Lê Anh Xuân và "Dáng đứng Việt Nam"
admin
2011-12-04T22:55:14-05:00
2011-12-04T22:55:14-05:00
//2dzanga.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/le-anh-xuan-va-dang-dung-viet-nam-5516.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
game đánh chắn online đổi thưởng
- ĐHQGHN
//2dzanga.com/uploads/ussh/logo.png
Chủ nhật - 04/12/2011 22:55
LTS: Được biết, Bộ tư lênh Quân khu 7 đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho một số cán bộ, chiến sĩ có chiến công trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Trong số đó có có một số văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân…và một số đồng chí khác. Có một điều trân trọng và lí thú là Lê Anh Xuân được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cùng Nguyễn Văn Mao, người chiến sĩ đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam” mà Lê Anh Xuân đã làm thơ về anh.
LTS: Được biết, Bộ tư lênh Quân khu 7 đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho một số cán bộ, chiến sĩ có chiến công trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Trong số đó có có một số văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân…và một số đồng chí khác. Có một điều trân trọng và lí thú là Lê Anh Xuân được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cùng Nguyễn Văn Mao, người chiến sĩ đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam” mà Lê Anh Xuân đã làm thơ về anh.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết Lê Anh Xuân và “Dáng đứng Việt Nam” của nhà văn Đinh Phong kể về “mối quan hệ” giữa hai người Anh hùng cùng trong một sự kiện “Dáng đứng Việt Nam”. (Báo Công an TP Hồ Chí Minh, thứ 6 ngày 18-2-2011).
Tôi và Ca Lê Hiến hành quân về Nam cùng đoàn năm 1964. Hiến ở bộ phận giáo dục vì anh đang dạy học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiến kém tôi hai tuổi nhưng mến Hiến nên tôi hay trò chuyện. Ngày vào trường luyện tập, ai cũng phải đổi tên để giữ bí mật khi về Nam, tránh bị kẻ địch phát hiện là cán bộ miền Bắc đưa vào mặt trận.. Lúc đó Ca Lê Hiển đổi thành Lê Lan Xuân vì anh có cô bạn gái tên Xuân Lan. Sau này khi vào chiến trường, Hiến đổi thành Lê Anh Xuân.
Vượt Trường Sơn thì vất vả mà Hiến thì sức yếu nên phải cố gắng rất nhiều. Với chí khí và quyết tâm cao, Hiến cũng về đến trạm cuối cùng. Anh được đưa về Tiểu ban Giáo dục của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.
Tháng 5-1965, Ban Tuyên huấn triệu tập những người viết báo, viết văn dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng lần thứ nhất. Lê Anh Xuân được tham gia đoàn viết và nhận viết về Anh hùng Nguyễn Văn Tư - người đồng hương của anh có thành tích trong việc sử dụng hầm chông và ong vò vẽ đánh địch. Bản thành tích chỉ vỏn vẹn một trang rưỡi và Nguyễn Văn Tư đã hi sinh, nhưng với tình cảm quê hương, với sự chịu khai thác tư liệu ở các đồng chí cùng chiến đấu, anh đã viết thành công truyện Anh hùng Nguyễn Văn Tư.
Năm 1966, tôi và anh cùng tham gia vận chuyển vũ khí từ biên giới Việt Nam - Campuchia về tuyến sau. Với sự ủng hộ của chính quyền Phnôm pênh, một đường dây vận chuyển vũ khí từ cảng Xihanucvin về biên giới Tây Ninh, Bình Phước. Xe vận tải đổ súng đạn xuống các khu rừng già. Chúng tôi tràn ra vác vào sâu trong đất Việt Nam. Nhẹ như thùng đạn thì vác vai, nặng như các hòm súng thì phải hai hoặc bốn người khiêng. Chúng tôi ăn cơm giữa rừng, ngủ vật vưỡng bên gốc cây để đem súng đạn về sau cho bộ đội.
Một ngày cuối năm 1967, tôi đi tải gạo, đi tắt băng qua Trường huấn luyện chính trị của Ban Tuyên huấn. Từ trong nhà nghe giảng, Lê Anh Xuân chạy ra đường nắm lấy tay tôi nói rất hồ hởi “Em được kết nạp Đảng rồi, đang đi học lớp đảng viên mới”. Tôi chúc mừng Xuân.
Mậu Thân 1968, hầu hết các cơ quan của Ban Tuyên huấn đều đi đưa quân xuống mặt trận Sài Gòn. Lê Anh Xuân và một số anh em ốm yếu phải ở nhà. Giữa đợt 1 (khoảng tháng 3-1968) từ mặt trận Sài Gòn các anh em trở về căn cứ. Đã có một số phóng viên Thông tấn xã Giải phóng hi sinh. Ban Tuyên huấn tập hợp lớp học chính trị thông báo tình hình và nêu rõ quyết tâm của ta là sẽ cố gắng giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất. Các đồng chí lãnh đạo có kể một chuyện làm tất cả chúng tôi rơi nước mắt; Bác Hồ thấy tình hình chiến trường miền Nam có khó khăn, Bác quyết tâm luyện tập, đeo gạch đá để chuẩn bị vào Nam chỉ đạo cuộc chiến đấu. Các anh trong Bộ Chính trị xin Bác yên lòng, toàn Đảng và toàn dân quyết tâm chiến đấu sớm giải phóng miền Nam để Bác vào thăm. Chúng tôi nhắc nhau phải làm sao để Bác không phải vượt Trường Sơn về Nam - bởi Bác chẳng đủ sức đi như chúng tôi.
Đầu tháng 5-1968, Lê Anh Xuân và Hồng Tân được cử “xuống đường” tham gia chiến dịch tấn công đợt 2. Tôi cùng hai anh xuống đến vùng ven. Chiến trường lúc này vô cùng ác liệt, anh em hi sinh khá nhiều. Anh Trần Bạch Đằng, phụ trách Tuyên huấn của mặt trận không muốn cho các nhà văn, nhà báo xuống chiến trường vì sợ thương vong. Sau đó anh yêu cầu: Ai có thủ trưởng cơ quan giới thiệu và đảm bảo mới được ra mặt trận. Tôi không có thủ trưởng tại đây nên phải vác ba lô về tuyến sau. Anh Mai Lộc, anh Giang Nam là thủ trưởng Tiểu ban văn nghệ đã kí giấy cho Lê Anh Xuân và Hồng Tân được phép “xuống đường”. Các anh đi hôm trước thì hai hôm sau tôi được tin cả hai anh đã hi sinh. Lê Anh Xuân và Hồng Tân xuống đến chiến trường thì giặc Mĩ ập đến đóng chốt. Du kích địa phương đã đưa hai anh xuống hầm bí mật. Đây là vùng nước trũng, hầm nào cũng ngập nước, rất khó thở. Xuân và Tân chưa có kinh nghiệm ở hầm bí mật đồng bằng. Theo quy định thì ngồi dưới hầm bí mật không được ngủ, nếu hai người thì phải thay nhau thức. Khi thấy ngộp thở thì phải dùng đoạn cây ở trong hầm dùi lỗ thông hơi. Song có lẽ hai anh không dám dùi lỗ vì bọn Mĩ đóng ngay trên nóc hầm. Đến chiều, anh em không thấy hai anh về, chạy đến hầm gọi mãi thì không có tiếng trả lời. Hai anh đã ngộp thở và ra đi.
Sau đợt 1, anh Giang Nam từ mặt trận về, kể chuyện chiến trường Sài Gòn. Anh có nói về một chiến sĩ đánh sân bay Tân Sơn Nhất đã hi sinh trong tư thế đứng thẳng như đang tiếp tục tiêu diệt địch. Lê Anh Xuân rất xúc động. Anh viết bài thơ Anh Giải phóng quân, có đọc cho nhà văn Lê Văn Thảo nghe. Trước khi xuống chiến trường, anh trao bài thơ cho nhà văn Anh Đức phụ trách tờ Văn nghệ Giải phóng. Các anh ở tạp chí bàn nhau sửa lại tên bài là Dáng đứng Việt Nam.
Một sự trùng hợp khá lí thú: Khi Lê Anh Xuân về Long An, tôi lại bám được tiểu đoàn 6 Bình Tân của Lê Minh Xuân - gồm toàn những con em của Bình Chánh, Tân Bình. Lê Minh Xuân kể cho tôi nghe về trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 12-1966. Dạo đó, máy bay Mĩ từ Tân Sơn Nhất ra đánh phá miền Bắc rất dữ dội. Bộ đội Sài Gòn rất đau xót, tìm cách trả thù, ngăn chặn máy bay Mĩ ra Bắc. Lê Minh Xuân cùng Nguyễn Văn Kịp (tức Đồng Đen) phụ trách F100 biệt động tìm cách đánh sân bay. Trận đánh phối hợp “trả thù cho Hà Nội” đã gây tiếng vang rất lớn. Hàng trăm máy bay, xe tăng Mĩ bị đốt cháy. Trong trận đó có một chiến sĩ bị kẹt lại trong sân bay cả ngày hôm sau và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi anh bị thương nặng, địch gọi hàng. Anh đã la lớn: “Quân giải phóng không biết đầu hàng” rồi bắn đến viên đạn cuối cùng. Vì kẹt giữa xác máy bay đã rã nát, người chiến sĩ như vẫn đứng thẳng, dựa lưng váo máy bay nên kẻ địch hoảng hốt đổ đạn vào anh cho đến lúc anh quỵ xuống. Vì đêm tối không nhận được mặt nhau nên lúc đầu không ai biết người chiến sĩ kiên cường ấy tên gì, ở tiểu đoàn 6 hay F100. Vì vậy mà trong thơ Lê Anh Xuân mới viết “Anh tên gì, hỡi anh yêu quý”. Sau ngày giải phóng, cả hai đơn vị kiểm tra lại danh sách liệt sĩ mới tìm ra người chiến sĩ ấy. Anh tên là Nguyễn Văn Mao, Trung đội phó trinh sát của tiểu đoàn 6 Bình Tân. Quê anh ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chính. Hiện anh còn người anh ruột đang sống ở quê nhà.
Trong cuốn kỉ yếu của lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh đã ghi rõ người liệt sĩ đó là Nguyễn Văn Mao, tiểu đoàn 6 Bình Tân, là đơn vị ba lần tấn công Sài Gòn, có sự tham gia của Nguyễn Thi, Ngọc Châu, Lâm Tấn Tài, Phạm Khắc… ngay tại các trận đánh trên đường phố. Nguyễn Thi đã hi sinh trong vòng tay yêu thương của các chiến sĩ Tiểu đoàn 6 (*).
Lúc Lê Anh Xuân viết bài thơ Anh Giải phóng quân thì bộ đội chưa tìm ra tên thật của người chiến sĩ có “Dáng đứng Việt Nam”. Dù anh đã biết tên hay chưa có tên người chiến sĩ dựa lưng vào máy bay thì “Dáng đứng Việt Nam” vẫn trở thành bài ca bất hủ về anh giải phóng quân hiên ngang trên đường băng Tân Sơn Nhất trong trận đánh “trả thù cho Hà Nội” cuối năm 1966.
(*) Đầu năm 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng Tiểu đoàn 6 Bình Tân - trong đó có người chiến sĩ “Dáng đứng Việt Nam” danh hiệu Anh hùng.