Ngôn ngữ
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, điều hành thực thi chính sách BHYT, BHXH; nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông; các nhà báo
Báo chí song hành cùng BHXHVN
Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là hai trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Đây cũng là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển, tiến bộ của Nhà nước và xã hội.
Tính đến năm 2018, tại Việt Nam, số người tham gia BHXH là 13,79 triệu, tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,69 triệu, tham gia BHYT đạt là 80,55 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước. Đây là con số ấn tượng và cho thấy nỗ lực rất lớn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) trong việc đưa những chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu vào thực tiễn đời sống và mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến kết quả này là sự phối kết hợp hiệu quả giữa BHXHVN và các cơ quan báo chí truyền thông.
GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc Hội thảo, đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa Khoa Báo chí và Truyền thông và BHXHVN
Theo TS. Đoàn Văn Báu (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương), xuất phát từ nhu cầu nội tại phải nâng cao sức mạnh của chính sách pháp luật, cũng như vai trò quan trọng của báo chí trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật về BHYT và BHXH, các cơ quan trong đó có cơ quan BHXHVN và cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của Đảng đã ngày càng gắn bó chặt chẽ và thể hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm phối hợp công tác của mình. Riêng trong năm 2017, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải 2.590 tin bài, phóng sự, phỏng vấn, phim tài liệu, chuyên đề, toạ đàm, giao lưu trực tuyến, đối thoại, show truyền hình… về BHXH, BHYT. Số liệu này cho thấy tần suất xuất hiện tin bài về lĩnh vực này là khá thường xuyên trên truyền thông.
TS. Đoàn Văn Báu (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương) trình bày tham luận "Tuyên truyền chính sách BHXH và BHYT trong hệ thống báo chí của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo"
ThS. Dương Ngọc Ánh (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXHVN) cho biết: chưa bao giờ các thông tin về BHXH, BHYT lại phong phú và đến gần với công chúng như thế. Hiện nay, BHXHVN đang phối hợp hơn 70 đầu mối các cơ quan báo chí để tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến nhân dân. Đặc biệt, có 04 cơ quan báo chí lớn có nội dung phối hợp truyền thông thường xuyên về các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến các đối tượng đặc biệt là học sinh, sinh viên, gồm báo Tiền phong, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, Báo Thiếu niên tiền phong.
ThS. Dương Ngọc Ánh (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXHVN) trình bày tham luận "Truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến học sinh, sinh viên: thực trạng và giải pháp"
Riêng trong năm 2017 đã có trên 7.000 phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, đối thoại trực tiếp, tin, bài phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động của BHXHVN được đăng tải, trong đó có 300 tin, bài về chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, đầu năm học, Báo BHXH, Tạp chí BHXH còn tổ chức xuất bản số chuyên đề về BHYT học sinh, sinh viên phát hành đến các trường học. Nhờ đó, công tác BHYT học sinh, sinh viên thu được nhiều kết quả tích cực. Nếu trong năm học 2010-2011, cả nước mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT thì đến năm học 2012-2013 con số này là khoảng 80%; năm học 2013-2014 có 85%; đến hết năm 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 92,5% với khoảng 15,9 triệu HSSV. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng của cả nước khi liên tục có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%, thậm chí là 100% như Hải Dương, Thái Bình.
Nhà báo Trần Ngọc Hà (Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam) với tham luận "Tiếp cận thông tin về BHXH, BHYT của nhà báo trên báo Pháp luật Việt Nam"
Nghiên cứu từ góc độ thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, nhà báo Trần Ngọc Hà (Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam) cũng khẳng định: các cơ quan báo chí hiện nay có sự phối hợp rất chặt chẽ và có hiệu quả với BHXH Việt Nam. Cơ quan này đã rất xem trọng công tác truyền thông nên các chính sách về BHXH, BHYT được người dân tiếp cận đầy đủ, dễ dàng. Riêng trên báo Pháp luật Việt Nam, hầu hết các ấn phẩm đều có thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, báo có chuyên mục BHXH, BHYT trên trang Văn hoá xã hội, chuyên mục “Giải đáp chính sách BHXH, BHYT” trên trang Bạn đọc. Trong 2 năm 2016-2017, báo có 508 tin bài có nội dung liên quan đến BHXH, BHYT liên quan đến các nội dung: điều tra phản ánh các vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; phản biện, giám sát thực thi, thực hiện pháp luật về BHYT; các vấn đề thời sự của BHXH, BHYT; hướng đẫn thi hành chính sách BHXH, BHYT; giải đáp chính sách pháp luật BHXH, BHYT.
Tăng cường các phương thức và mô hình truyền thông kiểu mới
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ công chúng, Khoa Báo chí và Truyền thông) chủ trì hội thảo
Mặc dù những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, song các chuyên gia cho rằng hoạt động truyền thông BHXH, BHYT trong bối cảnh cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay phải ngày càng phải đa dạng, nhanh nhạy, chuyên nghiệp hơn trong cách tiếp cận, phản ánh thông tin và xây dựng các thông điệp truyền thông.
Cho rằng truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT hiện nay còn khô khan, khuôn mẫu, ít hấp dẫn, ThS. Nguyễn Sơn Minh (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đề xuất: trong bối cảnh kỹ thuật số trên nền tảng mạng Internet và mạng viễn thông di động, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách một cách mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “Người dân thích nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép các thông điệp truyền thông”. Viral video/viral clip là một đề xuất. “Unsung Hero” là một trong những quảng cáo của Thái Lan được yêu thích nhất trên toàn thế giới với 18 triệu lượt tương tác. Đây là một trong 10 viral clip có sức ảnh hưởng nhất thế giới và thực tế đây là một thông điệp truyền thông về bảo hiểm nhân thọ thành công ở Thái Lan. Nội dung thông tin trong một viral video như vậy đơn giản, dễ tiếp nhận, dễ chia sẻ và lan toả trên mạng xã hội, ở các forum, website, qua ti vi, máy tính, điện thoại thông minh… Đây là một kinh nghiệm có thể học hỏi cho truyền thông BHXH, BHYT tại Việt Nam.
ThS. Nguyễn Sơn Minh (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đề xuất ứng dụng phương tiện truyền thông mới trong truyền thông về BHXH, BHYT ở Việt Nam
Giới thiệu đến hội thảo kinh nghiệm sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong truyền thông chính sách tại Hàn Quốc, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: mạng xã hội và các công cụ trực tuyến hiện nay đang được sử dụng như một nhóm phương pháp và hình thức truyền thông tất yếu tại các quốc gia phát triển. Theo đó, ba nhóm ứng dụng quan trọng nhất của mạng xã hộ trong truyền thông chính sách là: thăm dò dư luận xã hội; tổ chức chương trình, chiến dịch truyền thông trực tuyến; quản trị khủng hoảng.
TS. Đỗ Anh Đức (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng phương thức truyền thông về BHYT, BHXH tại Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu vẫn là tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, do đó thiên về tính vận động một chiều đối với đối tượng tiếp nhận. Và để một chủ trương mang tính nhân văn của Nhà nước đạt đến mức độ nhận thức, hiểu biết của công chúng thì mô hình tuyên truyền thôi là chưa đủ. TS. Đỗ Anh Đức cũng gợi mở và đề xuất mô hình “truyền thông tham gia” có sự tham gia của công chúng, trong đó đề cao sự chủ động của con người, tạo điều kiện và khuyến khích các cộng đồng, cá nhân quyền lựa chọn, theo đuổi mục đích của mình. Trong mô hình này, người dân chủ động thiết kế hoạt động truyền thông và giao tiếp với nhau. Họ là chủ thể của hình thức truyền thông được tổ chức như một buổi sinh hoạt tập thể hay trò chơi. Người làm truyền thông đóng vai trò trọng tài dẫn dắt và cung cấp những gợi ý để các cá nhân tự tìm kiếm kiến thức, câu trả lời cho những vấn đề họ đặt ra. Những chủ đề của BHXH, BHYT có thể áp dụng hiệu quả dưới mô hình truyền thông tham gia như chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, kể chuyện của bản thân, câu hỏi trắc nghiệm, xử lý tình huống và giải đáp thắc mắc…
TS. Đỗ Anh Đức (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đề xuất mô hình truyền thông BHXH, BHYT có sự tham gia của công chúng
//2dzanga.com/d6/vi-VN/news/Truyen-thong-chinh-sach-BHXH-va-BHYT-trong-thoi-dai-moi-1-702-16994
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn