Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Đừng biến Văn chương thành những khuôn mẫu

Chủ nhật - 01/07/2012 23:50
Kì thi đại học sắp đến gần, thầy Trần Hinh (giảng viên Khoa Văn học) chia sẻ những suy nghĩ về cách dạy và học Văn hiện nay. Thầy cũng đưa ra một số gợi ý giúp các thí sinh có thể làm tốt bài thi đại học môn Văn.
Đừng biến Văn chương thành những khuôn mẫu
Đừng biến Văn chương thành những khuôn mẫu
Kì thi đại học sắp đến gần, thầy Trần Hinh (giảng viên Khoa Văn học) chia sẻ những suy nghĩ về cách dạy và học Văn hiện nay. Thầy cũng đưa ra một số gợi ý giúp các thí sinh có thể làm tốt bài thi đại học môn Văn. - Qua nhiều năm dạy và chấm thi đại học môn Văn, thầy nhận thấy những lỗi “nặng” nhất của học sinh trong cách học Văn hiện nay là gì? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này, tôi nghĩ là khó, vì bản thân tôi chỉ là một cá nhân “nhỏ nhoi”, trong khi còn có rất nhiều thầy cô giáo khác, họ có thể có những nhận xét khác. Tuy nhiên, nếu cho phép tôi được trả lời có tính chất cá nhân một cách thẳng thắn, thì tôi khẳng định rằng, lỗi “nặng” nhất trong cách học Văn bấy lâu nay, là học trò bị biến thành những “khuôn mẫu”, học theo những bài “văn mẫu”. Văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung, nói như nhà văn Nam Cao là “không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài mẫu hàng đã đưa sẵn. Mà văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Cho dù quan niệm trên của Nam Cao là chú trọng hơn với loại văn hư cấu, văn của những người sáng tác, chứ không phải văn kiểu học trò, tôi vẫn cứ cho rằng, sở dĩ việc học Văn của học sinh hiện nay có nhiều “thảm hoạ” như thế là vì, sách vở, thầy cô giáo, phương pháp dạy học Văn thường có khuynh hướng biến người học thành những “cái máy”. Khi người làm Văn là những cái máy, thì tất nhiên cảm xúc biến mất, cá tính không còn, văn chương trở thành “thảm hoạ”. Chúng ta không thể trách học sinh được. - Vậy khi chấm thi đại học, những lỗi gì trong các bài thi môn Văn làm các thầy giáo phải trăn trở thưa thầy? Lỗi phổ biến thường gặp trong cách làm bài của học sinh là bao giờ cũng cố hướng bài viết của mình theo các bài văn mẫu. Chấm hàng ngàn bài thi trong một kì thi, thấy bài nào cũng na ná giống nhau. Trong khi đó học theo văn mẫu thì không bao giờ có thể thuộc và nhớ hết được. Khi không thuộc và không nhớ các bài văn mẫu, học sinh trở nên mất phương hướng, mất lòng tin ở chính mình. Chính từ đó dẫn đến hàng loạt các bài văn thường gặp các lỗi như sau: bài văn thiếu bố cục, luận điểm thường không rõ ràng, câu văn khô khan “rối rắm”, ngây ngô, không thuyết phục, hô khẩu hiệu... Nói thật, trong lịch sử chấm thi đại học gần 40 năm qua của mình, kể từ khi xuất hiện bộ đề thi và những bài văn mẫu, những bài văn như thế tôi gặp nhiều lắm. Tất nhiên, trong một Hội đồng thi, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp một vài bài văn hay. Hay đích thực chứ không phải hay theo văn mẫu. Đó là khi học sinh là chính mình. Họ tự suy nghĩ cảm xúc và viết ra những câu văn chân chính, đích thực. Tôi ước ao sẽ có ngày chúng ta đưa việc dạy và học Văn trở lại cách thức như thế. - Đề thi đại học môn Văn hàng năm thường có câu hỏi cảm nhận về một đoạn thơ hoặc nhân vật, vấn đề... trong một tác phẩm văn xuôi. Với câu hỏi dạng này, theo thầy, thí sinh nên có những chú ý gì khi làm bài để có được điểm cao? Đúng là gần đây trong đề thi đại học ta thường bắt gặp kiểu ra đề nêu cảm nhận về một đoạn thơ, đoạn văn hay một vấn đề nào đó trong một hoặc một vài tác phẩm văn xuôi. Cụ thể, đề thi đại học môn Văn từ năm 2008 đến nay có hàng loạt những đề thi dạng này: nêu cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ và Tràng giang; nêu cảm nhận về hai đoạn thơ trong Tương tư và Việt Bắc; nêu cảm nhận về hai đoạn văn xuôi trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông?... Nói chung với dạng đề thi “là lạ” này, học sinh cần chú ý, đó cũng chỉ là dạng đề văn thông thường thôi, đừng coi nó là “lạ”. Tất nhiên khi người ta ra đề liên kết hai tác phẩm hay hai vấn đề lại với nhau, nên nghĩ đó là dạng đề thi yêu cầu so sánh. Học sinh phải biết tìm ra được những điểm giống và khác nhau của hai đoạn thơ/đoạn văn trên. Còn đề thi hỏi sự “cảm nhận”, nghĩa là người ta muốn nhấn mạnh vào sự cảm thụ của học trò. Vì thế với những đề thi kiểu này, học sinh cứ sử dụng các thao tác phân tích, bình luận, chứng minh hay bình giảng, tuỳ thuộc vào yêu cầu nội dung cụ thể, miễn là nói ra được cái hay, cái đẹp, sự giống và khác về nội dung và nghệ thuật của những đoạn thơ văn cần so sánh là được. Học sinh đừng nên quá lo lắng về chữ “cảm nhận” trong đề thi thuộc loại này. Tuy nhiên, tôi cho rằng ra đề thi cho học sinh phổ thông như thế này thật ra cũng không “chuẩn” lắm. Vì trong chương trình học phổ thông, không có thể văn nào là “cảm nhận” cả. Nó chỉ có phân tích, giải thích, chứng minh, bình giảng hay bình luận thôi. Ra như thế sẽ khó cho học sinh.

- Đề thi đại học môn Văn nhiều năm nay đưa vào câu hỏi trình bày suy nghĩ của thí sinh về một vấn đề xã hội, thầy đánh giá thế nào về cách ra đề này? Qua nhiều năm chấm bài thi đại học, thầy nhận xét thế nào về cách làm bài của học sinh và có thể đưa ra lời khuyên nào để thí sinh làm tốt nhất loại đề thi này? Dạng đề thi này thực ra đã được thực thi một số năm nay rồi. Nếu không nhầm, tôi nhớ bắt đầu từ kì thi năm 2009. Một cách chính xác đây là dạng đề nghị luận xã hội. Thời tôi thi đại học [những năm 1970-1971] loại đề thi này rất phổ biến. Nay người ta dùng lại, có nhiều người nghĩ nó là một “cách tân” gì đó ghê gớm lắm. Riêng bản thân tôi, tôi chấp nhận hướng ra đề này, nhưng không tuyệt đối hoá nó. Đúng là ra đề theo hướng mở thế này, người ta có thể kiểm tra được trình độ nhận thức xã hội của học sinh, biết được những suy nghĩ hàng ngày của họ. Tuy nhiên, trên thực tế chấm bài thi thuộc dạng này, tôi không nhận ra được hướng tích cực đó. Phần lớn bài làm của học sinh lại vẫn rơi vào tình trạng “văn mẫu”, lại hô khẩu hiệu, nói lại những điều thầy cô, sách vở, truyền thông “mớm” cho mình , mà không nói được suy nghĩ của mình một cách chân thực. Thậm chí ở cả những đề thi về “sự trung thực, thói đạo đức giả, sự dối trá”, trên bài làm của học sinh, tôi vẫn thấy “sự thiếu trung thực, giả dối và đạo dức giả”. Vì vậy, theo tôi, để làm tốt bài văn thuộc dạng này, học sinh chỉ cần trình bày thật chân thành suy nghĩ hiểu biết của mình và cố gắng cấu trúc bài viết bám sát 4 thao tác sau đây: 1. Mở bài, nhấn mạnh từ chìa khoá (chẳng hạn trung thực, giả dối, đạo đức giả, niềm tin, sự vô cảm...); 2. Giải thích khái niệm về từ chìa khoá (thế nào là trung thực, niềm tin, sự giả dối...); 3. Bàn luận mở rộng về từ chìa khoá; liên hệ bản thân về từ chìa khoá... - Thầy đã từng chấm những bài thi môn Văn được điểm cao, vậy ấn tượng của thầy về một bài làm văn tốt là gì? Một cách ngắn gọn, đó là bài làm không theo văn mẫu, diễn đạt tốt, đủ ý, có chất văn, không giống với bài văn khác nào cùng dạng. Nếu không sợ dài dòng, tôi sẵn sàng cung cấp một bài văn của học sinh thi vào khối D, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006, bạn sẽ hiểu được đầy đủ quan điểm của tôi về một bài văn tốt nghĩa là như thế nào. - Theo thầy, điều quan trọng nhất trong việc dạy và học Văn là gì? Là dạy cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Nhưng điều còn quan trọng hơn là phải dạy cho học sinh biết độc lập tư duy, biết đọc hiểu một văn bản cụ thể, biết diễn đạt tiếng Việt sao cho suôn sẻ, chuẩn mực, say mê và sáng tạo. Tôi nhớ không biết có thật chính xác không, nhà văn Nguyễn Khải sinh thời có một lời khuyên rất hay với các nhà văn trẻ: “Khi đọc thì cố mà nhớ lấy. Khi viết thì cố mà quên đi”. Tôi phản đối lối học thuộc lòng đối với môn Văn. - Đề thi môn Văn đại học hàng năm nên có những điều chỉnh gì cho phù hợp với những mục tiêu trên, thưa thầy? Nên trở lại cách ra đề thi trước đây. Chỉ cần ra một câu hỏi trong đề thi thôi. Và không nên hạn chế nội dung đề thi chỉ trong chương trình học. Nên khuyến khích hướng ra đề sao cho thật ngắn gọn mà vẫn kiểm tra được kiến thức học văn của học sinh. Trong đó có 3 tiêu chí nên được chú ý: hiểu dược vấn đề, văn bản trong câu hỏi đề thi; diễn đạt tiếng Việt suôn sẻ, trong sáng; bài làm có tính sáng tạo, không lặp lại sách vở. - Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ trên.

Bài văn của học sinh thi vào khối D - ĐHQGHN năm 2006

Câu hỏi: Trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong kịch Vũ Như Tô (đoạn trích đã học) của Nguyễn Huy Tưởng (đề thi khối D, năm 2006, câu 3 điểm) Bài làm: Tôi nhớ mãi cái lần tôi theo ba mẹ sang Trung Quốc, cái cảm giác được đứng trên đất nước láng giềng thật rộng lớn và vô cùng đặc biệt, rất thú vị. Trung Quốc vô vàn những danh lam, thắng cảnh, những điểm dừng chân, những di tích... Nhưng có lẽ, cái kì quan Vạn lí trường thành mới để lại cho tôi những ấn tượng và những cảm xúc sâu đậm nhất. Không hiểu sao, khi dừng lại nơi đây, đặt chân lên công trình kì vĩ ấy, bất giác trong đầu tôi ùa về những cảm xúc khi lần đầu tiên đọc vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Tự hào và tiếc nuối trong sự so sánh giữa Cửu Trùng Đài và Vạn lí trường thành. Có quá khập khiễng không, khi một bên là kì quan thế giới (đã được công nhận) còn bên kia chỉ là “kì quan” trong mơ ước của một kiến trúc sư; một bên là hiện hữu, vẫn tồn tại cùng năm tháng, còn bên kia chỉ đống tro tàn trong những trang sách? Khập khiễng, nhưng vẫn có những nét tương đồng thật thú vị. Cửu Trùng Đài bị đốt, nói như Nguyễn Huy Tưởng thì đó là niềm sung sướng hay là một thiệt thòi? Nhà văn không biết, chúng ta cũng không biết, bởi Nguyễn Huy Tưởng viết ra vở kịch là vì “cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Còn chúng ta, người đọc, người xem, chỉ là người đi tìm đáp án cho những bi kịch chất chồng mà nhà văn đã viết ra. Bi kịch của Vũ Như Tô có lẽ xuất phát từ ngay cái tài của ông, cái tài xây dựng, tài dùng những viên gạch như một vị Thống lĩnh “điều binh, khiển tướng”, có thể xây những toà nhà cao ngất mà không đặt sai một viên gạch nhỏ nào, là cái tài đặt đúng người nhưng lại nhầm thời. Trong lí luận mĩ học, bi kịch được lí giải bằng nguyên nhân sự đối lập giữa lí tưởng và thực tại, sự mâu thuẫn giữa ước mơ vươn tới của con người và giới hạn không thể vượt qua của hiện thực. Bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô chính là như thế! Giá như Vũ Như Tô đừng sinh ra vào thời tên hôn quân Lê Tương Dực, vào thời đất nước rối ren, dân đen lầm than đói khổ, thì biết đâu lại khác, biết đâu vẫn có Cửu Trùng Đài? Nhưng đó chỉ là giả thiết mà nếu Vũ Như Tô sống lại, có thể ông vẫn cứ nuối tiếc đặt ra. Chúng ta, những người đi tìm đáp án, chỉ có thể khẳng định được rằng, tạo hoá có cái lí của tạo hoá và Nguyễn Huy Tưởng cũng có cái lí của ông. Bởi ông đã may mắn (hay bất hạnh) gặp được Đan Thiềm, người cung nữ tài sắc bị thất sủng, người dám đốt cháy tài năng của Vũ Như Tô, dù biết điều đó vô cùng nguy hiểm. Nên chia sẻ thế nào với bi kịch Vũ Như Tô, cảm ơn ông hay oán trách ông? Bản thân Nguyễn Huy Tưởng hình như không có lời giải đáp. Ban đầu, Vũ Như Tô kiên quyết từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài, bởi lẽ, ông biết Lê Tương Dực là kẻ “hôn quân, bạo chúa”. Thế nhưng, chính Đan Thiềm đã khuyên nhủ ông, nên nhân cơ hội này để xây một Cửu Trùng Đài “tranh tinh xảo với hoá công”. Vũ Như Tô nghe theo, và như vở kịch, ở hồi kết thúc, khi Cửu Trùng Đài còn đang dang dở, quân phản loạn đứng đầu là Trịnh Duy Sản nổi dậy giết vua, Đan Thiềm, Vũ Như Tô, đốt Cửu Trùng Đài. Tại sao lại vậy? Trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ ít nhiều lí giải được bi kịch Vũ Như Tô, cho dù đó là điều không dễ, bởi lẽ, trước câu hỏi này, chính bản thân Nguyễn Huy Tưởng đã từng thừa nhận sự bối rối của mình: “Than ôi, Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta không biết - Cầm bút, chẳng qua cũng là cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Bi kịch Vũ Như Tô bắt nguồn từ bi kịch giai cấp, vua chúa ăn chơi sa đoạ, dân chúng lầm than. Vũ Như Tô không thuộc giai cấp thống trị, nhưng vì Cửu Trùng Đài, vì cái Đẹp, ông đành phải mượn tay quyền lực. Dân chúng khổ cực, lầm than, biết bao người mất cha, mất con vì “công trình Nghệ thuật” Cửu Trùng Đài. Chính vì vậy, trước mắt mọi người, căm hờn chủ yếu chỉ dồn vào Vũ Như Tô. Cũng có người cho rằng, dân chúng “lầm lạc” khi họ đặt nỗi căm hờn không đúng chỗ. Còn Vũ Như Tô, người quá ham mê cái đẹp, có lẽ ông đã không lường được hết tấn bi kịch này. Bi kịch của ông là bi kịch về sự mâu thuẫn giữa cái đẹp và hiện thực, bi kịch của người nghệ sĩ không dung hoà nổi “cõi bồng lai” và “chốn lầm than”. Vũ Như Tô chỉ chăm chăm dồn hết công sức vào Cửu Trùng Đài mà không hề để ý, “đám dân đen”, binh lính kia khổ cực đến nhường nào. Thậm chí, vì lo cho Cửu Trùng Đài, lo cho cái đẹp, ông còn ra lệnh chém chết những người bỏ trốn. Một bên là mâu thuẫn giai cấp, bên kia là mâu thuẫn nghệ thuật, rốt cục mâu thuẫn nào sẽ được gỡ bỏ đây? Tấn bi kịch của Vũ Như Tô xét cho cùng lại là ở chỗ, nếu giải quyết được mâu thuẫn này thì không giải quyết được mâu thuẫn kia. Có lẽ vì thế chăng mà chính nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng không thể tìm được lời giải đáp? Kết thúc vở kịch, vua bị giết chết, Đông Các đại học sĩ Nguyễn Vũ thì tự vẫn, mâu thuẫn giai cấp được đẩy lên cao trào, vấn đề giai cấp dù sao cũng đã được giải quyết. Còn mâu thuẫn của người nghệ sĩ Vũ Như Tô đến khi ra pháp trường, thì hình như vẫn được giữ nguyên: “Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Kết thúc kịch, tiếng kêu đau đớn, thất thanh của Vũ Như Tô vẫn còn như xoáy vào lòng người đọc, người xem. Quả thực, Vũ Như Tô hơn người ở chỗ tài năng và hết mình cho nghệ thuật. Khi Đan Thiềm thành thật khuyên can Vũ như Tô nên chạy trốn, nếu không mất mạng, ông vẫn kiên quyết không đi, vẫn hết mình với Cửu Trùng Đài “Hồn tôi ở đây, tôi còn đi đâu?”. Vậy là, cái hơn người ở Vũ Như Tô lại là cái thua người. Nhà nghệ sĩ không nhận ra thời thế, không phân biệt được đúng sai ngay trong thế giới nghệ thuật của mình. Cái đẹp tinh xảo kia phải đổi bằng máu xương của người dân thì có đáng không? Vũ Như Tô chỉ dừng lại ở cái đẹp thuần tuý, cho dù nó là cái đẹp của muôn đời. Còn người dân lại chỉ đánh giá cái đẹp trong sự gắn bó với cái có ích trong cuộc sống. Hai mặt của một vấn đề, nhưng lại là mâu thuẫn không thể nào giải quyết. Cái đẹp là của muôn đời, nhưng than ôi, dân chúng lại không thể hiểu ra. Họ khăng khăng đòi giết Vũ Như Tô - kẻ hại biết bao gia đình, đòi phá Cửu Trùng Đài - thứ xa hoa, tốn kém mà Vũ Như Tô đang cất công xây dựng. Bi kịch không kết thúc, nó tạm thời dừng lại ở mâu thuẫn không thể nào hoá giải, và nếu không nhận ra nó, nó sẽ là bi kịch của ngàn đời. Cái Đẹp phải đi đôi với nhân sinh, cái đẹp không thể tách rời cái có ích. Tôi băn khoăn vô cùng khi tự hỏi, liệu ở nơi suối vàng, Vũ Như Tô có hiểu ra chăng? Liệu có hiểu chăng, khi bị bắt, bị trói, mà Vũ Như Tô vẫn nuôi mộng xây Cửu Trùng Đài? Liệu có hiểu chăng khi đến chính Thị Nhi?m, vợ của Vũ Như Tô, vẫn cho rằng ông tàn ác nên quay lưng với chồng? Liệu...? Liệu...? Nhưng có lẽ không cần phải đặt ra nhiều câu hỏi nữa. Dẫu sao thì Đài lớn cũng đã tan tành, bi kịch Vũ Như Tô cũng đã diễn ra rồi. Chúng ta, những người đọc trân trọng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hãy nhớ tới Vũ Như Tô bằng lời nói của Đan Thiềm: “Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt”. Đọc xong Vũ Như Tô, tôi cảm giác như có một tiếng thở dài trong bộn bề cảm xúc. Tiếng thở dài tựa một làn hơi mỏng, thổi nhẹ một chút là nó sẽ bay đi. Bi kịch chồng chất bi kịch, bi kịch giữa xây - không xây, ở - không ở, đẹp - khổ, nghệ thuật - cuộc sống... Thật tiếc cho Vũ Như Tô, cho Đan Thiềm, cho Nguyễn Huy Tưởng và cho cả chúng ta: Cửu Trùng Đài đã không thể ra đời, Nguyễn Huy Tưởng không tìm được lời giải đáp và chúng ta không được chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật “tranh tinh xảo với hoá công” của người nghệ sĩ tài năng. Tôi đang hình dung Vũ Như Tô một ngày nào đó sẽ đứng trên Cửu Trùng Đài, nơi gió ấm sẽ trở về và, trên cao vô cùng là một cánh diều đang căng gió...

Tác giả: thanhha

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây