Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Giải pháp nào cho đổi mới quản lí giáo dục đại học?

Thứ tư - 12/05/2010 00:08
Hội nghị thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 của Trường ĐHKHXH&NV diễn ra ngày 08/5/2010. Hội nghị đã thu nhận được nhiều ý kiến có giá trị và thật sự tâm huyết của nhiều nhà giáo và cán bộ quản lí xung quanh vấn đề đổi mới quản lí tại Nhà trường cũng như góp ý cho Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Website Trường ĐHKHXH&NV lược trích một số ý kiến tại Hội nghị.
Giải pháp nào cho đổi mới quản lí giáo dục đại học?
Giải pháp nào cho đổi mới quản lí giáo dục đại học?
Hội nghị thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 của Trường ĐHKHXH&NV diễn ra ngày 08/5/2010. Hội nghị đã thu nhận được nhiều ý kiến có giá trị và thật sự tâm huyết của nhiều nhà giáo và cán bộ quản lí xung quanh vấn đề đổi mới quản lí tại Nhà trường cũng như góp ý cho Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Website Trường ĐHKHXH&NV lược trích một số ý kiến tại Hội nghị.

1. PGS.TS Đặng Xuân Kháng - Chủ tịch Công đoàn Trường: Đổi mới quản lí giáo dục là một trong những trọng tâm của công tác công đoàn năm 2010

Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV xác định việc đổi mới quản lí giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác công đoàn năm 2010. Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của công đoàn cấp trên và của Đảng uỷ Trường, Ban Thường vụ Công đoàn trường đang chỉ đạo soạn thảo Chương trình hành động của BCH công đoàn trường về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này, gồm một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức nghiên cứu, thảo luận sâu rộng trong đoàn viên công đoàn về “Làm thế nào để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo?”. Thường vụ Công đoàn sẽ tiến hành quán triệt trong đoàn viên, trước hết là đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp nâng cao nhận thức về đổi mới quản lí giáo dục đại học, tìm ra các giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hai là, công đoàn sẽ phối hợp với các bộ phận chức năng rà soát, chỉnh sửa hoặc ban hành các văn bản, các quy định mới của Nhà trường trong các lĩnh vực cho phù hợp với việc đổi mới công tác quản lí. Trong tháng 5 này, BCH Công đoàn sẽ tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Công đoàn với việc xây dựng văn hoá công sở trong Trường ĐHKHXH&NV”, trên cơ sở đó sẽ soạn thảo Quy định về việc xây dựng văn hoá công sở trong Trường ĐHKHXH&NV trình Thường vụ Đảng uỷ và Ban Giám hiệu sau khi đã lấy ý kiến đóng góp của các đoàn viên công đoàn. Ba là, công đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa vai trò và sự tham gia của mình trong việc đổi mới quản lí và triển khai công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ viên chức Nhà trường. Công đoàn sẽ tiến hành một cuộc toạ đảm về vấn đề này, trên cơ sở đó góp phần cùng Nhà trường xây dựng một cơ chế có hiệu quả nhất để nâng cao năng lực NCKH, góp phần vào việc nâng cao chất lượng toàn diện của Nhà trường.

2. PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử: Từ truyền thống giáo dục Thủ đô Hà Nội nghĩ đến nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay

Ngàn năm giáo dục Thăng Long - Hà Nội đã chỉ rõ: Niềm vinh quang tột đỉnh và làm nên bản sắc của giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội được thể hiện chủ yếu và kết tinh trong giáo dục đào tạo đại học – đào tạo cấp cao để rèn đúc tinh hoa trí tuệ. Tinh hoa của đại học Thăng Long - Hà Nội ở chỗ là đại học phải chịu trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc mình chứ không chỉ nhắm ở cái mức kết quả thực tiễn trong vòng mươi lăm năm trước mắt. Năng lực cạnh tranh, trách nhiệm và vai trò của giáo dục và đào tạo Thủ đô, trước hết và duy nhất phải thể hiện bằng chất lượng của sản phẩm đào tạo, cũng chính là nguồn lực lao động chứ không bằng bất kì một danh hiệu nào khác. Là động lực chính yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cùng với hệ thống đại học của cả nước, nền đào tạo đại học Thủ đô Hà Nội cần thiết phải: Một là, phát huy được cao nhất tiềm lực và sự năng động sáng tạo của hệ thống đào tạo đại học. Để làm được điều đó, mấu chốt là chúng ta phải mở rộng được quyền tự chủ trong đào tạo và mở rộng không gian học thuật trong đào tạo đại học. Hai là, phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Vai trò chủ chốt, quyết định đối với việc dạy và học có chất lượng của giáo dục đại học hiện đại vẫn là người thầy. Sứ mạng của Nhà trường, của người thầy là thông qua giáo dục đánh thức tiềm năng trong mỗi sinh viên, học viên, khơi dạy và phát triển những nội lực ấy. Xã hội có can đảm đặt lên vai người thầy sứ mạng trọng đại ấy thì phải làm hết trách nhiệm của mình để tạo điều kiện cho người thầy ấy thực hiện sứ mạng của mình. Điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh nữa ở đây là hiện nay các chính sách về tiền lương, các chế độ cho giáo viên nước ta còn rất chưa thoả đáng.
Xã hội hoá giáo dục chính là giải pháp quan trọng để hệ thống giáo dục nước ta tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới. – PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
Ba là, các trường đại học phải có trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm đầu ra. Điều này thể hiện ở việc chúng ta phải khách quan thẩm định chất lượng đầu ra của các trường, các ngành đào tạo, tiến tới thường xuyên đưa ra được các chỉ báo về: năng lực đáp ứng của trường, của ngành nghề đào tạo, của người được đào tạo; bất cập hay mâu thuẫn giữa số lượng tuyển sinh, đào tạo với thực tiễn kinh tế xã hội; những vướng mắt trong quá trình tìm việc làm của người được đào tạo, phản hồi của các cơ sở tiếp nhận nguồn lực lao động... Bốn là, thay cho việc duyệt những đề án mở thêm các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội, cần chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện 1, 2 trường trọng điểm đa ngành. Năng lực cụ thể và khả năng bùng nổ của đào tạo đại học không phải là tỉ lệ thuận với số lượng trường lớp như kiểu... pháo tép, pháo dây, mà bằng sức mạnh được hội tụ, kết tinh như sức mạnh của hạt nhân, mà điều này lại là bản chất, tinh hoa của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, là yêu cầu của thời đại hội nhập, toàn cầu hoá. Năm là, phải xã hội hoá giáo dục, thật sự coi giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Việc vận dụng và triển khai đúng xã hội hoá giáo dục là lời giải cho bài toán đánh thức và huy động trách nhiệm, tiềm năng trong hệ thống xã hội với sự nghiệp giáo dục. Thay vì chỉ duy trì hệ thống các trường công, Nhà nước phải tạo không gian xã hội, luật pháp, chính trị cho việc hình thành một khu vực giáo dục mà ở đấy ai cũng có quyền đóng góp vì sự nghiệp giáo dục và Nhà nước là thành phần quan trọng nhất. Xã hội hoá giáo dục chính là giải pháp quan trọng để hệ thống giáo dục nước ta tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới.

3. PGS.TS Nguyễn Chí Hoà - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo: Cần tiến hành thường xuyên và nghiêm túc việc đánh giá bài giảng của giảng viên

Chất lượng đào tạo phải trở thành lẽ sống, uy tín và danh dự của chính trường đại học. Quản lí trường đại học phải chuyển sang lấy quản lí chất lượng đại học làm cốt lõi. Trong đó, việc đánh giá bài giảng của giảng viên là một yêu cầu khách quan trong giảng dạy ở bậc đại học. Việc đánh giá bài giảng của giảng viên có hai lợi ích căn bản: một là, tạo diễn đàn công khai có tác dụng minh bạch hoá việc giảng dạy, là hình thức chế tài không chính thức để khen thưởng người có tài và phê bình người làm việc không tốt; hai là giúp khơi gợi một thái độ đúng đắn đối với kiến thức. Đây là hoạt động phổ biến và nhất thiết phải có ở các trường đại học nước ngoài, nhưng thực hiện điều này trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì đây không phải là một điều dễ dàng.

Tại Trường ĐHKHXH&NV, việc lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đã được thực hiện từ năm học 2007-2008 trong toàn trường. Chu trình được thực hiện gồm các bước: sinh viên trả lời theo bộ câu hỏi được soạn sẵn để đánh giá bài giảng và giảng viên; nhận và xử lí số liệu cho từng cá nhân giảng viên; đánh giá so sánh và xác định điểm trung bình chung cho toàn trường; chuyển kết quả cho hiệu trường, trưởng khoa và giảng viên; giảng viên căn cứ và kết quả đánh giá để cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy. Theo chu trình này thì nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên sẽ không ngừng được cải tiến để tốt hơn. Cũng căn cứ vào kết quả đánh giá này, Nhà trường có thể rút kinh nghiệm để đưa ra những kiến nghị chung cho toàn thể giảng viên trong trường, tìm phương hướng khắc phục những mặt còn yếu. Đào tạo tín chỉ giúp nâng cao vai trò của sinh viên, giúp họ trở thành trung tâm của nhà trường. Do vậy, việc lấy ý kiến sinh viên về chất lượng bài giảng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số điểm như: việc đánh giá không chỉ dựa vào những bảng hỏi mang tính định lượng mà cần để sinh viên cung cấp nhận xét mang tính định tính; việc đánh giá bài giảng sẽ trở nên vô nghĩa nếu người thầy không căn cứ vào kết quả mà cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy; cần có việc khen thưởng hay biểu dương đúng mức đối với những giảng viên hoàn thành tốt công việc giảng dạy của mình, nhận được sự tín nhiệm của đông đảo sinh viên... 4. PGS.TS Phạm Quang Minh - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học: Đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới chương trình đào tạo Trước khi triển khai chương trình hành động đổi mới quản lí giáo dục đại học, chúng ta nên có một cuộc điều tra tổng thể và đánh giá thật sát về thực trạng hoạt động và chất lượng đào tạo hiện nay của hệ thống các trường đại học Việt Nam. Đó là điều mà chúng ta cho đến nay vẫn chưa làm được. Không có điều tra toàn diện, cụ thể, chuẩn xác thì chúng ta không thể có căn cứ để tìm ra được nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Thực tế cho thấy các trường đại học có quy mô, chất lượng đào tạo không giống nhau, có những đặc thù riêng, có những sứ mạng và nhiệm vụ riêng. Do đó không thể có một kịch bản hoạt động chung cho tất cả các trường.

Đối với Nhà trường, tôi xin có một vài đóng góp như sau: Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm coi Nhà trường là một thể thống nhất, các công việc, hoạt động của Trường đều có liên quan mật thiết đến tất cả các đơn vị, các cá nhân trong trường. Hoạt động của các đơn vị có liên quan ràng buộc đến nhau và tạo nên sức mạnh, hình ảnh chung cho Nhà trường. Chừng nào còn có bất kì sự phân biệt: khoa “già” - khoa “trẻ”, giảng viên - cán bộ hành chính, việc của anh chứ không phải của tôi... hoặc không có sự đồng cam cộng khổ, cùng làm cùng hưởng, không tạo ra được sợi dây liên kết chặt chẽ về trách nhiệm, quyền lợi, mục tiêu và lí tưởng chung giữa các thành viên trong tập thể cán bộ trường thì không thể tạo ra được hiệu quả hoạt động của Nhà trường. Thứ hai, Nhà trường cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Chúng ta hiện còn họp hành nhiều quá rất mất thời gian và công sức cán bộ, lại không tiết kiệm. Nếu chỉ đơn giản là trao đổi thông tin thì hãy tận dụng triệt để công nghệ, tin học, mạng Internet để gửi - nhận. Thứ ba, cần đổi mới chương trình đào tạo. Hiện các môn học chung giữa các khoa còn ít, còn tồn tại hiện tượng mỗi khoa là một “ốc đảo” về chương trình đào tạo mà không có sự liên thông nhất định. Điều này hết sức bất lợi nhất là trong bối cảnh đào tạo tín chỉ và hướng tới hội nhập quốc tế về đào tạo như hiện nay. Ngoài ra nên đa dạng thêm các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của người học. Tôi lấy ví dụ như ở nước ngoài có đào tạo thạc sĩ có thể là chính quy 2 năm kết hợp làm luận án, nhưng cũng có những chương trình đào tạo lấy bằng thạc sĩ nhưng chỉ đào tạo 1 năm và không có làm đề tài... Một điều nữa là trong đào tạo đại học, sau đại học thì hệ thống học liệu là vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu của giảng viên cũng như học viên. Nhưng hiện nay thư viện không đủ tài liệu và không đủ mức độ cập nhật thông tin để phục vụ. Do đó, Nhà trường nên đầu tư vào việc xây dựng hệ thống tư liệu thường xuyên, cập nhật để phục vụ việc dạy và học. Nhà trường có thể nghiên cứu và đặt mua các tài liệu chuyên ngành quan trọng, đặc biệt là các tài liệu nước ngoài, tính toán sao cho những tài liệu, tạp chí mà mình mua với kinh phí thấp nhất nhưng tần suất sử dụng lại cao trong cán bộ giảng viên, sinh viên. Mặt khác, Nhà trường cũng nên có chế độ hỗ trợ cho giảng viên kinh phí mua tài liệu, tạp chí chuyên ngành. Vì trên thực tế, với giảng viên có mức lương thấp như hiện nay thì chi phí mua sách vở, tài liệu khoa học, đặc biệt là của nước ngoài chiếm một phần không hề nhỏ trong quỹ lương của họ nhưng lại không thể thiếu được trong việc học tập và nghiên cứu của họ.

5. TS. Trần Văn Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lí: Nâng cao chất lượng đào tạo bắt đầu từ con người và tài sản trí tuệ

Trong thời gian qua, vấn đề chất lượng đào tạo đại học được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt, là trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng trong các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết, chỉ có một dòng liên quan cụ thể đến vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực - tức vấn đề con người - là “tiếp tục triển khai các khoá bồi dưỡng Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng”. Có thể là các nhà quản lí đào tạo đại học đã hiểu thuật ngữ quản lí một cách khác, nhưng theo tôi, vấn đề cốt yếu nhất làm nên chất lượng đào tạo đại học là đội ngũ giảng viên. Rõ ràng là không thể có một nền giáo dục đại học đạt chất lượng cao khi số lượng và chất lượng giảng viên không tương xứng với việc gia tăng số lượng sinh viên.
Bên cạnh yếu tố con người thì tài sản trí tuệ là yếu tố thứ hai làm nên chất lượng đào tạo đại học. – TS. Trần Văn Hải
Để giải quyết vấn đề trên, tôi xin đề xuất: Cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Tự chủ không có nghĩa là hoàn toàn độc lập, tách khỏi sự quản lí nhà nước mà tự chủ trong khuôn khổ quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của xã hội. Quyền tự chủ của trường đại học thể hiện trên hoạt động tài chính, nhân lực và chương trình đào tạo. Trên cơ sở tự chủ về chương trình đào tạo, trường đại học mới biết cần số lượng bao nhiêu giảng viên, chất lượng giảng viên như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Cần trao cho hiệu trưởng trường đại học quyền quyết định việc trả lương cho giảng viên, căn cứ trên cơ sở đánh giá hiệu quả làm việc của giảng viên. Việc này tránh được hiện tượng bình quân chủ nghĩa khi đánh giá giảng viên - một nguyên nhân làm giảm sự sáng tạo trong lao động trí tuệ của giảng viên, gây ra hiện tượng chảy máu chất xám. Nếu việc tăng quyền tự chủ cho các trường đại học được thực hiện thì các trường đại học có chất lượng đào tạo kém, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội sẽ phải tự giải thể chứ không cần một phán quyết nào của cơ quan quản lí nhà nước. Bên cạnh yếu tố con người thì tài sản trí tuệ là yếu tố thứ hai làm nên chất lượng đào tạo đại học. Tài sản trí tuệ của một trường đại học thể hiện ở hệ thống giáo trình, kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ... Về vấn đề này tôi xin đề xuất: Một là, xác định nhóm tài sản trí tuệ phù hợp với đặc điểm riêng của từng nhóm trường đại học, tránh hiện tượng quá coi trọng sản phẩm nghiên cứu thuộc nhóm công nghệ - nhóm có thể dễ dàng thương mại hoá mà xem nhẹ nhóm sản phẩm nghiên cứu cơ bản. Hai là, giải quyết mối quan hệ giữa nhóm quyền nhân thân và nhóm quyền tài sản đối với tài sản trí tuệ phát sinh trong hoạt động đào tạo và NCKH của trường đại học, mối quan hệ giữa giảng viên - người hướng dẫn khoa học và người học – tác giả của công trình nghiên cứu. Ba là, hạn chế hiện tượng đạo văn. Đối với nhóm các kết quả nghiên cứu không cần giữ bí mật thì tốt nhất là hãy đăng công khai trên website các trường, vừa giúp cung cấp thông tin cho toàn xã hội, vừa làm tăng uy tín cho trường đại học, vừa giúp hạn chế hiện tượng sao chép đang nhức nhối trong đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay.

Tác giả: admin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây