Ngôn ngữ
PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội – là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử thương mại và bang giao khu vực Đông Á. Thầy đã đại diện cho Trường tham gia Đoàn công tác số 8 (với sự tham gia của Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ quan, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng) đến quần đảo Trường Sa cuối tháng 4/2013. Chuyến đi đã để lại cho thầy nhiều cảm xúc và suy ngẫm về biển Đông, về Trường Sa qua góc nhìn lịch sử.
game đánh chắn online đổi thưởng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết nhan đề “Biển Đông- Trường Sa trong lịch sử văn hoá Việt Nam” trong loạt bài của thầy về chủ đề này sau chuyến đi.
*
Trong tâm thức của nhiều cộng đồng cư dân cổ Việt Nam, Đông Hải – Biển Đông là Không gian thiêng gắn liền với thời lập quốc. Bao thế hệ người Việt Nam đã hoài niệm về nguồn cội, về các huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Tiên Dung – Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm… Từ huyền thoại của người Việt đến truyền thuyết Hỗn Điền – Liễu Diệp của cư dân Óc Eo – Phù Nam… đều chứa đựng những triết lí nhân sinh, sắc màu huyền nhiệm của một truyền thống văn hoá Việt Nam đa dạng, thống nhất. Các huyền thoại, truyền thuyết đó đã gợi mở biết bao suy nghĩ về sự tiếp giao giữa các vùng và không gian văn hoá, sức mạnh của các trung tâm kinh tế, sự linh ứng giữa con người với thế giới tự nhiên, về sự kết giao giữa các truyền thống văn hoá, những xung lực và cả những động lực tạo nên yếu tố nội sinh, ngoại sinh trong cuộc chuyển mình lớn lao của dân tộc ta thời lập quốc.
Trong không gian biển rộng lớn của người Việt Nam, ngay từ điểm khởi nguyên đã góp phần tạo dựng nên những nền văn hoá và truyền thống văn hoá lớn như Đông Sơn ở phía Bắc, Sa Huỳnh – Champa ở miền Trung và Óc Eo – Phù Nam ở Nam Bộ, Việt Nam. Môi trường văn hoá, kinh tế biển đã tạo nên những động lực mạnh mẽ cho sự hưng khởi của nhiều nền văn hoá và sự hình thành, phát triển của các nhà nước cổ đầu tiên trên Tổ quốc ta. Ví thế, trong nghiên cứu lịch sử – văn hoá Việt Nam hiện nay, cùng với cách Tư duy châu thổ hay Tư duy lục địa, các nhà nghiên cứu đã và đang hướng đến một cách tiếp cận mới, Tư duy từ biển hay Tư duy từ đại dương (View from the Sea). Cách nhìn và tiếp cận đó không chỉ đã làm rõ hơn những đặc tính lịch sử, văn hoá mà còn đem lại những nhận thức mới toàn diện, hệ thống hơn về lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Điều đáng chú ý là, từ chỗ coi đánh bắt hải sản là nguồn sống cơ bản, các lớp cư dân cổ đã sớm vươn ra biển, phát triển kinh tế biển, mở rộng kinh tế đối ngoại và giao thương trên biển… Các hoạt động kinh tế đó đã đem lại nguồn lợi lớn cho các chính thể và nhiều cộng đồng cư dân sống ven biển, trên biển. Sức mạnh kinh tế và tiềm năng to lớn của đại dương đã trở thành động lực cuốn hút nhiều dòng người ra khai phá vùng duyên hải, biển đảo. Và họ đã đem đến các không gian văn hoá ven biển, trên biển những dấu ấn văn hoá đặc trưng của châu thổ thậm chí của cả các vùng trung du, núi cao. Qua các di chỉ khảo cổ học và dấu trưng văn hoá có thể thấy, các thế hệ người Việt Nam đã sớm thể hiện khả năng khai thác biển và chinh phục biển khơi. Bằng những phương tiện đi biển giản đơn, các cộng đồng cư dân cổ, những chủ nhân các nền văn hoá từ Hạ Long đến Đông Sơn, Sa Huỳnh, Champa, Phù Nam… đã vươn ra làm chủ các đảo, quần đảo. Mặt khác, các yếu tố văn hoá biển, đảo cũng thâm nhập, hoà luyện với các truyền thống văn đất liền. Với cư dân biển đảo miền Trung, những mảnh gốm đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh với các mô-típ hoa văn điển hình hình sóng nước đã được phát hiện không chỉ ở các di chỉ khảo cổ học ven biển, trên đất liền mà còn ở các chuỗi đảo xa bờ và cả ở quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Sau khi phục hưng được nền độc lập dân tộc, vào thế kỉ X, trong thế đi lên của một quốc gia tự chủ, các triều đại Lý (1009-1225), Trần (1226-1400) cũng như các triều đại sau đó như: Lê sơ, Mạc hay chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, chính quyền Nguyễn ở Đàng Trong… đã vươn mạnh ra khai phá, làm chủ Biển Đông. Điều cần nhấn mạnh là, trước một đế chế Tống hùng mạnh, vương triều Lý vẫn hướng mạnh ra phía biển, khai thác các tiềm năng của biển, phát triển quan hệ giao thương. Năm 1149, vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã cho khai mở trang Vân Đồn đồng thời phát triển Vân Đồn thành trung tâm kinh tế đối ngoại lớn nhất ở vùng biển đảo Đông Bắc của quốc gia Đại Việt. Với tầm nhìn rộng lớn, đích thân nhà vua đã nhiều lần đi tuần du các đảo, xem hình thế núi sông, thăm hỏi cư dân và sai người vẽ bản đồ biển đảo. Trong lịch sử, trước sự xâm nhập của các đế chế khu vực, dân tộc ta đã tổ chức nhiều trận thuỷ chiến, quyết chiến trên biển và đã bảo vệ trọn vẹn chủ quyền dân tộc, các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng về nghề đi biển, giàu truyền thống về thuỷ quân, các thế hệ người Việt Nam còn nổỉ tiếng về khả năng buôn bán, bang giao trên biển. Nằm trên một trong những tuyến chính của hệ thống hải thương châu Á, trong lịch sử nhiều thương cảng, trung tâm kinh tế đối ngoại đã được thiết lập. Các thương cảng này từng giữ vai trò là các Trung tâm kinh tế vùng, Liên vùng, Trung tâm kinh tế liên thế giới như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội Thống (Hà Tĩnh), Thanh Hà (Thừa Thiên – Huế), Hội An (Quảng Nam), Thị Nại – Nước Mặn (Bình Định), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Hà Tiên… Đến thời cận hiện đại, truyền thống đó vẫn được tiếp nối với các thương cảng như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn v.v… Đó đều là những thương cảng lớn, là điểm đi về của nhiều thương nhân trong nước, khu vực và quốc tế trong nhiều thế kỉ.
Với quần đảo Trường Sa, trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, An Bang… trong những năm 1993-1999, một số cuộc thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ học đã được thực hiện. Các nhà khảo cổ học, sử học đã tìm thấy nhiều hiện vật, gốm sứ từ thời đại Sa Huỳnh, Champa đến các hiện vật điển hình của các triều đại Trần, Lê sơ cho đến thời Nguyễn. Các bằng chứng khảo cổ học đó không chỉ cho thấy sự xuất hiện sớm mà còn là những minh chứng khoa học giàu sức thuyết phục về sự hiện diện liên tục của người Việt trên các vùng biển đảo của đất nước. Các hiện vật đó, cùng với những tư liệu lịch sử được ghi lại trong các bộ sử như: Đại Nam thực lục tiền biên, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí… là những bằng chứng lịch sử, góp phần quan trọng khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước ta.
Vào thế kỉ XVI-XVIII, trong thời đại hoàng kim của Hệ thống hải thương châu Á, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng và tiềm năng to lớn của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đã cho lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải phái cử đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Hà Tiên nhằm thu hải vật và khẳng định chủ quyền. Các chúa Nguyễn như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Chu… hay các vua nhà Nguyễn mà điển hình là Gia Long, Minh Mạng…, đã liên tục phái cử các lực lượng dân binh, thuỷ binh đến xây dựng đền miếu, vẽ hải đồ, đo đạc hải trình, lập bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng đảo khác ở Biển Đông.
Cũng trong khoảng thời gian đó, trong quá trình thăm dò, tìm kiếm, phát triển quan hệ giao thương với phương Đông, nhiều nhà hàng hải, thám hiểm phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… khi đi qua hay ghé vào vùng biển Việt Nam đã có những ghi chép, mô tả, vẽ bản đồ khá chi tiết về vị trí của các quần đảo Paracels và Spratly (tức Hoàng Sa – Bãi Cát Vàng, Trường Sa) cũng như các vùng biển đảo khác của Việt Nam. Cùng với các nguồn tư liệu trong nước, các nguồn tư liệu, thông tin quốc tế đó đã và đang được khai thác triệt để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế; nghiên cứu, quy hoạch các không gian văn hoá – xã hội đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi kinh tế của dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, nhận thức rõ những đặc tính và xu thế phát triển mới của Thế kỉ đại dương, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và an ninh biển. Trong những thập kỉ qua, vị thế biển Việt Nam và các hoạt động kinh tế biển đã và đang trở thành những lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nguồn thu từ dầu khí, từ các hoạt động hàng hải, vận tải, dịch vụ biển; khai thác, đánh bắt hải sản… đang chiếm tỉ trọng đáng kẻ trong tổng thu nhập quốc dân. Mặt khác, trong khi mở rộng tầm tư duy dân tộc ra phía biển, chúng ta cũng nhận thấy Biển Đông trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa đang là nơi tồn tại nhiều mâu thuẫn kinh tế, chính trị khu vực, thế giới; là một trong những “điểm nóng” trong quan hệ quốc tế. Biển Đông là nơi tập trung những mặt đối lập, thuận lợi và khó khăn, hợp tác và đấu tranh, hoà bình và nguy cơ mất ổn định, những tranh chấp đa phương, song phương; chứa đựng những mâu thuẫn cả về quốc phòng và an ninh kinh tế đối ngoại. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các quốc gia khu vực để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về các ứng xử ở Biển Đông năm 2002. Việt Nam chủ trương giải quyết những vấn đề tranh chấp, tồn tại ở Biển Đông một cách hoà bình nhưng cũng sẵn sàng thực thi những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế.
Là một quốc gia đang phát triển, giàu tiềm năng về biển, kinh tế biển trở thành một ngành kinh tế chủ đạo. Việt Nam đang phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với việc bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước; phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp, một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam mà Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã đề ra. Chiến lược biển là một chủ trương, quyết sách lớn, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Việt Nam là một quốc gia có Truyền thống biển và có Văn hoá biển. Biển là một thế giới rộng lớn, giàu tiềm năng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương do những tham vọng kinh tế, chính trị của các thế lực khu vực. Từ xa xưa, biển từng là môi trường sống, môi trường phát triển kinh tế, tiếp giao văn hoá của Việt Nam đồng thời là viễn cảnh của tương lai khu vực.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn