Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Ba mùa xuân với sự sinh tồn của Đảng

Thứ bảy - 01/02/2020 05:51
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử đấu tranh gian lao, trải qua nhiều chặng đường cực kỳ gian khổ và thắng lợi vẻ vang. Qua mỗi mùa đông ác liệt, Đảng càng thêm vững mạnh và trưởng thành, đưa toàn dân tộc anh dũng tiến lên dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm nên mùa Xuân Đất nước. Đảng với mùa Xuân, mùa Xuân với Đảng đã trở thành bản trường ca hùng tráng nhất, vang lên mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhưng sâu đậm nhất là ba mùa Xuân gắn với sự sinh tồn của Đảng: mùa Xuân năm 1930 - Đảng ra đời, mùa Xuân 1935 - Đảng phục hồi sau những năm thử thách khắc nghiệt, và mùa Xuân 1951 - Đảng ra hoạt động công khai, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, cả dân tộc Việt Nam đã thành công trong sự nghiệp trồng cây độc lập, kết quả tự do, và “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Ba mùa xuân với sự sinh tồn của Đảng
Ba mùa xuân với sự sinh tồn của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Mùa Xuân dựng Đảng năm 1930

Khi các quốc gia tư bản chủ nghĩa phương Tây chuyển nhanh từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền, thì Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia phương Đông vẫn còn chìm trong bóng tối của đêm trường trung cổ và trở thành đối tượng bị chinh phục.

Giữa thế kỷ XIX, bóng mây đen của chủ nghĩa thực dân ầm ầm kéo tới bao phủ bầu trời nước Việt Nam. Những phát đại bác của đế quốc Pháp nổ ở Đà Nẵng năm 1858 báo hiệu một mùa đông ác liệt. Gần 30 năm sau, vua quan nhà Nguyễn “để cho đế quốc Pháp đạp trên đầu”, buộc phải ký các hàng ước Harmand (1883) và Patenotre (1884), cáo chung cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp địa chủ phong kiến, làm cho “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”[1].

Sự thống trị, áp bức và bóc lột dân tộc càng tăng thì mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa đế quốc càng sâu sắc, sự phản kháng và đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc càng phát triển mạnh, gay gắt về tính chất, đa dạng về nội dung và hình thức. “Người trước ngã, người sau đứng dậy”, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra liên tục và anh dũng, nhưng đều bị đế quốc Pháp dìm trong biển máu.

Thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến  trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc. Đầu thế kỷ XX, tiếp thu ánh sáng tư tưởng tư sản, nhiều chí sĩ xả mình cứu nước, nhưng cũng chẳng thành. Đất nước lâm vào “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”.

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công “như tiếng sấm báo hiệu mùa Xuân”, giải phóng các dân tộc thuộc địa trong đế quốc Nga, mở ra trước mắt các dân tộc bị áp bức "thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc"[2].

Hướng theo tiếng súng của cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đến với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người thấy “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng”, và khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng cho chúng ta”[3]. Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của nước Việt Nam thuộc địa, xây dựng một lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, rồi truyền bá vào Việt Nam, tích cực chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Vượt qua lưới thép của kẻ thù, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đến với nhân dân Việt Nam và được những người Việt Nam yêu nước tiếp thu như một ánh sáng chân lý của chính mình, “giống như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”, làm dấy lên một trào lưu cách mạng mới.

Đến năm 1929, phong trào yêu nước chống Pháp và phong trào công nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất và một đường lối chính trị đúng đắn của một đảng cách mạng. Yêu cầu khách quan đó tác động vào các tổ chức tiền cộng sản, dẫn đến cuộc đấu tranh nội bộ và sự phân hoá tích cực trong các tổ chức này, hình thành nên ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đầu năm 1930, "với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương", Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập "đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam)"[4] và chủ trì Hội nghị hợp nhất đảng tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc ở Việt Nam trong thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam sục sôi trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Mùa Xuân 1930 - mùa Xuân dựng Đảng, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX, đưa cách mạng Việt Nam bước lên một con đường mới - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. "Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng"[5]. Kể từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Ngay từ ngày mới thành lập, "Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế phản phong"[6].

2. Mùa Xuân 1935, Đảng phục hồi

Vừa mới ra đời, đảm nhận sứ mệnh độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã qui tụ lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc, bước ngay vào một cuộc thử thách toàn diện với kẻ thù đế quốc trong cao trào cách mạng từ đầu năm 1930, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong đó nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ tinh thần chiến đấu hi sinh oanh liệt và năng lực cách mạng sáng tạo. 

Sức mạnh của quần chúng và uy tín của Đảng Cộng sản ngày một lên cao, làm cho “đế quốc biết rằng Đảng Cộng sản là địch nhân lợi hại nhất của chúng, rằng phải phá hoại Đảng Cộng sản thì mới phá hoại được phong trào cách mạng”, vì vậy, từ cuối năm 1930, chúng tập trung đại lực “để ngăn trở làn sóng cách mạng và trước hết là quyết trừ diệt Đảng Cộng sản cảm dũng của chúng ta. Mật thám Đông Dương tăng lên gấp mấy; quân đội lê dương đồn đóng khắp nơi; hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tấn khảo trong ngục thất, bị đày chung thân, bị rơi đầu trên máy chém”, biến Đông Dương thành “một chiến địa đầy xương máu của công nông binh”[7].

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ đầu năm 1931, sự khủng bố của kẻ thù ngày càng dữ dội. Toàn bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng bị bắt, không còn lại một uỷ viên Trung ương nào[8]. Các xứ ủy, tỉnh ủy đều bị phá vỡ. Tháng 4-1931, tại Sài Gòn, Tổng bí thư Trần Phú sa vào tay giặc. Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Anh bắt giam trái phép tại Hồng Kông.

Cách mạng bị tổn thất nặng nề và bước vào những năm đấu tranh cực kỳ gian khổ. Đó là một thử thách khắc nghiệt đối với Đảng Cộng sản, đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh và ý chí chiến đấu để tiếp tục giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.

Trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù, khi phong trào cách mạng gặp khó khăn, sự dao động về lập trường tư tưởng là điều không sao tránh khỏi trong một số ít người, "còn thì giai tầng nào mặc dầu, nhưng đa số đồng chí hết sức trung thành, hiến thân cho Đảng đến giọt máu cuối cùng"[9].

Lúc gian nguy, Đảng vẫn kiên trì đường lối cách mạng và giữ vững niềm tin thắng lợi: “trong trường giai cấp tranh đấu, việc thắng bại tạm thời là thường sự, mà chính nhờ đó mà quần chúng học đòi kinh nghiệm, chớ còn phần thắng lợi cuối cùng thời đã cầm chắc trong tay[10].

 Qua 4 năm đối đầu quyết liệt với khủng bố tàn khốc của thực dân Pháp và tay sai, Đảng vẫn tồn tại và nhanh chóng được khôi phục. Bản lĩnh chính trị của Đảng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất và khí tiết cộng sản, ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên và tinh thần cách mạng của quần chúng đã thể hiện sáng ngời trong trận thử thách quyết liệt này.

Các đồng chí tự vệ Đỏ thuộc chiến khu Hỏa Quân và Đông Sở trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (Ảnh Tư liệu BTLSQSVN)

Trong nhà tù đế quốc, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua"[11].

Những đảng viên không bị bắt và những người tù ngắn hạn ra đã bí mật hoạt động, chắp nối lại cơ sở đảng và cơ sở quần chúng, từng bước đưa quần chúng ra đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày.

Nhờ sự cố gắng phi thường của Đảng, được sự giúp đỡ quốc tế, đến cuối năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng quần chúng được khôi phục. Cuộc khủng bố trắng của kẻ thù không thể phá nổi trận địa cách mạng của Đảng đã được xây dựng từ mùa Xuân năm 1930. Ngược lại, Đảng vẫn đứng vững, cơ sở đảng và cơ sở chính trị quần chúng vẫn tồn tại cũng như mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng luôn luôn được duy trì. Trải qua cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù, Đảng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng được rèn luyện và sàng lọc.

Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đề ra những nhiệm vụ đấu tranh trước mắt, thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động quần chúng, Điều lệ Đảng và điều lệ của các tổ chức quần chúng.

Mùa Xuân 1935, đánh dấu sự phục hồi của Đảng. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí chiến đấu kiên cường, không những Đảng đã anh dũng vượt qua khó khăn thử thách, giành thắng lợi căn bản trong cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở đến Trung ương, mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới, đưa cả dân tộc tiếp tục tiến lên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít qua cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào trực tiếp vận động cứu nước 1939-1945, giành thắng trong Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3. Mùa Xuân 1951, Đảng ra hoạt động công khai

Đất nước vừa độc lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây và chống phá quyết liệt. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tổ quốc lâm nguy.

Mùa Đông năm 1945, để gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù, Đảng rút vào hoạt động bí mật với tuyên bố “tự giải tán” (11-11-1945). Đảng đã tỉnh táo phân tích tình hình, xác định chủ trương và giải pháp; kiên trì lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vượt qua những thử thách hiểm nghèo, củng cố và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám, chuẩn bị thực lực và chủ động đưa toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[12].

Mùa đông 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ với thắng lợi mở đầu của cuộc chiến đấu trong các thành phố. Trong so sánh lực lượng về kinh tế và quân sự chưa có lợi cho nhân dân Việt Nam, lại trong bối cảnh bị bao vây quốc tế, Đảng lãnh đạo quân và dân ta anh dũng triển khai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, với niềm tin “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Mùa đông 1947, quân và dân ta phá tan cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Mùa đông 1950, lần đầu tiên bộ đội chủ lực ta mở cuộc tiến công quy mô lớn vào hệ thống chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông tuyến biên giới Việt - Trung, làm cho cuộc kháng chiến thoát khỏi tình thế bị bao vây cô lập, giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.

“Sau 4 năm kháng chiến toàn quốc, ta đã từ bị động chuyển sang chủ động, từ thế yếu chuyển sang thế mạnh”[13]. Hậu phương kháng chiến được xây dựng và củng cố. Chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh qua thực tiễn điều hành sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Lực lượng vũ trang nhân dân với hình thức tổ chức ba thứ quân trưởng thành, có sự bố trí hợp lý trên các chiến trường, làm nòng cốt để đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường trong lò lửa kháng chiến toàn dân.

Tình hình quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX có nhiều biến đổi. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được mở rộng và nối liền từ Tây sang Đông. Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1946-1950) và bắt tay vào thực hiện những kế hoạch kinh tế xã hội dài hạn. Cách mạng Trung Quốc thành công (10-1949), có ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng ở các nước trong khu vực. Trong xu thế tiến công, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa dâng lên mạnh mẽ khắp nơi. Phong trào đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng phát triển ngay tại các nước tư bản chủ nghĩa. Đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Pháp bị thất bại ngày càng nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, kinh tế nước Pháp suy thoái, phải nhận viện trợ Mỹ và lệ thuộc Mỹ, ảnh hưởng không lợi đến chủ quyền nước Pháp.

Mỹ triển khai mạnh mẽ chiến lược toàn cầu phản cách mạng mà trọng tâm là châu Âu. Bằng việc thực hiện chiến lược "trả đũa ồ ạt", mục tiêu của Mỹ là đẩy lui chủ nghĩa cộng sản. Sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc làm Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khu vực châu Á. Sau thất bại của Trung Hoa Quốc dân đảng trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949), Mỹ đưa quân vào Triều Tiên (1950-1953), đồng thời can thiệp ngày càng sâu vào Đông Dương, đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào quỹ đạo chiến lược "chiến tranh lạnh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951.(Ảnh tư liệu BTLSQG)

Trật tự thế giới Ianta tiếp tục chi phối quan hệ quốc tế và có ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt Nam. Trong khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thì Mỹ, Anh và một số nước khác công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe, mà theo cách diễn đạt của tướng Pháp Ivơ Gơra (Yves Gras) thì nó "lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây"[14]. Và theo Cựu sỹ quan tình báo Mỹ A. Patti (Archimedes L.A. Patti) thì "Nó đã được quốc tế hoá và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ"[15].

Những biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế đòi hỏi Đảng phải bổ sung và phát triển đường lối cách mạng và chính sách đối ngoại. Trong điều kiện lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi”[16]. Đảng phải mở rộng việc phát triển đội ngũ để đủ sức lãnh đạo toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và gây mầm mống cho chủ nghĩa xã hội về sau. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề đó, bản thân Đảng phải vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều lệ của Đảng phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Cơ quan lãnh đạo của Đảng cần được kiện toàn hơn.

Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng đoàn kết chống kẻ thù chung, và trong thực tế đã hình thành một liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong quá trình cách mạng và kháng chiến. Đông Dương là một chiến trường, nhưng ở mỗi nước cũng có những đặc điểm riêng. Từ tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước ở Đông Dương, thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất. Đến lúc này, trong điều kiện lịch sử mới, cần thành lập ở mỗi nước một đảng cách mạng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với hoàn cảnh mỗi nước.

Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập tại Tuyên Quang. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng tổ chức ở trong nước.

Theo sáng kiến của những người cộng sản Việt Nam, được những người cộng sản Lào và Campuchia nhất trí tán thành, Đại hội quyết định: do nhu cầu kháng chiến, giai cấp công nhân và nhân dân mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một đảng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”[17]. Đảng lao động Việt Nam phải là “một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.

Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Đại hội thông qua xác định rằng: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội..., cách mạng Việt Nam không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội”. “Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội”[18].

Đại hội lần thứ II của Đảng là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của đất nước, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng về mọi mặt. Đại hội đã tổng kết một bước quan trọng lý luận cách mạng Việt Nam, xác định đường lối tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội; công khai tuyên bố Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, một bộ phận của phe dân chủ trên thế giới. Đường lối đúng đắn mà Đại hội đề ra chính là sự bổ sung, phát triển Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được Hội nghị thành lập Đảng thông qua từ mùa Xuân 1930. Đó là “đại hội đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam”.

Mùa Xuân 1951, Đảng ra hoạt động công khai. Từ đây, Đảng ngày càng vững mạnh và trưởng thành, dày dạn trong đấu tranh, lãnh đạo toàn dân tộc tiến lên, đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.


Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 262.

[2] Hồ CHí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr. 563.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr. 127.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t2, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1998, tr. 19.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập10, sđd. tr.8.

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập10, sđd. tr.3.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t4, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1999, tr. 5.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t6, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 332.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t6, sđd, tr. 332.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T4, sđd, tr. 11.

[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr. 4.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 480.

[13] Hồ Chí Minh. Toàn tập,  tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr. 135.

[14] Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb Plon, Paris, 1979, bản dịch lưu Thư viện Quân đôi, tr. 610.

[15] Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 770.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, sđd, tr. 37.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, sđd, tr. 37.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, sđd, tr. 434-435.

Tác giả: PGS.TS Vũ Quang Hiển

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây