Ưu đãi nào dành cho cán bộ KHXHNV?
admin
2010-06-08T10:42:38-04:00
2010-06-08T10:42:38-04:00
//2dzanga.com/vi/news/tin-hoat-dong/2222-autosave-6635.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
game đánh chắn online đổi thưởng
- ĐHQGHN
//2dzanga.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ ba - 08/06/2010 10:42
Ngày 04/6/2010, Bộ Nội vụ và Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm “Thực trạng đội ngũ cán bộ KHXHNV và chính sách trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh cán bộ KHXHNV”. Nhiều nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực KHXHNV của Trường đã tham dự toạ đàm.
Ngày 04/6/2010, Bộ Nội vụ và Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm “Thực trạng đội ngũ cán bộ KHXHNV và chính sách trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh cán bộ KHXHNV”. Nhiều nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực KHXHNV của Trường đã tham dự toạ đàm.
KHXHNV: quan trọng nhưng có nhiều cái... khó
Các ý kiến phát biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của các ngành KHXHNV hiện nay nhưng cũng chỉ ra nhiều cái khó đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến đội ngũ các nhà khoa học KHNV đang còn chịu nhiều thiệt thòi.
GS.TS Lê Chí Quế (Khoa Văn học) phát biểu: Ngành Văn học hiện chỉ có 06 GS trong cả nước. Điều đó phản ánh một thực trạng là đội ngũ trí thức bậc cao ngành XHNV ít và phát triển chậm, trong khi các ngành khác như KHTN, KHCN có thể có những người được phong GS khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Lí giải cho điều này, GS. Lê Chí Quế cho rằng: không phải là do các cán bộ khoa học của ngành XHNV “lười” mà nguyên nhân đến từ những thù riêng của ngành học này. Trong KHTN, cá nhân có thể dựa vào sự thông minh, tài năng, loé sáng đặc biệt của mình để tạo ra những công trình khoa học lớn khi còn trẻ, còn đối với KHXHNV, một cá nhân muốn trở thành cán bộ đầu đàn phải có thời gian tích luỹ, trải nghiệm cộng với kiến thức được đào tạo đến một độ chín nhất định mới có khả năng tạo ra những công trình nghiên cứu lớn. GS. Lê Chí Quế cũng chia sẻ rằng: với KHXHNV, để thu thập được số liệu nghiên cứu phải mất rất nhiều công sức đi thực địa, trong khi kinh phí dành cho nghiên cứu KHXHNV thường thấp. Do đó, nếu muốn ra nước ngoài để nghiên cứu lấy số liệu thì lại càng khó hơn.
GS.TS Đinh Văn Đức (Khoa Ngôn ngữ học) lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của KHXHNV như một khoa học gắn với sự ra đời các chính sách, quyết sách lớn của nhà nước, gắn với đời sống chính trị và sự tồn vong của chế độ xã hội. Do đó các nhà nghiên cứu KHXHNV cần được sự quan tâm hỗ trợ, động viên, tôn vinh đặc biệt của Nhà nước. Đánh giá một cách khách quan, GS. Đinh Văn Đức cho rằng các nhà khoa học của chúng ta đều là những con người yêu nghề, dám xả thân vì nghề nghiệp, có lòng yêu nước và hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Song do hoàn cảnh lịch sử để lại trước đây mà họ đều là những người tự học mà thành tài và ít có cơ hội được đào tạo ở nước ngoài hoặc trao đổi học thuật với các đồng nghiệp quốc tế.
Đề cập đến chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức KHXHNV, GS.TS Đinh Văn Đức cho rằng: Tuy đã có những quan điểm và chính sách vĩ mô thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của đội ngũ này song dường như những chính sách ấy vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Điều đó thể hiện qua chế độ lương, phụ cấp còn chưa hợp lí, chưa động viên được tinh thần làm việc của các nhà khoa học. Những chính sách về đãi ngộ, các điều kiện về việc học tập, nghiên cứu chưa thật sự khuyến khích được tinh thần nhiệt tình cống hiến của họ. Có những chính sách đã thực thi quá lâu không còn hợp lí nữa nhưng vẫn được duy trì, có những chính sách mới ra đời tưởng là tốt hơn nhưng thực tế lại không.
Góp một tiếng nói đồng tình, GS.TS Trần Trí Dõi (Khoa Ngôn ngữ học) cho rằng KHXHNV Việt Nam đã và đang thể hiện được vai trò, chức năng quan trọng của mình trong việc bảo vệ và duy trì chế độ xã hội hiện tại. Nhà nước cần quan tâm hơn đến đội ngũ trí thức này, đặc biệt là những giáo sư, những nhà khoa học đầu ngành. Hiện nay, với thu nhập theo bậc lương nhà nước, một giáo sư khó có khả năng tự bỏ tiền túi đi ra nước ngoài trao đổi học thuật, trong khi hỗ trợ của Nhà nước không đáng kể. Ở nước ngoài, các giáo sư hàng đầu có phòng làm việc riêng, có 02 trợ lí riêng và có mức lương khiến họ yên tâm nghiên cứu khoa học và cống hiến. Trong khi đó, các giáo sư ở Việt Nam có mức lương thấp, không có phòng làm việc riêng, không có trợ cấp đi lại, không có hỗ trợ nghiên cứu khoa học... Những điều này phải được giải quyết bằng những chính sách cụ thể của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không chỉ đơn giản là nhiệm vụ của các trường đại học.
Để không chỉ là chuyện... “nói cho vui”!
Những người trí thức, nhất là trong lĩnh vực KHXHNV, ngoài việc lao động để kiếm tiền nuôi bản thân thì khát vọng lớn lao hơn của họ là được cống hiến cho xã hội, giúp thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Và do đó, cách đãi ngộ và tôn vinh họ hiệu quả nhất là lắng nghe họ nói và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ nghiên cứu, làm việc. Đó là ý kiến của PGS. Bùi Thanh Quất (Bộ môn Khoa học Chính trị). Ý kiến này đã được rất nhiều đại biểu tán thành.
Đi sâu vào những chính sách vi mô, GS. Lê Chí Quế cho rằng do đội ngũ cán bộ trình độ cao ít, phát triển chậm nên Nhà nước cần kéo dài độ tuổi phục vụ của những cán bộ hàng đầu (như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học) đến 70 tuổi, thay vì 65 tuổi như hiện tại. Bởi ở tuổi đó, nhiều nhà khoa học vẫn còn sức khoẻ và tư duy tốt, hơn nữa ở họ còn có sự tích luỹ kiến thức đạt đến độ uyên bác, hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội. Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, nhất thiết Nhà nước phải đưa đi đào tạo ở nước ngoài nhiều hơn để họ được cập nhật kịp thời với các thông tin khoa học, các trào lưu nghiên cứu mới trên thế giới. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án nghiên cứu trong lĩnh vực KHXHNV cần có những ưu tiên nhất định về kinh phí và điều kiện hỗ trợ khác.
GS. Trần Trí Dõi thì cho rằng các chuyên gia đầu ngành cần được hỗ trợ kinh phí định kì hàng năm cho việc ra nước ngoài trao đổi học thuật và thực hiện các dự án nghiên cứu. Những kinh phí này phải thoả đáng và tránh bị quy định bởi quá nhiều nguyên tắc tài chính phức tạp.
Đại diện nữ duy nhất trong buổi toạ đàm - PGS.TS Lê Thị Quý - một chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng về giới và gia đình, đóng góp một ý kiến bênh vực cho nữ trí thức ngành KHKXHNV. Bà cho biết: Nữ trí thức vốn số lượng ít, lại thiệt thòi khi phải cáng đáng vai trò làm chủ gia đình, sinh con đẻ cái nên không có điều kiện được đào tạo liên tục như nam giới. Mặt khác, độ tuổi về hưu của họ lại sớm hơn nam giới trong khi khả năng nghiên cứu phục vụ xã hội của họ vẫn còn. Nên chăng, do đặc thù riêng như vậy, Nhà nước nên kéo dài tuổi làm việc của nữ trí thức bằng nam giới để không khỏi lãng phí chất xám cũng như công sức, thời gian đào tạo của họ?
Khép lại buổi toạ đàm với nhiều ý kiến tâm huyết, các đại biểu tham dự gửi đến các cơ quan đại diện của Nhà nước mong muốn: những chính sách đãi ngộ, trọng dụng dành cho trí thức KHXHNV sẽ sớm được thực hiện và thật sự phát huy được hiệu quả của nó trong cuộc sống; để những ý kiến phát biểu, những trăn trở của các nhà khoa học tại buổi toạ đàm hôm nay không phải là một câu chuyện “nói cho vui” xong rồi... để đấy.