Ngôn ngữ
Chàng trai Nhật Bản duyên dáng trong điệu hát xoan
Hà Nội chờ đón Tết bằng những cơn gió lạnh, lất phất mưa, nhưng dường như cái lạnh của mùa đông không làm giảm sức nóng và sự náo nhiệt tại Ngày hội Văn hóa Quốc tế do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Hầu như năm nào Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cũng tổ chức ngày hội này để sinh viên nước ngoài đang học tập tại đây được đón Tết Việt, giúp họ được trải nghiệm không gian văn hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đến đây, tôi luôn có cảm giác như được đi “du lịch” tới nhiều quốc gia trên thế giới…
Chàng sinh viên Nhật Bản Okabe Chikara (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn sinh viên duyên dáng trong điệu hát xoan.
Thật thú vị khi tôi được thưởng thức món bánh khoai tây, nem nấm, bánh táo, súp củ cải của các bạn sinh viên Ba Lan; món cơm rang kim chi của sinh viên Hàn Quốc; món mỳ Ý sốt cà chua của các bạn sinh viên Mỹ hay món gỏi đu đủ của các bạn sinh viên Lào. Mỗi món mang một vị đặc trưng của xứ sở đã cho người thưởng thức cảm giác thú vị. Trong số các món ẩm thực ngon, độc, lạ đó, tôi đặc biệt ấn tượng với món bánh giọt nước, là món ăn truyền thống của người Nhật Bản. Tác giả của món bánh độc đáo này là Okabe Chikara, một bạn sinh viên người Nhật Bản.
Okabe Chikara hớn hở khoe với tôi, món bánh giọt nước rất “bắt mắt” các bạn sinh viên Việt Nam nên chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, Okabe Chikara đã bán hết số bánh đã làm. “Em vừa bán được bánh, lại giới thiệu được giá trị văn hóa trong chiếc bánh của người Nhật, mọi người nghe rất háo hức, điều đó làm em hạnh phúc!”, Okabe Chikara chia sẻ.
Trong khi tôi còn đang ngỡ ngàng bởi giọng nói tiếng Việt rất chuẩn của chàng trai Nhật Bản này, thì Okabe Chikara đã lên sân khấu, cùng với một bạn sinh viên Việt Nam, hai bạn sinh viên Trung Quốc trình diễn tiết mục hát xoan của Phú Thọ, một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ trong những tràng pháo tay giòn giã của du khách đến dự Ngày hội Văn hóa.
Chao ôi, một chàng trai Nhật Bản hát xoan sao mà ngọt ngào, dễ thương đến vậy, đúng như một nghệ nhân vùng đất Tổ. Cảm giác khi cất lời ca tiếng hát, Okabe Chikara đã thả hồn mình lắng sâu vào giai điệu, để trái tim mình thổn thức cùng tiếng nhạc êm đềm và nếu Ban tổ chức không giới thiệu đây là một chàng trai Nhật Bản, thì chúng tôi đã nghĩ Okabe Chikara là sinh viên Việt Nam… Sau tiết mục hát xoan độc đáo, tôi đã trò chuyện với Okabe Chikara. Em cho biết, em sang Việt Nam đã 6 năm và nhiều lần đón Tết ở Việt Nam.
“Người Việt Nam và người Nhật Bản có nhiều phong tục khá giống nhau trong ngày Tết như tặng quà, lì xì cho nhau để chúc may mắn. Người Nhật cũng có những điều kiêng kị như ngày mồng Một cãi nhau sẽ “dông” cả năm; ngày Tết chỉ nên cười vui vẻ để mang lại niềm vui cho mọi người. Những nét văn hóa tương đồng đó khiến em thấy Việt Nam như là quê hương mình, em cũng vơi bớt cảm giác nhớ nhà!”, Okabe Chikara bày tỏ. Chàng trai Nhật Bản này mang trong mình tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam (Okabe Chikara còn khoe với tôi cậu đã có bạn gái người Việt Nam), yêu tiếng Việt một cách sâu sắc nên cậu cảm nhận văn hóa Tết Việt ở một tầng nghĩa rất sâu xa. Okabe Chikara thích nhất cảm giác những ngày đầu xuân, được lên phố Hàng Mã ngắm đồ trang trí lấp lánh, hay đi thăm bạn bè, thăm thầy cô giáo người Việt.
Sinh viên Okabe Chikara (Nhật Bản) thích thú với điệu múa sạp của người Việt.
“Em rất thích món bánh chưng chị ạ, em đã thuộc cả sự tích bánh chưng, bánh dày của người Việt. Khi ăn bánh chưng, em luôn nhớ về một truyền thuyết, thể hiện mong muốn sự sinh sôi nảy nở phát triển mạnh mẽ hơn của người Việt. Em sẽ học cách gói bánh chưng để Tết có thể tự gói bánh chưng mời thầy cô, bạn bè”, Okabe Chikara thổ lộ. Tuy nhiên, điều mà Okabe Chikara ấn tượng nhất trong ngày Tết ở Việt Nam là cậu hay lên Bờ Hồ ngắm Tháp Rùa. Trong mắt của Okabe Chikara, Tháp Rùa giản dị, bình yên lạ kỳ khi soi bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Chàng trai Nhật Bản có thể đứng cả tiếng đồng hồ đắm chìm vào vẻ đẹp của Tháp Rùa mà không chán.
Những nhịp cầu văn hóa đưa Tết Việt ra thế giới
Cũng yêu thích Tết Việt như Okabe Chikara còn có rất nhiều lưu học sinh nước ngoài đang theo học ở Việt Nam, trong đó có Artem Leleka - sinh viên người Ukraina.
Sinh viên Artem Leleka (Ukraine) cùng bạn bè tìm hiểu văn hóa thư pháp trong ngày Tết Việt.
Trong các ngoại ngữ ở châu Á, Artem Leleka đã chọn tiếng Việt bởi ngoài tình cảm với đất nước Việt Nam, Artem Leleka còn nhận thấy thị trường của đất nước Việt Nam phát triển nhanh chóng, em sẽ có nhiều cơ hội phát triển sau này. Thêm vào đó, khi chọn học tiếng Việt, em đã có cơ hội nhận được học bổng và học miễn phí tại Trường Đại học Taras Shevchenko ở Kyiv… Artem Leleka cho hay, Tết Việt Nam rất đặc biệt vì đó là sự khởi đầu của niềm vui và không khí ấm áp. Tất cả người Việt đều về quê mỗi dịp Tết và quây quần bên cạnh nhau với gia đình họ hàng của mình. Artem Leleka rất trân quý truyền thống này vì em hiểu tầm quan trọng của việc gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Tết cũng là dịp để mọi người bỏ qua mọi ưu phiền, bao dung, hướng thiện hơn để hướng tới những điều tốt đẹp.
Kỷ niệm với Tết Việt, Artem Leleka kể: “Tết đầu tiên của em tại Việt Nam là ở TP Hồ Chí Minh; một người bạn Việt Nam mời em thăm nhà bạn ấy và chúng em đón Tết ở đó. TP Hồ Chí Minh rực rỡ phố hoa, chỗ nào cũng trang hoàng lộng lẫy, người Việt đón Tết thật cầu kỳ, giàu bản sắc văn hóa chị ạ. Em cứ mải miết ngắm các con phố vàng rực hoa mai”. Tại TP Hồ Chí Minh, Artem Leleka còn được xem múa lân múa rồng và chàng sinh viên Ukraina cho rằng, sự độc đáo và đa dạng của văn hóa Việt Nam thể hiện rất đậm nét thông qua loại hình múa này. Sau đó, Artem Leleka còn đi khám phá nhiều địa điểm du lịch rất thú vị như đảo Bến Tre ở giữa bốn bề sông nước, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đường sách Nguyễn Văn Bình.
Cũng giống như Okabe Chikara, chàng sinh viên người Ukraine đặc biệt thích món bánh chưng xanh. “Em vẫn nhớ lần đầu tiên cô giáo dạy tiếng Việt cho chúng em ăn bánh chưng. Mùi thơm của gạo nếp, lá dong quện với vị ngậy của thịt, đậu, ngon vô cùng, mang lại cho em một ký ức thật ấm áp với Tết Việt”, Artem Leleka nói.
Khi tôi hỏi về Tết ở Ukraine, Artem Leleka cho hay, ở quê hương em không có ngày Tết nhưng có năm mới và Giáng sinh. Người Ukraine cũng tụ tập, quây quần cùng nhau để đón năm mới lúc 12 giờ đêm. Cây thông Noel khổng lồ sẽ được lắp đặt ở mọi thành phố và nông thôn, và một buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức để đón chào năm mới. Vào tối Giáng sinh, từng gia đình sẽ bên nhau quây quần bởi ngày lễ này là ngày lễ đạo chính thống quan trọng ở Ukraine. Artem Leleka còn kể, trong ngày Giáng sinh, người Ukraine sẽ nấu 12 món ăn truyền thống biểu tượng của 12 tông đồ…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại 160 cơ sở đào tạo Việt Nam. Nhiều bạn sinh viên nước ngoài khác mà tôi có dịp trò chuyện đều cho rằng, họ đã “phải lòng” Tết Việt. Họ yêu cảnh sắc thiên nhiên, phong tục độc đáo của người Việt, những truyền thống đón năm mới tốt đẹp được giữ gìn; họ yêu hình ảnh người Việt lao động vất vả cả năm dành dụm sắm Tết; yêu cách mọi người tất bật chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng của ngày Tết. Cảm nhận được chiều sâu văn hóa của Tết Việt, những sinh viên nước ngoài đã trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam ra thế giới, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Việt đến bạn bè quốc tế…
Tại trường ĐHKHXH&NV hiện nay cũng có khoảng gần 1.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ rất nhiều quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nga, Mỹ, Anh, Đức,... đang học tập, giao lưu, trao đổi. Tại VNU- game đánh chắn online đổi thưởng
các em không chỉ được học tiếng Việt, nâng cao kiến thức chuyên môn về những chuyên ngành mà các em yêu thích, mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm và hòa mình vào đời sống văn hóa, nghệ thuật rất phong phú của đất nước Việt Nam.
Tác giả: Thu Phương (báo Công an nhân dân online)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn