Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Những miền ký ức

Thứ ba - 19/05/2015 00:37
Mới hơn 5h sáng, đoàn Cựu chiến binh trường Nhân văn chúng tôi đã lên đường vô Nam. Hằng năm, Hội cựu chiến binh chúng tôi đều được Nhà trường và các chi Hội cơ sở tạo điều kiện cho một chuyến hành hương tập thể, tìm về những miền đất quê hương của cách mạng, của những cuộc kháng chiến. Năm nay chúng tôi lại hành hương, nhưng là một cuộc hành hương trong không khí chiêm nghiệm lịch sử 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đất nước đã liền một giải nhưng chúng tôi không đủ sức xuyên Việt, mà chỉ xuyên một dải miền Trung. Dù sẽ chỉ dừng lại ở Quảng Trị, nhưng con đường phía trước vẫn khơi dậy những cảm xúc trai trẻ một thời đánh giặc. Chúng tôi đi trong âm vang câu ca Mãi mãi tuổi hai mươi – một bài hát về những chàng trai tạm biệt mái trường ra trận ngày nào: Chúng tôi lên đường, tuổi hai mươi, để lại trang thơ viết dở, và một tình yêu chớm nở, xếp bút nghiên chúng tôi lên đường…
Những miền ký ức
Những miền ký ức

Chúng tôi đi trong âm vang bài ca ra trận. Nhưng trong chuyến đi này, chúng tôi không phải gác lại điều gì nặng nề, cũng chẳng phải gác lại bút nghiên, chỉ để lại sau lưng khuôn viên thanh vắng của ngôi trường Nhân văn đang uể oải thức dậy trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi đi bằng một cỗ xe khách đỏ chót, bề thế, dài như một toa tàu hỏa. Chúng tôi gọi cỗ xe đó là “toa tàu say”, vì phát hiện ra rằng, trong ba lô hành lý mỗi người đều có một chai rượu nặng. Đã bước vào tuổi năm mươi, sáu mươi cả rồi, chả biết uống được mấy giọt rượu, nhưng giữa những ngày lễ vui, “Ai cấm ta say, say thần thánh”. Dù chỉ là “hò voi bắn súng sậy”, nhưng cứ có rượu nâng lên đặt xuống,nhìnnhau là đủ vui rồi. Chiến tranh đã lùi xa, đã thành câu chuyện của nửa thế kỷ trước.

Đoàn cựu chiến binh Trường ra đi lần này có đầy đủ các quân binh chủng: bộ binh, hải quân, thông tin, cao xạ,  có đại diện của đủ các chiến trường: B, C, Biên giới Bắc – Nam. Đoàn trưởng Nguyễn Chí Hòa đã phát hiện ra trong đoàn có hai cựu chiến binh: Nguyễn Long và Trần Xuân Hồng là những chiến binh vẫn còn “thanh tân”, chưa “cựu”. Hai anh đã từng cầm súng trên chiến trường biên giới Tây Nam rồi lên chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc năm 1979. Đoàn còn có hai nữ cựu binh: Tăng Kim Oanh đến từ khoa Việt Nam học và trung tá Nguyễn Hồng Phượng – “vệ sỹ chung thân” của TS. Trần Nhật Chính. Người trẻ, khỏe, đẹp nhất xe có thể kể tới ThS Nguyễn Văn Thủy – Trưởng ban Thanh tra, đại diện của lực lượng dân quân tự vệ Nhà trường. Người có chức vụ cao nhất trong đoàn, phải kể tới anh Phạm Quang Long, nguyên hiệu trưởng, giám đốc Sở Văn hóa thủ đô. Anh Long đi, vì Đoàn đi Quảng Trị - một tỉnh vốn là một cõi đi - vềmấy chục năm nay. Đã hai chục lần vào Quảng Trị, anh vẫn chưa tìm được di hài anh trai mình - liệt sỹ Phạm Quang Thăng, hy sinh năm 1970.

Rời khỏi cổng trường, “Toa tàu say” nhập dòng xe cộ đường Nguyễn Trãi. Sau chiến dịch dọn sạch những hàng xà cừ xanh ngắt màu xanh cổ điển, con đường Nguyễn Trãi trở nên xa lạ, trống vắng, gợi nhớ một thủ đô vườn không nhà trống đang chuẩn bị bước vào chiến tranh. Xe chạy nháo nhác trên đường như những đàn kiến chạy loạn. Có ai đó trong xe than vãn, nhớ đường cây xà cừ, nhưng rồi không khí lên đường vẫn lấn át. Chúng tôi vui vẻ rời Hà Nội. Niềm vui cựu chiến binh trong xe còn được nhân đôi vì một tin báo bất ngờ: PGS. TS Vũ Ngọc Loãn không thể xuất phát cùng với Đoàn, do có việc nhà đột xuất. Nhưng anh Loãn không bỏ cuộc, mà sẽ thu xếp ổn thảo rồi bắt xe đuổi theo sau. Đúng là một cái tin hy hữu. Theo kế hoạch, có một số cựu chiến binh đăng ký tham dự, nhưng đến phút cuối cùng, vì lý do sức khỏe hoặc vì vợ con bắt đi du lịch cùng gia đình nên đã cáo lỗi, không đến. Chuyện anh Loãn đuổi theo xe làm tôi nhớ chuyện chạy đuổi theo đoàn xe đơn vị vô Nam, vào chiến trường năm xưa.

Xe chạy không át tiếng nói cười và tiếng đàm thoại bằng máy di động. Có tiếng điện thoại của Lãnh đạo Nhà trường hỏi thăm và chúc Đoàn lên đường vui vẻ, thành công. Có tiếng dặn dò của ai đó như giọng vợ dặn chồng: Tay cầm bầu rượu nắm nem, chớ có mảng vui mà quên hết…A, thì ra vậy. Chúng tôi, đoàn cựu chiến binh mỗi lần ra vẫn không dứt được cả một toa tầu phía sau. Lòng chúng tôi trở nên ấm áp vì những cú điện thoại gia đình. Vào cái tuổi hưu trí cả rồi, mỗi lần đi xa, được nghe vợ dặn, tự nhiên thấy vui. Nhưng nếu không thấy vợ gọi, không được quan tâm thì vẫn được bạn đồng hành trong xe khen là người may mắn, được tận hưởng niềm vui tháo cũi sổ lồng.

Cứ theo lý ấy mà suy, anh em chúng tôi trêu anh Chính khoa Tiếng Việt là chuyến đi của anh sẽ chỉ thành công một nửa, vì có vợ đi kèm. Câu chuyện đùa của chúng tôi đã kịp thời chấm dứt vì có sự đính chính của chị Phượng: Chị “gánh gạo theo chồng” chuyến này một phần là giữ sức khỏe cho anh Chính, một phần là để thắp hương cho anh Đính – Liệt sỹ Trần Nhật Đính đang yên nghỉ trong Nghĩa trang Vĩnh Linh… Thông báo của trung tá Phượng làm cho mọi người bùi ngùi, nhận ra trách nhiệm tâm linh của đoàn hành hương. Chuyến đi thành một chuyến hành hương nặng nghĩa nặng tình.

3h chiều, Đoàn đến Quảng Trạch - Quảng Bình, miền đất lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Những kỷ niệm chiến tranh trong tôi lắng lại, nhường chỗ cho một cảm xúc bồi hồi, nhất là khi xe rẽ ra Vũng Chùa – Đảo Yến. Con đường ra vùng đất mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đổ nhựa phẳng phiu, hai bên thấp thoáng những thùng hàng bán hương hoa lễ bái. Mộ Đại tướng đang dần trở thành một địa điểm du lịch tâm linh.

Đã qua những ngày cả nước xót thương vĩnh biệt một danh nhân cuối cùng của thế hệ học trò – đồng sự Hồ Chí Minh. Dòng người đến viếng Đại tướng ngày 30 tháng Tư này đã xuất hiện nhiều nụ cười mà không ai trách cứ. Nhiều cặp trai gái cầm hoa cúc, dắt tay nhau rạng rỡ mặt mày. Dù sao Đại tướng cũng đã ra đi ở tuổi đại thọ. Nỗi thương tiếc nguôi ngoai rồi, cũng nên có những khuôn mặt tươi tắn, thanh thản trong các tấm ảnh chụp kỷ niệm bên Đại tướng.Biết đâu trên chốn cao xanh vĩnh hằng kia, Đại tướng cũng mỉm cười hài lòng vì điều ấy.

Đoàn CCB chúng tôi nối theo nhau, mỗi người được nhận một cây hương từ tay chiến sỹ quản trang, tiến đến gần mộ. Mộ Đại tướng được bọc tấm nhung màu huyết dụ. Cả Đoàn thành kính dâng hương, tưởng nhớ vị Thủ trưởng cao nhất của mình một thời. Bước xuống chân đồi, bàn chân mỗi người vẫn như còn lưu luyến. Nhìn lại, ngôi mộ Đại tướng hiện lên như một dấu hỏi trên thềm hoa ngũ sắc. Một cảm giác nặng nề, có phần ghê sợ xuất hiện trong lòng chúng tôi. Không biết chiếc vòng hoa hình elip dùng trong đám tang người Việt đã xuất hiện tự thời nào. Hình như cha ông ta xưa không làm vậy. Chúng tôi mong có ngày đến viếng Đại tướng, (và cả vào lăng viếng Bác), người Việt Nam chúng ta sẽ cầm những nhành hoa tươi nhẹ nhàng, chứ không phải bằng những vòng hoa hình elip nặng nề, chỉ gợi màu sắc của cái chết thê thảm. Hoa, nhất là hoa giả, hoa nilon khi được kết vào vòng hoa viếng đã mất đi bản chất thẩm mỹ của nó.Hoa bao giờ cũng là biểu tượng của cái đẹp. Vậy thì sau những ngày tang lễ, khi người đã khuất đã chắc chắn về với “thế giới người hiền”, chúng ta nên đem cái đẹp đến chân tượng đài, bia mộ, lăng tẩm để tôn vinh cái đẹp của thế giới tâm linh. Những nhành hoa tươi, nhẹ nhàng ấy chắc sẽ làm đẹp lòng người dưới mộ hơn những vòng hoa nặng nề, ghê sợ, đôi khi gắn theo những khuôn mặt u sầu giả tạo.

Xe chúng tôi xa dần Vũng Chùa.Xa xa, Đảo Yến không thấy bóng chim. Hình như đảo này không có vách đá cho loài yến sào làm tổ đi về. Có thể đây chỉ là nơi lưu trú của một loài én di cư theo mùa. Tạm biệt Quảng Trạch, chúng tôi mong có ngày trở lại, sẽ thấy những đàn chim yến chao liệng trên khu di tích của vị đại tướng anh hùng. Cửa Ông là vùng cửa biển Quảng Ninh có đền thờ tướng quân Trần Quốc Tảng. Một ngày nào đó nơi đây có thể xuất hiện ngôi đền, và Vũng Chùa còn thêm một tên khác: Vũng Ông.

Đoàn cựu chiến binh dâng hương tại Vũng Chùa - Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Vĩnh Long) 

Chặng hành trình ngày đầu tiên của Đoàn CCB chúng tôi kết thúc vào một buổi tối vui vẻ tại thành phố Đồng Hới. Thành phố vừa lên đèn, PGS Toán học Vũ Ngọc Loãn đã xách va li nhảy vào với Đoàn như cơn lốc mát. Anh đến với khuôn mặt tươi tắn, vì một cuộc rượt đuổi thành công. Chúng tôi vẫn nhớ anh ngày nào từ quân đội phục viên trở lại trường trong bộ đồ lính thủy. Anh cũng chính là người đã tham gia đoàn tàu Không số, vận tải binh khí vào Nam trên biển Đông. Năm 1972, khi đang học năm thứ 3, chàng sinh viên khoa Toán xinh trai, người Hải Hậu này đã tình nguyện ra trận. Thấy anh là người vùng biển, Đoàn tàu Không số nhận ngay anh về. Buồn một nỗi là sau nhiều ngày luyện tập, anh bơi cũng chỉ bì bõm vài mét. Chỉ huy đơn vị khi biết cái sở đoản của anh đã tận dụng anh vào khoang máy với các công việc tính toán kỹ thuật và cố gắng không để anh rơi xuống nước lần nào.

Trong chiến tranh, thuộc binh chủng hải quân, không phải là lính đánh cạn, nên cuộc hành hương này của đoàn CCB đối với anh Loãn cũng là một dịp khám phá, tìm hiểu quá khứ chiến tranh. Vừa gặp Đoàn anh đã tặng ngay Đoàn 5 triệu đồng, tục gọi là tiền rượu mừng 40 năm Thống nhất. Mọi người ngạc nhiên, tiếc cho anh. Anh đành thú thực: đó là tiền học bổng con trai anh tiết kiệm gửi tặng “các bác đồng đội Bố”. Tuy nhiên, 5 triệu không phải là khoản tiền gửi tặng vô tư. Kèm theo đó, anh cũng đặt vấn đề nhờ Đoàn tìm hộ con dâu cho anh. Vì con trai anh sau 6 năm du học ở Canađa, bảo vệ Tiến sỹ xong về nước, vẫn chẳng biết gì ngoài làm toán.  Anh bảo, khác với bố cháu ( biết cả làm toán lẫn làm…tình ), cháu trông thấy con gái đẹp là đỏ mặt. Vậy thì trong tiệc rượu vui này, anh xin có nhời “trăm sự nhờ các bác”… Thể tình đồng đội Vũ Ngọc Loãn, Phó chủ tịch Hội Phạm Đình Lân đã đứng lên, thay mặt Đoàn, vui vẻ nhận tiền, nhưng…không hứa.  Anh Lân bảo, Đoàn có khá nhiều con cháu xinh đẹp đang tuổi tìm chồng. Nếu thông báo rộng rãi, chúng tranh nhau dễ làm mất đoàn kết nội bộ của Hội…

Đoàn CCB chúng tôi vào Nghĩa trang Trường Sơn giữa trời trưa đầy nắng. Chúng tôi dâng hương, chiêm bái, chuyển lời tạ ơn của Lãnh đạo và cán bộ Nhà trường tới anh linh hơn hai mươi nghìn Liệt sỹ. Mới thoáng nhìn, Nghĩa trang hiện lên như những cánh đồng sen hồng. Khác với những ngày thường năm trước, năm nay mỗi ngôi mộ liệt sỹ có một nhành hoa sen nhựa.Nhìn những bông hoa đúc khô cứng cắm bên bát hương tàn, chúng tôi cảm thấy lòng mình se lại. Anh Nguyễn Văn Mạo thầm thì hỏi lại PGS Trịnh Đức Hiển mấy vần thơ của Chế Lan Viên. Bài thơ đó xuất hiện từ những năm 50, nay ít người nay còn thuộc, nhưng là bài thơ rất hợp với tình cảm chúng tôi lúc này:

          …Đi một ngày nào đó trên Trường Sơn

          Ngã xuống đây, đất rừng thành nấm mộ

Đường thôi qua đấy nữa

Nấm mồ nằm cô đơn

Đồng bằng ngút xa tiếng gà tiếng chó

Bóng vợ bóng con dáng nhà dáng cửa

Chỉ mỗi năm một lần chi bộ

Cho người lên Trường Sơn.

Không có hoa, mùa xuân không có cỏ,

Lấy gì ngày thanh minh ?

Đắp thêm vài ụ đá

Ôi nấm mồ cán bộ

Chết rồi còn hy sinh

Rất đúng, sau cái chết, người lính dưới mồ vẫn tiếp tục hy sinh, tiếp tục chịu thiệt thòi. Trên nghiã trang này, các nấm mồ liệt sỹ không cô đơn nhưng chỉ vẻn vẹn vài tấc đất, gọn gàng, vuông vức như một chiếc va ly. Dù hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng chả lẽ cả một cuộc đời người chỉ thu gọn lại trong chiếc hộp bê tông chất chội thế này ư? Các liệt sỹ như nhường đất cho những người sống. Còn hôm nay, sau 40 năm, nhân dịp lễ lớn, các anh mới được chia một nhành hoa nhựa đơn điệu này. Những nhành hoa giống nhau vì một khuôn đúc chung, giống như một suất cơm, suất đạn chia đều cho mỗi người lính. Cầu mong các hương hồn liệt sỹ vui vẻ nhận về, như thói quen chấp hành trong quân ngũ.

Bên bóng cây bồ đề huyền thoại mọc trùm lên đài tưởng niệm Nghĩa trang Trường Sơn, một chiến sỹ quản trang hỏi thăm chúng tôi về thầy Bùi Thanh Quất.Hóa ra anh biết thầy Quất rõ hơn chúng tôi nhiều. Anh bảo: một lần thầy Quất đến ở với các anh trong nghĩa trang mấy ngày, sau đó trở về quyết định bỏ nhà đi tu… Thì ra, hàng chục năm qua, Nghĩa trang đã trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với nhiều thanh niên, sinh viên. Các nhóm khách trẻ tuổi thường đến nhờ các chiến sỹ quản trang ra ngủ cùng ngoài sân đài tưởng niệm, để nửa đêm thức dậy có dịp chứng kiến, trải nghiệm những hiện tượng được coi là huyền bí. Họ đã nghe, đã thấy rất nhiều: Nghe thấy tiếng bộ đội cười nói, đánh bài, kêu rên đau đớn, nhìn thấy những tốp lính hành quân, những bóng người đi dạo không chân…Các chiến sỹ quản trang thường động viên khách du lịch đêm đừng sợ, “các liệt sỹ quá lắm cũng chỉ trêu chọc mình thôi, không hại ai đâu”. Các anh gọi liệt sỹ hiện về là “ma lành” thì cũng đúng, vì tất cả đều ngã xuống ở cái tuổi đôi mươi, trong sáng nhất của kiếp người. Gửi quà tặng và lễ công đức, chúng tôi cám ơn, tạm biệt đội quản trang. Rời chân thềm đài tưởng niệm, trong tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng lời tâm sự của vị đội trưởng đội quản trang: “Nếu về hưu, rỗi rãi, các thầy hãy đến sống cùng chúng tôi vài ngày cho biết. Có điều, đến ngủ đêm với các liệt sỹ, đừng băn khoăn mình là duy tâm hay duy vật, đừng có chọn lập trường triết học trước mấy vạn anh linh mênh mông trên nghĩa địa này”.

Nghĩa trang Đường Chín cách NT Trường Sơn không đầy chục cây số. Đây là điểm thăm viếng thứ 3 của cuộc hành hương cựu chiến binh chúng tôi. Sau hai năm tu bổ, nâng cấp, các tấm phù điêu, tượng đài nghĩa trang đã hiện lên hoành tráng, kỳ vĩ. Không nên gọi nghĩa trang nào là nghĩa trang đẹp, cũng như xưa Bác Hồ nhắc các nhà báo không nên gọi các trận đánh thắng là “trận  đánh đẹp”, nên thay cụm từ “trận đánh đẹp” thành “trận đánh hay”. Đó là một quan điểm mỹ học đúng đắn và đầy tính nhân văn. Bởi cái đẹp chỉ gắn liền với sự sống.

Trước thành cổ Quảng Trị, Đường Chín là vùng chiến địa đầu tiên trong đời lính của người viết bài này.Năm 1972, có lúc đứng trên một cao điểm Quán Ngang, tôi nhìn xuống đường số Chín với nỗi thèm khát rất trẻ thơ. Tôi ước được đặt chân xuống mặt đường để nếm cảm giác mát mẻ từ gan bàn chân. Cho đến cái tuổi 18 khi ấy, cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy một con đường to, dài, xanh, mịn và rắn đến thế. Con đường quân sự Mỹ xây khi ấy nhìn xa như một chiếc lưỡi lê, cứ xanh bóng lên trong nắng trưa, nhưng nó đồng nghĩa với cái chết. Bởi vì ven đường là mìn chống tăng, mìn lá. Nếu có bóng người xuất hiện trên mặt đường là thành mục tiêu cho máy bay OV10 hoặc sẽ nhận một phát đạn bắn tỉa. Sau 40 năm con đường chiến lược này không còn mấy ý nghĩa chiến lược, và nhất là dù có được mở rộng, nâng cấp, nó ẫn mất đi cái độ mát dịu mặt đường và màu xanh ánh thép năm xưa.

Đoàn cựu chiến binh dâng hương tại tượng đài liệt sĩ ở thành cổ Quảng Trị  (Ảnh: Vĩnh Long)

Năm nay vào Đường Chín, tôi đã chuẩn bị sẵn từ nhà 9 suất hương lễ cho chín ngôi mộ đồng đội. Để có đủ thời gian vào Hướng Hóa và vào Thành cổ, tôi đã nhờ các anh chị trong đoàn thắp hương cho 8 liệt sỹ, vì các anh nằm rải rác ở nhiều khu khác nhau. Anh Chính, chị Phượng, chị Oanh giúp tôi đến với các liệt sỹ đồng hương Ninh Bình, Thanh Hóa. Các anh Trần Mạnh Hồng, Bùi Duy Dân, Nguyễn Long, Vương Khả Dũng giúp tôi viếng các liệt sỹ Thái Bình.

Đoàn cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm tại bia tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: Vĩnh Long)

Riêng tôi, tôi đi tìm liệt sỹ Vũ Dũng – nguyên sinh viên k11 khoa Văn Đại học Tổng hợp HN. Anh Vũ Dũng hy sinh trên mâm pháo, như một anh hùng. Dù trước đó anh đã bị thương gần lìa cánh tay, anh vẫn không rời ghế pháo thủ số 2, vẫn nghiến răng đạp cò nhả đạn cho tới lúc nhận xuống đầu một trái bom phá, hất tung cả mâm pháo. Cơ thể anh chỉ còn một nửa, gói tròn trong một túi nilon, vùi gần Đường Chín, với “tấm bia” làm vội vàng bằng mảnh tôn mỏng, đục họ tên bằng mũi dao găm… Đêm 23-4-1972 – một đêm thảm kịch bi tráng nhất trong đời lính ngắn ngủi của tôi, bao năm qua vẫn làm tôi thỉnh thoảng giật mình thức giấc. Cha mẹ anh Dũng đã mất, là con út trong gia đình đông anh em nhưng nghèo, hài cốt Liệt sỹ Dũng vẫn là một câu chuyện bí ẩn. Mấy năm trước, cả nghĩa trang Đường Chín chỉ có trong danh sách một dòng tên Vũ Lê Dũng trong sổ, nhưng không được khắc chữ trên mặt bia số 31, thuộc khu mộ “Liệt sỹ vô danh”. Qua đi một năm, năm nay tôi lại thấy mộ số 31 chuyển vào khu “Tổng hợp”, nhưng mặt bia lại thêm ngày nhập ngũ là năm 1965. Chữ Lê trong họ tên và con số 1965 đã làm tôi nản chí. Gia đình và các anh chị lớp anh (như các nhà văn Lê Quang Trang, Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Thị Kim Cúc) đều khẳng định rằng chữ Lê chưa hề xuất hiện trong học bạ, hồ sơ lẫn bút danh anh trước năm 1970…Chẳng biết làm gì khác hơn, tôi đặt lễ thắp hương khấn liệt sỹ dưới mộ. Thôi thì cho tôi gửi lời khấn tới Vũ Dũng- pháo thủ làm thơ của sư đoàn 308. Thôi thì cái tên Vũ Lê Dũng là cái tên chung - hội danh của những người lính họ Vũ, họ Lê, tên Dũng đã chiến đấu và yên nghỉ trên mảnh đất này. Trong trận đánh chiều 23 tháng 4 quyết tử năm ấy, nếu không có chút may mắn, tôi đã nằm bên cạnh các anh. Bốn mươi năm qua rồi, tôi đã thành một ông già 60, còn các anh vẫn sống trong lòng tôi bằng hình ảnh kiêu hãnh của tuổi 20 bất tử.

Rời ngôi mộ anh Dũng, tôi phải lớn tiếng nhắc nhở những đứa trẻ dẫn đường, lang thang kiếm sống trong nghĩa trang. Lúc mua đồ lễ viếng, tôi nghĩ đến các liệt sỹ khi còn sống và cả bọn trẻ – những người hưởng lộc.Tôi mua bút, mua bánh kẹo, hoa quả chứ không mua thuốc lá, vì không muốn bọn trẻ phập phèo tập tọng hút rồi thành người nghiện thuốc. Bút thì chúng dùng được, mà cũng là thứ khi sống các liệt sỹ và đại đội chúng tôi vẫn mơ ước có được lấy một chiếc chảy thật đều mực, để chuyền tay nhau viết thư… Tôi nhắc bọn trẻ rằng phải chờ hương cháy một lát rồi hẵng “xin các ông”. Chúng nghe lời, lánh ra bên một đoạn, nhưng thấy tôi vừa quay lưng đi,  chúng lại xông vào tranh nhau. Tôi đành nhắm mắt lại, vờ không thấy, rồi tự an ủi mình: Chắc các liệt sỹ đã giục chúng lấy. Trẻ con nơi này là bạn của các anh. Các anh đều vui tính, độ lượng, quen chia kẹo cho trẻ mấy chục năm rồi.

Trời Quảng Trị vẫn xanh và nóng, có phần còn nóng hơn những ngày chiến tranh. Đã hết rồi mùi cỏ cháy thoang thoảng mùi xác thối miên man trong gió đồi. Sau mấy chục năm, làng Nghĩa Hy đã xuất hiện những dãy xà cừ cổ thụ. Thay cho những đồi hoa sim hoa mua những ngày này là những cánh đồng khoai sắn. Những ấp chiến lược đã hóa thành phố xá. Đất Đông Hà, Cam Lộ xanh màu xanh sự sống, nhưng gương mặt con người vẫn không hết những nét khắc khổ nhọc nhằn.

Ngày 28-8 năm 1972, tôi bị thương trên cao điểm 132, vào thời khắc giao ca, giữa hai trận đánh, gần sông Thạch Hãn. Sau loạt bom tọa độ đánh trúng trận địa, thấy tôi không chết, ai cũng mừng. Mấy năm qua tôi đã gặp lại được người cáng tôi đi trạm phẫu và xác định được vị trí hành chính của trận địa năm xưa: xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Mấy năm trước tôi đã cùng anh Bùi Duy Dân thăm làng Trí Bưu, nơi đơn vị anh chốt giữ. Tôi ước có một ngày nào rảnh rỗi, sẽ cùng anh (hoặc một mình) lang thang tìm về đúng trận địa có cái khe suối, nơi mình xả đạn kiếm cá mừng sinh nhật và cái khe cạn, nơi mình đổ máu…

Ngày 1-5, cuộc hành hương của Đoàn CCB chúng tôi chia thành hai nẻo: Tây, Nam, thăm viếng khu Thành cổ Quảng Trị và thăm viếng Nghĩa trang Hướng Hóa. Tôi cùng anh Phạm Quang Long ngược lên Hướng Hóa, tìm dấu tích Liệt sỹ Phạm Quang Thăng. Cụ Phạm Thị Tạc, thân mẫu anh Long đã trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai liệt sỹ. Nhớ lời mẹ giặn và thôi thúc bởi nỗi nhớ thương, Anh Long đã vào Quảng Trị gần hai chục lần nhưng vẫn chưa biết phần mộ người anh thuộc nghĩa trang nào. Có nhà ngoại cảm lại mách anh rằng, liệt sỹ Thăng chưa được quy tập, vẫn nằm bên suối. Một nhà ngoại cảm khác lại khẳng định rằng Liệt sỹ Thăng đang nằm trong số các ngôi mộ vô danh, từ số x đến x+ n khu bên phải… Có lần anh Long đã thuê bè xuôi theo dòng suối tìm dấu vết. Núi đồi, sông suối Dakrong, Hướng Hóa mênh mông, biết Anh nằm ở nơi nào?

Trong số những nghĩa trang huyện, nghĩa trang Hướng Hóa có thể được xếp vào hệ thống những nghĩa trang xanh, vì đây là nơi có nhiều bóng mát nhất.Hoa bằng lăng miền trung nở sớm, tím ngắt. Chúng tôi vào nghĩa trang trong tiếng ve ran. Các khu mộ xuất hiện nhiều ngôi mới quy tập. Có những ngôi mới gắn tạm bia, với hàng chữ viết tay nguệch ngoạc, ghi vội họ tên, ngày hy sinh, quê quán. Anh Long đã nhiều lần gửi lý lịch Liệt sỹ và tiền hương khói cho mấy bác quản trang gọi điện thoại báo tin nếu thấy Liệt sỹ về.Bao nhiêu năm chờ mong, bao lần thăm nom, nhắc nhở, anh Long vẫn chưa được nghe tiếng reo điện thoại mơ ước đó.

Nghĩa trang có đến một phần tư số liệt sỹ họ Hồ. Như vậy, Hướng Hóa là mảnh đất của những người Vân Kiều, Pakô theo Đảng. Ba phần tư liệt sỹ còn lại đều là người Kinh, rải rác mọi tỉnh thành. Chúng tôi lần tìm đọc từng tấm bia mộ mới, cầu may. Mỗi tấm bia như một trang bìa của một cuốn tiểu thuyết, vì mỗi ngôi mộ là một cuộc đời. Còn biết làm gì khác hơn ngoài việc thắp những nén hương chung cho tất cả các anh.

Càng trưa, nghĩa trang càng vắng lặng, không một tiếng chim, không một bóng người. Tôi chụp vội mấy kiểu ảnh tấm bia kỷ niệm của Trung đoàn cao xạ 264 – trung đoàn tác chiến nhiều năm trên mặt trận Trị Thiên. Nghĩa trang đột nhiên nổi gió.Hai lá cờ đỏ treo cao vút lưng đài giật phần phật. Tôi chợt nhớ câu thơ trong Chinh phụ ngâm: “Hồn tử sỹ gió ù ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi / Chinh phu tử sỹ mấy người / Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn.

…Buổi sáng thư 4 của chuyến hành hương, chúng tôi lại xuất phát từ thành phố Đồng Hới. Theo đúng kế hoạch của Ban chấp hành Hội, chúng tôi sẽ ghé qua khu công nghiệp Vũng Áng và thắp hương cho các nữ liệt sỹ Ngã Ba Đồng Lộc. Một cựu chiến binh trong đoàn thốt lên một câu làm mọi người cùng chạnh lòng: “Ngày lễ mừng chiến thắng, Nhà trường cho tiền mà cựu chiến binh chả được du lịch, hưởng thụ gì, chỉ thấy sống cùng mộ chí khói nhang mãi thế này”. Không đợi đồng đội phản ứng, Giáo sư Nguyễn Hữu Thụ lập tức kêu lên: “Tốt nhất là cả đoàn ra biển”.

Đúng là một sáng kiến vĩ đại. Chúng tôi gọi mấy chuyến taxi chạy ào ra biển Nhật Lệ. Anh Dương Xuân Sơn, Nguyễn Hữu Thụ đúng là hai con cá kình của biển khơi, nhưng năm nay hai anh bơi đã có vẻ giữ gìn, thận trọng. Tôi chê anh Sơn chóng già, bơi yếu, anh giải thích: “Biển mặn bơi mới khỏe. Nước biển mặn thì cơ thể dễ nổi, da săn, co lại, phổi cần ít ô xi, bơi lâu mệt”. Nghe lời anh, tôi nếm. Đúng là nước biển đầu mùa hè rất nhạt. Nếu không may uống một ngụm, thì cũng như uống nước lợ vậy thôi. Tôi phục anh Sơn, không biết anh dạy và viết sách thế nào, nhưng riêng chuyện biển khơi, anh thực sự là người tinh tế.

Để giành thời gian cho bữa tối, chúng tôi lục tục lên bờ. Xa xa, làng Bảo Ninh, ngôi làng huyền thoại của mẹ Suốt một thời đánh Mỹ đã nhấp nháy ánh điện. Biển Quảng Bình đang mỗi ngày mỗi sạch mỗi vui. Phố xá mỗi năm một khang trang, xanh mát. Và hình như chân phụ nữ Quảng Bình năm nay thon hơn và trắng hơn nhiều. Tôi đưa ra nhận xét đó đều được các chiến binh trong đoàn nhất trí: Cùng cả nước, Quảng Bình, sau 40 năm kết thúc chiến tranh, đã bước qua thời kỳ lam lũ.

Chúng tôi nâng cốc, để ngày mai chúng tôi lại lên đường !

Liễu Giai, 7-7-15

Tác giả: Phạm Thành Hưng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây