Là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách chỉ đạo công tác báo chí, TS Nguyễn Thế Kỷ có lẽ là người phải nắm và đọc số lượng đầu báo… nhiều nhất Việt Nam. Mà không chỉ báo chí, ông còn đảm trách bao công việc quan trọng trong định hướng tư tưởng – văn hoá theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Vậy mà thật bất ngờ, TS Nguyễn Thế Kỷ đã dành cho các phóng viên lĩnh vực tài chính cuộc trao đổi thân tình, bổ ích với những am hiểu sâu sắc về đời sống kinh tế – tài chính cũng như giá trị của những thông tin kinh tế – tài chính đối với sự phát triển của đất nước… Xét thấy đây là những ý kiến hết sức hữu ích cho công tác đào tạo báo chí, game đánh chắn online đổi thưởng xin lược trích bài phỏng vấn này.
Báo chí kinh tế-tài chính – Mũi nhọn của mũi nhọn
PV: Thưa ông, với tư cách là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, giữ vai trò quan trọng trong chỉ đạo công tác báo chí, xin ông cho biết một vài đánh giá, nhận xét về vị trí và vai trò báo chí kinh tế nói chung , báo chí Tài chính nói riêng hiện nay?
TS Nguyễn Thế Kỷ: Báo chí, người làm báo , không chỉ là người thư kí trung thành của thời đại như ai đó nói mà hơn thế, họ luôn là những người đứng ở vị trí mũi nhọn của cuộc sống. Vai trò của báo chí, nhà báo đã như thế thì với báo chí kinh tế, báo chí tài chính, theo tôi lại luôn ở những vị trí quan trọng nhất, “mũi nhọn” nhất của đời sống báo chí. Điều này là tất yếu bởi xét cho cùng, chính trị chẳng qua cũng là biểu hiện tập trung của kinh tế mà thôi. Và về mặt quan điểm mà nói thì nhiều năm nay, Đảng ta đều xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, càng thấy vai trò của báo chí nói chung, báo chí kinh tế nói riêng , tạo ra những kênh thông tin, những đề xuất, hiến kế để tháo gỡ khó khăn cần thiết như thế nào.
Cùng với quá trình đổi mới, báo chí ở nước ta được quan tâm phát triển toàn diện, trên mọi lĩnh vực, thực sự là tiếng nói, là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân. Và dĩ nhiên, ở đâu đời sống sôi động nhất thì ở đó báo chí cũng sôi động nhất. Báo chí Kinh tế, Tài chính theo tôi cũng là khu vực phát triển mạnh nhất, năng động nhất thời gian qua. Nếu như những năm đầu đổi mới, chỉ có lẻ tẻ vài tờ báo, trang thông tin thuộc lĩnh vực kinh tế. Đến nay, số lượng về các cơ quan báo chí kinh tế chuyên ngành cũng như các trang thông tin kinh tế của các báo không chuyên ngành đã ào ạt xuất hiện. Ví dụ: Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Tài chính Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, báo Đầu tư, báo Diễn đàn Doanh nghiệp, báo Công thương, Thời báo kinh tế Sài gòn, báo Kinh tế Nông thôn, Tài chính-Đầu tư … cùng với các chương trình phát thanh, truyền hình chuyên biệt về kinh tế, tài chính như: VITV, Infortivi, Bản tin Tài chính kinh doanh, Kinh tế tài chính, Chứng khoán 24 giờ… Nếu theo dõi nghị trường, các kì họp Quốc hội, các phiên họp của Chính phủ, các cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương, sẽ thấy ngay vai trò của báo chí kinh tế khi mà rất nhiều thông tin, chủ trương, chính sách đã được các nhà lãnh đạo quản lí tiếp thu, xử lí từ báo chí .
Cựu bí thư huyện uỷ và những lời khuyên
PV: Ông có nhận xét và đánh giá gì về thông tin trong lĩnh vực kinh tế nói chung và tài chính nói riêng hiện nay?
TS Nguyễn Thế Kỷ: Thông tin tài chính là cốt lõi, huyết mạch của thông tin kinh tế. Từ những thông tin về “ đồng tiền bát gạo”, về lãi suất , chứng khoán , giá cả, bất động sản …liên quan đến đời sống của người dân, thông tin về vốn liếng, thuế má, cho doanh nghiệp… cho đến những thông tin về nguồn lực của quốc gia, về ngân sách, về dự án , về nợ công… đến nay đã phát triển khá phong phú, luôn được cập nhật từng ngày, từng giờ.
Tuy nhiên, cũng do nhiều nguyên nhân nên có thể nói thông tin về lĩnh vực tài chính so với đời sống thực của nó vẫn còn nhiều khoảng cách, về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Báo chí kinh tế nói chung , tài chính nói riêng, mặc dù số lượng ấn phẩm khá nhiều, số lượng phóng viên cũng không phải là ít, tuy nhiên phải nói thẳng rằng chúng ta vẫn còn quá ít những ấn phẩm kinh tế uy tín, vẫn còn thiếu những cây viết có uy lực, vẫn còn chưa có nhiều những bài viết phân tích đánh giá, dự báo… gây “sốc” trong giới đầu tư…Vẫn còn phổ biến các loại tin bài kiểu “modifier” báo cáo, “minh hoạ” chính sách, copy thông cáo báo chí…
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng cơ bản có thể nói trước hết là do hệ thống đào tạo của chúng ta còn nhiều khuyết thiếu, chưa có bộ môn đào tạo chuyên ngành cho phóng viên về mảng kinh tế, tài chính. Hiện trạng những phóng viên viết về kinh tế nói chung, tài chính nói riêng còn mang tính “chắp vá”. Hầu hết những phóng viên tài chính hiện nay là được đào tạo chuyên ngành báo chí, nền kiến thức tài chính chuyên sâu còn yếu, hoặc là được đào tạo sâu về tài chính sang làm báo thì lại yếu về nghiệp vụ báo chí. Cả hai khuyết thiếu đó khiến thông tin tài chính mới mang tính chất bề nổi, chưa có độ sâu cần thiết như đã nói ở trên…
PV: Được biết, ông đã từng kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, làm bí thư huyện uỷ, sau đó làm tổng biên tập một cơ quan báo chí, đến nay lại làm lãnh đạo cơ quan chỉ đạo hệ thống báo chí… Ông có lời khuyên gì để thông tin trong lĩnh vực kinh tế nói chung, báo chí tài chính nói riêng, luôn đáp ứng được yêu cầu của công chúng?
TS Nguyễn Thế Kỷ: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, trước hết đích của thông tin kinh tế, tài chính cần mang được hơi thở đời sống, nói tiếng nói của người dân (bao gồm cả doanh nghiệp). Cá nhân tôi cho rằng có một thực trạng không vui là hiện nay hệ thống báo chí kinh tế, tài chính mới phổ biến mang tính chất đơn thuần phản ánh chính sách. Hay nói cách khác là còn vĩ mô, xa rời đời sống của người dân…
Báo chí lĩnh vực tài chính theo tôi cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn cũng như khởi xướng các chương trình để góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia lành mạnh, cũng như phổ cập kiến thức tài chính đến với từng người dân, với mọi tầng lớp xã hội. Hồi tôi còn làm Bí thư huyện uỷ huyện Nam Đàn, bản thân tôi cũng nhận được sự tư vấn của một số chuyên gia. Chúng tôi đã ấp ủ triển khai một chương trình để trang bị cho người nông dân những kiến thức tài chính. Làm thế nào để thí điểm thiết lập mỗi một hộ nông dân có 1 cuốn sổ “Cẩm nang chi tiêu gia đình”, trong đó, ngoài những nội dung như phổ biến cách thức vay vốn xoá đói giảm nghèo, vay vốn cho con em đi học, đi lao động nước ngoài, vay vốn ưu đãi từ những chương trình dự án dành cho nông dân…, Cuốn cẩm nang này còn làm 2 việc đơn giản là thống kê xem gia đình của họ đã chi và tiêu như thế nào trong một khoảng thời gian nhất định (thường 1 tháng). Thông qua việc thống kê đó giúp họ ý thức, tính toán được việc sử dụng tài chính của mình. Và tự biết cách điều chỉnh sao cho hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả nhất… Tạp chí cũng có thể mở các diễn đàn dành cho “ Các nhà Tài chính trẻ” là các sinh viên, học sinh trong khối các trường đại học về kinh tế . Hay diễn đàn có thể đề cập đến những bài học để xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, chúng ta đã có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng xét về mặt tổng thể, xã hội chúng ta còn vô cùng lãng phí. Từ câu chuyện trái phiếu chính phủ đầu tư dàn trải như ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, cho đến những câu chuyện chi tiêu tràn lan của cưới hỏi, đình đám, hội hè , tiệc tùng… mà đâu đâu chúng ta cũng thấy. Báo chí lĩnh vực Tài chính hoàn toàn có thể mở các diễn đàn để giáo dục cho người dân, cho xã hội cảnh báo họ về văn hoá chi tiêu …. đó chính là sứ mệnh của báo chí Tài chính . Hơn nữa, báo chí Tài chính cũng có thể mở thêm các chuyên mục mang tính thời sự- chính trị . Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng ta có thể nói những câu chuyện về Bác Hồ đã “làm tài chính” như thế nào. Năm 1946, đất nước đang rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; phải trực tiếp đối mặt với muôn vàn khó khăn (giặc dốt, giặc đói hoành hành…) trong khi ngân khố chỉ còn vài đồng vẻn vẹn. Lúc đó, Bác đã phát động phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, ”Aó ấm mùa Đông chiến sĩ”, “Tuần Lễ Vàng”…huy động mọi nguồn lực để làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử. Rồi câu chuyện chúng ta đã vận chuyển vàng trên đường Hồ Chí Minh như thế nào? Hay gặp lại những nhân vật như giáo sư Cao Cự Bội, một trong những người đã tham gia vào Chiến dịch chống siêu lạm phát của chúng ta hồi những năm đầu thời kì đổi mới …
Đến nay, đời sống xã hội đang dần thay đổi. Tuy nhiên, nguồn lực phát triển vẫn luôn là một vấn đề căng thẳng. Do đó, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho người dân, xây dựng một nền văn hoá tài chính cho xã hội, là rất quan trọng. Tránh lãng phí ngay từ những việc nhỏ (bữa cơm, manh áo hằng ngày…) cho đến chuyện đầu tư lớn. Những quốc gia rất giàu có như nước Đức , người ta rất tiết kiệm , từ mẩu thức ăn trở đi, hay không đâu xa, Nhật Bản – một đất nước giàu có, hùng mạnh nhưng người ta vẫn hết sức tiết kiệm, nói vui là tiết kiệm từ… cái rác thải. Có thể nói các quốc gia phát triển được là nhờ đã xây dựng được một nền văn hoá tài chính.
Tôi nghĩ, chỉ có báo chí tài chính mới định hướng sâu, cụ thể được những điều trên cho người dân. Ngoài ra, báo chí Tài chính cũng hoàn toàn có thể mở thêm chuyên mục “Hồ sơ – sự kiện” để lật lại những bài học tài chính cho doanh nghiệp, cho người dân từ chuyện nhìn lại những vụ vỡ nợ thế kỉ trên thế giới đến chuyện người giàu tiêu dùng ra sao, tỉ phú Bin Ghết tiêu tiền, dạy con thế nào, nhân vật Nick Vujicic kiếm tiền và quan niệm về tiền bạc như thế nào… để giới doanh nhân đọc, xã hội đọc. Từ đó, người ta rút ra được những bài học và có cách chi tiêu hợp lí , góp phần xây dựng một xã hội tiêu dùng thông minh, một nền tài chính quốc gia lành mạnh… như vậy, báo chí tài chính mới có thể đi vào ngõ ngách của đời sống; thu hút và hấp dẫn được người đọc…
Câu lạc bộ nhà báo tài chính – tại sao không?
PV: Vậy theo ông để xây dựng được một hệ thống thông tin báo chí kinh tế cùng với đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính thì chúng ta cần phải làm gì?
TS Nguyễn Thế Kỷ: Theo tôi, việc đầu tiên là nên thiết lập tổ chức nghề nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực tài chính. Chẳng hạn, thành lập “Câu lạc bộ các nhà báo Tài chính”. Đó là diễn đàn nơi trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, cũng như là tập hợp đội ngũ.
Thứ hai, cần phải hình thành được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp về mảng kinh tế, tài chính, cả về kiến thức, cũng như những kĩ năng cần thiết trong quá trình tác nghiệp.
Thứ ba, xây dựng được đội ngũ nhà giáo và một hệ thống giáo trình đào tạo chuyên sâu cho phóng viên kinh tế , tài chính trong các trung tâm, nhà trường đào tạo báo chí. Cụ thể: Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn); Khoa Báo chí ( Học viện Báo chí tuyên truyền)… cũng như Trung tâm Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời, ở từng địa phương chúng ta cũng cần trang bị cho từng nông dân đến các em nhỏ… những kiến thức tiêu dùng cần thiết. Hiện nay, như ở Yên Bái, nhờ việc đưa Chương trình về Thuế vào dậy trong các trường phổ thông, các em học sinh ở đây đã hiểu thế nào là Thuế, giá trị của Thuế… Và biết được các công trình công cộng được làm nên từ đồng tiền Thuế. Từ đó, mọi người đã có ý thức giữ gìn, bảo vệ công trình công cộng hơn.
Xin cảm ơn ông!