Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Làm thầy

Chủ nhật - 01/11/2009 01:22

Một thời có những người thầy lạ lắm. Ở họ, sự nghiệp, con người và tâm tính quyện vào nhau không phân biệt nổi. Nghề nghiệp ám vào họ và đời họ như là hiện thân của nghề nghiệp. Hay nói cách khác, cả Phật - Pháp - Tăng đều hoà đồng trong một tượng ảnh: người thầy. Tôi đã được học những người thầy như vậy.

Một thời có những người thầy lạ lắm. Ở họ, sự nghiệp, con người và tâm tính quyện vào nhau không phân biệt nổi. Nghề nghiệp ám vào họ và đời họ như là hiện thân của nghề nghiệp. Hay nói cách khác, cả Phật - Pháp - Tăng đều hoà đồng trong một tượng ảnh: người thầy. Tôi đã được học những người thầy như vậy.

Mỗi khi đọc Lão Tử, Trang Tử, trong đầu tôi không hiện ra những bậc thánh nhân đó qua tranh tượng Tàu mà lại hiện ra hình tượng GS. Trần Đình Hượu, vầng trán cao, mái tóc bạc tung bay, động tác dang tay thoải mái, tiếng cười sảng khoái khi kết thúc một định đề tư tưởng. Và đời thầy như cánh hạc đại ngàn bay vút qua không gian. Chuyên môn và lối sống của thầy, tỉnh lại, không rõ Trang Tử hoá ra thầy hay thầy hoá Trang Tử.

Giờ dạy GS. Võ Quang Nhơn lại khác. Thầy như bước thẳng từ nhà rông xuống, như mới vội thả gùi, vứt rìu rồi bước vào giảng đường. Cả giọng nói của thầy cũng như vừa trên nhà làng mới xuống, ngửi được khói hun và nghe được cỏ mọc sau mưa. Điệu cười thầy thoắt hồn nhiên thoắt ngượng ngập. Thầy dạy chúng tôi những sử thi trác tuyệt của núi rừng Tây Nguyên. Ai cũng nghĩ thầy người Ê đê mà ít người biết, thầy người Kinh chính gốc, sang Cămpuchia nói tiếng Pháp như gió, dịch bàn tròn cho cả đoàn chuyên gia ba bốn tháng trời. Về nước lại im thin thít.

Còn nhiều thầy cô như vậy nữa nhưng khoan nhắc ra đây, vì nói chém mồm, các thầy cô còn khoẻ mạnh. Tôi muốn kể đôi chút về GS. Bùi Duy Tân, một người thầy như thế của rất nhiều chúng tôi. Thầy vừa ra đi.

Chúng tôi vào đại học sau Hiệp định Paris 1973 được kí kết. Trường đã từ nơi sơ tán về Mễ Trì, Hà Nội. Thầy Bùi Duy Tân sống độc thân trên gác xép tầng ba rưỡi. Tài sản của thầy là một chiếc thìa để ăn cơm nhà bếp. Cũng vì ăn cơm tập thể mà thầy đi chéo qua sân với quần nâu ống sớ. Tôi đứng gốc cây lẩm bẩm: "Ông âm lịch!". Tróc. Một đàn anh năm trên gõ bát B52 lên đầu tôi: "Đồ ngu! Cụ Nguyễn Trãi đấy!". Và thế là tôi yêu kính thầy. Cũng từ đó cơ duyên tôi theo thầy học Nguyễn Trãi.

Học được cái gì? Tôi lên gác xép hỏi thầy cái câu Nếu khỏi tiểu nhân quân tử nhọc trong thơ Nôm Nguyễn Trãi mà tôi chả hiểu mô tê gì. Thầy giải thích, tôi nghe lay cay một lúc rồi quy kết cụ Ức Trai lập trường phong kiến. Thầy giương kính lên: "Lí sự nhỉ!". Thầy vớ cái thìa dí vào một câu thơ rồi đọc: "Ngoáy tai mà nghe. Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách. Nguyễn Trãi dạy thế. Nghĩa đây không chỉ là nghĩa của chữ đâu. Còn là cái đạo nghĩa người ta sống trong đời. Thủng chưa! Thông đòi là thông rồi thì theo mà sống cho tử tế. Về đọc sách đi, quân phố phường!". Thế là thầy cho mượn cuốn Khổng học đăng của Phan Bội Châu. Bọn trong phòng thấy tôi mượn được cả sách quý của thầy thì phục lắm, khen tôi khéo nịnh. Thế là tôi đọc Khổng học đăng.

Năm 1976 tôi làm thư mục Nguyễn Trãi cho khoá luận. Có hôm đi bộ từ thư viện Quốc gia về kí túc xá vì không có 5 xu tàu điện, bị chúng nó ăn mất cơm tủi thân ngồi khóc. Thầy biết chuyện gọi lên cho đồng hai để hoàn thành công việc. Lúc này cũng đã thân tình, thầy dạy rằng, sách nhân gian sót lại toàn điều hay, đọc sách trước hết là học lấy điều hay mà sống đã, nghiên cứu cái gì thì nghiên cứu sau.

À ra thế. Văn chương một thời thì trước hết là cái đạo lí của văn chương. Xưa cũ chăng hay vĩnh hằng là như vậy. Nhưng rõ ràng sống bên những người văn chương là đạo lí nhiều khi an tâm hơn sống bên những người văn chương chỉ là nghệ-thuật-ngôn-từ. Các thầy cô tôi thường là vậy.

Sau này có cơ may làm việc cùng thầy, tôi càng học dần từ bài vỡ lòng này đến bài vỡ lòng khác khi thầy già đi và trò cũng già theo.

Năm 2000, in xong cuốn sách về Phùng Khắc Khoan, thầy rủ tôi và mấy sinh viên về Phùng Xá thắp hương cho nhà thờ. Thấy thầy đặt lên đĩa 500.000đ để cúng, tôi thoáng giật mình. Một số tiền như vậy lúc đó nhà tôi tiêu một tháng. Lên xe, tôi hỏi sao thầy cúng nhiều vậy, thầy nói: Tôi lập nghiệp từ Phùng Khắc Khoan, lúc đó là năm 60, tôi đã biết gì đâu, bao nhiêu chữ nôm cụ Đinh Gia Khánh đọc cho cả, cụ đọc tôi chép chả kịp, thế mà gần đây tôi nghe có người phát biểu cụ Khánh không biết Hán Nôm thì tôi cũng lạ, sao lại vậy nhỉ?

Lần khác, tôi theo thầy đi Hiệp Hoà nơi sơ tán thủa xưa của Khoa. Tôi thấy các thầy ngồi bàn nhau góp tiền mua trâu cho cháu một bà nhà chủ đã mất mà tôi nghĩ mình còn phải học các thầy nhiều lắm.

Lại chuyện gần đây, một đoàn cán bộ xã đủ thành phần và quà cáp đánh đường từ Đại Từ, Thái Nguyên xuống Trường tôi xin chứng nhận những gia đình đã từng cho cán bộ ở trong những năm sơ tán để tỉnh tặng giấy khen. Đại diện Ban Giám hiệu không dám kí vì lớp sau như chúng tôi chả ai sơ tán ở đó cả. Họ đề nghị cán bộ xã đi tìm một số người đã về hưu để chứng thực. Cũng gay, trên rừng xuống Hà Nội mà tìm người trước đây dân nuôi thì quá khó. Ai mất ai còn giữa phố phường nhộn nhạo này. Giữa trưa tôi dẫn họ đi sang gặp thầy Nguyễn Kim Đính trước. Thầy kêu lên, trời, tôi kí hết, tôi kí tất, không trả nghĩa được thì thôi lại còn bắt các anh đi cả trưa như thế này. Sang nhà thầy Bùi Duy Tân, thầy đang lên cơn đau họng không trò chuyện được (khi đó thầy chưa biết mình là ung thư) thầy vừa kí vừa khóc. Tôi nói, cẩn thận vẫn hơn thầy ạ. Thầy khoát tay nói khào khào: "Chả nhẽ không ai tin ai nữa à, đến thế chăng!".

Các thầy tôi là như vậy. Văn chương đối với họ trước hết phải là đạo lí làm người, con người con dân của đất nước.

Nghe tin thầy đột ngoạ, tôi và TS. Nguyễn Kim Sơn ra thăm, đó là hôm thầy tỉnh lại và nói được nhiều. Thầy tâm sự: "Đời tôi nhiều dằn vặt lắm, nhất là chuyện trong nhà khi tôi lớn lên... Tôi lại ở trường lâu, chứng kiến nhiều. Gần đây, có người ném tờ rơi vào sân bảo tôi viết điều này điều nọ... nhưng tôi nghĩ đất nước cũng như một con người, có lúc này lúc khác. Nên lấy cái đại cục mà soi xét, đừng vì cái tiểu tiết mà hờn nhau. Các anh còn làm việc, lấy cái sự nghiệp chung làm chính. Tôi lúc đầu không được là con nhà thi thư như người khác. Đời tôi chỉ có một kinh nghiệm lấy cần cù bù khả năng. Các anh nghe thủng thì nghe...".

Không ngờ đó là lời dặn cuối của thầy tôi.

• Nguyễn Hùng Vĩ

PGS – NGND Bùi Duy Tân, sinh năm 1932, tại Trung Hòa - Thụy Lôi - Kim Bảng - Hà Nam; thường trú số 34, ngõ I Phan Đình Giót, Phương Liệt - Thanh Xuân - Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,

  • Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì,
  • Huân chương Lao động hạng Ba,
  • Được phong Phó giáo sư năm 1984,
  • Nhà giáo Nhân dân năm 2008,
  • Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005

Mặc dù đã được các y bác sĩ bệnh viện Hữu Nghị tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 5h15’ ngày 31/10/2009 (tức ngày 14/9 năm Kỉ Sửu) tại bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 78 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 03/11/2009 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội; lễ truy điệu và đưa tang lúc 9 giờ cùng ngày. An táng tại nghĩa trang quê nhà thôn Trung Hòa - xã Thụy Lôi - huyện Kim Bảng - tỉnh Hà Nam.

Tác giả: i333

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây