Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Nhìn lại quy trình, tiêu chuẩn xét giáo sư - Kỳ 1: Hội đồng giáo sư cơ sở: nơi khó, nơi dễ?

Thứ sáu - 30/10/2020 03:36
TTO - Theo quy định hiện nay, ứng viên giáo sư, phó giáo sư sẽ nộp hồ sơ lên hội đồng giáo sư cơ sở (trường). Các chuyên gia đánh giá hội đồng cơ sở có vai trò quan trọng khi là khâu đầu tiên sàng lọc hồ sơ của ứng viên.
Nhìn lại quy trình, tiêu chuẩn xét giáo sư - Kỳ 1: Hội đồng giáo sư cơ sở: nơi khó, nơi dễ?
Nhìn lại quy trình, tiêu chuẩn xét giáo sư - Kỳ 1: Hội đồng giáo sư cơ sở: nơi khó, nơi dễ?

Sau những lùm xùm về ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay bị tố không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được hội đồng ngành thông qua (Tuổi Trẻ 25-10), các chuyên gia giáo dục đã nhìn lại quy trình, tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư ở nước ta hiện nay.

GS.TS Phạm Quang Minh - tổng biên tập Tạp chí KHXH&NV, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - cho biết hội đồng chức danh giáo sư (GS) cơ sở (trường) được Hội đồng GS nhà nước cho phép thành lập, căn cứ trên uy tín học thuật của cơ sở đó cũng như số lượng các nhà khoa học tại đây.

Rà soát tính xác thực

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội đồng chức danh GS cơ sở là rà soát tính xác thực của các thông tin từ văn bằng, chứng chỉ đến danh mục các tạp chí, các nhà xuất bản mà hồ sơ ứng viên cung cấp. 

Ví dụ, hội đồng có thể rà soát đối chiếu xem ứng viên có dạy đủ số giờ đã kê khai không, dạy học phần nào, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu có đúng thủ tục quy trình không, đề tài các luận văn, luận án mà ứng viên hướng dẫn có phù hợp với chuyên ngành của ứng viên không... 

Chẳng hạn một ứng viên PGS có chuyên ngành đào tạo là nhân học văn hóa có thể hướng dẫn luận văn cao học về đề tài văn hóa doanh nhân hoặc quản lý văn hóa. "Tóm lại, hội đồng chức danh GS cơ sở phải làm việc rất khách quan, khoa học, công tâm và cụ thể" - ông Minh nói.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng, phó chủ tịch hội đồng GS cơ sở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - giải thích hằng năm khi có thông báo của Hội đồng chức danh GS nhà nước, một số trường ĐH bắt đầu cho ứng viên trong và ngoài trường đăng ký. 

Tùy vào số ứng viên, hội đồng GS cơ sở sẽ được thành lập từ 9-15 thành viên để đủ người thẩm định, phản biện. Trường có thể mời GS, PGS trong và ngoài nước, hoặc liên kết với các trường khác để lập hội đồng này. 

Trong cuộc họp đầu tiên, hội đồng bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký. Trong năm có ứng viên xét chức danh GS, chủ tịch thường là GS.

Ở cuộc họp tiếp theo, hội đồng GS cơ sở tiến hành đọc và chấm điểm hồ sơ ứng viên. Việc này có thể tốn nhiều thời gian. Đồng thời, danh sách ứng viên được công khai trên trang thông tin của trường để nhận góp ý, phản biện từ cộng đồng, đặc biệt về phẩm chất đạo đức của ứng viên.

 Hội đồng GS cơ sở có phiên rà soát điểm được từng thành viên chấm, xem có chênh lệch không rồi tổng hợp lại. Ứng viên có điểm đạt ngưỡng cho trước sẽ vào vòng báo cáo.

Bên cạnh đó, để đánh giá trình độ thành thạo ngoại ngữ, trường cho lập thêm một hội đồng, thường do trưởng khoa ngoại ngữ làm chủ tịch. Các ứng viên lần lượt trình bày và hỏi đáp bằng ngoại ngữ để hội đồng này đánh giá đạt hay không. 

Cuối cùng, sau khi nghe báo cáo và phản biện, các thành viên hội đồng GS cơ sở bỏ phiếu kín cho mỗi ứng viên xét GS, PGS. Nếu đạt, ứng viên sẽ chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng, tiếp tục gửi đến Hội đồng chức danh GS nhà nước.

"Có hội đồng khó, có hội đồng dễ"

Theo ông Dũng, việc đánh rớt tại vòng cơ sở chủ yếu do ứng viên có năng lực ngoại ngữ hạn chế và không đủ điểm công trình khoa học quy đổi. Công trình ở đây gồm các bài báo, sách, đề tài nghiên cứu khoa học... 

Đáng lưu ý, mỗi công trình không có điểm cố định mà được chấm theo thang điểm của Hội đồng chức danh GS nhà nước. Nghĩa là những thành viên trong hội đồng có thể cho những điểm khác nhau trong khung. Hội đồng GS cơ sở sẽ phải gút lại các điểm số này, đặc biệt với những hồ sơ có độ chênh lớn.

Ông Dũng nhận xét quy trình xét GS, PGS ở Việt Nam hiện khá chặt chẽ, trong đó vai trò của cấp cơ sở rất lớn do là bên đánh giá kỹ lưỡng đầu tiên. Ông Dũng nói thêm, thông thường "độ chênh" giữa hội đồng GS cơ sở và Hội đồng GS nhà nước là do có hội đồng dễ, có hội đồng khó. 

"Ngoài ra, Hội đồng chức danh GS nhà nước dường như có tâm lý sợ kiện cáo, khi có thư kiện cáo thường chấm gắt. Việc kiện cáo vốn dĩ không hiếm ở các trường. Năm nay ngay cả một hiệu trưởng trường y khoa nổi tiếng xét GS cũng gặp vấn đề này" - ông Dũng nói.

Nhiều GS tại các trường đại học lớn chịu áp lực về nghiên cứu rất lớn - Ảnh: Getty Images

GS.TS Lê Tiến Thường - chủ tịch hội đồng GS cơ sở Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết năm nay hội đồng nhận hồ sơ từ 4 ứng viên xét GS, 9 ứng viên PGS. Sau thẩm định, hội đồng chỉ thông qua 8 hồ sơ PGS. Hầu hết ứng viên không đạt do chưa đủ các tiêu chuẩn về các công trình khoa học như sách, tài liệu, bài báo quốc tế... 

Ông Thường cho rằng ngoài những trường hợp một số hội đồng GS cơ sở làm việc "không đàng hoàng", các hội đồng còn lại ít có trường hợp đậu ở vòng cơ sở nhưng rớt vòng nhà nước. Một số ít trường hợp xảy ra do các thành viên ở hội đồng vòng sau chấm gắt hơn vòng trước, tuy nhiên chênh lệch thường không quá lớn. Đặc biệt, hội đồng GS ngành, liên ngành sẽ thẩm định chi tiết hóa thêm nhiều yếu tố khác.

Theo ông Thường, quá trình xét GS, PGS chặt chẽ hay không phần nhiều do yếu con người, cụ thể ở những thành viên trong hội đồng phải nghiêm túc. "Riêng với Trường ĐH Bách khoa, các khâu thẩm định rất chi tiết, được làm kỹ lưỡng. 

Việc xét duyệt của hội đồng cơ sở được thực hiện độc lập, căn cứ trên những quy định của Hội đồng chức danh GS nhà nước và thường không bị ảnh hưởng bởi ĐH Quốc gia TP.HCM. Thậm chí với các ứng viên không thuộc Trường ĐH Bách khoa nhưng đăng ký hội đồng này, chúng tôi cũng xem xét bình thường, không thiên vị hay làm khó" - ông Thường nói.

Quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS

Ứng viên làm hồ sơ gửi hội đồng GS cơ sở.

Hội đồng GS cơ sở thẩm định hồ sơ, nghe ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan, kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, hội đồng công khai trên website của cơ sở giáo dục ĐH rồi báo cáo kết quả lên Hội đồng GS nhà nước.

Hội đồng GS nhà nước nhận kết quả do hội đồng GS cơ sở đề xuất rồi giao cho hội đồng GS ngành, liên ngành thẩm định. Trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của hội đồng GS ngành, liên ngành, Hội đồng GS nhà nước xem xét và thông qua danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn.

 

Không còn nghiên cứu, hết là giáo sư

Theo trang The Guardian, hiện có ba cấp học hàm phổ biến, gồm GS trợ tá (Assistant Professor), PGS (Associate Professor), GS chính thức (Full Professor). Ngoài Việt Nam thì Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Á đang xem GS là chức danh suốt đời, được hội đồng quốc gia xét duyệt. Cơ chế này có hạn chế là "tôn vinh" cả những người chưa từng hoặc không còn làm trong các đại học, viện nghiên cứu.

Trái lại, ở Mỹ, Nhật, Hàn và nhiều nước châu Âu, học hàm GS do ĐH bổ nhiệm, kèm theo nhiều tiêu chí về giảng dạy và nghiên cứu. Quy định này nhằm trao quyền tự chủ cho trường và ràng buộc họ vẫn tiếp tục đóng góp cho nơi công tác và nền học thuật nói chung. Việc xưng danh GS luôn đi kèm với nơi công tác, chẳng hạn "GS Alexa B. Kimball ở ĐH Harvard". Nếu không còn ở trường hoặc bị tước học hàm, họ không được mang danh GS nữa.

Trở thành một GS khá khó. Trang Smart Science Career nêu ra các tiêu chí mà hội đồng tuyển chọn GS của ĐH Mỹ thường dùng đánh giá ứng viên như có chuyên môn thích hợp, kinh nghiệm làm việc và giảng dạy từ 5-10 năm, có các bài báo khoa học uy tín, trải nghiệm nhiều hội thảo, dự án nghiên cứu quốc tế, có quan hệ tốt với cộng đồng học thuật, khả năng tự gây quỹ nghiên cứu…

Tại Nhật, Hàn, các trường rất cân nhắc khi phong GS để phù hợp với quỹ lương. Thông thường, khoảng 5-10% tiến sĩ trở thành GS ở một trường. Theo cơ chế đào thải, nếu GS không đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy có thể bị thay đổi bằng một ứng viên khác. Điều này tạo áp lực cho GS luôn tiếp tục nghiên cứu.

Tại Úc, các trường thường được áp số lượng GS khác nhau để tránh phong hàm tràn lan, đồng thời tạo danh tiếng cho từng trường thông qua số GS họ đang có. Ở châu Âu, trước đây một số nước có phong "GS suốt đời", nhưng giờ đã bỏ. Nguyên do vì sau khi phấn đấu đạt được học hàm suốt đời này, nhiều người thỏa mãn và không nghiên cứu nữa.

GS.TS Phạm Quang Minh (Tổng biên tập Tạp chí KHXH&NV, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN):

Chức danh khoa học, không phải chức vụ

GS, PGS là chức danh khoa học, không phải là chức vụ. Đặc biệt, chức danh GS phải được trao cho những nhà khoa học chân chính có khả năng đề xuất, tổ chức và thực hiện những nghiên cứu có chất lượng cao, mở ra những hướng nghiên cứu mới, tổ chức hoạt động hiệu quả các nhóm nghiên cứu/phòng thí nghiệm, có khả năng đào tạo và truyền cảm hứng cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ, thu hút được nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên theo học.

Ở nước ngoài, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, tùy theo từng nước, thường đưa ra những chuẩn mực để đánh giá uy tín, năng lực của các GS, PGS. Ví dụ uy tín và năng lực của họ được đo bằng số lượng sách, bài viết công bố, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đấu thầu được, số kinh phí tương ứng, số lượng nghiên cứu sinh hướng dẫn, số lần được mời thuyết trình với tư cách là người báo cáo đề dẫn hoặc được chủ trì các hội thảo khoa học quốc tế uy tín...

GS còn là người mà tiếng nói và ý kiến của họ không chỉ có ảnh hưởng trong cộng đồng học thuật, mà còn có tác động đến quá trình hoạch định chính sách và chính trị nói chung. Ví dụ, nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới đi đâu cũng có các chuyên gia đi cùng, mà phần lớn là các GS ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

TS Lê Viết Khuyến (trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam):

Đóng góp cho nghiên cứu khoa học

Việc Nhà nước làm nhiệm vụ xét công nhận chức danh GS, PGS hiện nay vẫn là cơ chế bao cấp. GS, PGS là những người giảng dạy, có đóng góp về nghiên cứu tại các trường ĐH. Do đó cần để các trường làm nhiệm vụ xét tuyển và công nhận danh hiệu này.

Với xu hướng tự chủ ĐH, nên để các trường làm nhiệm vụ xét công nhận chức danh GS, PGS vì họ là người nắm rõ nhất năng lực nhân sự của họ. Với quỹ lương của mình, trường sẽ có chế độ đãi ngộ chính xác nhất với những GS, PGS có năng lực cống hiến.

Sẽ có ý kiến cho rằng việc đưa vấn đề xét GS, PGS về trường làm nở rộ GS, PGS nhưng xã hội sẽ điều tiết việc này. Vì những trường nào mà tự phong quá nhiều GS, PGS, phong người không đủ trình độ thì họ sẽ tự làm giảm uy tín của họ.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh GS, PGS chỉ là chức danh có thời hạn, không phải chức danh suốt đời. Và những chức danh này dành cho người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu trong khu vực trường ĐH.

Những người nào chuyển sang làm quản lý, không còn giảng dạy, nghiên cứu thì không nên giữ chức danh GS, PGS. Họ chỉ nên được giới thiệu nguyên là GS, PGS của trường ĐH nào đó thôi.

Theo Tuổi trẻ online

Tác giả: Ngọc Diệp - Trọng Nhân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây