Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Nhà khoa học lao động không mệt mỏi

Thứ ba - 11/08/2015 10:36
Hoàng Thị Châu là nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Đến nay, bà là một trong các giáo sư lớn tuổi nhất của ngành này, một ngành khoa học có tiếng là khô khan và “khó”. Để đạt tới điều vinh quang ấy, người phụ nữ Huế một thời nổi tiếng là “hoa khôi” Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phải lao động kiên trì trong một hoàn cảnh riêng không mấy thuận lợi. Nhiều thế hệ học trò và cả các đồng nghiệp luôn kính nể bà vì bà chẳng những là một cựu du kích từng chinh chiến bao phen lại là nhà khoa học thuộc “phái đẹp” đã có nhiều tâm huyết, đóng góp với ngành, với nghề. Có thể nói, bà là một nhà giáo, là một người mẹ mẫu mực khiến cho bất cứ ai trưởng thành có thể soi vào đó làm gương.
Nhà khoa học lao động không mệt mỏi
Nhà khoa học lao động không mệt mỏi

Hoàng Thị Châu sinh năm 1934, tại ngoại ô thành phố Huế. Bà là con gái út của một gia đình công chức thời Pháp. Thuở nhỏ, bà học tiểu học tại Phú Yên. Đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế. Tại đây bà đang học tiếp lên các lớp trên thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Với tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, bà vừa đi học vừa tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu trong đội du kích thiếu niên tại nội thành.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thị Châu/Ảnh: Thành Long

Gia đình bà là gia đình truyền thống cách mạng. Cha mẹ bà từng nuôi giấu cán bộ trong nhà suốt thời kỳ đánh Mỹ. Còn cả ba chị em bà đều đã từng hoạt động trong lòng địch từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chị cả của bà đã từng bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Người anh trai thứ hai của bà cũng từng nếm trải những đòn tra tấn ở chốn lao tù. Riêng bà, hai lần bị địch bắt vào khám. Tuy vậy, khi thoát khỏi nhà giam bà vẫn tiếp tục lao vào hoạt động. Lần cuối cùng bà phải rời xứ Huế là lần bà giảng dạy và làm công tác địch vận tại trường Trung học Bồ Đề (trường Phật học). Lần đó, cơ sở bị lộ, bà vừa bước vào lớp thì bị cảnh sát ập đến vây bắt. Nhưng vì có người tới báo kịp, bà đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây, ra chiến khu. Bà được kết nạp Đảng và được giới thiệu đi học. Bà theo tổ chức vượt tuyến ra Bắc. Năm đó là năm 1955.

Sau đó một năm, năm 1956, với chính sách ưu tiên con em miền Nam trong chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học lâu dài, Hoàng Thị Châu được Nhà nước cử đi học Đại học tại Liên Xô. Tại trường đại học Lô-mô-nô-xốp năm đó, Ban đồng hương Việt Nam được tiếp nhận thêm một nữ sinh duyên dáng nhưng rất can trường của xứ Huế thơ mộng. Thuở ấy, nữ sinh học ở bậc đại học thật là hiếm hoi.

 Tốt nghiệp đại học năm 1962, Hoàng Thị Châu về nước và công tác trong tổ bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn. Ngay sau khi về nước một thời gian bà đã bắt đầu có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý. Đó là những bài viết như Vấn đề xác minh các tộc người ở Việt Nam viết chung với Nguyễn Linh (Dân tộc, số 38.1963); Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua những tên sông (Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ngữ văn tập 2, Nxb GD.1966); Cương vực nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ ( trong “Hùng Vương dựng nước. Tập 1. Nxb KHXH 1968)... Sau khi trình làng những bài viết này, Hoàng Thị Châu đã xác định được hướng đi lâu dài trong chuyên môn. Bà chuyên tâm đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực thuộc địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số. Nói đến ngành phương ngữ học ở Việt Nam, không ai có thể quên Hoàng Thị Châu. Bà là một chuyên gia cỡ đầu ngành của lĩnh vực này.

Sau khi công tác 13 năm tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, bà được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt. Trong 5 năm công tác ở một trường đại học tầm cỡ quốc tế - Đaị học Hum-bôn, bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án TS năm 1980. Với sự hiểu biết và những tri thức sâu sắc về tiếng Việt, bà đã cho xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức. Đây là một cuốn sách dạy tiếng được đánh giá là có chất lượng cao, đặc biệt ở phần ngữ âm. Vì vậy, sau khi nước Đức hợp nhất, nó vẫn được sử dụng làm giáo trình dạy tiếng Việt cho sinh viên ở trường đại học nổi tiếng này.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thị Châu tại nhà riêng năm 2011/Ảnh: Thành Long

Là một phụ nữ duy nhất của tổ bộ môn thời đó nhưng GS. Hoàng Thị Châu không bao giờ chịu nhận sự “ưu tiên” của các đấng “mày râu” trong tổ. Thời sơ tán, bà cũng đã từng cùng sinh viên trèo đèo lội suối lên vùng rừng núi Việt Bắc xa xôi, gắn cuộc đời mình với cuộc sống giảng dạy, học tập của cán bộ sinh viên trong khoa, trong trường. Khi bộ môn triển khai công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tày-Nùng, một công trình nghiên cứu trọng điểm của bộ môn những năm đánh Mỹ, bà cũng khoác ba lô hướng dẫn sinh viên đi thực tế, đi xuống tận những hang cùng ngõ hẻm để điều tra tình hình ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, gần như năm nào bà cũng đưa sinh viên, nghiên cứu sinh cùng các đồng nghiệp đi tới những vùng sâu, vùng xa như: Đồng Văn - điểm cực bắc của Tổ quốc, Điện Biên, Võ Nhai... để ghi chép các ngôn ngữ chưa có chữ viết như Dao, Hà Nhì hoặc những ngôn ngữ có nguy cơ diệt vong như La Chí, Klao... Ở lĩnh vực này, bà có nhiều đóng góp trong nghiên cứu chữ viết và ngữ âm và cũng là một chuyên gia có không ít cống hiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở đại học.

Từ năm 1983 đến 1993, suốt 10 năm liền bà đảm nhiệm thêm chức Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học trong Khoa Ngữ văn. Với cương vị là một nhà quản lý chuyên môn, bà luôn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời phối hợp hoạt động nghiên cứu với các đồng nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, do yêu cầu về hợp tác quốc tế, bà đã phối hợp cùng một số cán bộ như Hữu Đạt, Mai Ngọc Chừ rồi Diệp Quang Ban hoàn thành một bộ sách dạy tiếng Việt (3 tập) dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Cămpuchia.

Điều đáng nói về cuộc đời GS. Hoàng Thị Châu là bà phải sống trong một hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng lúc nào bà cũng biết gạt chuyện riêng để nghĩ tới việc chung. Bà có thiệt thòi là gặp cảnh đời tư trắc trở, nhưng chưa bao giờ có ai nghe thấy một lời than thở nào ở bà. Cặm cụi làm khoa học, đồng lương ít ỏi, chắt chiu nuôi hai con trai trưởng thành, bà không mấy khi có thời gian để chăm lo cho cuộc sống riêng của mình. Vậy mà, trong cuộc đời, lúc nào bà cũng đàng hoàng. Đàng hoàng trong lối sống. Đàng hoàng trong ứng xử với học trò và đồng nghiệp, đàng hoàng trong nhân cách khoa học. Với người dưới, bà bao giờ cũng tận tình giúp đỡ. Với người trên bà không bao giờ xu nịnh, xuôi chiều. Nhẹ nhàng trong giao tiếp, lịch sự trong cử chỉ, nhưng bản lĩnh trong khoa học, tự bà đã tạo ra một cá tính, một bản sắc riêng trong cuộc đời hoạt động khoa học. Con người bà là sự kết hợp hài hoà cái phẩm chất can trường của cô nữ du kích và sự duyên dáng của cô nữ sinh giàu tâm hồn, mơ ước của thành phố Huế mộng mơ. Chính sự kết hợp này làm cho bà có đủ bản lĩnh vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống riêng tư mà vẫn giữ được trạng thái cân bằng, năng động trong tư duy. Bởi thế, nhìn vào hành trình khoa học của bà, nhiều đấng “anh hùng” của phái mày râu phải sửng sốt. Trong mấy chục năm bà đã cho xuất bản 7 cuốn sách (thuộc các lĩnh vực khác nhau như: giáo trình, chuyên luận, từ điển) và công bố 56 bài báo (không tính hai năm trở lại đây). Với một nhà khoa học nữ, con số trên quả là một kỷ lục không mấy ai đạt tới. Nó làm cho nhiều người phải kính nể, nhất là trong ngành ngôn ngữ học. Bởi vì có không ít giáo sư, cả đời mà viết được đôi ba cuốn sách cũng trầy trật lắm rồi. Chưa kể vài chục bài báo được đăng trên nhiều tạp chí trong nước và nước ngoài với các ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, bà cũng đủ là tấm gương sáng cho tinh thần lao động cần cù, sự học hỏi không mệt mỏi. Với những công lao to lớn ấy bà đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Có biết bao lớp người đã lần lượt trưởng thành từ Khoa ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV có một phần đóng góp của bà. Trong đó có nhiều người ngày nay trở thành các nhà văn, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy đại học, nhà quản lý... Bất cứ ai, mỗi khi nhắc đến cái tên Hoàng Thị Châu, đều có một cảm giác gần gũi, kính trọng. Có thể nói, bà vừa là một nhà giáo mẫu mực vừa là một nhà khoa học luôn làm việc không biết mệt mỏi.  Sự nghiệp của bà xứng đáng là một sự nghiệp có tầm vóc trong  ngành Ngữ học Việt Nam.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HOÀNG THỊ CHÂU

  • Năm sinh: 1934.
  • Quê quán: Thừa Thiên Huế.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn tại Đại học Lomonoxop (Liên Xô) năm 1962.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngữ văn tại Đại học Hum-bôn (CH Dân chủ Đức) năm 1980.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1991.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010.
  • Thời gian công tác tại trường: 1962 - 1995.

 + Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Giảng viên thỉnh giảng Khoa Châu Á - ĐH Hum-bôn (CH Dân chủ Đức) (1975-1980).

Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Đông Phương học (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) (1996-1997).

+ Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn) (1983-1993).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Phương ngữ học; Địa danh học; Ngôn ngữ học lịch sử.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

            Tiếng Việt trên các miền đất nước, NXB Khoa học xã hội, 1989.

            Xây dựng bộ chữ phiên âm cho các dân tộc thiểu số Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 2001.

            Giáo trình cơ sở tiếng Việt xuất bản bằng tiếng Đức, NXB Bách khoa thư (Đức), 1982.

  • Giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 với công trình Tiếng Việt trên các miền đất nước (1989).

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây