Ngôn ngữ
Cần thiết phải tạo nguồn học sinh năng khiếu về các ngành KHXH&NV
- Xin PGS cho biết sự cần thiết của việc ra đời Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ vị trí và vai trò của các THPT chuyên là “hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là: Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Trong các giải pháp được đưa ra nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 29-NQ/TW nhấn mạnh: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo” và học sinh “trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng cao”.
Như vậy, sự tham gia của trường đại học vào quá trình ươm mầm và phát triển học sinh có năng khiếu ở bậc trung học phổ thông (THPT) là thực sự cần thiết, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc THPT, vừa phát huy được các ưu thế về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất sẵn có của các trường đại học.
- Thưa PGS, bên cạnh chủ trương của Chính phủ, việc thành lập Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn như vậy chắc hẳn cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn?
Hệ thống trường THPT chuyên ở Việt Nam bao gồm 2 loại hình: các Trường THPT chuyên trực thuộc trường đại học (trước đây là các trường THPT chuyên cấp quốc gia) và các trường THPT chuyên của tỉnh. Trong số 83 trường THPT chuyên trong toàn quốc có 08 trường THPT chuyên trong các trường đại học.
Tuy nhiên, trong số các trường THPT chuyên thuộc các trường đại học chưa có một trường THPT chuyên nào được định hướng riêng cho việc tạo nguồn lực cho lĩnh vực KHXH&NV. Thậm chí, các lớp chuyên định hướng KHXH&NV như: chuyên Văn, chuyên Sử, chuyên Địa ở các trường THPT chuyên cũng thu hẹp quy mô rất nhiều so với khoảng 5 năm trước đây. Bên cạnh đó, những học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia từ lớp chuyên Văn, chuyên Sử, chuyên Địa cũng ít khi tiếp tục lựa chọn các ngành này ở bậc đại học. Vì lẽ đó, việc kết nối giữa đào tạo bậc THPT với bậc đại học nhằm tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cao cho các ngành KHXH&NV, nhất là các ngành khoa học cơ bản đang là một trong những vấn đề được đặt ra đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành KHXH&NV.
Từ thực tế ấy thì cũng phải chia sẻ thêm rằng chúng tôi đã mong muốn xây dựng một mái trường Chuyên KHXH&NV từ khá lâu rồi và đến giờ điều này đã trở thành hiện thực. Đây là niềm vui và niềm mong mỏi của rất nhiều thầy cô của Trường ĐHKHXH&NV khi được đón chào một thành viên mới của Nhà trường.
- PGS có thể đưa ra một vài đánh giá về chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo bậc đại học về KHXH&NV hiện nay?
Nhiều năm qua, số lượng và chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo bậc đại học về KHXH&NV thiếu sự ổn định, nhất là với các ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Do đó, việc đào tạo bậc THPT chuyên KHXH&NV là một giải pháp có ý nghĩa tích cực để góp phần nâng cao chất lượng, tăng cường số lượng nguồn thí sinh đầu vào đại học. Nó đồng thời giúp chúng ta chủ động trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông để nâng cao chất lượng đầu vào các ngành KHXH&NV.
- Vậy mục tiêu mà Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn hướng tới là gì, thưa PGS?
Là một trường công lập, mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học phổ thông vững vàng, đáp ứng mọi yêu cầu, tiêu chí kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó là xây dựng trường thành một trường THPT có chất lượng giáo dục cao, môi trường giáo dục toàn diện, đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn phát hiện và đào tạo những học sinh có năng lực, năng khiếu nổi bật về lĩnh vực KHXH&NV thành những người có nền tảng kiến thức vững vàng; có khả năng tự học, tự nghiên cứu và giàu tính sáng tạo; giàu lòng nhân ái. Các em sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành KHXH&NV trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu
Vun đắp tài năng - Đào tạo toàn diện
- Vốn nằm trong hệ thống ĐHQGHN, cái nôi hàng đầu của cả nước về đào tạo khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn, kinh nghiệm và nguồn lực hiện tại của giáo dục THPT chuyên ở ĐHQGHN sẽ đem đến những lợi thế gì cho việc đào tạo ở Trường Chuyên KHXH&NV ?
- Hiện nay, ĐHQGHN đã có Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Trường ĐHKHTN; Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ; Trường THPT Khoa học Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục. Với bề dày kinh nghiệm và đội ngũ giáo viên chất lượng cao sẵn có, các đơn vị này sẽ là địa chỉ tin cậy để Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn học hỏi kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới hợp tác, trao đổi giáo viên trong quá trình triển khai đào tạo.
Mặt khác, hàng chục năm qua, nhiều giảng viên của Khoa Lịch sử, Khoa Văn học (Trường ĐHKHXH&NV), Khoa Địa lý (Trường ĐHKHTN) đã trực tiếp giảng dạy cũng như tham gia vào việc xây dựng, thẩm định đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đề thi tuyển sinh đại học môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Vì thế, đội ngũ giáo viên của Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn am hiểu về chương trình giáo dục phổ thông cũng như thực trạng việc kiểm tra - đánh giá và chất lượng học tập các môn học này của học sinh. Các thầy cô có thể giúp các em những định hướng phát triển cũng như các phương pháp học tập, giảng dạy hiệu quả nhất.
- Xin PGS cho biết những tiền đề về cơ sở vật chất và các nguồn lực khác cho Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn ?
Để chuẩn bị cho Đề án thành lập Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐHKHXH&NV đã huy động các nguồn lực đầu tư cho các hạng mục như nguồn nhân lực ban đầu, cơ sở vật chất và trang thiết bị phòng học, hoạt động quảng bá và tuyển sinh...
Trong giai đoạn 2020-2025, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn sử dụng cơ sở vật chất trong khuôn viên Trường ĐHKHXH&NV, gồm: phòng Hội đồng, phòng Ban Giám hiệu, giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi, khu sinh hoạt cộng đồng cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng phục vụ đào tạo.
Sau đó, cùng với lộ trình đầu tư xây dựng Trường ĐHKHXH&NV tại Hòa Lạc, ĐHQGHN sẽ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, bố trí địa điểm, diện tích đảm bảo theo đúng quy định hiện hành và huy động nguồn tài chính để xây dựng cơ sở vật chất của Trường nằm trong khuôn viên của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Trường sẽ sử dụng nguồn giảng viên có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm của các đơn vị trong Trường ĐHKHXH&NV như: Khoa Lịch sử, Khoa Văn học, Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Triết học, Khoa Thông tin - Thư viện, Khoa Tâm lý học…
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của Trường đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ. Bên cạnh năng lực nghiên cứu khoa học, luôn được tiếp cận với phương pháp và lý thuyết giảng dạy hiện đại, cập nhật, các thầy cô - những giảng viên tinh hoa ở bậc đại học sẽ trực tiếp dẫn dắt, định hướng việc học tập, nghiên cứu cho học sinh chuyên, giúp các em phát triển được năng lực và kỹ năng của mình một cách tốt nhất.
- Trong thời đại hội nhập ngày nay, việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu là rất quan trọng, để không chỉ phát huy các nguồn lực cho phát triển mà còn giúp nâng tầm vị thế của các trường, tạo thêm nhiều cơ hội cho người học. Điều này có nằm trong kế hoạch và chủ trương phát triển của Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Đối với các trường THPT chuyên trong ĐHQGHN, Trường chắc chắn sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị này, với các hoạt động như: trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong triển khai các phương pháp giảng dạy và đánh giá tiên tiến; phối hợp tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và học sinh giỏi cấp ĐHQGHN; các hoạt động giao lưu, trao đổi chuyên môn cho thầy cô và học sinh; tổ chức giảng dạy các môn học trong chương trình THPT thuộc các Trường THPT chuyên của Trường THPT Chuyên KHTN và Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Trong giai đoạn 2020-2025, các trường bạn đã phân công 16 giáo viên để tham gia giảng dạy một số môn không chuyên trong chương trình.
Đối với các đơn vị khác thuộc ĐHQGHN, căn cứ chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị thuộc ĐHQGHN, phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể, Trường THPT sẽ thực hiện cơ chế liên thông, phối hợp trong quản lý và dạy học.Đối với các đơn vị ngoài ĐHQGHN, tùy từng điều kiện cụ thể, Trường sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các đơn vị đào tạo bậc THPT có uy tín ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm nâng cao chất lượng dạy học và tăng cường thu hút sự tham gia giảng dạy của nhiều giáo viên giỏi.
- PGS có thể chia sẻ một vài điểm đặc biệt về chương trình và nội dung giáo dục của Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Chương trình đào tạo các ngành chuyên sẽ được cập nhật theo hướng hiện đại, vừa phù hợp với chương trình chung của Bộ GD và ĐT, vừa phù hợp với tính đặc thù của chuyên khoa học xã hội và nhân văn.
Trong nội dung giáo dục, Nhà trường đặc biệt chú trọng kết hợp giáo dục kiến thức sâu với tăng cường nâng cao năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đặc biệt, Nhà trường chú trọng việc kết hợp giữa chương trình giáo dục kiến thức chuyên với chương trình ngoại ngữ như Văn - Anh, Sử - Anh, Địa - Anh. Đây là mô hình mới, sẽ tạo ra sự khác biệt và nó sẽ rất phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, Nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh phù hợp với lĩnh vực và trình độ, từng bước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Trường sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh tăng cường trao đổi thực tập, thực tế, giao lưu, học tập với các cơ sở giáo dục uy tín ở trong và ngoài nước.
- Trường có cơ chế gì để thu hút học sinh giỏi vào Trường thưa PGS?
Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra và thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học tại Trường, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ thực hiện đồng bộ các cơ chế và giải pháp như: ưu tiên xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao, nghiệp vụ sư phạm giỏi; cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy hiện đại, đồng bộ, chương trình đào tạo hướng tới phát triển toàn diện học sinh; đảm bảo 100% học sinh có nhu cầu ở nội trú sẽ được ở trong ký túc xá; dành các ưu đãi lớn về học bổng trong và ngoài ngân sách đối với các học sinh giỏi; ưu tiên xét tuyển thẳng vào học đại học tại Trường ĐHKHXH&NV và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đối với các học sinh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của ĐHQGHN.
Chúng tôi tin rằng có rất nhiều học sinh yêu và có năng khiếu về các ngành KHXH&NV sẽ tìm đến với Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn để được đào tạo, bồi dưỡng và thụ hưởng những điều kiện học tập tốt nhất đến từ truyền thống đào tạo và đội ngũ giảng viên chất lượng cao của Trường.
- Nhà trường kỳ vọng gì về lứa học sinh đầu tiên cũng như những giá trị mà Trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đem lại cho cộng đồng và xã hội?
Chúng tôi mong muốn và sẽ làm hết sức để tuyển được nguồn học sinh giỏi thật sự, có năng khiếu và yêu thích các ngành KHXH&NV, có sự sáng tạo và khả năng thích nghi, hội nhập quốc tế cao; từ đó, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Trường cũng sẽ phấn đấu từng bước trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy, học tập tiên tiến, tiến tới xây dựng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành một cơ sở đào tạo phổ thông chất lượng cao của ĐHQGHN và của cả nước. Quá trình bồi dưỡng liên tục các học sinh có năng khiếu từ bậc THPT đến đại học và sau đại học trong lĩnh vực KHXH&NV sẽ tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao cho phát triển các ngành khoa học xã hội cơ bản nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Ngoài ra, nó cũng đáp ứng nhu cầu được học tập ở môi trường giáo dục THPT có chất lượng cao của học sinh trong cả nước.
- Trân trọng cảm ơn PGS!
Tác giả: Đông Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn