Người "học nhi bất yếm"...
admin
2011-03-14T12:46:31-04:00
2011-03-14T12:46:31-04:00
//2dzanga.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/nguoi-hoc-nhi-bat-yem-7451.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
game đánh chắn online đổi thưởng
- ĐHQGHN
//2dzanga.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ hai - 14/03/2011 12:46
Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, chúng tôi gửi tới các bạn câu chuyện sau đây do PGS Vũ Đức Nghiệu viết nhân dịp mừng GS. Nguyễn Tài Cẩn tới tuổi tám mươi, đã in trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006 để biết thêm đôi điều về Giáo sư.
Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, chúng tôi gửi tới các bạn câu chuyện sau đây do PGS Vũ Đức Nghiệu viết nhân dịp mừng GS. Nguyễn Tài Cẩn tới tuổi tám mươi, đã in trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006 để biết thêm đôi điều về Giáo sư.
Năm nay, mừng Thầy Nguyễn Tài Cẩn tới tuổi tám mươi, tôi biết, lẽ ra, phải có một bài nghiên cứu để góp thêm một tiếng nói về chuyên môn làm quà mừng Thầy thì mới là "hợp vị". Nhưng bài nghiên cứu thì viết chưa kịp, tôi đành xin kể lại vài câu chuyện đơn sơ, như những kỉ niệm nhỏ trong thời gian tôi được ở gần với Thầy bên đại học Cornell (Hoa kì). Chuyện cũng đã lâu rồi, bởi "Sự này đã ngoại mười niên"...
1. Năm 1993, tôi đang giảng dạy ở đại học Cornell. Một ngày cuối thu, giữa trưa, giáo sư G.Diffloth gọi điện thoại cho tôi: "...Ông bà Cẩn sang rồi đấy. Đang ở Fairview (tên một nhà khách của trường) số điện thoại ..." Đã được biết từ trước: Thầy và Cô Nonna sẽ sang ba tháng theo kế hoạch của chương trình Đông Nam Á(SEAP- một trung tâm nghiên cứu lớn và mạnh của đại học Cornell đặt tại Steward Ave. Ithaca NY.) nhưng tôi không đi đón được vì có giờ dạy trên lớp. Tôi bấm điện thoại gọi ngay chào Thầy Cô rồi để Thầy Cô nghỉ cho đỡ mệt sau chuyến bay dài.
Chiều tối hôm ấy, tôi đến Fairview thăm Thầy Cô. Chuyện không muốn dứt vì thầy trò đã lâu không gặp và những công việc trước mắt. Tâm trạng đầy cảm xúc, Thầy đọc cho tôi nghe một bài thơ chữ Hán mới làm trên đường bay sang Cornell. Tôi không nhớ được bài thơ ấy nữa nhưng chắc chắn một điều là tôi thấy rất hay, chân thực, rất đúng tâm trạng của Thầy lúc ấy. (Được biết Thầy đã làm tới ngót hai trăm bài thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm trong các dịp khác nhau, nhất là trong giao đãi với các nhà khoa học, bạn bè, nhưng ghi trong sổ riêng, chưa ai có dịp được đọc toàn thể cùng một lúc).
Hôm sau, tôi đưa Thầy Cô đi làm vài thủ tục giấy tờ, giới thiệu với một số người. Hôm sau nữa, Thầy đã bảo tôi đưa vào thư viện. Thư viện Olin của đại học Cornell với kho sách về Đông Nam Á của nó, chỉ có thể nói gọn một câu: tuyệt vời. Xuống tầng hầm, vào chỗ sách chữ Hán, nhìn thấy cuốn Ngọc thiên ... ( là cuốn sách miêu tả về các phương ngữ, thổ ngữ miền Nam Trung quốc; tôi chỉ nhớ được tên cuốn sách này thường gọi như vậy), Thầy đứng lặng một lúc như kẻ gặp cố nhân trong mộng rồi nói với tôi: "Phải chi mười hoặc hơn mười năm trước mà thầy có được trong tay cuốn này. Hôm nay mới thấy được nó...". Tôi bảo: "Ta mượn về rồi làm copie thầy ạ". Thầy đồng ý; và một ý mới đã nảy sinh: Thầy chưa có thẻ thư viện, lại muốn có sách đọc ngay; tôi sẽ mượn sách cho Thầy và Cô bằng thẻ ID của tôi. Ngay lập tức, một chồng sách chữ Hán, chữ Nga, chữ Pháp, chữ Anh được ôm lên, làm thủ tục mượn về. Gần hai tháng trời, cứ ba bốn ngày lại một lần như vậy. Cần mẫn và đều đặn, hai Thầy Cô thi nhau "ngốn" hết cuốn này sang cuốn khác. Nếu cứ nhìn danh sách lưu tại thư viện Orlin trong những ngày ấy thì chắc ai cũng phải kinh ngạc tự hỏi sao người mang ID đó (là tôi) có sức đọc ghê gớm đến thế. Lisa (tôi đổi tên, không dùng tên thật), một sinh viên trong trường, bạn tôi, làm thêm việc cho thư viện theo giờ cũng rất lấy làm lạ hỏi: " Anh nghiên cứu viết gì mà hồi này đọc nhiều thế, mà lại đọc mấy thứ tiếng, cùng một lúc. Kinh khủng quá". Nghe tôi kể rõ ngọn ngành, cô mới hết ngạc nhiên.
2. SEAP (SouthEast Asia Program) mời Thầy sang với tư cách học giả hợp tác nghiên cứu khoa học, cụ thể hơn là làm việc với G.Diffloth về những vấn đề hữu quan. Khi kể cho Thầy nghe rằng trong DMLL (Department of Modern Languages and Linguistics), GS. Diffloth là supervisor của tôi, rằng học kì mùa thu năm ngoái (1992) tôi với GS. Nguyễn Văn Lợi (cũng là khách mời của SEAP) tới nghe GS. Diffloth giảng trọn vẹn một course về các ngôn ngữ Đông Nam Á, Thầy khuyến khích tôi nên chịu khó đi nghe và bảo: "Ông ấy là tầm cỡ quốc tế đấy, có điều kiện thì cần tranh thủ học tập". Tôi nói với Thầy là mùa thu năm nay (1993) course này cũng đang được giảng và tôi vẫn đang nghe, Thầy bảo Thầy cũng sẽ đến dự; rồi hầu hết các buổi giảng bài của GS. Diffloth, Thầy đều nghe cả. Đến phần về các ngôn ngữ Việt Mường, mặc sức trao đổi, bàn bạc. "Hai Ông" trao đổi, trình tư liệu chứng minh say sưa đến nỗi nhiều lúc tôi và các sinh viên (khoảng năm sáu người, cả người Mĩ lẫn Thái lan, Canađa, học ngay tại phòng làm việc của GS. Diffloth) không biết là các ông đang trao đổi với nhau hay thay nhau giảng bài cho tất cả cùng nghe.
"Đồng thanh tương ứng"... đã gặp nhau là chuyện chuyên môn giữa "Hai Ông" hầu như không dứt ra được. Một buổi chiều, Thầy hẹn tôi đợi để cùng về chỗ Thầy ăn cơm tối. (Phòng làm việc của tôi chỉ cách phòng làm việc của GS.Diffloth khoảng mươi bước chân, nên buổi nào đến làm việc với ông, Thầy cũng thường ghé vào, để khăn áo ở phòng tôi). Tôi chờ đến muộn mới thấy Thầy sang lấy áo khoác và bảo: "Muộn rồi, mải nói chuyện, thú vị quá. Về đi. Ông Diffloth bảo sang chỗ ông ấy rồi ông ấy lái xe cho về". Tôi đứng lên, cùng Thầy sang phòng GS. Diffloth. Vào phòng, Ông Diffloth nói gì đó (bằng tiếng Pháp, tôi không hiểu). Thầy đáp lại, rồi câu chuyện cứ thế tiếp diễn một cách "ngon lành" như không có gì xảy ra. Tôi đứng như trời trồng,"chịu trận", chẳng hiểu gì, vì "Hai ông" nói tiếng Tây, không nói tiếng Ănglê, và cứ coi như tôi là người trong cuộc. Tôi buộc phải "ngộ" ra rằng: GS. Diffloth đã quên phắt việc lái xe đưa Thầy về, còn Thầy mình, bị cuốn vào việc rồi cũng "cho qua" luôn cái sự đang khăn áo chuẩn bị về nhà. Phải gần một tiếng sau, "hai ông" mới tươi cười "fini'' câu chuyện rồi "Au revoir".
Tôi bước ra ngoài. Đã đói. Trời tối mùa đông. Lạnh. Hai thầy trò cuốc bộ về, còn GS. Diffloth nhà ta cũng thong thả trên đường ra bãi đỗ xe. Tôi buồn cười quá, nhắc lại việc xảy ra. Thầy cũng cười: "Cụ" đãng trí. Bảo mình đi lấy áo rồi quay sang để "cụ" lái xe đưa về. Thế mà chỉ sang phòng Nghiệu lấy được cái áo sang, cụ đã quên mất rồi". Tôi bảo: "Thì Thầy cũng có kém gì đâu ạ. Bây giờ chắc cô đang đơị cơm ở nhà". Về đến Fairview, tôi kể lại chuyện, cô Nonna chỉ còn biết lắc đầu và rũ ra cười:" Không thể hiểu được".
3. Trong ba tháng Thầy ở Cornell, tôi có dịp thường xuyên gần gũi, được Thầy nói cho nghe rất nhiều chuyện xưa, chuyện nay và khuyên bảo, chỉ dẫn nhiều điều, từ cuộc sống đến học hành, công việc. Cả Thầy và Cô đều luôn cảnh báo và khuyên tôi về giữ gìn sức khoẻ, về ăn uống và công việc, nhất là đang lúc tôi xa nhà, lại chỉ có một mình.
Có một hôm, tôi được gọi tới chỗ Thầy ăn cơm tối. Ăn xong, đã khá muộn, tôi chào Thầy Cô để về. Thầy bảo đợi Thầy cùng ra ngoài hút điếu thuốc cho thoáng, nhân thể tiễn tôi một đoạn. Hai thầy trò vừa chậm rãi đi vừa nói chuyện. Tuyết bay giăng giăng trắng trời. Mải chuyện, chợt ngẩng lên đã thấy ngôi nhà tôi ở (tại phố East State, cách Fairview khoảng hơn một cây số) đứng ngay trước mặt. Tôi đưa Thầy quay trở lại Fairview. Chính trên con đường Michaell từ Fairview đến East State Street đêm mùa đông năm ấy, một lần nữa Thầy lại "phê" tôi về việc không chịu làm luận án từ sớm; còn tôi thì đã hỏi và nói với Thầy nhiều về cái luận án mà khi về nước, tôi đã bảo vệ vào năm 1996.
Sau lần nói chuyện ấy vài ngày, Thầy đưa cho tôi bản photocopy tập bản thảo viết tay cuốn giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt, bảo cầm về đọc rồi có ý gì thì nói. Tôi đọc chậm và cẩn thận, chẳng góp thêm được ý gì. Đặt mình vào vị trí của sinh viên năm thứ ba, tôi đánh dấu mấy chỗ và nói lại với Thầy là chỗ ấy viết hơi "nặng", có thể khó hiểu đối với sinh viên. Thầy đồng ý. Đối với Thầy, tôi ỷ thế là học trò, không thấy e ngại gì khi nói những điều như vậy (cũng như một lần khác, thầy mới làm xong bài thơ, đọc cho tôi nghe - thời gian ở Cornell, thầy làm ba bài thơ, hai bài Đường luật, một bằng chữ Hán, một bằng chữ Nôm rất vui và một bài lục bát - Nghe xong, một hồi sau, tôi gọi cho Thầy nói rằng hai chữ (...) buồn quá, không thích hợp, đề nghị Thầy thay đi. Lúc sau Thầy gọi lại cho tôi, bảo là đồng ý và sửa lại thế này...).
Mặc dù đã biết tính Thầy qua những cuốn sách khác, nhưng chính cuốn Lịch sử ngữ âm tiếng Việt làm cho tôi trân trọng và kính phục hơn cả về sự trung thực, công bình và sòng phẳng trong khoa học của Thầy. Dù một tí tư liệu do ai cung cấp, một vài số liệu do ai thực hiện, bất kể là nhà nghiên cứu danh tiếng hay một sinh viên còn trẻ... Thầy đều ghi chú rất cụ thể, đầy đủ, rõ ràng và trân trọng. Việc chẳng có gì là lớn, nhưng cái tâm trong khoa học như thế, khiến các lớp học trò hậu sinh càng thêm nể phục vô cùng.
4. Kể chuyện về Thầy, tôi không thể không kể một vài chuyện về cô Nonna. Khi sang Corell cùng với Thầy, Cô đến dự lớp và nói chuyện với nhóm giáo viên tiếng Nga ở đó. Một đồng nghiệp tôi quen ở Cornell (rất thạo tiếng Việt) hỏi tôi: "Bà ấy dạy và nghiên cứu gì ở Việt Nam ?". Có điều thú vị là, mấy năm sau, một bạn đồng nghiệp khác ở ngay tại Hà Nội cũng hỏi tôi chính câu hỏi đó. Tôi đã trả lời cả hai lần đại ý như sau:
"... Bà ấy là cô giáo của tôi ở Đại học Tổng hợp. Tôi hiểu về công việc của Bà cũng chẳng nhiều. Có điều chắc chắn là trong lĩnh vực chuyên môn hữu quan: ngôn ngữ học, Việt học, Bà là một giảng viên, từ 1984 là một giáo sư chuyên về ngôn ngữ học; đồng thời, rất nhiều công việc của Bà làm, tự nó có vai trò như cầu nối giữa chúng ta với bên ngoài qua cửa ngõ Liên Xô trong thời gian chúng ta đang sống cùng chiến tranh bom đạn. Bà nghiên cứu, giới thiệu Việt ngữ, Việt ngữ học, văn học Việt Nam ra nước ngoài qua những kết quả nghiên cứu mà vì công bố ở xa nên chúng ta ít thấy. Đối với chuyên môn ngôn ngữ học, ở Đại học tổng hợp Hà Nội, Bà nỗ lực giới thiệu những môn học mới như Lí thuyết dịch, Loại hình học. Bà đã viết giáo trình Loại hình học hiện nay vẫn đang giảng dạy chính thức trong chuyên ngành đào tạo ngôn ngữ học; rồi cùng với GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Bystrov, Bà khảo chứng, viết sách Ngữ pháp tiếng Việt; sau đó, nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt và đã có những kết quả ban đầu rất đáng trân trọng. Suốt những năm bom đạn, Bà cùng lặn lội sơ tán với Trường, với khoa, cũng gạo phiếu, cơm độn như mọi người, và vừa nuôi con, vừa nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Về cái sự vượt khó để làm nghiên cứu của Bà, tôi chỉ xin kể một chuyện này: Vào quãng những năm 1970, máy photocopy chưa có ở Việt Nam. Có một bản thảo từ điển chữ Nôm khá lớn đang được chuẩn bị để xuất bản. Đợi đến lúc xuất bản thì nếu đúng theo kế hoạch, cũng phải ba năm nữa. Hai Ông Bà (Ông là GS. Cẩn) chia nhau chép lại, vì tính rằng dù chép một năm mới xong thì cũng có tài liệu để dùng sớm hơn được hai năm nếu đợi xuất bản, mà xuất bản chắc gì đã đúng kế hoạch... Kết cục, mọi việc đã diễn ra đúng như vậy. Và không phải chỉ có thế đâu. Tôi được biết, Ông Bà còn chép tay cả từ điển A.de. Rhodes khi chưa có bản copie nữa"...
Người bạn đồng nghiệp ở Cornell của tôi tròn mắt và xuýt xa; còn người đồng nghiệp thân thiết ở Hà Nội thì bảo: "Nghe hơi hãi". Tôi bảo: "Còn mình, biết chuyện này trước ông nên mình hãi trước ông lâu rồi"...
Ba tháng ở Cornell Cô cũng nói chuyện với tôi nhiều, từ việc tôi chăm nuôi con nhỏ cho đến việc nghiên cứu ngôn ngữ và dạy tiếng. Hồi ấy Cô bảo tôi: "Vùng Bắc Mĩ này có con raccoon rất đặc trưng, anh Nghiệu đã thấy chưa". Tôi trả lời: "Thấy rồi ạ. ở Ithaca này sẵn nên hay gặp lắm cô ạ. Em thấy thú vị nhất là khi đi xe ban đêm mà thấy nó băng qua đường, nó chạy lui nhưng mắt lại bắt đèn xe, hai quầng lông đen quanh hai mắt nó làm cho gương mặt nó trông vừa u tối, vừa ranh mãnh, hệt như một thằng tù trốn trại cô ạ. Góc vườn nhà em cũng có hai con thỉnh thoảng lại đến". Cô thích lắm và cố rình, chịu khó đi dạo quanh khu Fairview, đặt sẵn bánh mì ở một số chỗ để nhử raccoon đến, cốt để thấy nó, nhưng mãi đến khi gần kết thúc công việc và rời Cornell cô mới thấy được. Khi thấy được con raccoon, Cô rất thích, về gọi Thầy ra cùng xem, nhưng không kịp.
Chuyện Cô tìm gặp con raccoon thì như thế, nhưng tôi biết Cô cũng là một người "săn sách" không vừa. Còn nhớ, một hôm, thấy bên cạnh Fairview có một "garden sale" (cuộc bày bán trong sân, trong vườn của một gia đình người Mĩ nào đó những đồ đạc, vật dụng mà khi chuyển nhà đi chỗ khác, họ không muốn mang theo nữa, và bán với giá rất rẻ, được đồng nào hay đồng ấy, vừa rất tiết kiệm , vừa hình như để cho vui là chính). Cô chuẩn bị để sang xem. Thầy bảo :"Đi làm gì, chắc chẳng có gì hay đâu". Nhưng Cô cứ đi và hồi sau trở về sức vui vẻ. Hoá ra Cô "săn" được cuốn từ điển Webster nổi tiếng in năm 1862. Chủ nhà chỉ yêu cầu trả 6 (sáu) đô la. Tôi đến Fairview, được Cô hào hứng kể cho nghe chuyện mua được sách quý và đưa sách cho xem . Cuốn từ điển đã ngả màu thời gian cả ở ngoài bìa lẫn trong ruột, có kích thước tương tự cuốn từ điển Anh Việt khổ lớn in lần đầu tiên tại Hà nội năm 1978. Ai biết chuyện này (kể cả GS. Diffloth) cũng cho là chuyện cực kì may mắn, vì đó là cuốn từ điển của thời "Cuốn theo chiều gió". Nay, Cô coi cuốn Webster ấy như đồ "gia bảo", cũng như một món đồ "gia bảo" khác nữa là cái mũ sắt thời sơ tán chống chiến tranh phá hoại của Mĩ mà Cô vẫn cẩn thận giữ gìn.
Khi tôi viết những dòng này, Cô đang ở xa Hà Nội. Nhớ tới cô, tôi nhẩm tính: từ ngày ấy đến nay đã hơn mười năm... Thế mà cảm giác thì cứ như là chuyện mới diễn ra ngày hôm qua vậy.
5. Cũng như nhiều người khác trong cùng chuyên môn ngữ văn, không ít lần tôi đã cùng dự, cùng nghe những bàn luận về các công trình nghiên cứu, sách vở của Thầy. Gần đây, vẫn có một vài người bạn tôi ở một ngành chuyên môn lân cận bảo: "Nghiên cứu của Thầy Cẩn thì "ghê" rồi, nhưng ông nói cụ thể hơn cho chúng tôi xem cái gì là đặc biệt". Tôi trả lời: "Làm sao nói cho đủ được, vì tôi cũng có tường tận hết các nghiên cứu của Thầy đâu. Nhưng nói về những cuốn sách mà tôi thích nhất, thì ngoài cuốn Một số vấn đề về chữ Nôm với một loạt bài rất hay và giá trị về phương pháp (ngôn ngữ học và ngữ văn học), về ý tưởng mới, phát hiện tư liệu mới, ... đại khái là thế này:
a. Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ có hai cái giá trị nhất là việc đề xuất áp dụng khái niệm "tiếng" tương ứng với khái niệm hình vị cho ngữ pháp tiếng Việt, và miêu tả cấu trúc danh ngữ tiếng Việt. Chính việc đề xuất áp dụng và minh định giá trị ngữ pháp của "tiếng" đã tạo nên bước chuyển biến có tính bản lề, đem đến những đổi mới sâu sắc trong nhận thức của giới Việt ngữ học nói chung trong khi miêu tả tiếng Việt. Điều này thể hiện rất rõ trong các tài liệu nghiên cứu và giảng dạy về Việt ngữ, ai cũng dễ thấy được. Còn cấu trúc danh ngữ tiếng Việt được miêu tả trong công trình này (áp dụng phương pháp miêu tả theo vị trí phân bố) thì đã góp phần cải tiến và thay đổi nhiều trong việc phân định từ loại, một việc rất quan trọng của nghiên cứu và miêu tả ngữ pháp. Cũng trong công trình này, vì nhiều lí do khác nhau, để tránh những đảo lộn quá lớn, ý tưởng mới của Thầy về thành tố trung tâm (thành tố chính), của danh ngữ đã được trình bày bắt đầu ở trang 216 bản in năm 1975 với cái tên "hai thành tố T1 và T2 ở bộ phận trung tâm", mà gần đây, nhà nghiên cứu, PGS. Cao Xuân Hạo và nhiều người khác trong những nghiên cứu về vấn đề này, thường đề cập và đánh giá rất cao. Mấy câu ở điểm c. trang 216, nhẹ nhàng thôi, có phần hơi "ẩn nhẫn" nữa, nhưng thật sự là một tư tưởng trong phân tích ngữ pháp đối với vấn đề hữu quan đấy...
b. Cuốn Lịch sử ngữ âm tiếng Việt, có thể nói, cho đến nay, là công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống nhất về lịch sử ngữ âm tiếng Việt, và điều đặc biệt của nó là ở chỗ: các quan hệ cội nguồn, quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ thân thuộc, giữa tiếng Việt với tiếng Hán; ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt và các ngôn ngữ thiểu số khác ở Việt Nam... đã được chú ý phân tích bằng phương pháp nhất quán, đánh giá một cách hợp lí trong toàn bộ bối cảnh chung, khiến cho vấn đề được nhìn nhận và trình bày một cách toàn diện hơn. Chính nhờ vậy mà trong giáo trình, nguồn gốc và quá trình diễn biến của các âm thuộc hệ thống âm đầu, âm đệm, nguyên âm, âm cuối và thanh điệu tiếng Việt, các bước đường diễn biến của ngữ âm tiếng Việt từ thời Proto Việt Chứt (ứng với thuật ngữ Proto Việt Mường quen thuộc) qua giai đoạn phân chia thành hai nhánh Poọng - Chứt và Việt - Mường, rồi từ Việt Mường chung đến Nguồn, Mường và Việt tách riêng, từ Việt sơ kì đến Việt cận đại... trở nên dễ hình dung hơn rất nhiều.
c. Công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt công bố lần đầu năm 1979, tái bản có hiệu chỉnh bổ sung năm 2000 là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này một cách hệ thống và cơ bản nhất. Ngoài các giá trị khoa học khác mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập, giới thiệu, điều đặc biệt mà tôi muốn nói thêm là, khác với công trình của B. Karlgren (1915), H. Maspero (1912), T. Mineya (1972), Vương Lực (1958), Lí Vinh (1952), J. Hashimoto (1984), S.A. Starostin (1989), công trình này phục nguyên, xác định hệ thống 8 nguyên âm trong Thiết vận (không hẹn mà gặp, năm 1992, W.H. Baxter cũng phục nguyên hệ thống 8 nguyên âm); đồng thời nghiên cứu cả quá trình diễn biến qua các giai đoạn khác nhau của hệ thống phụ âm, hệ thống vần tiếng Hán suốt từ thời Thiết vận cho đến thời kì hình thành cách đọc Hán Việt. Quá trình diễn biến, chuyển đổi qua các giai đoạn trong thời gian ba thế kỉ đó, không thể nói là không có, cả H. Maspero lẫn S.A. Starostin đều đã bỏ qua. H.Maspero đã chỉ trình bày hệ thống ngữ âm tiếng Hán ở hai thời điểm: thời điểm của Thiết vận rồi chuyển luôn sang hệ thống ở vào thời điểm hình thành cách đọc Hán Việt. Một trong những cái khác và hơn của công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt so với công trình của H. Maspero chính là ở đó.
Trước khi chấm hết những câu chuyện nhỏ "chẳng ra đầu ra cuối gì" nhưng khó quên đối với tôi này, tôi lại nhớ đến một việc khác nữa. Năm 2000, GS. Nguyễn Tài Cẩn được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho một cụm công trình khoa học. (Bằng chứng nhận giải thưởng ghi nhầm là giải thưởng cho cụm công trình thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Khi thấy vậy, tôi nói với Thầy là phải yêu cầu viết lại cho đúng, Thầy chỉ cười và bảo: "Cũng chẳng hề gì, người ta vô ý nhầm lẫn..."). Trường Đại Khoa học Xã hội và Nhân văn lúc ấy tặng Thầy một vật kỉ niêm là chiếc đĩa sứ lớn, trên có in câu trong Luận ngữ của Khổng Tử, viết bằng chữ Hán, màu men lam “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (nghĩa là: học không biết chán, dạy không biết mỏi). Hay thì đã hẳn rồi; nhưng quan trọng là tôi thấy nó đắc địa, bởi vì nó rất đúng với người được tặng./.