Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Giáo sư Trần Văn Giàu - một học giả lớn, một nhân cách lớn

Thứ tư - 12/08/2015 22:57
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, tác giả của những công trình được tuyển chọn và giới thiệu trong tập I và tập II của bộ sách quý “Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” do Trung tâm KHXH&NV Quốc gia (nay là Viện KHXH Việt Nam) ấn hành năm 2003 không chỉ là một học giả lớn mà chính là một nhân cách lớn. Nét đặc sắc nhất trong nhân cách Trần Văn Giàu là ở chỗ con người ông chính là sự hoà quyện nhuần nhuyễn của một người chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo mẫu mực và nhà học giả uyên thâm. Nhưng có lẽ nói như thế vẫn còn chưa đủ. Bất cứ ai được gặp ông, dù chỉ thoáng qua hay được sống và làm việc gần gũi với ông, đều nhận ra rất rõ rằng Trần Văn Giàu trước hết là một nhân sĩ Nam Bộ điển hình. Chất Nam Bộ toát ra từ trong giọng nói, nét cười, trong cách cư xử hàng ngày – vừa nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn, vừa rất nghiêm khắc nhưng lại chân tình, nồng ấm có pha một chút gì đó rất hóm hỉnh, vui vui, vừa cao ngạo mà lại rất dung dị. Và tố chất Nam Bộ ấy cũng thẩm thấu vào mỗi công việc ông làm, từ hoạt động cách mạng cho tới nghiên cứu khoa học, trong mỗi ý tưởng và trên từng trang viết.
Giáo sư Trần Văn Giàu - một học giả lớn, một nhân cách lớn
Giáo sư Trần Văn Giàu - một học giả lớn, một nhân cách lớn

Chắc chắn Trần Văn Giàu là một trong những tác gia đương đại lớn nhất của Việt Nam. Ông khởi nghiệp khảo cứu và trước tác từ rất sớm. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi còn học tại Trường Đại học Phương Đông mang tên Lênin ở Mạc Tư Khoa, ông đã tham gia soạn thảo và chắp bút cho một số văn kiện quan trọng của Quốc tế Cộng sản có liên quan đến việc chỉ đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1935 đến năm 1941, suốt gần bảy năm trong nhà tù đế quốc, lúc ở Khám Lớn (Sài Gòn), khi ở Côn Đảo và trong trại tập trung Tà Lài, Trần Văn Giàu thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim, cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị “Giáo sư Đỏ” ngày ấy đã hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất. Nhiều “học viên” của “Trường Đại học cách mạng” ấy sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) v.v.. Trong những ngày tháng gấp rút chạy đua với thời gian, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Kỳ ở vào đêm trước cuộc Cách mạng tháng Tám, đích thân Bí thư xứ uỷ Trần Văn Giàu lại soạn ra nhiều cuốn sách nhỏ làm tài liệu huấn luyện, tuyên truyền trong công nhân và nhất là trong giới trí thức, công chức cao cấp, để qua đó, bằng lý luận và nhiệt huyết, thuyết phục, lôi kéo họ về phe cách mạng. Tiếc rằng cho tới nay, phần lớn những tác phẩm này của ông – hiển nhiên là có giá trị đặc biệt, còn đang bị thất lạc, chưa tìm lại được bao nhiêu.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu (1911-2010),

nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).

Cuộc cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhưng chỉ gần ba tuần sau thực dân Pháp đã núp bóng quân Anh quay lại phát động chiến tranh nhằm tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam. Nhân dân Nam Bộ là những chiến sĩ tiên phong anh dũng đối đầu với quân giặc Pháp. Trần Văn Giàu đứng ở vị trí tiên phong trong đội quân tiên phong ấy. Năm 1949, bất thần ông được gọi ra chiến khu Việt Bắc, được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ năm 1951 đến 1954 ông là Giám đốc, là giáo sư trực tiếp giảng dạy ở Trường Dự bị Đại học trong vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh. Thời kỳ này ông vẫn tiếp tục viết, chủ yếu là các tài liệu lý luận tuyên truyền, huấn luyện chính trị.

Tháng 11 năm 1954, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy nhà trường và là một trong những bậc thầy khai sáng của hai ngành sử học và triết học hiện đại ở nước ta.

Những năm tháng đó, GS. Trần Văn Giàu và các GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Cao Xuân Huy khai nền, mở nghiệp cho ngành sử và ngành triết thật gian nan. Thiếu thầy, thiếu sách vở, nhất là thiếu các sách công cụ, giáo trình. Không thể chần chừ, Trần Văn Giàu cùng các học trò và đồng nghiệp phải “xắn tay áo” biên soạn ngay những bộ giáo trình đầu tiên. Lạ thay! Trong điều kiện như vậy mà bộ giáo trình mà ông chủ biên về Lịch sử cận đại Việt Nam, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ vẫn có thể được xem như bộ giáo trình cơ bản, sâu sắc và có tầm nhất. Bên cạnh đó, ông phải soạn gấp các sách như Triết học phổ thông, Lịch sử chống xâm lăng rồi Miền Nam giữ vững thành đồng v.v.. vừa được dùng như tài liệu tham khảo trong nhà trường, vừa được dùng như tài liệu tuyên truyền, như tiếng kèn hiệu kêu gọi đồng bào, đồng chí xông pha vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vượt qua giai đoạn đó, đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, GS. Trần Văn Giàu bắt tay vào những công trình khảo cứu công phu, cẩn trọng về lịch sử Việt Nam. Bộ sách đầu tiên của ông là bộ “Giai cấp công nhân Việt Nam” (3 tập). Đây là công trình khảo cứu công phu, hệ thống đầu tiên về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam. Sau hơn 4 thập kỷ, ngày nay có thể thấy ở chỗ này chỗ kia bộ sách cần có sự bổ khuyết và hiệu chỉnh về sử liệu, song quan trọng nhất là những đóng góp của GS. Trần Văn Giàu về phương pháp. Với bộ sách này, lần đầu tiên lịch sử Việt Nam không chỉ còn là lịch sử của các lãnh tụ, các chính đảng hay các tôn giáo mà thực sự là lịch sử của quần chúng nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra.

Tiếp đó, GS. Trần Văn Giàu lại tự nhận lãnh về mình một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trước đó chưa ai đủ sức làm: biên soạn một bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tự mình, ông cũng thấy đây là việc rất khó, nhưng không thể từ nan. Đây là lời ông tự bạch khi tập I của bộ sách ra đời: “Đơn thương độc mã đi vào lĩnh vực lịch sử tư tưởng, ít ra là trong những bước đầu, thật là đáng lo, đáng sợ, không phải không có lúc nào chùn chân. (...) ở đây vấn đề thì rất hấp dẫn, việc làm lại rất khó khăn, cái gì cũng khá mới lạ, chỉ có một cái quen thuộc là phương pháp luận, nhưng các nguyên lý của phương pháp luận ứng dụng vào lịch sử tư tưởng Việt Nam thì sao là đúng, chắc chắn phải vào việc một hồi lâu mới biết rõ được”.

Cứ theo cách đó, sau nhiều năm miệt mài khảo cứu, cuối cùng bộ sách gồm 3 tập “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam đã ra đời”. Đánh giá về bộ công trình đồ sộ này, David G. Marr, một trong những sử gia nổi tiếng thế giới và là chuyên gia hàng đầu về Việt Nam viết: “Trong số các công trình đã xuất bản bằng mọi thứ tiếng trên thế giới thì đó là bộ sử tốt nhất về tư tưởng Việt Nam.”[1] Thiết nghĩ, lời nhận xét trên đây của một sử gia phương Tây lớn như David G. Marr đã đủ nói lên chân giá trị của công trình mà Trần Văn Giàu “đau thiết” hơn 20 năm để hoàn thành, không cần phải bình luận gì thêm. Cũng với hai bộ công trình này, GS. Trần Văn Giàu đã được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.

Giáo sư Trần Văn Giàu là thầy của nhiều thế hệ nhà Sử học Việt Nam

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù tuổi cao, sức khoẻ cũng không còn được như trước nữa, nhưng ông vẫn tiếp tục miệt mài khảo cứu, suy ngẫm, hoàn thiện những công trình đã ấp ủ từ trước đó và công bố những công trình mới. Học trò nhiều thế hệ, từ những người từng được ông kèm cặp, nay đã trở thành những học giả danh tiếng, cho tới lớp sinh viên mới chập chững vào nghề, đọc sách ông viết và tự nhận là môn sinh gián tiếp của ông, vẫn kéo nhau về xin gặp ông để được nghe ông nói, thấy ông cười, được ông chỉ dẫn cho nhiều điều. Học giả nước ngoài, dù với nhiều quốc tịch và chính kiến khác nhau, nhưng nếu nghiên cứu về Việt Nam thời cận – hiện đại mà chưa được gặp ông - để phỏng vấn, để tham bác và tranh luận, thì vẫn còn tự coi như chưa “đắc đạo”…

Các công trình được tuyển chọn và công bố trong tập I và II của bộ sách “Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” đương nhiên là những công trình tiêu biểu nhất của ông. Mặc dù hai tập sách đã rất đồ sộ (với tổng cộng 3.558 trang), nhưng đó cũng chỉ thể hiện được một phần nhỏ những cống hiến học thuật mà Trần Văn Giàu đã dâng tặng cho Cách mạng, Dân tộc và Nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. 

Như đã nói ở trên, Trần Văn Giàu khởi nghiệp trước tác từ rất sớm ở lĩnh vực lý luận-chính trị. Ngoài các tài liệu tuyên truyền, huấn luyện, ông cũng biên soạn khá nhiều sách triết học, kinh tế chính trị, khảo luận văn chương. Nhưng sử học chính là lĩnh vực mà tại đó ông đã khẳng định rõ ràng nhất đóng góp to lớn và uy tín học thuật bao trùm của mình.

Ảnh hưởng và uy tín của Trần Văn Giàu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận – hiện đại được khẳng định trước hết không phải bởi vì số lượng khổng lồ các công trình ông đã công bố, mà chính là ở cách tiếp cậnthái độ nghiêm túc nghề nghiệp ông thể hiện nhất quán trong tất cả các công trình đó. Không nghi ngờ gì, rằng Trần Văn Giàu là một sử gia mác-xít. Chất mác-xít – nói như lời của một học trò của ông, GS. Trần Quốc Vượng, đã “ăn” vào máu thịt ông.

Điều cần nói rõ ở đây là: thế giới quan mác-xít được thể hiện theo một cách rất riêng trong phương pháp mà Trần Văn Giàu tiếp cận và nghiên cứu lịch sử. Chắc chắn là ông thuộc vào thế hệ những trí thức Tây học đầu tiên tự nguyện tiếp nhận phương pháp tư duy mác-xít một cách hoàn toàn duy lý, khoa học và đối xử học thuyết Mác – Lênin một cách khoa học - đúng như Mác từng đòi hỏi. Nhờ thế mà trong khi vận dụng phương pháp luận mác-xít vào nghiên cứu lịch sử dân tộc, ông đã giảm thiểu được tối đa những khuyết tật do bệnh giáo điều, máy móc vốn là căn bệnh khá trầm kha của giới sử gia mác-xít không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước thuộc phe XHCN trước đây. Quả thực, ông đã nghiền ngẫm rất nhiều trong việc vận dụng lý thuyết về hình thái kinh tế-xã hội và học thuyết đấu tranh giai cấp vào việc phân kỳ lịch sử Việt Nam, và chính ông cũng sớm nhận ra rằng không thể cứ nhất nhất phải “gò” giai đoạn này hay giai đoạn khác của lịch sử dân tộc vào hình thái kinh tế – xã hội này hay hình thái kinh tế-xã hội kia.

Giáo sư Trần Văn Giàu và phu nhân, cùng các học trò: GS.NGƯT Trần Quốc Vượng, GS.NGND Đinh Xuân Lâm,

GS.NGND Hà Văn Tấn, GS.NGND Phan Huy Lê 

Nguyên tắc quan trọng nhất trong nhận thức và trình bày lịch sử của Trần Văn Giàu là tôn trọng sự thực. Đó là cách viết sử mà ông gọi là “việc có ngày tháng, người có tên tuổi”. Sách ông viết, từ Chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam (hai bộ) đến Miền Nam giữ vững thành đồngSự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam cứ ngồn ngộn tư liệu, tư liệu từ nhiều phía, khai thác từ nhiều nguồn. Ông lại vốn rất cẩn trọng trong sưu tầm và sử dụng sử liệu, luôn luôn phê phán, so sánh, định rõ độ xác tín của chúng. Tư liệu ông đã dùng thường phải có chú dẫn rõ ràng. Phần nào chưa rõ, còn nghi ngờ, ông cũng nói rõ để người đọc thận trọng, tự kiểm chứng. Công trình của ông, dù ăm ắp những tư liệu nhưng người đọc không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại bị cuốn hút mạnh mẽ do cách ông biện giải rất hùng hồn, mạch lạc. Vì thế mà không chỉ người học sử, nghiên cứu sử ở trong nước mà cả học giả nước ngoài cũng ham đọc sách của ông. Ông là học giả Việt Nam đương đại được trích dẫn nhiều nhất trong các công trình của người nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam cận đại. Lật xem phần danh mục tài liệu tham khảo ở cuối các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài nổi tiếng như David G. Marr, William J. Duiker, Jayne S. Werner, Huỳnh Kim Khánh, Alexander B. Woodside, Stein Tonnesson, Daniel Hemery, Pierre Brocheux, Martin Murray, Bernard B. Fall, Shawn F. McHale, Furuta Motoo, Wilfred Lulei, vv bao giờ cũng có một vài đầu tài liệu của Trần Văn Giàu. Không hẳn những học giả nói trên khi tham khảo sách của ông đều nhất trí với các luận điểm của ông. Dù ý kiến họ có khác hoặc trái hẳn với quan điểm của ông – trong khoa học thì điều đó cũng là chuyện bình thường thôi, thì họ đều tỏ ra nể trọng ông. Không ít người ca ngợi ông chẳng kém gì học trò ông tôn vinh ông ở trong nước.

Hai bộ sách của ông viết về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam là những công trình được tham khảo và trích dẫn nhiều nhất ở cả trong nước và nước ngoài. Người ta tham khảo hai bộ sách này trước hết vì nó sống động và ngồn ngộn tư liệu, như đã nói ở trên. Nhưng điều làm cho các bộ sách này được đánh giá cao, tham khảo rộng rãi còn chính là vì phương pháp, cách tiếp cận mà Trần Văn Giàu thể hiện trong các công trình nghiên cứu này. Ở nước ngoài và nhất là ở Việt Nam có nhiều người đã tìm cách trình bày, lý giải các quá trình, sự kiện của lịch sử cận – hiện đại Việt Nam theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, trong phần lớn các công trình được phát hành bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước ấy đều có chung cách nhìn, cách trình bày khiến cho lịch sử chỉ còn là lịch sử của các chính đảng, các lãnh tụ, các tôn giáo và các nhóm élite đủ loại. Chỉ có trong các công trình nói trên của Trần Văn Giàu thì lịch sử mới thực sự được trình bày như là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, trong đó diện mạo, hình hài, tâm tư, nguyện vọng, hoạt động của quần chúng đã được tái hiện sinh động và cụ thể. Cách viết sử ấy của Trần Văn giàu rõ ràng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức luận và các tiếp cận của nhiều học giả trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, kế tiếp công trình của ông đã xuất hiện một số nghiên cứu khác rất có giá trị về công nhân, nông dân, phụ nữ vv được thực hiện theo cách tiếp cận này. Ở nước ngoài, phải đợi tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước mới xuất hiện một vài nghiên cứu theo hướng “bottom up”, trong đó cuốn sách đồ sộ của David G. Marr về Cách mạng tháng Tám Vietnam 1945: the Quest for Power là công trình tiêu biểu nhất.

Giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV) năm 2000.

 Ngày nay, việc áp dụng các cách tiếp cận của nhân học, xã hội học và folklore học vào nghiên cứu và trình bày lịch sử theo kiểu “bottom up” đang ngày một trở nên thịnh hành trong giới sử gia nhiều nước, và đã bắt đầu có dấu hiệu trở thành xu hướng cực đoan, "thấy cây mà không thấy rừng". Chính trong bối cảnh này bộ sách Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần Văn Giàu lại càng khẳng định được giá trị có tính phương pháp luận của nó. Trong khi viết sử, dù lấy phong trào quần chúng làm đối tượng chính, Trần Văn Giàu không bị sa vào một thứ "dân tuý" nào đó. Ông vẫn duy trì được cái nhìn đa diện, đa chiều, không cực đoan, không thiên lệch. Nghiên cứu về công nhân mà chỉ ra cái ranh giới chính trị-xã hội vừa rõ ràng, vừa mong manh giữa hai lớp người, một lớp là "thầy", lớp kia là "thợ"; chỉ ra được mối tương tác giữa chính thể, đoàn thể quần chúng và giai cấp công nhân, thì ở Việt Nam chỉ có Trần Văn Giàu làm được, còn ở nước ngoài Joseph Buttinger và Martin Muray mới chỉ gợi ra được một vài ý tưởng mà thôi.

Bộ sách khác của Trần Văn Giàu cũng rất nổi tiếng cả ở trong nước và ở nước ngoài chính là bộ công trình gồm ba tập Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám mà ông công bố trong khoảng thời gian 1973-1993. Đây chính là bộ công trình mà ông Dụng công, Dụng tâm, Dụng trí nhiều hơn cả để hoàn thành. Vốn chuyên viết giáo trình, khảo cứu và dựng lại lịch sử các phong trào quần chúng, khi bắt đầu bước sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Văn Giàu biết rất rõ rằng ông đang tự mình đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.

Cuối cùng, để tiếp cận các công trình khoa học của Trần Văn Giàu, có lẽ cũng nên biết thêm rằng ông là con người phải gánh chịu nhiều niềm đau lớn. “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” – Ức Trai nói thế – vận vào người Ức Trai và vận vào Trần Văn Giàu như thế. Lộ trình bão tố gập gềnh của đời ông, từ một trí thức Tây học, con nhà giàu, trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, tù nhân, lãnh tụ, rồi cuối cùng thành học giả, thành người viết sử, là lộ trình của nhiều niềm đau nhân thế. Cha ông mất khi ông còn biệt xứ, nhiều năm sau trốn mật thám trở về lặng lẽ lạy mồ cha ở một khu ruộng giữa đêm vắng vẻ. Rồi mẹ ông cũng lặng lẽ ra đi khi ông còn bôn ba khắp các chiến trường. Người vợ hiền thục của ông phôi pha cả tuổi thanh xuân mòn mỏi đợi chồng, có lúc đã phải vào chùa đi tu để tránh sự gièm pha ác độc của dư luận … Nhưng đó mới chỉ là “những niềm đau nhỏ”. Còn những nỗi buồn, những niềm đau lớn hơn đã bám đuổi, ám ảnh ông suốt nhiều năm tháng. Có thấu hiểu những nỗi niềm của lòng ông ta mới phần nào thấy được nghị lực phi thường của ông, mới hiểu được rằng ông không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một học giả, người Thầy lớn, mà còn chính là một NHÂN CÁCH LỚN.

GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN TRẦN VĂN GIÀU

  • Năm sinh: 1911.
  • Năm mất: 2010.
  • Quê quán: Long An.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1955.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1992.
  • Được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2003.
  • Thời gian công tác tại trường: 1956-1960.

+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử.

+ Chức vụ quản lý: 

Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).

  • Hướng nghiên cứu chính: Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam; Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam; Lịch sử tư tưởng Việt Nam thời Cận đại.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Lịch sử chống quân xâm lăng (3 tập, 1956-1957).

Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam (4 tập, 1.500 trang).

Lịch sử cận đại Việt Nam.

Miền Nam giữ vững thành đồng.

Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám.

Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho công trình Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập (1956-1978) năm 1996.

 

Tác giả: GS.NGND Đinh Xuân Lâm; GS.TS Phạm Hồng Tung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây