hiểu là phải bắt đầu học nói tiếng Anh như thế nào. Thầy bảo các cậu hãy bắt đầu từ những việc rất đơn giản như công việc trong ngày, ngày nào cũng viết lại một chút rồi tập nói những chuyện đơn giản ấy đi đã. Tiếng Anh của thầy thì tuyệt vời, thỉnh thoảng thấy thầy nói tiếng Anh với người Anh người Úc thì choáng luôn. Có hôm trong giờ học, thầy bảo: “Học ngoại ngữ phải học từ sớm chứ các cậu bây giờ là đã muộn, khó mà thành thạo được”. Tôi hỏi: “Thầy học từ bao giờ ạ? Ai dạy thầy?” Thầy trả lời: “That’s a long story” (Chuyện dài lắm). Tôi hỏi: “Nhưng thầy chưa đi nước ngoài bao giờ, lại tự học, sao thầy nói đủ thứ giọng Anh, Úc, Mỹ được thế ạ?”. Thầy cười và lẩy Kiều: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Không chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp mà thầy cũng sử dụng tiếng Nga, tiếng Trung để giảng dạy tiếng Việt một cách thuận tiện. Thầy là người có năng lực ngoại ngữ đặc biệt và cần mẫn một cách đáng ngạc nhiên ngoài cái vẻ bề ngoài tưởng là lãng tử. Thầy đã trực tiếp viết hàng vạn trang từ điển, sách dạy tiếng Anh,  bản dịch hàng chục cuốn tiểu thuyết. Tất cả chỉ bằng bút mực rồi sau là bút bi. Vốn văn hóa của thầy và của nhiều trí thức thế hệ thầy là điều mà lớp hậu sinh chẳng thể nào có được.

Sau khoảng 9 tháng thì chúng tôi thi kết thúc khóa học và chuẩn bị cho chuyến đi Căm pu chia. Trong những lần từ Căm pu chia trở về, tôi đều đến thăm thầy và qua thầy cũng quen biết nhiều người “mộ đạo” tiếng Anh của thầy. Tôi nhớ có lần vào khoảng mùa đông năm 1983, tôi về Tết, mời thầy đi ăn tối ở Lý Quốc Sư (lúc ấy cả Hà Nội mới có khoảng 4 nhà hàng). Mấy thầy trò đang nói chuyện thì có một nhóm thủy thủ đi tàu Viễn dương, sang bàn xin chào thầy và nói là “Bọn em đi tàu đến nhiều nước và dùng từ điển của thầy nhiều, hôm nay hân hạnh được gặp thầy, xin tặng thầy mấy bao thuốc 3 số” (555). Thời ấy thuốc  3 số rất sang. Thầy bảo, “Tốt quá, để về tớ cho thằng Trinh” (trưởng nam của thầy).

Đến năm 1986, tôi có hơn 1 năm trở lại Hà Nội, được thầy gọi vào nhóm viết giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài (thường gọi là giáo trình K, vì mục đích chủ yếu để phục vụ nhu cầu dạy và học tiếng Việt ở Căm pu chia lúc bấy giờ). Thời điểm đó, thầy được Khoa, Trường và Bộ tín nhiệm giao đảm trách chủ biên bộ sách này. Khi đó tôi mới thấy cách giục bài của thầy thật là quyết liệt. Chỉ sau 3 tháng, nhóm chúng tôi hoàn thành 2 tập mà thực ra chỉ có 3 người trực tiếp viết là anh Vũ Văn Thi, chị Nguyễn Thị Thuận và tôi. Cũng thời gian đó tôi có làm Bí thư Chi đoàn thanh niên của Khoa và chúng tôi đã tổ chức lớp tiếng Anh cho Chi đoàn, có một số anh chị lớn tuổi cũng nhiệt tình tham gia như chị Bích Thanh, anh Phạm Tuấn Khoa…Chúng tôi lại mời thầy dạy, ngoài thầy, chúng tôi mời thầy Nguyễn Quốc Hùng, thầy Vũ Ngọc Tú và 3 sinh viên bản ngữ tình nguyện dạy giúp nữa. Đó là lớp học tiếng Anh của Chi đoàn nhưng thật là lý tưởng vì đó là những thầy giáo dạy tiếng Anh giỏi nhất lúc bấy giờ. Tôi trực tiếp làm chương trình, mời thầy dạy dịch, mời thầy Hùng dạy nghe, thầy Tú dạy ngữ pháp và nói, 3 sinh viên người nước ngoài thì dạy nói. Lớp học này học tuần 5 buổi chiều.

Một người có biệt tài ăn nói

Thầy Phụng ngồi ở đâu thì ở đó mọi người thường phá lên cười vì tính hài hước và sự làm chủ tình thế của thầy. GS Nguyễn Lai đã nói với thầy khi có mặt chúng tôi là: “Cậu bao giờ cũng hấp dẫn”. Thầy có những câu nói làm người nghe lúc đầu thấy buồn cười nhưng rồi giật mình, càng ngẫm càng có lý, chẳng hạn khi dạy tiếng Anh, thầy hay nói: “I am a teacher. A teacher is a teacher” (Tôi là thầy giáo. Thầy giáo là thầy giáo). Sau khi nghỉ hưu thầy làm một cái danh thiếp, với 2 dòng:

Bùi Phụng,
Nhà giáo về hưu.

Thầy nói, “Làm một con người, cậu ạ, khi về hưu mà trên danh thiếp ghi Nhà giáo về hưu, kể như thế cũng là quá đủ”. Gần đây khi tôi đến thăm thầy Thạch Giang, Tổ trưởng tổ Việt ngữ đầu tiên, thầy Giang nói về thầy Phụng một câu: “Anh Bùi Phụng là một triết lý sống”.

Trở thành Chủ nhiệm Khoa

Vào năm 1990, khi thầy Đinh Văn Đức hết nhiệm kỳ thì cũng là lúc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có chủ trương bầu Hiệu trưởng, bầu Chủ nhiệm Khoa trực tiếp. Kết quả được công bố tại cuộc bầu. Khi đó trong không khí phấn chấn của “Đổi mới”, việc bầu Hiệu trưởng, Trưởng khoa ở các Trường Đại học cũng “vui” không kém. Thầy không phải là Đảng viên nhưng các giáo viên trẻ trong Khoa như chúng tôi muốn thầy làm Chủ nhiệm Khoa, mong tạo nên một không khí mới. Cuộc bầu lúc đầu có 4 ứng viên và cuối cùng thì thầy trúng Chủ nhiệm Khoa. Tôi nhớ hôm trước bầu cử, tôi có đưa ra một câu hỏi là người ta có thể hỏi thầy là “Ông không phải là Đảng viên, ông sẽ giải quyết mối quan hệ với Chi bộ và sẽ lãnh đạo đơn vị như thế nào?”. Tôi “mách nước” cho thầy: thầy cứ nói là “Đảng mở đường cho tôi”. Hôm sau, đúng có câu hỏi gần như thế, thầy trả lời, “Tôi không phải là Đảng viên nhưng tôi tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và Đảng đã mở đường cho tôi, nếu tôi là Chủ nhiệm khoa, tôi vẫn sẽ tuân theo sự lãnh đạo của Đảng để đưa Khoa Tiếng Việt tiến lên”.

Trong mấy năm thầy làm Chủ nhiệm Khoa thì tôi du học ở Nhật bản. Về sau này khi thầy nghỉ quản lí, thỉnh thoảng tôi lại mời thầy đi uống để được nghe những câu chuyện thâm thúy nhiều thông tin của thầy. Mỗi khi thầy ra một đầu sách mới, thầy lại gọi điện cho tôi, và hai thầy trò lại đi uống, tôi lại được mang sách thầy cho về. Trong giá sách của tôi ở nhà có hẳn một ngăn những quyển sách thầy tặng. Quyển nào cũng có chữ ký và một câu gì đó. Có lúc thì: Tặng Nam, Nói sao cho hết. Lúc thì: Tặng Nam, Thu sang mà vui; Lúc thì: Tặng Thiện Nam, nhớ nhung ngày cũ; lúc thì: Thân tặng Nguyễn Thiện Nam, ‘Hãy cùng ta tiêu mối sầu vạn cổ’… Nhưng cũng có một lần, sau khi thầy nghỉ hưu, do nghe ngóng hiểu nhầm thế nào đó, thầy viết vào trang sách tặng tôi một câu: “Giời còn để có hôm nay”. Hôm đó sau khi nghe tôi “nói lại cho rõ”, thầy thoải mái hẳn.

Khi thầy gặp chuyện buồn là cô Thuần, người bạn đời của thầy mất do bị u não thì có chuyện buồn cười như sau. Hôm đó thầy gọi cho tôi, và tôi đến nhà thầy, thầy nhờ tôi việc đi đăng tin buồn trên Đài truyền hình Hà Nội, thầy nói đã nhờ chị Hương (người quen của thầy) nhờ anh Đào Quang Thép, Phó Tổng Giám đốc Đài lúc đó, đăng cho kịp thời. Khi tôi đến Đài, gặp anh Đào Quang Thép và nói với anh việc thầy nhờ qua chị Hương bạn anh, anh nói với tôi: “Được, chú yên tâm, anh xử lí ngay”, và anh gọi cho nhân viên báo bộ phận phụ trách là “Cần giúp  ngay việc này vì bà Thuần là vợ của ông Bùi Phụng, bạn anh, Đại tá, Tiến sĩ Sử học” tôi suýt phì cười (Kì thực thì thầy chưa bao giờ tham gia quân đội và cũng không phải là tiến sĩ sử học, nhưng ông PTGĐ ĐTHHN muốn nhấn mạnh việc quan trọng để cô nhân viên thực hiện ngay nên đã có thêm đoạn chức vụ, học hàm đó) . Về sau tôi kể lại chuyện này cho thầy, thầy bảo: “Cái anh Đào Quang Thép này, thế mà hay”.

Trang bìa Từ điển Việt-Anh

Một người có đóng góp đặc biệt với sự truyền bá tiếng Anh ở Việt Nam

Có một thời, chỉ có một quyển từ điển Việt Anh dày cộp duy nhất của thầy do Nhà xuất bản Trường Đại học Tổng hợp xuất bản. Rồi sau đó, cuốn từ điển này được thầy bổ sung, trong hàng loạt lần tái bản sau, lớn dần. Có thể nói không ngoa rằng, bất cứ người Việt nào thời đó muốn học tiếng Anh một cách nghiêm chỉnh đều có cuốn từ điển này. Cuốn từ điển đó xuất hiện ở hầu hết các giá sách của giới trí thức Việt Nam và cả ở nước ngoài. Vào năm 1988, tôi gặp một người Mỹ, vốn là cựu chiến binh ở Việt Nam, đang làm cho một tổ chức thiện nguyện ở Căm pu chia, anh đang làm từ điển Khơ me-Việt-Anh, và anh nhờ tôi kiểm tra lại. Anh cho tôi xem cuốn từ điển Việt Anh của Bùi Phụng xuất bản ở Hong kong (coi như vi phạm bản quyền) mà anh dựa vào để làm phần Việt Anh. Sau về Hà Nội tôi kể việc này cho thầy, thầy rất vui và nói: “Đấy, sách của tớ người ta xuất bản cả ở nước ngoài”.  Những cống hiến đối với sự phát triển tiếng Anh ở Việt Nam của thầy, sau đó cũng đã được nhà nước ghi nhận bằng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ cho công trình Từ điển Việt Anh, lần I năm 2000”.

Lần đầu thầy xuất ngoại là lần đi Hawai để dạy tiếng Việt. Lần thứ hai thầy được mời đi Luân Đôn do những cống hiến về sự phát triển Anh ngữ. Ở Luân Đôn thầy gặp lại người bạn học hồi nhỏ là ông Đỗ Văn, lúc đó làm việc ở ban Việt Ngữ Đài BBC. Khi về nước, thầy thường kể nhiều về chuyến đi này và những câu chuyện với ông Đỗ Văn.

Ra đi bất ngờ

Khi tôi đang làm việc ở Phòng Quan hệ quốc tế, thỉnh thoảng tôi vẫn đi uống với thầy. Có hôm tôi liên lạc mãi nhưng không được. Sau mấy ngày, cô Hà, người vợ sau của thầy gọi cho tôi và báo là thầy bị cấp cứu, đang mổ tim ở Việt Đức. Tôi vội vào, thầy đã mổ xong, đang ở phòng hậu phẫu, chỉ gặp được cô Hà và anh Trinh, trưởng nam của thầy.

Vài hôm sau, đúng trưa mồng 1/9/2007, tôi nhận được tin nhắn của Tú Anh, con gái thầy, báo tin thầy Phụng đã mất, nhìn lại mới thấy mấy cuộc gọi nhỡ của Tú Anh. Tôi vội đến 75 Mai Hắc Đế. Gia đình đã họp và chuẩn bị mọi chuyện: ngày 3/9 sẽ tổ chức viếng và đưa thầy về Văn Điển. Tôi báo tin lại cho Khoa và Trường. Đó là những ngày nghỉ lễ, nhiều người không ở Hà Nội. Thầy lại ra đi bất ngờ. Thầy Đỗ Thanh, người bạn học khóa 1 Đại học Tổng hợp Hà Nội với thầy, cùng về Tổ Việt ngữ, sau là Khoa Tiếng Việt, với thầy cho đến ngày nghỉ hưu, đã viết những vần thơ gửi thầy sau khi tiễn biệt bạn về chốn ngàn thu, có mấy câu:

Sống ầm ào như thác
Chết lặng lẽ như sông…
……………………
Từ điển dày như thế
Có ai dày hơn chăng?

Vậy mà đã 7 năm từ ngày thầy ra đi. Đã 34 năm kể từ buổi chiều đầu tiên tôi được gặp thầy. Chao ôi thời gian!

1/9/2013 – 1/9/2014

PGS Bùi Phụng, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh năm 1936, quê quán: Hà Nam, tốt nghiệp Khóa 1 Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông công tác tại Khoa Tiếng Việt, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau là Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) từ 1959 đến 1996. Ông mất ngày 1-9-2007.

Ông đã công bố gần100 công trình: Từ điển Anh – Việt, Từ điển Việt – Anh, Từ điển Mỹ – Việt, các loại sách công cụ tiếng Anh, gần 35000 trang in tại nhiều nhà xuất bản: Giáo dục, Khoa học Xã hội, Thế giới, Thanh Niên, Văn học, Văn hóa, Hà Nội, Phụ nữ

    Các công trình chính:.

  1. Giao Tiếp Thương Mại Anh-Việt (NXB Thành phố Hồ Chí Minh)
  2. Thành ngữ Anh Việt (NXB Văn Hoá Sài Gòn)
  3. Nghi Thức Lời Nói Anh Việt (NXB Thành phố Hồ Chí Minh-1994)
  4. Phương Pháp học Tiếng Anh hiệu quả nhất (NXB Văn Hoá Thông Tin)
  5. Tiếng Anh trong nhà trường – English At School (NXB Thành phố Hồ Chí Minh)
  6. Sổ tay Ngữ Pháp Tiếng Anh – A Handbook of English Grammar (NXB Thành phố Hồ Chí Minh)
  7. Sách học Tiếng Anh cấp tốc (NXB Thành phố Hồ Chí Minh)
  8. Tục Ngữ Anh-Việt tường giải (NXB Tri Thức)
  9. Từ điển Việt-Mỹ (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp-1989)
  10. Từ điển Anh-Việt (NXB Giáo dục- 1994)
  11. Động từ thành ngữ Tiếng Anh (NXB Giáo Dục – 1995)
  12. Từ Điển Danh Nhân – Địa Danh Anh Việt (NXB Văn Hóa Thông Tin – 2001)
  13. Từ Điển Tiếng Lóng và Những Thành Ngữ Thông Tục Mỹ Việt (NXB Văn Hóa Sài Gòn – 2007)
  14. Sổ tay những cách nói-viết ngắn gọn và đơn thư trong giao tiếp Anh-Việt – A handbook of laconic expressions, applications and letters in daily life (Bùi Phụng- Vũ Bá- NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)…
  15. Những Mẫu Câu Việt-Anh Anh-Việt (Vietnamese-English and English-Vietnamese Communication) được bổ sung đầy đủ và xuất bản dựa theo bản thảo gốc của cuốn Mẫu Câu trong Giao Tiếp Việt-Anh do cố tác giả Bùi Ý biên soạn.
  16. Từ điển Việt Anh, (NXBTG- 2001)

Dịch phẩm

  1. Đây là Tổ Quốc tôi, tập truyện ngắn của Premchand, chung với Cao Huy Đỉnh
  2. Macbeth, Hamlet của William Shakespeare
  3. Shogun (Tướng Quân) của James Clavell
  4. A Woman of Substance (Người đàn bà đích thực) của Barbara Taylor Bradford
  5. Godaan (Gôđan) của nhà văn Ấn Độ Munshi Premchand
  6. Martin Eden (Martin Iđơn) của Jack London (dịch cùng Bùi Ý) (NXB Văn học, Hà Nội-1986)
  7. The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc) của Ernest Hemingway
  8. Ngụ ngôn Ê-dốp (Aesop’s Fables) của Aesop (NXB Văn học – 1995)…

Có thể nói rằng, cuốn từ điển Anh Việt của Bùi Phụng được giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình hội nhập với thế giới của Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt sau giai đoạn Đổi Mới, và thậm chí cho đến nay, khi vẫn chưa có một cuốn từ điển Việt Anh nào tạo nên được ảnh hưởng lớn hơn thế về mặt khoa học và giá trị sử dụng.

Tác giả: Nguyễn Thiện Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây