Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Hoài niệm thuở ấy

Chủ nhật - 18/07/2010 06:40
Nhân kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2008, Website Trường ĐHKHXH&NV xin giới thiệu hồi ức của thầy giáo Nguyễn Phú Thăng (giáo viên tiếng Pháp của Tổ Ngoại ngữ - Đại học Tổng hợp Hà Nội) viết về những kỉ niệm một thời sống và dạy học của các thầy cô giáo trong những năm tháng chiến tranh.
Nhân kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2008, Website Trường ĐHKHXH&NV xin giới thiệu hồi ức của thầy giáo Nguyễn Phú Thăng (giáo viên tiếng Pháp của Tổ Ngoại ngữ - Đại học Tổng hợp Hà Nội) viết về những kỉ niệm một thời sống và dạy học của các thầy cô giáo trong những năm tháng chiến tranh. [img class="caption" src="images/stories/people/nguyenphuthang.jpg" border="0" alt="Tác giả Nguyễn Phú Thăng" title="Tác giả Nguyễn Phú Thăng" width="80" height="112" align="left" ] Ngót nửa thế kỉ qua, những năm tháng đầu tiên của đời nhà giáo, sống trong sự trìu mến thân thương như anh chị em trong gia đình của tổ Ngoại ngữ Đại học Tổng hợp Hà Nội tại khu sơ tán Vạn Thọ - Đại Từ, Thái Nguyên, đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó quên. Những chuyện vui xin kể sau đây, tưởng như mới xảy ra cách đây vài ngày, vài tuần, gọi là hồi tưởng quá khứ để các bạn trẻ ngày nay thấy được cuộc sống của chúng tôi hơn 40 năm trước trong chiến tranh chống Mĩ:

Cõng nhau đi dạy học

Chúng tôi sống trong khu tập thể giáo viên ven một cánh rừng già. Gọi là khu tập thể nhưng thực ra chỉ có hai túp nhà tranh do chúng tôi tự kiếm cây que, lá gối trong rừng về để che nắng, che mưa: một dành cho những giáo viên luống tuổi, có gia đình như anh Thường, anh Quán, anh Thép..., hai là của các giáo viên trẻ chưa có gia đình như anh Lung, Công Anh, chị Ánh, chị Thư... (đây là những giáo viên của Tổ Ngoại ngữ, Đại học Tổng hợp những năm1956-1978). Sáng hôm ấy, chỉ còn khoảng 20 phút nữa là đến giờ lên lớp, từ nơi ở đến lớp học cách khoảng 500m. Đêm qua trời mưa to, quanh nhà nước trắng xoá, đi lại phải xắn quần trên đầu gối, muốn đến lớp phải lội qua một con suối. Bình thường, suối chỉ rộng khoảng 20m, nước sâu 20 đến 40 cm. Bỗng sáng nay, sau cơn mưa đêm qua, nước dâng lên, suối trở nên rộng và sâu ngập thắt lưng, nước chảy xiết. Đến bờ suối, mọi người đang ngần ngừ: “Chẳng lẽ bỏ lớp học?”. Lời thầy hiệu trưởng Kon Tum (GS. Nguỵ Như Kon Tum là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp những năm 1956-1982) văng vẳng bên tai: “Kỉ luật nhà trường khi lên lớp như kỉ luật chiến trường ngoài mặt trận !”. Còn 10 phút nữa là kẻng vào lớp. Bỗng cô giáo Thư hô lên: “Ông Thăng hoa tiêu, dắt ông Lung cõng chị Ánh, Công Anh cõng tôi, chúng ta ra trận, y lệnh.” Thế là phương án “tác chiến” được hình thành. Tôi lội xuống trước, đi giữa, tay phải dắt anh Lung trên vai cõng chị Ánh, tay trái dắt Công Anh cõng chị Thư. Thế là qua suối trót lọt, an toàn. Buổi lên lớp hôm đó, tuy ống quần thầy, cô giáo đều ướt sũng nhưng rất sạch sẽ, còn nguyên mùi thơm của nước suối hoà trong hoa lá rừng Mấy tiết học diễn ra trong không khí thân mật và cảm phục của học sinh. Một học sinh xúc động nói: “Chúng em cứ tưởng các thầy cô không qua được suối, cho chúng em nghỉ học”. Cô Thư được thể: “Nghỉ là thế nào, kỉ luật nhà trường đấy, sơ tán để dạy học cũng như đi chiến đấu ngoài mặt trận, để góp phần đánh thắng giặc Mĩ”. Buổi học hôm ấy đã gây ấn tượng đặc biệt cảm động trong lòng các em học sinh và cả chính chúng tôi với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Đàn trâu đực Các bạn hãy tưởng tượng, một năm sống ở khu sơ tán, chỉ được về Hà Nội hai lần: Tết Nguyên Đán và nghỉ hè. Về bằng cách nào? Đạp xe 60 – 70 km, qua rừng qua suối trong đêm để ra ga Quán Triều lúc 3 giờ sáng đáp chuyến tàu tốc hành về Hà Nội Năm đó, chúng tôi được về Hà Nội ăn Tết. Xa nhà nửa năm rồi, nay được về ăn Tết, ai chẳng háo hức. 9 giờ đêm xuất phát (không dám đi ngày sợ máy bay địch), đạp xe 4 - 5 giờ liền, tuy mọi người đều ở tuổi trên dưới 30, nhưng ai nấy đều thấm mệt. Có cô giáo Thư, người mảnh khảnh, gầy yếu, cằn nhằn: “Mệt quá, đề nghị tốp trưởng cho nghỉ, tớ đếch đạp được nữa”. Thày giáo Thép, trưởng tốp, ra lệnh: “Hạ trại, nghỉ”. Xuống xe, mọi người trải ni lông ra nằm giữa rừng. Tuy cuối tháng chạp nhưng trời quang mây tạnh, không lạnh lắm, hơn nữa đạp xe còn toát mồ hôi. Đi mãi trong đêm, quen mắt, nên vẫn trông rõ mặt người. Vẫn giọng cô Thư lo lắng: “Đêm hôm nằm giữa rừng nhỡ cọp, sói ra vồ, cắn thì mất Tết”. Vốn là người cảnh giác, lúc nhỏ lại là thiếu sinh quân nên thầy giáo Thép có rất nhiều kinh nghiệm “trận mạc”, lập tức có ngay phương án. Thầy bảo, trước khi trình bày phương án, tớ kể cho các cậu nghe câu chuyện: “Đàn trâu rừng ở châu Phi thường bị hổ vồ ăn thịt những con nhỏ, cho nên khi đàn trâu nghỉ ngơi trong đêm ở đâu thì những con đực to, khoẻ thường nằm xung quanh bảo vệ đàn trâu con, trâu cái...”. Chớp cơ hội, cô Thư (Thư vốn là người thông minh lanh lợi, luôn giữ thế thủ) cười the thé, giọng cười làm tan sự mệt mỏi của mọi người, trong đêm cuối tháng chạp, giữa rừng sâu: “Ở đây có bốn con trâu đực rồi, khoẻ nhất là trâu Thép rồi đên trâu Thăng, trâu Long,...”. Đến lượt trưởng lớp Thép hạ phương án: “Ta thành lập 2 vòng vây, bảo vệ phái yếu vòng ngoài là 6 chiếc xe đạp, xếp nối đuôi nhau quây tròn, vòng trong là 4 vệ sĩ bao vây 2 cô giáo”. Phương án được hình thành, mọi người an tâm và yên ổn nghỉ ngơi trong đêm hạ tuần tháng chạp, vang dội tiếng côn trùng gợi nên không khí náo nhiệt ở Thủ đô đang chờ đón những người con đi xa trở về. Nét mặt ai nấy cũng rạng rỡ vì sự mệt mỏi đã được xua tan và vì tàu về Hà Nội đang kéo còi vào ga.

Bắt ếch đêm

Các bạn thân mến, ngày nay món “đặc sản ếch” các bạn thưởng thức thường xuyên tại các nhà hàng, giá đắt lắm thì phải! Gọi là đặc sản nhưng là ếch nuôi, mau lớn, thịt không thơm ngon bổ bằng ếch sống trong tự nhiên, chúng chỉ kiếm mồi trên đồng ruộng, nên con nào con nấy béo vàng, da nhẵn, xương mềm. Đùi ếch đồng dầm sả ớt, muối chanh, húng lìu đem hấp cách thuỷ, còn gì đậm đà thú vị hơn. Đặc biệt là món ếch xào măng, xào mướp là món ăn dân tộc, cổ truyền nhắm với bia thì thật là tuyệt. Viết đến đây tôi lại nuốt nước miếng, nhớ đến chuyên xưa hơn 40 năm trước cùng bác Công Anh đi bắt ếch đêm tại khu sơ tán. Thông thường, hễ trời mưa to là đêm đó chúng tôi kiếm được vài cân ếch đồng về cải thiện. Việc bắt ếch đêm rất thú vị như đi săn vậy. Đặc điểm của ếch là đêm tối thấy ánh đèn thì hai chân trước bưng che kín mắt. Vậy người soi ếch chỉ nhẹ nhàng dùng tay sẽ đặt lên lưng tóm gọn chú ếch cho vào giỏ. Mưa to, sau đó mưa lắc rắc, ếch phá mà (tổ) ra ngoài kiếm mồi, gọi bạn tình. Vì nằm lâu trong tổ nay được ra ngoài, có lẽ ếch phấn khởi “cao hứng” kêu chào, gọi nhau inh ỏi: ộp ộp uôm uôm khắp cánh đồng. Cứ theo tiếng kêu đó (như chúng gọi người soi ếch) là tìm thấy mồi săn ngay. Vì khi chúng kêu, bụng trắng xoá phơi ra dưới ánh đuốc. Bác Công Anh cầm cây đuốc, tôi cầm giỏ chỉ việc nhặt ếch. Ếch nhiều đến nỗi chỉ thèm bắt con to, con nhỏ không bõ, ăn không ngon. Thú nhất là bắt “ếch chầm” (con cái cõng con đực). Khi con đực nằm trên lưng con cái, cả hai đều kêu: đực thì ộp ộp, cái thì uôm uôm... Tiếng ếch xen tiếng côn trùng như một bản nhạc vui tai. Khi nghe tiếng ộp uôm song tấu tình tứ chỗ nào là biết ngay chỗ đó có cặp uyên ương đang hò hẹn. Người soi ếch cho dù đi nhanh, mạnh chân, mạnh tay đến đâu, “ếch chầm” cũng không rời nhau vì chúng đang mải miết chuyện riêng theo luật tạo hoá, nơi phòng the giữa thiên nhiên, trong đêm mưa, dưới ánh đuốc, nên bắt chúng rất dễ. Bác Công Anh soi đuốc phát hiện ra trước, quát tôi: “Thăng để tao, bắt ếch đêm thế này khoái thật”. Tôi thì sẵn sàng nhường bác Công Anh lấy thành tích vồ “ếch chầm” mang về dầm chua ngọt - cách thuỷ, cả tổ cùng nhậu.

Vạ thịt gà

Phương ngôn có câu: “một tiền gà, ba tiền thóc”. Phải chăng nuôi một con gà trị giá một đồng thì mất ba đồng mua thóc cho nó ăn? Tôi cứ phân vân chuyện này. Để thử nghiệm, tôi bèn vào trong bản, tôi mua một con gà mái choai. Hàng ngày tôi gọi gà ra ven rừng mang theo một cái cuốc. Chỉ vài nhát, gà ăn không hết giun. Những con giun đất to như chiếc đũa, ngoằn ngoèo, giãy giụa sau nhát cuốc bật đất lên. Giun bò ra là gà choai mổ chén. Cứ thế, cứ thế, sáng chiều lúc nào thong thả, chỉ cần 5-10 phút là gà đủ bữa liên hoan căng diều giun đất. Cô gà choai của tôi lớn nhanh như thổi, lông vàng óng, mào đỏ tươi, mượt mà như gà mái ghẹ. Hễ thấy tôi cầm cuốc, gọi tích tích là vàng choai đang chơi tha thẩn ở đâu cũng cúc cúc bay theo nhặt mồi. Sau 2 tuần, 3 tuần rồi 5, 6 tuần, Vàng Choai có lẽ nặng gần 2kg. Choai đi lại ì ạch, thái độ biểu hiện khác thường, hay bới đống cát thành hố và có hôm Choai nằm nghỉ hàng giờ trong hố cát, ăn uống không ngon “mỏ” như mọi khi. Tôi đang tính chuyện mời bác sĩ thú y hỏi xem bệnh tình Choai ra sao thì... Trưa hôm đó, tôi đang ngủ, giật mình nghe tiếng: quác, quang, quác của Choai kêu the thé. Tôi chồm dậy ra sân, trước mặt, vệ đống cát, có cái hố nhẵn nhụi như trôn chảo. Ở giữa hố, một vật tròn bầu dục trắng phau, tươi hồng, mịn màng, điểm xuyết một vệt “máu đào” làm tôi bàng hoàng, không tin vào mắt mình. Choai đứng cạnh vẫn quác quác, nhè nhẹ, thưa dần như báo tin: “Trứng đấy, trứng đấy! Trả nghĩa người đào giun”. Thì ra mấy ngày qua, Choai trở dạ, nay đã cho ra đời một vật thể “bồi dưỡng cho người” - trứng gà tươi. Cứ thế, hàng ngày tôi đón nhận một quả trứng gà tươi trong 3 tháng liền, tổng cộng ngót 90 quả trứng. Thực ra là một kỉ lục hiếm có do Choai của tôi sản sinh ra. Có người bảo khí hậu miền núi mát mẻ, gà ăn giun đất nhiều đạm, nhiều canxi nên đẻ nhiều. Choai đẻ nhiều đến nỗi thầy Lung (vốn là người hài hước) bảo tôi: “Ông Thăng mát tay, nuôi vợ mắn đẻ, nuôi gà mắn trứng”. Thấy tôi nuôi gà mắn, mọi người cũng ra chợ mua gà về nuôi. Tai vạ đến! Mua phải gà rù ở chợ... Thế là đàn gà trên dưới 100 con của ông hàng xóm lăn đùng ra chết. Ông ta bắt đền các thày cô giáo mua gà rù ở chợ về nuôi lây sang gà nhà ông ta. Thế là hơn một tháng liền, ông hàng xóm bắt chúng tôi ăn thịt gà (tất nhiên là gà chưa chết hẳn và phải trả tiền ông ta). Thành ra các thày cô giáo phải “vạ thịt gà” . Và “mợ choai vàng” của tôi cũng chịu chung số phận đó. Từ bấy, tôi không nuôi gà nữa nên không được ăn trứng gà tươi. Nhưng chúng tôi đã chứng minh không phải “một tiền gà, ba tiền thóc” mà là “một vốn bốn lời”. Các bạn thân mến! Hoài niệm quá khứ là việc muôn thuở của mọi thời đại, để đời nay biết chuyện đời xưa và để người xưa ôn lại quá khứ. Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai người đồng nghiệp là thầy Thép và cô Thư không có may mắn như chúng ta ngồi đây hưởng thụ những thành quả tốt đẹp sau bao năm sơ tán vất vả tham gia kháng chiến. Vậy xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh hai bạn bằng nén tâm nhang. Còn các cựu đồng nghiệp đương thời, thày Quán, thày Lung, Công Anh, cô Ánh khi đọc bài này thấy điều gì sơ xuất, tôi thành thật xin lỗi. Âu cũng là chuyện vui khi ngồi họp mặt cùng các bạn nhân kỉ niệm 50 năm thành lập đơn vị ngoại ngữ Đại học Tổng hợp thân yêu của chúng ta.

Tác giả: thanhha

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây