Ngôn ngữ
Vào một buổi sáng trước giờ làm việc nửa tiếng, có tiếng gõ cửa, tôi ra mở mời Anh vào và hỏi: “Sao nay bác vào sớm thế?”. Anh nói: “Có việc gấp cần xin ý kiến chỉ đạo của thầy” với giọng run run. Tôi bảo: “Gấp gì mà giọng thầy lạc và run thế, chắc đâu đến mức như “cháy nhà hay vỡ đê. Mời thầy ngồi uống nước có gì thầy và em cùng tháo gỡ”.
Anh ngồi xuống, tự rót nước cho cả hai, vẫn lại run run, lạc giọng nói rằng: “Còn hơn đấy Hiệu trưởng à!”. Tôi lại nói: “Uống nước đã”, rồi bật lửa hút thuốc nói: “Cụ Hồ nói, trong ứng xử công việc thì “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và “Đại sự thì làm làm thành trung sự, trung sự thành tiểu sự” (xin mở ngoặc không phải vô sự là “chìm xuồng” như ngày nay đâu!), ta vẫn có giải pháp nghiêm, hiệu quả mà anh”.
Uống xong chén trà đặc thứ hai, tôi nói: “Mời bác, nhưng đừng xúc động thế nữa”.
Anh kể: Tối qua, chị K, phòng … ra nhà tôi xin cho con được vào làm việc ở phòng X, mang theo túi nho, táo cho các cháu, anh trả lời, chị cứ bảo cháu làm đơn, theo tiêu chuẩn và Hội đồng tuyển dụng đánh giá chuyên môn của cháu như mọi người. Anh dừng chút và nâng chén nước, tôi tranh thủ nói ngay, thế có chuyện gì đâu, bình thường thôi.
Anh vội đặt chén nước xuống bàn hơi mạnh, làm sứ và kính bàn tạo tiếng kêu hơi bị đanh, to và bức xúc nói: “Nếu thế, tôi báo cáo Hiệu trưởng làm gì!”. Tôi vẫn bình tĩnh và: “Vâng, mời bác tiếp có chuyện gì đang xúc phạm bác thế ?”. Anh nói, khi đồng chí ấy về, cháu gái lớn nhà tôi, cất hoa quả thấy trong túi có phong bì, nó kêu: “Sao lại có phong bì nữa thế này bố ơi, bố trả cô ấy nhé!” (lại xin mở ngoặc, cháu gái con đầu học võ, đạt đai đen nên được võ sư dạy tâm sáng, đức trong suốt quá trình dạy võ. Có lần, kẻ trộm vào lấy xe đạp phóng ra đường Lò Đúc, cháu trông thấy, vụt chạy theo, đuổi kịp và bằng một thế võ cháu quật ngã, đưa ra đồn công an, còn xe đạp nhờ bà con trông giúp). Nên cháu thấy phong bì là ngạc nhiên, thốt vậy. Nghe con gái nói, anh bảo, con yên tâm, bố phải trả và tìm cách trả cho người ta vui, chứ thế là xúc phạm bố rồi đấy con à.
Biết sếp vào sớm nên nay tôi vào sớm tâm sự và xin Hiệu trưởng chỉ đạo để tôi nên xử lý như thế nào? Anh dừng và lại rót nước uống.
Đến lượt tôi, làm điếu thuốc đã, rồi nói: OK, đơn giản thôi, nhưng thứ nhất, bác nghiêm túc ngôn từ chức tước, rồi kêu chị ấy là “đồng chí” và qua ngôn từ ấy, tôi đoán bác đã có phương án cụ thể nên tôi không nói cụ thể, chỉ nói phương hướng theo tinh thần lấy cái nguyên tắc ứng xử với sự việc này, mà đưa ra chi bộ là đúng. Nhưng còn cách gì hơn không, để chị ấy đỡ ngượng, dù sao, cũng là nỗi lo của người mẹ. Nhưng phải nghiêm kẻo họ tìm cách thu hồi vốn thì “hỏng” trường đấy, cái lớn là để chị ấy nhận thức ra, có ngượng thì ngượng với chính mình thôi. Cái quan trọng là cải tạo con người. Tôi nói thế, ý bác thế nào?
Thầy Trần Trọng Cao (bên phải) tại Vạn lý trường thành (Trung Quốc)
Anh uống nước tiếp, rồi từ từ nói: thầy đoán đúng ý tôi, xử trong chi bộ trước, nhưng thầy nói thế có lý, có tình, tôi suy nghĩ tí đã nhé! Tôi lại làm điếu chờ Anh nói, lúc này tôi nghĩ không phải Anh xúc động vì cảm động điều gì mà anh đang cảm thấy bị xúc phạm nên cho là việc gấp hơn “nhà cháy, vỡ đê”. Tôi bỗng dưng thấy cảm động, thương yêu Anh quá. Có một Trưởng phòng Tổ chức và cán bộ như thế là phúc cho trường ta, chứ ở đâu đó, vị trí này là “thét ra lửa”…
Sau vài phút, Anh bắt đầu lên tiếng: “Tôi xuống phòng chị ấy, trao đổi với chị và trả chị phong bì công khai và nói chị làm thế là làm “hỏng” tôi đấy. Được không thầy ?”.
Tôi cười vui nói: Ok Anh, nhưng tôi nêu một ý cùng bàn tiếp nhé. Liệu anh gọi chị lên gặp riêng Anh, không phải ở phòng Anh, vì còn các viên chức khác. Lên phòng họp. Nội dung tôi nghĩ nên thêm thế này chăng: “Từ ngày tách ra từ Đại học Tổng hợp, dựng trường riêng, phòng tôi chưa ai nhận thế hoặc bắn tin để có phong bì đâu. Chị làm thế là làm “hỏng” tôi đấy. Là đảng viên, chị phải cùng chúng tôi chung tay xây dựng đạo đức nghề nghiệp. Tổng kết cuối năm tự đánh giá mình để làm gương cho mình”. Ý Anh thế nào? Giờ đến lượt em xin ý kiến bác đấy!
Anh đứng phắt dậy, cười mà rằng, ý thầy thật tuyệt vời, thực ra hơn triệu đồng thôi, nhưng phải nghiêm vì đây thuộc phạm trù đạo đức. Tôi nói ngay, chưa chính xác, phải là “Ý Trưởng phòng và Hiệu trưởng đấu lại thì tuyệt” mới đúng và khách quan. Anh cười tươi, bắt tay tôi nói: Ừ thì thế đi, tôi về triển khai đây! Ăn trưa xong, Anh đi cùng tôi về phòng tôi nói: “Tốt rồi thầy ạ. Chị ấy xúc động, giọng rưng rưng xin lỗi rồi cảm ơn vì không đưa ra hội đồng kỷ luật”.
Xin kể thêm lý do vì sao Anh cảm thấy như bị xúc phạm thế. Vốn Anh là người đề xướng, nhấn mạnh đạo đức nghề nghiêp nên quán triệt từ phòng Anh trước. Có lần, một nhân viên Phòng Tổ chức và Cán bộ gọi điện hỏi tôi: “Chị D đi công tác nước ngoài về đến phòng làm thủ tục nhập trường, cho quà phòng hộp bánh, son cho chị em, bút bi cho anh em, chúng em từ chối bảo, mang về khoa liên hoan. Chị ấy bảo chút đỉnh cho vui thôi mà khó thế. Có nhận được cho chị ấy vui, khỏi nghĩ chê ít không thầy? Sếp phòng em nghiêm lắm, xin thầy cho ý kiến kẻo chúng em đang bối rối đứng giữa chị D và Trưởng phòng”. Chị lại “khai”, có một Giáo sư đi dạy ở nước ngoài về, bỗ bã nói: Tôi không hối lộ đâu, nhưng đi dạy, họ trả lương cao, xin biếu cả phòng 50 USD để làm quỹ hiếu, thăm cán bộ và tứ thân trong nội bộ khi cần, chứ các đồng chí nghiêm túc thế thì đào đâu ra tiền làm quỹ. Tôi xin nói, tôi không kẹt xỉ đâu, thừa sức biếu nhiều hơn, nhưng sợ các đồng chí không nhận lại nghĩ sai về tôi, các cô làm việc tận tình, chu đáo, vô tư lắm”. Em bảo, bác dạy thế, chúng em xin vâng, đúng là nhiều thì không dám nhận đâu.
Tôi trả lời, thay mặt Nhà trường cảm ơn các chị, các chị và thầy cô giáo trường ta đều tốt cả, giúp chúng tôi nhiều lắm, tốt lắm, biết cách cùng nhau giữ môi trường nhân văn của trường. Các chị đã không phụ lòng tốt của người, biết trân trọng tấm lòng sẻ chia của người, chung tay làm gương, nói đi đôi với làm. Thật thà tâm sự thế, hoan nghênh sự tin cậy “khai báo”.
Cuối năm phê duyệt danh sách danh hiệu thi đua, không thấy tên đồng chí K, kể cả danh hiệu có mức thưởng thấp nhất. Gặp chị K, tôi nói, cảm ơn chị và chúc mừng chị đã không nhận bất cứ danh hiệu thi đua nào. Chị ngạc nhiên hỏi, anh biết à, ai nói thế? Tôi trả lời, duyệt các danh hiệu thi đua thì biết thôi. Chị càng ngạc nhiên nói, em không hiểu. Tôi nói: “Không phải ai mách đâu, dăm tháng trước, anh Cao tâm sự với tôi và đề xuất phương án gặp chị nói như thế nào, tôi ủng hộ, hoan nghênh cách xử lý của anh ấy. Đơn giản thế thôi”. Chị cảm động cảm ơn, nói thế mà anh im lặng, gặp em hàng ngày, anh chẳng nhắc nhở gì, em mừng tưởng anh không biết chuyện, hóa ra anh là người trong cuộc xử lý à. Tôi: “Em mừng, do anh không biết? Anh nhắc nhở em, em mừng không hay em chỉ có lo thôi. Đúng không”? Chị trả lời: “Đúng anh à, cảm ơn anh. Hóa ra các anh là thế, em hứa sẽ không phụ các anh, không phụ trường”. Tôi mừng và xúc động: “Cảm ơn chị, thực ra chị hứa thế trước hết không phụ chính mình đấy”.
Ôi, nay anh Trần Trọng Cao, một người Anh, người bạn tâm giao của tôi, một cộng sự tin cậy của chúng tôi không còn nữa! Trái tim một thương binh bình dị, một nhà giáo tâm huyết, một cán bộ quản lý trung thực, liêm chính của game đánh chắn online đổi thưởng Hà Nội đã ngừng đập lúc 69 tuổi đời và 49 năm tuổi Đảng.
Tiếc thương Anh, một con người tử tế, một thương binh tự trọng, một nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm hết mực với nghề, với trò, một con người giản dị, bình thường mà sống bằng nghị lực phi thường. Trong Trường, trong Hội Cựu chiến binh Trường, ai cũng biết thách thức cuộc đời dồn ép Anh nghiệt ngã quá. Anh bị mất một chân do bom Mỹ trên đường 20 Quyết Thắng trên dãy Trường Sơn. Thầy cô có đi qua chốn này, trừ vài đồng đội, dễ mấy ai biết, nơi ấy đã từng thấm máu thầy Cao của chúng ta. Anh đã gắng học thi đỗ vào Khoa Hóa Tổng hợp, gắng tập luyện trong hội người khuyết tật, đã giành nhiều huy chương các cuộc thi quốc gia, quốc tế dành cho người khuyết tật. Anh đã từng chinh phục Vạn lý Trường thành và tham gia giải Marathon ở Mỹ. Một lần đi câu cá, gặp mưa, trên đường về thì bị sét đánh, anh bị bỏng nặng. May số cao nên bom đạn, giời cao chẳng làm gì Anh được. Khát vọng sống của anh thật phi thường! Duy, sau bị bệnh hiểm nghèo, gặp Anh cùng nằm Việt Xô, thấy Anh bình tĩnh, kiên trì và hài hước chiến đấu với ung thư, với khắc nghiệt đau đớn sau bao lần phẫu thuật đại tràng, trực tràng, xạ trị. Vẫn cười vui tại phòng bệnh, Anh còn giảng cho tôi nghe về gan - một trái tim thứ hai của con người - như một cán bộ ngành Y vậy. Sức kiệt dần, nay Anh phải ra đi. Sinh tử là qui luật rồi, con người từ chốn hư vô đến tạm trú chốn vô thường bể dâu, nghiệt ngã; để rồi lại trở về chốn hư vô. Với Anh, bao nghiệt ngã chốn vô thường thách đố, “hành” Anh, nhưng Anh đã phi thường sống trọn tiết một lần làm Người giữa nhân gian, như chúng ta đã chứng kiến. Anh - một con người bình thường nhưng sống và hành động rất phi thường.
Thưa hương hồn anh Trần Trọng Cao, Anh đi nhé! Vĩnh biệt Anh ! Cầu mong Anh siêu thoát chốn Niết bàn đất Phật. Tiếc thương Anh, xin cúi đầu tiễn anh đi. Lòng tôi đang khóc, mắt nhòa khi viết dòng này, người bạn yêu quí của chúng tôi ơi!
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn