Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Các đề tài cấp trường nghiệm thu trong quý III/2008

Thứ tư - 08/10/2008 20:35

Trong quý III/2008, có 06 đề tài sau đã được nghiệm thu.

Trong quý III/2008, có 06 đề tài sau đã được nghiệm thu.

1. Đề tài “Hiện đại hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho các phòng tư liệu của các khoa và bộ môn trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN”

- Chủ trì: ThS. Đỗ Văn Hùng (Khoa Thông tin - Thư viện)

- Nội dung chính của đề tài:

+ Chương I: Tổng quan về hiện đại hoá hoạt động thông tin thư viện

Trình bày cơ sở và nội dung của hoạt động hiện đại hoá trong ngành thông tin thư viện cũng như những yêu cầu khi thực hiện hoạt động hiện đại hoá.

+ Chương II: Khái quát thực trạng các kho tư liệu

Khảo sát tình hình hoạt động, hiện trạng cơ sở vật chất, nguồn tài liệu của các phòng tư tiệu.

+ Chương III: Đề xuất nội dung hiện đại hoá cho các phòng tư liệu

Gồm các nội dung: cách thức tổ chức kho tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hoạt động phục vụ bạn đọc.

+ Chương IV: Tổ chức thực hiện xây dựng kho tư liệu

Đề xuất các bước thực hiện hoạt động hiện đại hoá cho các phòng tư liệu, thành lập ban quản lý, tổ chức thực hiện và phương pháp đánh giá thẩm định kết quả thực hiện.

2. Đề tài “Tìm hiểu công tác tổ chức kho mở tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội”

- Chủ trì: ThS. Đồng Đức Hùng (Khoa Thông tin - Thư viện)

- Nội dung chính của đề tài:

+ Nghiên cứu các hình thức tổ chức kho tài liệu trong các cơ quan thông tin - thư viện, trong đó đi sâu nghiên cứu hình thức tổ chức kho tài liệu theo hình thức phục vụ (bao gồm kho đóng và kho mở). So sánh hiệu quả phục vụ người dùng tin của hai hình thức kho đóng và kho mở.

+ Giới thiệu khái quát về Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐHQGHN, nêu bật đặc điểm vốn tài liệu và đặc điểm người dùng tin tại Trung tâm, trên cơ sở đó đưa ra những hình thức tổ chức kho phù hợp.

+ Tìm hiểu thực trạng tổ chức kho mở của Trung tâm từ khi thành lập đến nay.

+ Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức kho mở tại Trung tâm.

3. Đề tài “Bước đầu tìm hiểu hoạt động giáo dục đào tạo Hà Nội giai đoạn 1995-2005”

- Chủ trì: ThS. Nguyễn Thị Hoài Phương (Khoa Lịch sử)

- Nội dung chính của đề tài:

Đề tài khái quát về hoạt động giáo dục và đào tạo của Hà Nội trong giai đoạn 10 năm (từ 1995 đến 2005) theo các khía cạnh:

+ Giáo dục đào tạo Hà Nội theo các cấp: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.

+ Giáo dục đào tạo Hà Nội theo khu vực: khu vực các quận nội thành, khu vực các huyện ngoại thành.

Từ nghiên cứu về giáo dục đào tạo của Hà Nội giai đoạn 1995-2005, đề tài bước đầu chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của giáo dục đào tạo Hà Nội, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng và phát triển hoạt động giáo dục đào tạo của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Dựa vào kết quả thống kê của Cục Thống kê, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, đề tài đã xây dựng các bảng thống kê, bảng biểu để làm rõ những thay đổi của giáo dục Hà Nội về số lượng một cách khách quan nhất. Bên cạnh đó, những nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động giáo dục đào tạo Hà Nội về chất lượng, nội dung dạy và học, về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... sẽ chỉ ra những biến đổi của giáo dục đào tạo về chất lượng.

4. Đề tài “Nghiên cứu một số tổ chức quốc tế xuất hiện trong và sau thời kỳ chiến tranh lạnh”

- Chủ trì: ThS. Nguyễn Văn Thiện (Khoa Triết học)

- Nội dung chính của đề tài:

Mục tiêu và nhiệm vụ chính của đề tài là tìm hiểu, sưu tầm và hệ thống một số tổ chức quốc tế được hình thành trong và sau thời kỳ chiến tranh lanh, đặc biệt là các tổ chức có Việt Nam tham gia. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các tài liệu hiện có, đề tài giới thiệu khái quát quá trình ra đời và phát triển, cơ cấu, chức năng của gần 100 tổ chức mang tính quốc tế và khu vực hiện nay đang hoạt động. Đề tài cố gắng giới thiệu các tổ chức của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội đến các tổ chức thể dục thể thao, văn hoá, khoa học. Trong đó, đề tài đặc biệt chú ý tới việc lựa chọn các tổ chức có quan hệ trực tiếp với Việt Nam và đưa ra những số liệu cụ thể thể hiện mối quan hệ hợp tác.

5. Đề tài “Tìm hiểu hoạt động tạo từ của các yếu tố vay mượn Hán trong tiếng Việt trên tư liệu khảo sát từ các từ điển: Đại Nam quốc âm tự vị, Hán Việt từ điển và Từ điển tiếng Việt”

- Chủ trì: Hà Thị Tuệ Thành, Khoa Ngôn ngữ học

- Nội dung chính của đề tài:

Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu hoạt động tạo từ của yếu tố mượn Hán góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành từ mới trong tiếng Việt. Trong đó, đề tài chú trọng đến hoạt động tạo từ của các yếu tố gốc Hán phi Hán Việt (bao gồm yếu tố cổ Hán Việt, Hán Việt Việt hoá và yếu tố gốc Hán mô phỏng âm đọc của một phương ngữ tiếng Hán). Đối với nhóm yếu tố Hán Việt, đề tài chủ yếu nghiên cứu chức năng tạo từ của các hình vị hư. Hư tự (hình vị hư) là những yếu tố có số lượng nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong Hán văn. Tần số hư từ xuất hiện trong Hán văn rất lớn. Tuy nhiên, số lượng hư từ du nhập vào tiếng Việt lại không nhiều vì đây là các đơn vị thuần túy ngữ pháp, người Việt không dễ dàng hiểu được. Dựa vào danh sách 64 hư tự cơ bản trong Hán văn của Lê Thước, đề tài tiến hành thống kê các hư tự Hán có du nhập vào tiếng Việt trong Đại Nam quốc âm tự vị và Từ điển tiếng Việt. Qua so sánh số liệu thu được từ hai cuốn từ điển, nhận xét về sự chuyển biến trong vai trò cấu tạo từ của các hình vị hư nói trên.

6. Đề tài “Tìm hiểu hệ thống thương mại trên sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII qua nguồn tư liệu phương Tây”

- Chủ trì: NCS. Đỗ Thị Thùy Lan (Khoa Lịch sử)

- Nội dung chính của đề tài:

Đề tài tập trung vào phân tích và lý giải các vấn đề:

+ Sông Đàng Ngoài và sự hình thành Hệ thống thương mại Đàng Ngoài với 3 trung tâm: Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến và Domeca;

+ Hệ thống cảng biển Domea - Batsha trong vùng cửa sông Đàng Ngoài;

+ Phố Hiến trong hệ thống Thương mại Đàng Ngoài.

Sông Đàng Ngoài là tuyến giao thương thủy quan trọng nhất của người châu Âu tại Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII-XVIII. Trên thực tế, Sông Đàng Ngoài trong mắt người châu Âu, chính là một phức hợp gồm nhiều con sông khác nhau của châu thổ Bắc Bộ Việt Nam: sông Hồng từ Thăng Long đến Hưng Yên, Sông Luộc và các chi hạ lưu sông Thái Bình; cửa Sông Đàng Ngoài là cửa sông Thái Bình thuộc Hải Phòng ngay nay. Đến thế kỷ XXII, với những điều kiện nội, ngoại sinh, dọc con sông này đã hình thành nên một hệ thống ba cảng thị liên hoàn Kẻ Chợ-Phố Hiến-Domeca, mà các nhà khoa học thường coi đó là Hệ thống Thương mại Đàng Ngoài, dòng chủ lưu của ngoại thương Bắc Bộ Việt Nam trong các thế kỷ XVII-XVIII.

Phố Hiến đóng vai trò là một địa điểm thương mại thứ hai của Đàng Ngoài, mang trong mình cả chức năng kinh tế và hành chính - chính trị. Về mặt kinh tế, đây là đô thị tập trung nhiều thương nhân ngoại quốc, đặc biệt là người Hoa, và những thương điếm châu Âu, cho dù thời gian tồn tài của các thương điếm không lâu dài và ông định. Cùng với đó, Phố Hiến cũng là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động buôn bán, trao đổi giữa những thương nhân Việt, Hoa, Nhật, Đông Nam Á (Xiêm, Mã Lai, Philippin), Hà Lan, Anh... Về mặt hành chính - chính trị, Phố Hiến có chức năng tuần ty, kiểm soát mọi ghe thuyền xuôi ngược Kẻ Chợ-Vịnh Bắc Bộ, là giang cảng án ngữ mọi tuyến đường thủy từ Biển Đông vào Thăng Long.

Domeca nói riêng và cả hệ thống Domeca - Batsha nói chung đóng vai trò như một trạm hải quan cửa biển, hay một cảng cửa khẩu, của Đàng Ngoài, nơi các tàu thuyền ngoại quốc, đặc biệt là của châu Âu, neo đậu, bốc dỡ hàng hoá và chịu sự kiểm tra, khai báo với triều đình Lê - Trịnh.

Hệ thống thương mại Đàng Ngoài đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Đại Việt trong thế kỷ XVII-XVIII.

Tác giả: thanhha

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây