Ngôn ngữ
Học chuyên ngành bậc đại học là Hán Nôm, nhưng khi làm nghiên cứu sinh, PGS Nguyễn Kim Sơn lại lựa chọn Văn học Việt Nam, với đề tài: Những khuynh hướng của Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX và sự tác động của nó tới văn học. Luận án này thiên về góc độ triết học và văn học - hai lĩnh vực chính sau này sẽ gắn bó lâu dài với sự nghiệp nghiên cứu của ông, đi sâu tìm hiểu về các tác gia và các trước thuật Nho học thể hiện những khuynh hướng khác nhau của Nho học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Cơ duyên đưa ông trở thành một trong những học trò “chân truyền” cuối cùng của PGS Trần Đình Hượu. Chịu ảnh hưởng mạnh của người thầy hướng dẫn, ông bị hấp dẫn bởi các định hướng nghiên cứu đa dạng và liên ngành theo chiều sâu: văn học - triết học - lịch sử - Hán Nôm. Năm 1995, PGS Trần Đình Hượu mất, Khoa Ngữ văn phân công PGS Bùi Duy Tân tiếp tục hướng dẫn luận án cho ông. Năm 1996, ông bảo vệ luận án được hội đồng đánh giá “đặc biệt xuất sắc”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn/Ảnh: Bùi Tuấn
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, ông được phân công về làm giảng viên tại Bộ môn Văn học Trung đại Việt Nam, giảng dạy phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XVIII, đồng thời tiếp tục giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, Triết học và Đông Phương học. Ngay từ khi đang làm nghiên cứu sinh cũng như những năm cuối thập kỷ 90, sau khi đã bảo vệ thành công luận án, ông đặc biệt quan tâm tới các nghiên cứu về Nho giáo, mỹ học Nho giáo của nhà nghiên cứu Lý Trạch Hậu (Trung Quốc). Những hướng nghiên cứu Nho giáo, nhà nho và mỹ học Nho gia của Lý Trạch Hậu đã hấp dẫn và ảnh hưởng sâu sắc tới ông, từ đó cuốn hút ông quan tâm tới đối tượng văn học trung đại và tư tưởng Nho giáo Việt Nam dưới góc nhìn nhân học và thẩm mỹ. Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đã đi theo hướng này, tiếp cận văn học trung đại từ góc độ giải mã thẩm mỹ tác phẩm văn học, không chỉ trong phạm vi văn học nhà Nho mà cả Phật, Đạo. Từ các đề tài nghiên cứu, bài viết, chuyên đề sau đại học và các luận văn, luận án hướng dẫn cho học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành văn học đều tập trung theo hướng này. Ông đã bắt đầu từ cội nguồn triết học của các loại hình văn chương này để tiếp cận văn bản tác phẩm, soi chiếu chúng từ bình diện đặc trưng thẩm mỹ. Các phác thảo của ông về đặc trưng thẩm mỹ của văn học Nho gia, Phật giáo và Đạo gia đã đặt nền móng cho một hướng tiếp cận văn học trung đại mới ở Việt Nam. Những năm gần đây, ông đặc biệt chú ý và dồn nhiều tâm sức vào nghiên cứu các tác phẩm văn học Phật giáo. Những công trình về Trần Nhân Tông, Huyền Quang, về đặc trưng thẩm mỹ của thơ Thiền… của ông đã thổi một luồng gió mới vào việc nghiên cứu và tiếp nhận mảng văn chương khó bậc nhất của văn học trung đại Việt Nam mà nhiều năm nay các chuyên gia văn học trung đại vì nhiều lý do vẫn né tránh hoặc chưa quan tâm đến. Có thể nói, hiện nay PGS.TS Nguyễn Kim Sơn là một trong những chuyên gia có sự thâm nhập sâu và kiến giải độc đáo về mảng văn học Phật giáo.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng đặt rất nhiều tâm huyết vào việc nghiên cứu lịch sử Nho giáo Việt Nam. Đối tượng ông chú ý tới là chủ thể nhà nho, tầng lớp sĩ. Đây cũng chính là đề tài ông đã tập trung thực hiện trong thời gian nghiên cứu ở Viện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ). Các nghiên cứu của ông nhìn sự vận động của lịch sử Nho giáo Việt Nam thông qua chủ thể nho sĩ, sĩ tộc và các quan hệ xã hội của tầng lớp sĩ. Đồng thời, ông cũng tập trung vào vấn đề tiếp nhận và thảo luận về kinh điển Nho gia của các nhà Nho Việt Nam trong lịch sử. Trong nghiên cứu Nho giáo, ông đặc biệt chú ý tới vấn đề tu dưỡng luận, tâm tính học của Nho giáo, một vấn đề chuyên sâu mà theo quan điểm của ông là thể hiện những đặc trưng bản chất của Nho giáo mà các thế hệ nghiên cứu trước vì quá thiên về phương diện xã hội, phương diện chính trị của Nho giáo nên chưa chú ý đúng mức. Hướng nghiên cứu này cũng nhất quán và thành hệ thống trong các nghiên cứu cá nhân, bài viết, đề tài khoa học của ông, kể cả trong các nghiên cứu về văn học nhà Nho. Về mảng nghiên cứu Nho học, cần phải kể đến các hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm mà Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc học do ông làm Giám đốc tổ chức thường niên với quy mô từ trong nước đến quốc tế, quy tụ được các nhà nghiên cứu Nho học hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới, nhằm cố gắng đưa hoạt động nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam bắt nhịp được với quốc tế. Hiện ông là Ủy viên Hội đồng biên soạn tùng thư Nho tạng, tinh hoa biên của Trung tâm Nho Tạng Đại học Bắc Kinh Trung Quốc; Phó trưởng ban điều hành Hiệp hội nghiên cứu Nho giáo thế giới từ năm 2014. Những nỗ lực ấy hiện thực hóa bởi những công trình mang tính quốc tế do ông chủ biên: bộ Nho tạng tinh hoa biên, Việt Nam quyển (2 tập), Nguyên điển Nho học Việt Nam hợp tác với Đài Loan… và các công trình khác đang trong quá trình thực hiện.
Ảnh: Bùi Tuấn
Những năm gần đây, dù công việc quản lý chiếm nhiều thời gian, nhưng PGS.TS Nguyễn Kim Sơn vẫn đã và đang trực tiếp giảng dạy hoặc phụ trách giảng dạy rất nhiều môn học cho cả hai bậc đại học và sau đại học. Đó là: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo cho bậc cử nhân ngành Hán Nôm, Nho giáo và văn hóa Đông Á” cho cao học Châu Á học; Luận ngữ; Mạnh tử cho thạc sĩ Hán Nôm, Các bình diện thâm mỹ của văn học trung đại cho cao học Văn học, chuyên đề Thuyên thích học truyền thống và hiện đại cho nghiên cứu sinh Hán Nôm, Nho giáo với tư cách là một tôn giáo cho bậc cao học Tôn giáo học… Một khối công việc khổng lồ mà không phải ai cũng có thể làm hết được. Nhưng đó là niềm say mê, yêu thích của PGS Nguyễn Kim Sơn. Ông yêu công việc giảng dạy ngay cả khi công việc quản lý bận rộn chiếm gần hết thời gian của mình. Từ những ngày đầu tham gia giảng dạy, ông luôn được học trò ngưỡng mộ vì kiến văn, khả năng truyền đạt, vì lòng nhiệt huyết và nhất là tinh thần cởi mở trong khoa học. Ông không chỉ truyền đạt lại cho sinh viên kiến thức, mà quan trọng hơn đem lại cho họ tình yêu và thái độ cần có đối với việc nghiên cứu khoa học. Một trong những niềm đam mê của ông chính là truyền lại sự đam mê khoa học của mình cho người khác. Ông đã “rủ rê” được nhiều sinh viên có tư chất theo con đường nghiên cứu lắm chông gai nhưng cũng hứa hẹn nhiều vinh quang này. Học trò dù chỉ học trên lớp hay được ông hướng dẫn, phản biện khóa luận, luận văn, luận án đều nhận được ở ông không chỉ sự nhiệt tình, hết lòng chỉ dẫn mà còn thái độ tôn trọng và bình đẳng trong khoa học. Tất cả những điều ấy khiến chúng tôi đều tự hào vì được làm học trò của ông.
Giá có thể ước điều gì, hẳn điều PGS.TS Nguyễn Kim Sơn mong mỏi nhất là mỗi ngày có 48 tiếng hoặc hơn thế, để ông có thể vừa thực hiện tốt được những trách nhiệm trong công việc quản lý, vừa có thể hoàn thành những món nợ đối với nghiệp nghiên cứu khoa học mà ông luôn tâm niệm là mình nhất định phải trả.
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN KIM SƠN
+ Đơn vị công tác: Khoa Văn học. Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc học. Ban Giám hiệu. + Chức vụ quản lý: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc học (2002- 2006). Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc học (2006 đến nay). Phó Hiệu trưởng game đánh chắn online đổi thưởng (2009-2011). Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2012 đến nay).
1. Cuộc vận động cải cách văn thể, tâm thái sĩ phu và động hình của văn chương Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, trong Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức (viết chung), NXB Thế Giới, 2009. 2. Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 1998. 3. Từ điển Tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam (dùng cho nhà trường), NXB Đại học Sư Phạm, 2000. 4. Nho tạng tinh hoa biên, Việt Nam (chủ biên, 2 tập), NXB Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 2013. 5. Nguyên điển Nho học Việt Nam (chủ biên, 10 tập), NXB Đại học Quốc gia Đài Loan (2013-2015).
Giải Bạc Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2011 cho công trình: Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội, Tuyển tập địa chí (3 tập, đồng chủ biên), NXB Hà Nội, 2011. |
Tác giả: TS. Đỗ Thu Hiền