Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Giấc mộng Hoàng Lương

Thứ bảy - 14/02/2015 10:00
Khỏi phải nói tôi đã bàng hoàng như thế nào khi nhận được tin nhắn cho biết anh Hoàng Lương phải đi cấp cứu ở bệnh viện, tình hình nguy kịch lắm, chắc không qua khỏi. Tôi đã thầm nguyện cầu cho anh lần này sẽ lại vượt qua Thần Chết, như đã hai lần anh từng vượt qua vài năm về trước để ở lại với đời. Anh từng nói với nhiều bạn đồng nghiệp rằng anh đã đi qua cái chết rồi thì Thần Chết còn lâu mới gọi tên anh. Nhưng lần này có vẻ không phải như vậy. Sáng nay,tin nhắn của học trò và đồng nghiệp đến với tôi dồn dập hơn: Thầy Lương đã hôn mê sâu rồi! Tôi lặng người đi, không biết nói gì lúc sinh ly tử biệt cận kề này. Và rồi điều gì đến đã phải đến. Lúc 13 giờ 15 phút chiều nay, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 2 năm 2015, một trái tim từng nóng bỏng yêu thương dành cho gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên đã ngừng đập. Anh đã rời bỏ cuộc đời này khi vẫn đang còn miệt mài chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách tổng kết cuộc đời 40 năm làm khoa học và đào tạo để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình. Mới chỉ vài ngày trước đây thôi, tại buổi bảo vệ luận án tiến sỹ của một nghiên cứu sinh do anh hướng dẫn, giọng anh vẫn còn đầy hào sảng khi nói về tính độc đáo trong dân ca quan họ và làm thế nào để bảo tồn di sản văn hóa có một không hai này. Nhớ đến hình ảnh cuối cùng của anh hôm đó, tôi bỗng thấy mắt mình nhòe lệ. Và cuộc đời anh cứ từ từ hiện ra trong ký ức tôi, như một cuốn phim quay chậm đến từng chi tiết, cứ như thể nó mới chỉ vừa đến từ hôm qua vậy. Với tôi, anh như vẫn đang sống, đang nheo mắt cười tươi với mọi người.
Giấc mộng Hoàng Lương
Giấc mộng Hoàng Lương

Tôi về nhận công tác ở Bộ môn Dân tộc học sau Hoàng Lương mấy năm (anh tốt nghiệp năm 1976, khóa 16 Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội), nhưng về tuổi tác, tôi thua anh đúng một con giáp. Anh sinh ngày 7 tháng 12 năm 1944, tuổi Giáp Thân, mệnh tuyền lưu thủy. Cuộc đời hơn 70 năm của anh cũng giống như chính cái số mệnh anh được sinh ra, là một “dòng nước chảy trong suối”. Cái tên của anh cũng rất đặc biệt. Hoàng Lương, theo Hán tự, có nghĩa là “kê vàng”. Tên gọi này gắn với một điển tích văn chương có từ đời nhà Đường, nói về “giấc mộng hoàng lương” với những ngụ ý sâu xa về lẽ sống ở đời.

Tôi vẫn nhớ những ấn tượng đầu tiên khi gặp anh. Đó là một con người mộc mạc, chân thật, dễ gần, và khá cởi mở. Thế giới của anh những năm đầu ở lại làm việc tại khoa Sử là một góc nhỏ trong căn phòng tập thể. Tôi ấn tượng nhất trong không gian sống hạn hẹpấy là một cái giá sách lúc nào cũng đầy ắp những cuốn tiểu thuyết lãng mạn rất thời thượng hồi ấy như Ruồi Trâu, Hội chợ Phù hoa, Bố Già, Trăm năm cô đơn, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, v.v. Làm nghiên cứu dân tộc học nhưng anh có lẽ cũng rất yêu văn chương. Anh tự cho mình là con người lãng mạn. Anh thích thổi sáo và hát những bài tình ca. Tôi còn nhớ khi lên thăm Sa Pa hồi giữa những năm 1990, nửa đêm anh vẫn lang thang trên phố, đứng giữa con đường dốc bên khách sạn Fansipan còn lại từ thời thực dân và cất tiếng hát bản Tình Ca Tây Bắc, say sưa tưởng như quên cả lối về. Biết anh yêu cái đẹp, khi sang Hà Lan công tác, tôi gửi về cho anh một bưu thiếp có hoa tuy-lip mô phỏngbóng hình một người con gái. Anh đã cất giữ chiếc bưu thiếp này nhiều năm trên giá sách, và mỗi khi có bạn bè đến chơi, anh lại lấy nó ra khoe như một thú chơi tao nhã. Nhưng anh cũng là người rất thực tế, và nấu ăn rất ngon. Anh luôn biết chắt chiu từng hạt gạo trong cái khẩu phần nhỏ nhoi thời bao cấp để đến cuối tháng không phải nháo nhào đi vay gạo hay ăn chực như bọn trẻ chúng tôi. Trong khi cả gia tài của phần lớn cán bộ giảng dạy hồi ấy chỉ là mấy bộ quần áo và chiếc giường con với manh chiếu mỏng thì trên giường của anh lúc nào cũng đầy đủ bộ ba chăn-gối-đệm của người Thái. Anh bảo những thứ ấy đem từ quê xuống, do vợ anh làm, anh dùng nó như một cách để luôn cảm nhận được tình yêu của người vợ và mùi vị của quê hương.

Tôi trở nên gần gũi với anh hơn sau khi từ quân ngũ về lại Bộ môn Dân tộc học. Như một thói quen hồi bấy giờ, đám đàn ông độc thân của khoa Sử hay tụ tập ở chỗ anh để hóng hớt mà các câu chuyện dù theo hướng nào thì cuối cùng cũng trở về với chủ đề tình yêu, đàn bà, và những quan niệm khác nhau về giá trị của cuộc sống. Đôi khi trong lúc trà dư tửu hậu như thế, những cuộc tranh luận nho nhỏ vẫn hay xảy ra, và anh thường phớt lờ các ý kiến khác để bảo vệ quan điểm độc đáo của mình. Trong khi đời sống xã hội những năm 80 đầy rẫy những bon chen, xô bồ, giành giật thì anh dường như vẫn không quan tâm đến thế sự, không thích tranh giành cho mình một lợi thế nào mà thường bằng lòng với những gì đang có. Anh hay giúp đỡ mọi người bằng cách cho mượn thẻ thương binh để mua hàng bao cấp. Có khi anh đích thân đạp xe đi xếp hàng mua hộ người này người kia dù chỉ là vài lạng thịt, cân cá hay mấy bìa đậu phụ. Cũng có người không thích cái tính giản dị chân thật đến mộc mạc của anh nhưng anh bỏ qua tất cả. Là người dân tộc Thái, lại là thương binh, anh hoàn toàn có thể sử dụng những ưu thế ấy để kiếm cho mình một suất nghiên cứu sinh nước ngoài như hầu hết cán bộ trẻ ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi ấy thường ao ước để tìm đường tiến thân, nhưng anh đã không chạy chọt bon chen để được như vậy. Có người nói anh dại, anh cười hớ hớ, nói ở đời chẳng biết thế nào là dại là khôn. Có lẽ cả cuộc đời mình, anh đã chờ đợi một sự công bằng nào đó và tin là nó có thật trên đời.Trong các cuộc tranh luận, anh rất sôi nổi và cởi mở nhưng lại hay chọn giải pháp chấp nhận nhường nhịn thay vì tranh giành phần hơn về mình. Khi sắp về hưu, được nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú, anh vui vẻ cho rằng âu đây cũng là một ghi nhận của nhà nước đối với đóng góp của anh cho sự nghiệp trồng người.

Trong lịch sử bộ môn Dân tộc học trước đây và Nhân học hiện nay, Hoàng Lương có một vị trí quan trọng trong công tác quản lý, đào tạo và phát triển. Là người đảm nhiệm trên cương vị chủ nhiệm bộ môn tới hai nhiệm kỳ nhưng anh không làm quản lý bằng những “thủ đoạn” như cách anh hay ví von mà bằng sự chân thật và lòng nhiệt thành. Sinh viên nhiều thế hệ đã từng học môn Dân tộc học của anh đều có chung cảm nhận anh dậy học bằng một tình yêu cháy bỏng với nghề nghiệp, và đã truyền được cái cảm hứng say mê ấy đến với học trò. Nhiều sinh viên thú nhận rằng họ đến với dân tộc học là nhờ dự giảng các môn học của thầy Hoàng Lương. Điều này thật khác xa với một số giảng viên tự cho mình là người có kinh nghiệm giảng dạy trong khi vẫn chỉ sử dụng những ghi chép cũ rích từ nhiều thập kỷ trước làm bài giảng, và mỗi khi lên lớp thì thản nhiên ngồi đọc lại cho học trò chép, làm cho sinh viên thấy nản với môn học này. Trong quá trình giảng dạy, Hoàng Lương đã cố gắng tìm kiếm những sinh viên tài năng và khuyến khích họ đi theo con đường khoa học để đến hôm nay chúng ta có những tiến sỹ nhân học đầy triển vọng như Trương Huyền Chi và Nguyễn Thị Thu Hương. Cả hai người này đều nhận bằng tiến sỹ ở những trường đại học nổi tiếng của châu Âu và Bắc Mỹ nhưng trong sâu thẳm tâm thức  mình, chắc họ sẽ không bao giờ quên người thầy đầu tiên đã truyền cho họ lòng yêu nghề chính là Hoàng Lương. Có lẽ sẽ còn có nhữngquan điểm khác nhau tranh luận về phương pháp dạy học ở đại học theo kiểu Hoàng Lương. Có người tin rằng mỗi bài giảng phải được chuẩn bị theo một đơn vị kiến thức nhất định và người thầy khi lên lớp thì cứ thế mà truyền đạt tới học trò. Nhưng Hoàng Lương không mấy khi đi theo cái khuôn mẫu gò bó ấy. Anh vẫn tin và kiên trì đi theo cách của mình, rằng người thầy khi trên lớp không cần phải chứng tỏ kiến thức uyên bác hàn lâm của mình, mà có thể bằng cách nêu lên các gợi mở khoa học, tạo cho sinh viên lòng say mê với những vấn đề được nêu ra để từ đó tự mình khám phá chân trời tri thức mới. Ngay cả sau khi đã nghỉ hưu, anh vẫn đi dạy học, không phải để kiếm mấy đồng tiền công bèo bọt, mà để được thỏa mãn nỗi đam mê kết nối với học trò và truyền lại cho họ lòng yêu nghề của mình. Tôi không có nghi ngờ gì rằng anh là một người thầy dạy học đã yêu cái nghề của mình đến hơi thở cuối cùng.

PGS. TS Hoàng Lương trên đường khám phá Sipsong Banna (Vân Nam, Trung Quốc, tháng 8/2009). Ảnh: Nguyễn Văn Chính.

Lịch sử ngành nhân học Việt Nam cũng cần phải ghi nhận đóng góp của PGS Hoàng Lương như một trong những người tiên phong khai mở con đường cho sự chuyển đổi từ tiếp cận dân tộc học sang nhân học. Đầu những năm 1990, trong trào lưu đổi mới học thuật, chính Hoàng Lương, với tư cách là chủ nhiệm bộ môn, đã bắt tay vào làm đề án đổi mới dân tộc học bằng việc đưa tiếp cận nhân học vào nghiên cứu và giảng dạy ở bộ môn dân tộc học thuộc Khoa Sử. Tuy nhiên ý kiến của anh vấp phải sự phản đối dữ dội, thậm chí không thiếu những người mỉa mai, đánh giá thấp nỗ lực của anh. Một số người thậm chí còn cười nhạo khi cho rằng anh đã làm một công việc viển vông, đòi đổi mới một môn học mà mình chưa nắm chắc. Cũng có ý kiến nghi ngờ liệu trên thế giới này có một chuyên ngành khoa học gọi là nhân học văn hóa – xã hội hay không. Hoàng Lương dù bị đẩy vào tình thế hoang mang sau khi đề xuất của anh bị Hội đồng Khoa học thẳng thừng bác bỏ, nhưng anh đã không vì thế mà nản lòng. Tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp, anh đã viết thư cho một số giáo sư nhân học nổi tiếng ở các đại học lớn trên thế giới để nhờ họ giúp giải đáp về ngành nhân học. Một trong số ấy là Giáo sư Lương Văn Hy ở Đại học Toronto (Canada) đã trả lời anh với những góp ý chân thành, làm cho Hoàng Lương vững tin hơn để kiên trì thuyết phục đồng nghiệp ủng hộ đề xuất của mình. Giờ đây, hơn hai thập kỷ đã qua kể từ khi Hoàng Lương đề xuất đổi mới dân tộc học ở Khoa Sử theo hướng nghiên cứu nhân học, chúng ta thấy hầu hết các đại học lớn của Việt Nam đã có bộ môn nhân học, và ngành học này đã được cấp mã ngành chính thức trong chương trình đào tạo ở cả ba bậc học từ đại học đến trên đại học. Tôi tin rằng giờ đây Hoàng Lương đã có thể ngậm cười nơi chín suối vì trước khi về với thế giới vĩnh hằng, anh đã nhìn thấy những lứa cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ ngành nhân học tốt nghiệp chuyên ngành mà anh là người khai phá mở đường.

Là người làm nghiên cứu đã xuất bản nhiều bài báo khoa học, giáo trình và sách chuyên khảo (Hoa văn Thái (1988), Lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian các dân tộc (2002), Luật tục và việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Bắc (2004), Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam (2005), v.v. nhưngHoàng Lương vẫn chỉ tự nhận mình là một người làm khoa học “phọt phẹt”. Theo anh, chương trình đào tạo ở Khoa Sử chỉ giảng một số chuyên đề dân tộc học trong học kỳ thứ nhất của năm thứ tư, sau đó sinh viên đi thực tập làm luận văn tốt nghiệp. Anh bảo đấy là hệ thống đào tạo ra các nhà dân tộc học nửa mùa. Tuy nhiên, anh thuộc về tuýp người làm khoa học theo kiểu dấn thân. Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ tư ngành dân tộc học, anh đã lựa chọn nghiên cứu người La Chí để làm luận văn tốt nghiệp. Đây là một tộc người có dân số nhỏ, sống biệt lập ở vùng núi cao tỉnh Hà Giang. Vào những năm 1970 dân số của nhóm này chưa đến 10 ngàn người, chủ yếu sống ở các bản xa xôi thuộc hai huyện vùng cao Xín Mần và Hoàng Xu Phì. Chỉ những người có tinh thần lãng mạn khoa học và tính phiêu lưu mới chấp nhận đi đến đây để nghiên cứu. Sau này anh kể những bản làng nhỏ bé nghèo khó nơi heo hút mà anh đã đến có nhiều người bị mắc bệnh hủi (cùi). Nhưng anh đã không vì thế mà rời xa họ cho đến khi thu thập được tài liệu trở lại trường làm luận văn tốt nghiệp. Trong ký ức thực địa của anh,ở vùng núi đá Hà Giang không có khái niệm khổ, chỉ có những cánh rừng bạt ngàn hoa loa kèn làm anh sững sờ khó cất bước chân đi. Luận văn tốt nghiệp đại học của anh năm đó đạt loại xuất sắc. Những thông tin mà anh thu thập được đã giúp các nhà dân tộc-ngôn ngữ học rất nhiều trong việc phân ngành ngôn ngữ các tộc người. Cuối những năm 1990, anh được mời sang Mỹ và có dịp làm việc với GS Paul K. Benedict, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tộc người nổi tiếng. Anh đã cung cấp cứ liệu để giúp củng cố giả thuyết về ngữ hệ Tai – Kadai mà Benedict là người chủ trương. Trong phân loại truyền thống, ngôn ngữ Kradai được xem là một bộ phận nằm trong nhóm ngôn ngữ Tạng Miến thuộc ngữ hệ Hán Tạng. Hoàng Lương đã không biết rằng những cứ liệu ngữ học mà anh thu thập ở người La Chí đã góp phần củng cố giả thuyết khoa học về mối liên hệ giữa ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) và Nam Đảo (Austronesia) trong ngữ hệ Tai – Kadai cho đến khi anh gặp được Benedict.

Hoàng Lương là người đầu tiên trình luận án tiến sỹ dân tộc học theo chương trình đào tạo trong nước tại Khoa Sử vào năm 1985. Luận án tiến sỹ của anh “Hoa văn mặt chăn Thái Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) đã sử dụng hoa văn mặt chăn của người Thái như một cứ liệu vật chất để từ đây lần tìm ra mối liên hệ cội nguồn giữa các cư dân nói ngôn ngữ Thái và Việt Mường trong thời đại văn hóa Đông Sơn. Dù còn nhiều tranh cãi về cơ sở khoa học, luận án của anh đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về quan hệ lịch sử tộc người qua cứ liệu hoa văn. Hướng nghiên cứu này đã được anh tiếp tục phát triển sau này qua các bài báo khoa học đăng rải rác trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó cứ liệu ngôn ngữ và địa danh cổ được cho là có vai trò quan trọng trong dân tộc học lịch sử.

Trong khi say sưa khám phá mối quan hệ lịch sử tộc người, Hoàng Lương vẫn đau đáu một niềm khao khát đóng góp tri thức cho hiểu biết về dân tộc Thái của mình. Anh là người phụ trách Chương trình Thái học của trường, đã cho công bố nhiều nghiên cứu về người Thái và mối quan hệ Thái – Việt Mường và Thái – Môn Khmer. Nghiên cứu của anh trong lãnh địa này góp phần nêu ra một giả thuyết về nguồn gốc bản địa của nhóm Táy Khao. Trong nhiều năm, anh cộng tác với các nhà Thái học thuộc Đại học Mahidol biên soạn từ điển tiếng Thái trong khu vực. Năm 2009, Hoàng Lương đã tham dự đại hội lần thứ 16 của Liên hiệp hội Quốc tế về Dân tộc học và Nhân học (CUAES)  tổ chức tại Đại học Vân Nam, Trung Quốc. Tại đại hội này, Hoàng Lương đã trình bầy một báo cáo khoa học về quan hệ xã hội giữa người Thái và người Khmu thông qua cứ liệu phả hệ và thông tin định tính. Sau đại hội, anh đã đi Sip-Song-Bản-Na, nơi được coi là cội nguồn phát tích dân tộc Thái, để nghiên cứu thực địa. Dù lúc này tuổi đã ngoài 60, anh vẫn hăm hở trèo đèo lội suối, vượt sông Mekong bằng thuyền để đi đến các bản làng xa xôi của người Thái Vân Nam, cứ như thể anh đang được về nhà vậy. Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bản sắc văn hóa Thái và du lịch tộc người ở Vân Nam sau khi dự lễ hội du lịch té nước ở Muang La. Có thể thấy những nỗ lực không mệt mỏi của anh đã góp phần sản xuất và phân phát nhiều tri thức mới về người Thái Việt Nam và quan hệ của nó với các tộc người trong khu vực. Vẫn còn quá sớm để đưa ra một nhận định có tính khẳng định về những phát hiện của anh nhưng chắc chắn các giả thuyết mà nghiên cứu của anh gợi lên về lịch sử tộc người đã cung cấp thêm một nguồn thông tin có giá trị để các nhà khoa học tiếp tục đi sâu. 

Trước khi nghỉ hưu, Hoàng Lương đã nói với tôi về dự định sẽ viết một cuốn sách tổng kết cuộc đời làm khoa học của anh. Anh dự định đặt tên cho cuốn sách là “Đường về Tây Bắc”. Tôi hỏi sao lại là đường về, anh nói luôn không cần suy nghĩ lâu: Dù nghiên cứu gì gì đi nữa thì Tây Bắc vẫn là cái nôi sinh ra anh, nơi anh lớn lên và trong cả cuộc đời làm khoa học, anh luôn nghĩ về nó, khám phá nó, nơi có những bản làng xinh đẹp, núi non hùng vỹ, văn hóa đa dạng nhưng đều có một điểm chung là bản tính con người tuy ôn hòa mà nồng hậu. Ngừng một lát, anh nói thêm: Và cho đến khi rời xa thế giới này, tôi cũng sẽ lại quay về nơi chôn nhau cắt rốn ấy. Có vẻ như đến hôm nay, giấc mơ của anh đã gần như được trọn vẹn nếu cuốn sách anh ấp ủ sớm được ra mắt bạn đọc. Nhưng không sao, chắc chắn nó sẽ được in ra để người thân, bạn bè, đồng nghiệp, và lớp lớp học trò, khi cầm nó trên tay, sẽ hiểu thêm về anh, về những tri thức anh muốn trao truyền đến cho họ.

Để kết thúc mấy dòng tưởng nhớ anh, tôi muốn quay lại câu chuyện về “giấc mộng hoàng lương” mà lúc sinh thời anh thường nói đến.

Truyện kể rằng ngày xưa có một chàng trẻ tuổi ôm giấc mộng vinh hoa, đã cố công đi thi nhưng không đỗ, trên đường về có rẽ vào một quán cơm xin nghỉ dừng chân. Một người già sau khi nghe chuyện của anh, bèn cho mượn một chiếc gối để ngả lưng. Trong giấc ngủ vùi, chàng trai chìm vào một giấc mơ kỳ lạ. Anh thấy mình được sống trong nhung lụa, vợ đẹp con khôn, đi thi đỗ đến trạng nguyên và được phong đến chức tể tướng. Trong lúc đang ở trên đỉnh cao danh vọng, anh bị người khác ganh ghét vu cho tội mưu phản và bị bắt. Trước khi bị tống giam, anh nói với vợ: “Nhớ lại khi xưa lúc ta còn mặc áo vải đi lang thang trên phố, tuy nghèo khổ nhưng lại tự do, ăn thấy ngon miệng, ngủ cũng ngon giấc. Nay thì chẳng còn gì nữa”. Rồi khi được minh oan và phục chức, vị cựu quan không còn ham danh vọng, muốn cáo lão về quê nhưng không được nên đã buồn rầu mà chết. Đến lúc này, giấc mơ tan biến, và chàng trai trẻ tỉnh giấc mộng, mở mắt ra thấy bên cạnh nồi kê mới chín tới vàng ươm, tất cả thực tại vẫn nguyên như cũ. Anh chàng bỗng thốt lên: Thì ra chỉ là một giấc mơ!

Nghe nói câu chuyện lần đầu xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường có tên là “Thẩm trung ký”. Câu chuyện tuy giản dị nhưng nó đã cố gắng đưa ra một lý giải sâu xa dựa trên triết lý hư vô của đạo Lão và đạo Phật về lẽ sống ở đời, trong đó xem cuộc đời của mỗi con người trên cõi dương gian này cũng chỉ giống như một giấc mơ. Con người ta khi sống ở trên đời thường bon chen giành giật cũng chỉ vì cái danh cái lợi. Nhưng tất cả những thứ vinh hoa phú quý hay đói khổ chịu đựng ấy, cuối cùng cũng đều trở thành vô nghĩa, giống như giấc mộng hoàng lương mà thôi.

Hoàng Lương ơi, anh đã trở về với cõi hư vô nhưng những gì anh đã cống hiến cho khoa học, cho cuộc sống này sẽ mãi mãi không bao giờ tan biến như giấc mộng hoàng lương. Tôi tin rằng anh sẽ luôn như một dòng suối mát lành của núi rừng Tây Bắc, đem lại sức sống mới cho thế hệ sau anh đi tiếp trên cuộc đời gian khó này, để mang đến cho đời niềm tin yêu và ánh sáng của tri thức.

Viết tại Hà Nội đêm 13 tháng 2

Tác giả: Nguyễn Văn Chính

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây