Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Vườn cổ tích của thầy

Thứ sáu - 10/11/2017 04:16
Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Cõi học và người thầy” của GS.NGND Hà Minh Đức. Cuốn sách đã phác họa chân dung và sự nghiệp hoạt động của 27 nhà giáo, nhà khoa học xã hội và nhân văn, là bậc thầy của những người thầy đã xây đắp nên nền tảng học thuật, thắp và truyền lửa cho thế hệ mai sau.

Hòa bình lập lại, ngày 10/10/1954, Thủ đô được giải phóng. Tôi về Hà Nội vào chiều ngày 20/10/1954. Sau hai ngày đi bộ, cuốc xe xích lô ở chặng cuối thả tôi trước cửa ga Hà Nội. Trong kháng chiến, hình ảnh Hà Nội trong mơ, nơi mờ mịt cách xa nay đã được đặt chân trong thành phố. Tôi tìm ngay đến trường đại học để thăm dò tin tức thi vào đại học. Không khỏi bàng hoàng đến ngỡ ngàng trước tòa nhà lớn của trường Đại học. Tôi leo hơn bốn chục bậc thang đá trắng mới đến văn phòng của trường. Ông Nhoạn phụ trách giáo vụ người đứng tuổi, dáng đậm, đeo kính trắng niềm nở nói với tôi: “Hoan nghênh thí sinh đến sớm. Tháng mười hai nhà trường mới tổ chức tuyển sinh”. Phải chờ đợi, kiếm sống để đến ngày được nhập học.

Và ngày ấy đã đến, giảng đường Đại học uy nghiêm, mỗi người một bàn, một ghế. Có một sân khấu nhỏ hình bán nguyệt, đặt một chiếc bàn to để thầy giảng bài. Khi được giới thiệu các thầy sẽ dạy, lòng chúng tôi náo nức chờ đợi. Nghe tên tuổi, tưởng như các giáo sư là các bậc cao niên, râu tóc đẹp, nhưng thực ra các thầy mới chỉ ở tuổi trên dưới năm mươi, còn mạnh mẽ, phong độ. Mỗi thầy được nhà trường phát cho một chiếc xe đạp loại Mercier. Thầy Trần Đức Thảo thường phóng xe thẳng lên đầu dốc tận cửa vào hội trường, dựng xe và vào lớp. Xung quanh thầy có nhiều huyền thoại, nào tranh luận thắng nhiều nhiều nhà triết học Pháp như Jean Paul Sartres, nào là trong danh sách các nhà trí thức từ Pháp được bác Hồ cho mời về với lời dặn là từ đỉnh cao triết học duy tâm không thể bước ngang mà phải xuống núi để dần bước lên đỉnh cao của triết học duy vật. Trước mặt chúng tôi là thầy, vầng trán cao, cặp kính trắng, dáng vẻ thanh cao và giản dị. Không sách vở, giấy tờ, thầy khẽ gật đầu và cầm micrô nói một hơi dài như không chú ý đến người nghe. Lớp đã chuẩn bị hai chiếc ghế hàng đầu có đánh đầu phấn lên bàn để dành cho hai anh Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia ghi lại. Không có ghi âm nhưng hai anh ghi kịp về thầy sửa chút ít rồi đem in làm bài học. Trần Đức THảo là nhà triết học thứ thiệt không pha xã hội học, chính trị triết học mà là một khối, một mạch tư duy thuần nhất, trìu tượng, súc tích. Dọc phố Hàng Chuối thỉnh thoảng lại thấy một người vừa đi bộ vừa vung tay như đang nói, đang tranh luận gì với ai. Lúc đầu trẻ con thấy lạ cũng chạy theo nhưng sau dần quen. Thầy dồn hết vào mạch suy nghĩ và ít để ý đến cuộc sống bên ngoài. Từ đấy, sau những ngày dạy học là quãng đời lênh đênh như người lữ hành trên đường về thánh địa phải chịu đựng nhiều đau khổ và cuối cùng được tôn vinh.Thầy mất, gia đình chỉ còn lại một người cháu thân thích. Thầy có nguyện vọng được đưa phần mộ về quê. Trong cuộc họp kỷ niệm 50 năm ra trường của lớp chúng tôi, giáo sư Nguyễn Đình Chú đã bàn bạc với lớp xin được đứng ra như con cháu đưa phần mộ thầy về quê. Địa phương hoan nghênh, chờ đón linh hồn và nắm tro khô của nhà tri thức, nhà triết học lớn về yên nghỉ ở chốn quê hương, mảnh đất đã vinh dự có được người con tài năng.

Tôi nhớ đến thầy Đặng Thai Mai, cây cổ thụ nhiều cành lá xum xuê của vườn cổ tích. Dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo, nhân hậu, thầy Mai là người thầy, người cha không riêng của chúng tôi mà còn của rất nhiều đồ đệ kính mến thầy. Được học với thầy Mai một giờ là một kỷ niệm nhớ đời. Tôi có may mắn được là thư ký của thầy. Thầy giao cho tôi ngay một năm sau ở lại trường phải lên lớp phần chủ nghĩa cổ điển của văn học Pháp. Thầy giúp đỡ, phân tích và khích lệ tôi cứ bình tĩnh mà giảng dạy. Thầy đi dự giờ, vỗ vào vai tôi và nói: “No emotion”. Thầy ngồi ở hàng ghế ngoài cùng, vừa nghe vừa nhìn ra ngoài trời. Giảng dạy xong, thầy bảo: “Bước đầu như thế là tốt”. Thầy dạy tôi chữ đầu tiên cần ghi trong một bài viết, một văn bản là ngày tháng và chữ cuối cùng là xuất xứ. Thiếu nó văn bản không có giá trị. Thầy hay ghi chép bằng chữ Hán, chỉ một vài dòng với nét chữ đẹp và phóng khoáng là đủ chuyển tải nhiều ý tưởng. Thầy hút thuốc nhiều mặc dù sức khỏe không tốt. Mỗi lần đến làm việc thầy vẫn ngồi ở giường tựa vào gối cao để giảng bài. Không cần có sách vở tra cứu, tất cả trong trí nhớ. Thầy dạy tôi các tác phẩm của Corneiller, Boileau, Racine và thỉnh thoảng lại say sưa đọc một đoạn dài trong tác phẩm của Racine hoặc Corneiller. Khi ra về thỉnh thoảng thầy bắt tay. Thực ra thầy chỉ giơ ngang tay, mấy ngón tay hơi rủ xuống và tôi chỉ dám nắm lấy tay thầy rồi vội buông ra. Thầy gật đầu, mỉm cười và tôi xin phép ra về. Một lần tôi bị ốm, thầy cho tôi một lọ nhung Liên Xô (pantocrine) và bảo: “Phải giữ sức khỏe, công việc còn dài”.

Tôi nhớ đến thầy Hoàng Xuân Nhị, người cao to, tuổi chưa thật cao mà mái tóc bạc phơ. Thầy nhiều năm ăn học và làm việc tại Pháp, Đức, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong kháng chiến chống Pháp, phụ trách giáo dục ở miền nam, thầy tập kết ra Hà Nội và về giảng dạy môn Lịch sử văn học Nga, Xô viết, môn học mới và có tính chất đầu tàu. Thầy Nhị tập trung học tiếng Nga và chỉ mấy tháng đã dịch được sách. Báo sinh viên Việt Nam số 10, năm 1956  được đăng Bài ca chim báo bão của Gorki do thầy Nhị dịch từ nguyên bản tiếng Nga, thầy tiếp tục tấn công vào văn học Nga, dịch bộ Lịch sử Mỹ học Mác - Lênin dày hàng ngàn trang. Thầy Nhị như một lão tướng xung trận, bảo vệ đường lối của Đảng, xông pha trong trong học thuật. Trên chiếc Simson, thầy năng động đi về. Dạy văn học Nga, Xô viết nhưng thầy đặc biệt quan tâm nghiên cứu thơ Hồ Chủ tịch. Cuốn Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch là cuốn sách đầu nghiên cứu về thơ Bác. Nhà thầy ở khu Kim Liên, hai căn phòng riêng chứa nhiều sách. Một lần đến thăm thầy vào buổi tối, tôi thấy một cảnh lạ. Thầy ngồi làm việc. Tầm màn rộng phủ cả bàn để tránh muỗi. Đèn sáng, màn trắng và giáo sư với mái tóc bạc trắng, trông như một đạo sĩ đang luyện pháp thuật. Tri thức rộng, giỏi bốn năm ngoại ngữ, am hiểu nhiều nền văn học Pháp, Đức, Nga nhưng thầy vẫn đặc biệt trân trọng văn thơ cách mạng, miền đất thiêng chưa được khám phá. Thầy làm chủ nhiệm Khoa Văn cho đến hết thời kỳ chống Mỹ. Thầy bảo: “Làm bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất là Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp lâu nhất là Ngụy Như Kontum và Chủ nhiệm Khoa Văn lâu nhất là mình”.

Khác với tính năng động mạnh mẽ của thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Cao Xuân Huy mang rõ nét của phong cách phương Đông. Am hiểu sâu sắc triết học phương Đông, thấu hiểu Hán học từ linh hồn trang sách đến từng con chữ, thầy Cao Xuân Huy là một cây cổ thụ tỏa bóng mát, hướng mọi người đến với thiện tâm và lòng bao dung. Thầy chủ trương nhu đạo, sức mạnh của nhu đạo. Thầy ít để ý đến nhu cầu vật chất và sự hưởng thụ. Có nhiều giai thoại về thầy. Thầy hay lững thững đi bộ. Một lần bên hồ Thiền Quang, trẻ em trông thấy một ông cụ đẹp lão, hiền từ, rất giống Bác Hồ liền chạy tới reo lên: “A Bác Hồ, chúng cháu chào Bác Hồ ạ”. Thầy Huy mỉm cười xua tay: “Không, bác không phải là Bác Hồ, bác là thầy giáo dạy học”. Các em ngỡ ngàng chắp tay xin lỗi và cũng chào bác. Thầy Huy thường làm việc ở nhà trong không khí lặng lẽ. Chuyện rằng nhà vắng người nên kẻ cắp lén vào rút quần áo ngoài sân. Bộ quần áo đẹp của thầy treo trên dây bị kẻ cắp lấy mất chiếc áo. Ngồi trong nhà nhìn qua cửa mở hé, thầy không nói gì. Kẻ cắp thấy an toàn nên lại vào lấy nốt chiếc quần. Lúc đó thầy mới lên tiếng: “Phải để lại cho tôi một chiếc chứ”. Chuyện như trong sách xưa mà có thật.

Cũng vẫn trên dòng lặng lẽ ấy là giáo sư Nguyễn Lương Ngọc. Thầy Ngọc là một trong cây bút của Xuân Thu nhã tập. Thầy viết Tĩnh Tụ như nói về mạch triết lý sống của mình. Cuộc đời thầy như một dòng sông đã qua những chặng thác ghềnh và bây giờ là khúc sông vắng lặng không dò được độ sâu. Thầy ít nói, trầm ngâm, lễ phép với cả người cấp dưới, người ít tuổi. Thầy phụ trách môn Lý luận văn học. Lên lớp giảng bài thầy nói không lôi cuốn nhưng thấm sâu ý nghĩa. Có người nhận xét rằng một số tri thức thời trước cách mạng thường cùng luyện nén cảm xúc trước những chuyện vui buồn. Thường giữ nét mặt thản nhiên kìm nén cảm xúc, phải chăng đây là một hình thức tự bảo vệ mình khi không muốn cho người khác hiểu rõ diễn biến tâm trạng trước một sự việc nào đó. Thầy biên soạn giáo trình, tiếp nhận những tri thức của bộ môn mới mẻ này từ các sách lý luận Xô Viết và Trung Quốc cộng với vốn kiến thức sâu rộng của mình. Ngoài việc giảng dạy và lãnh đạo khoa, thầy cũng tham gia đầy đủ các công việc, kể cả đi thực tế giúp dân gặt lúa.

Mỗi thầy là một pho sách lớn của tri thức, một vốn quý của một cuộc đời nhiều trải nghiệm, một phong cách sống giản dị, thanh cao. Có thầy sống trầm lặng, lắng về bề sâu, có thầy sôi nổi trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống đời thường. Các thầy Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu đều là những nhà hùng biện. Thầy Trần Văn Giầu là nhà cách mạng đã từng lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Bộ và thành phố Sài Gòn. Thầy nghiên cứu về triết học Mác, về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, về phong trào công nhân Việt Nam. Điểm mạnh và sức thuyết phục của các luận điểm của thầy là sự kết hợp lý luận và thực tiễn, nhà triết học và con người hành động. Tính chất uyên bác và ngôn luận hào sảng cộng với dáng cao lớn và thái độ cởi mở đã tạo cho thầy sức hấp dẫn của một nhà hùng biện cách mạng có thể nói vang động trước hàng ngàn người. Thầy yêu quý học trò, học trò cũng rất yêu quý thầy và thường quần tụ xung quanh thầy. Nhiều học trò muốn được làm môn đệ và tôn vinh thầy làm sư phụ. Thầy yêu quý, quan tâm tới bộ tứ “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và Trương Tửu lại là những nhà hùng biện của diễn đàn trước tòa án hoặc trong phòng họp. Nhận hai bằng tiến sĩ luật học và văn học ở tuổi ngoài đôi mươi, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường còn nổi tiếng ở các tòa án với tư cách luật sư giỏi. Trước tòa, luật sư biện hộ với ngôn luận sắc sảo và chải chuốt cộng với dáng điệu và cử chỉ điệu nghệ tạo sức hấp dẫn. Ở giảng đường, thầy trình bày bài giảng mạch lạc và tri thức được mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Sinh viên thường ngại tiếp xúc với thầy vì thấy thầy có phần kiểu cách, nghiêm trang. Thầy Trương Tửu có vẻ riêng độc đáo. Dáng người tầm thước hay đúng hơn là hơi thấp nhưng thầy với tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng. Thầy Tửu dạy phần văn học Việt Nam hiện đại và đặc biệt hứng khởi với các tác giả Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương. Thầy Tửu có một cách nói hấp dẫn như diễn thuyết hơn là giảng bài. Những ý tưởng được xác lập vững chắc, ngôn từ mở ra từng lớp vừa nhấn mạnh vừa dừng lắng và thỉnh thoảng lại điểm xuyết một nụ cười thỏa mãn. Đặc biệt thầy có một bộ ria đẹp có thể nhấp nháy điểm xuyết cho câu chuyện. Thầy Tửu là một đối tượng bị phê phán khi xảy ra phong trào Nhân văn giai phẩm do những bài viết có sai sót trước thời cuộc.

Bây giờ mọi việc đã qua. Thầy Trần Văn Giàu đã vào tuổi đại thọ (96 tuổi), còn lại các thầy đã từ lâu trở thành người thiên cổ. Nhiều thầy đã có tên trên đường phố như đường Đặng Thai Mai trên Hồ Tây, phố Phạm Huy Thông gần hồ Ngọc Khánh, phố Nguyễn Khánh Toàn ở trung tâm thành phố… Và quan trọng hơn là tác phẩm của các thầy vẫn đứng lại với thời gian, cuộc đời của các thầy là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau. Các thầy là những cây cổ thụ trong vườn ngày một lực lưỡng ăn sâu vào lòng đất, cành lá xanh tươi hướng về trời cao. Nền đại học của chúng ta đã có trăm năm tuổi bề dày, về thời gian còn khiêm tốn so với các trường đại học lớn trên thế giới. Nhưng chúng ta đã có một thế hệ những học giả sáng giá về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm mà tài năng trí tuệ đã tỏa sáng một thời. Các giáo sư Khoa học xã hội là một đội ngũ đáng tự hào đi đầu và có ý nghĩa khai sáng. Mãi mãi vườn cổ tích của các thầy với những đại thụ xanh tươi. Mãi mãi các thế hệ sịnh viên biết ơn các thầy, những người thầy kính yêu của giảng đường đại học và cũng là những người thầy của cuộc đời chung.

(Bài viết đăng trong số Tết, Báo Giáo dục và Thời đại, 12/2007)

GS.NGND Hà Minh Đức đã có trên 50 năm đứng trên bục giảng, đã cho xuất bản nhiều đầu sách và công trình nghiên cứu về văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn được Nhà nước ghi nhận tặng nhiều giải thưởng, đặc biệt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ năm 2000; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2010.

“Cõi học và người thầy” là cuốn sách thứ 69 của GS.NGND Hà Minh Đức được xuất bản. Sách do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Danh mục các bài viết trong cuốn sách “Cõi học và người Thầy”

1. Giáo sư viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, cõi học và người thầy.

2. Giáo sư Đặng Thai Mai trầm lắng và uyên bác.

3. Những kỷ niệm nhỏ về Giáo sư, nhà phê bình Hoài Thanh.

4. Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố.

5. Giáo sư, viện sĩ Phạm Huy Thông, nhà thơ, nhà sử học.

6. Thầy Trần Đức Thảo, một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp.

7. Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc tài trí và đức độ.

8. Kỷ niệm về Giáo sư Trương Tửu.

9. Giáo sư Nguyễn Lân và cốt cách của nghề thầy.

10. Giáo sư Hoàng Như Mai.

11.Giáo sư, viện sĩ Hoàng Trinh.

12. Giáo sư Đinh Gia Khánh - những  cuộc bứt phá ngoạn mục và cuộc sống đời thường.

13. Chuyện kể còn lại về Giáo sư Bùi Văn Huyên.

14. Tình yêu khoa học và tổ ấm gia đình của Giáo sư Nonna Vladimirovich Stankevich và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.

15. Giáo sư Lê Đình Kỵ với những ngày sơ tán ở vùng quê.

16. Giáo sư Bạch Năng Thi

17. Thương nhớ Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hàm Dương.

18. Nhà nghiên cứu Triết - Mỹ học - Tiến sĩ văn học Hoàng Ngọc Hiến.

19. Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ tài hoa.

20. Kỷ niệm về anh, Giáo sư, Viện sĩ Phan Cự Đệ.

21. Giáo sư Trần Quốc Vượng.

22. Giáo sư Nguyễn Đình Chú.

23. Giáo sư Nguyễn Hải Hà, một người thầy mẫu mực, một tấm gương tự học.

24. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, Huân chương hiệp sĩ của nước Cộng hòa Italia, Chủ tịch Hội Kiều học.

25. Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang.

26. Phó Giáo sư Lê Bá Hán và niềm hạnh phúc gia đình.

27. Thầy giáo Trần Thuyết của vùng quê ngoại thành.

Tác giả: ussh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây