Để nghiên cứu liên ngành thật sự tạo ra những thay đổi về “chất”!
thanhha
2010-04-12T10:29:30-04:00
2010-04-12T10:29:30-04:00
//2dzanga.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/de-nghien-cuu-lien-nganh-that-su-tao-ra-nhung-thay-doi-ve-chat-6463.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
game đánh chắn online đổi thưởng
- ĐHQGHN
//2dzanga.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ hai - 12/04/2010 10:29
Nghiên cứu liên ngành trong khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn hiện nay được coi là một xu thế tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần hiểu đúng bản chất của nghiên cứu liên ngành và tìm ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình nghiên cứu liên ngành. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển (ĐHQGHN) trò chuyện với Tạp chí ĐHQGHN về chủ đề này.
Nghiên cứu liên ngành trong khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn hiện nay được coi là một xu thế tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần hiểu đúng bản chất của nghiên cứu liên ngành và tìm ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình nghiên cứu liên ngành. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển (ĐHQGHN) trò chuyện với Tạp chí ĐHQGHN về chủ đề này.
Nghiên cứu liên ngành: bắt đầu từ việc hiểu đúng khái niệm
- Khái niệm nghiên cứu liên ngành được nhắc đến từ khi nào thưa GS?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Có thể thấy rằng khoa học càng phát triển thì các chuyên ngành lại càng được chia nhỏ ra để nhận thức sâu hơn về các sự vật, hiện tượng. Đó là con đường phát triển bình thường và tất yếu. Tuy nhiên, khi đã chia ra quá nhỏ và đi vào quá sâu như vậy rồi thì việc nhận thức trở lại các sự vật, hiện tượng với tư cách là một hệ thống tổng thể lại không còn dễ dàng nữa. Yêu cầu phát triển của khoa học là quá trình chuyên môn hoá, chuyên ngành hoá phải đồng thời với quá trình mở rộng liên kết, thâm nhập vào nhau, hoà quyện lẫn nhau giữa các chuyên ngành khoa học. Phương pháp tiếp cận liên ngành - Inter-disciplinary - nẩy sinh trong bối cảnh như thế và càng ngày càng trở thành xu thế quan trọng trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
- Vậy theo GS. ta nên hiểu bản chất của nghiên cứu liên ngành là gì?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Người ta nói nhiều đến liên ngành nhưng tôi có cảm giác là lắm khi cũng chưa thật hiểu bản chất của liên ngành ! Liên ngành nói một cách giản đơn là sử dụng đồng thời, thực sự khách quan và bình đẳng nhiều phương pháp chuyên ngành, nói chính xác ra là từ hai phương pháp chuyên ngành trở lên, cho nhận thức về một sự vật hay một hiện tượng nào đó.
Tôi xin nêu một ví dụ điển hình của nghiên cứu liên ngành như sau: Khi nghiên cứu về thành Thăng Long (Hà Nội) theo phương pháp Sử học truyền thống, chúng tôi chỉ cần khai thác và hệ thống các nguồn thư tịch cổ chép về toà thành này, rồi mô tả và nhận xét về quy mô, cấu trúc, vai trò và vị trí của nó trong lịch sử. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì nhận thức của chúng tôi về toà thành Thăng Long không tránh khỏi còn mơ hồ và thậm chí có khi sai lệch. Từ khi tiến hành khai quật Khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu, khu phía tây Cấm thành Thăng Long được phát lộ, giới Sử học có cơ hội được hợp tác cùng với giới Khảo cổ học, Văn hoá học, giới nghiên cứu Kiến trúc, Cổ Sinh học, Cổ Địa lí… cùng nhau thảo luận, so sánh, đối chiếu với các toà thành cùng loại ở trong nước và trên thế giới…, đã xác định được một cách chính xác, toàn diện, không chỉ vị trí, quy mô, cấu trúc của toà thành, các giá trị đặc trưng và giá trị nổi bật toàn cầu của nó. Thành tựu khoa học mới về toà thành Thăng Long là sản phẩm tiêu biểu của nghiên cứu liên ngành, mà chỉ mấy năm trước thôi, không một nhà khoa học nào có thể hình dung ra được. Có thể nói rằng chỉ khi những nhận thức chuyên ngành được hoà quyện vào nhau để tạo ra những thay đổi về “chất” trong nhận thức khoa học thì đó mới là liên ngành thực sự.
- Vậy thì nghiên cứu liên ngành cũng có nhiều “tầng”, “bậc” khác nhau và nhất thiết phải gắn với việc tổ chức các nhóm nghiên cứu thưa GS.?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Liên ngành cũng có các mức độ rộng, hẹp khác nhau và trình độ nghiên cứu liên ngành tuỳ thuộc vào khả năng sử dụng đồng thời, tổng thể và hiệu quả của nhiều phương pháp đặc thù cho một đối tượng nghiên cứu và đem đến một nhận thức khoa học chung. Cái khó nhất của phương pháp liên ngành là ở chỗ nó đòi hỏi người ta sử dụng cùng lúc nhiều phương pháp khác nhau, nhưng lại không được coi phương pháp nào là chính, phương pháp nào chỉ là bổ trợ. Vì thế, nghiên cứu liên ngành ít áp dụng cho các đề tài nghiên nghiên cứu cá nhân, mà thường tổ chức nghiên cứu theo các nhóm nghiên cứu liên ngành. Nhóm nghiên cứu liên ngành sẽ bao gồm một số các chuyên gia thuộc những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nhưng phải thật hiểu và tôn trọng nhau, cùng nhau hợp tác nghiên cứu một đối tượng chung. Trong nhóm, trưởng nhóm phải là một thủ lĩnh không chỉ có khả năng tổ chức, dẫn dắt cả nhóm làm việc theo một định hướng đúng, mà phải biết nghe các ý kiến khác nhau, phải biết tổng hợp, tổng kết tìm ra được bản chất của sự việc hiện tượng, dù có thể được biểu hiện ra ở muôn mặt trái ngược nhau.
- Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu liên ngành có tầm quan trọng như thế nào thưa GS?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Khoa học xã hội và nhân văn nói một cách tổng quát nhất là khoa học về con người và về đời sống xã hội. Trong quá trình Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá, Mở cửa và Hội nhập quốc tế, Đảng ta chủ trương “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”, thì khoa học xã hội và nhân văn đã được đặt đúng vị trí vốn rất cao của nó. Vấn đề là ở chỗ khoa học xã hội và nhân văn đã vươn lên thực hiện chức năng và sứ mệnh cao cả của nó hay chưa mà thôi.
Như vây, khoa học xã hội và nhân văn góp phần đánh giá đúng thực trạng xã hội và giúp cho các nhà nhà hoạch định chính sách tìm ra các hướng phát triển đất nước. Chẳng hạn vào giữa những năm 1980, chủ trương đổi mới tổ chức quản lí nông thôn, nông nghiệp đã làm thay đổi căn bản bộ mặt đất nước, biến Việt Nam từ một nước đói nghèo thành nước xuất khẩu gạo đứng vào hàng thứ hai trên thế giới. Thành tựu mang tầm thế kỉ này có vai trò hết sức to lớn của khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, cũng có thể từ đó mà nghĩ đến những nghiên cứu không thấu đáo và tư vấn không đúng cho những quyết sách lớn thì khoa học xã hội và nhân văn cũng phải chịu trách nhiệm về những tổn hại không thể lường hết được cho con người và xã hội. Những chương trình nghiên cứu tầm thế về con người, cộng đồng, xã hội và văn hoá, các đề tài nghiên cứu tổng hợp, xác định chiến lược phát triển của một vùng, một ngành… dứt khoát phải là các chương trình nghiên cứu liên ngành.
- Vậy nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV hiện nay đang gặp khó khăn cơ bản gì thưa GS?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Làm khoa học xã hội nhân văn với tư cách là một khoa học khách quan đã rất khó, làm nghiên cứ liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn một cách bài bản và thực sự khoa học còn khó hơn rất nhiều. Đối với những người đã quen với nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu thì còn khó hơn thế nữa. Chúng ta bước vào nghiên cứu liên ngành chậm, lại chưa có đầu tư tương xứng và hầu như chưa có kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu liên ngành. Nhiều chương trình khoa học được gọi là liên ngành triển khai trong nhiều năm gần đây, thực chất mới chỉ là nghiên cứu đa ngành hay nghiên cứu liên ngành ở dạng sơ khai. Trong khi đó, cuộc sống xã hội đang đặt ra quá nhiều các yêu cầu cần phải được giải đáp bằng phương pháp liên ngành, và chỉ có phương pháp liên ngành mới có khả năng giải quyết được. Tôi nghĩ đã đến lúc nhà nước cần phải có chiến lược phát triển các khoa học liên ngành, phải đầu tư một cách tương xứng để để khoa học liên ngành có điều kiện phát huy được ưu thế của nó đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Thiếu những người được đào tạo để làm nghiên cứu liên ngành
- Thưa GS, có ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu những người làm nghiên cứu liên ngành. Vậy làm thế nào để có được đội ngũ nhiều chuyên gia giỏi về nghiên cứu liên ngành?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Yêu cầu của nghiên cứu liên ngành càng ngày càng tăng và như thế đòi hỏi phải có một đội ngũ các chuyên gia chuyên nghiệp nghiên cứu liên ngành ngày một đông. Xu hướng phát triển bình thường của khoa học là càng ngày càng chuyên sâu, càng ngày càng đi vào bản chất của các sự vật, hiện tượng, nhưng để nhận thức đầy đủ và đúng đắn toàn bộ sự vật và hiện tượng đó thì không thể không tích hợp trở lại. Thế thì ai sẽ là người làm công việc tích hợp trở lại đó, trong khi khoa học đã đi quá sâu, quá xa? Đừng có nghĩ là một chuyên gia giỏi của một chuyên ngành cụ thể lại có thể đứng ra giải bài toán liên ngành một cách dễ dàng. Tôi nghĩ, có khi ngược lại, chuyên gia quá sâu về chuyên ngành thậm chí còn gặp khó khăn hơn khi tham gia nghiên cứu liên ngành, vì phương pháp chuyên ngành đã trở thành máu thịt rồi, thay đổi ngay sao được?
Tôi mới chỉ có hơn ba chục năm làm lịch sử Việt Nam cổ trung đại, bây giờ được phân công xây dựng Việt Nam học liên ngành, thật ra vì trách nhiệm được giao mà phải cố gắng thôi, chứ trước sau tôi vẫn chỉ là một nhà Sử học. Có lẽ các chuyên gia khác cũng vậy, đã đi sâu vào chuyên môn của mình rồi thì khó có thể toàn tâm toàn sức cho liên ngành được. Nên tôi nghĩ chúng ta phải tính tới việc đào tạo càng sớm càng tốt, những người chuyên làm liên ngành. Ta phải có kế hoạch đào tạo những người làm liên ngành một cách chính quy, bài bản ngay từ đầu. Cũng cần phải biết rằng không phải ai cũng có thể đào tạo thành chuyên gia làm liên ngành, mà cần phải tuyển chọn những người có tư chất khoa học tổng hợp, có khả năng tổ chức, quản lí và làm việc theo nhóm liên ngành. Tôi tin rằng nhiều cán bộ trẻ thuộc lớp học trò của chúng tôi, nếu họ thực sự dấn thân, lại được sự hỗ trợ của chính sách và khi đã làm chủ được công nghệ hiện đại, chắc chắn họ sẽ thành công.
- PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - có nhận xét rằng: Nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng của các tên tuổi lớn trong nền khoa học Việt Nam sở dĩ trở thành “kinh điển” là nhờ đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành và tích hợp được các tri thức khoa học liên ngành. Vậy tại sao các thế hệ nhà khoa học trước đây lại làm được những điều mà hiện nay chúng ta kêu là khó?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Phải nói rằng trình độ khoa học chuyên ngành lúc đó chưa thật cao, chưa thật sâu như hiện nay. Khoa học xã hội và nhân văn thời kì mới xây dựng, có nhiều ngành vẫn còn gắn kết với nhau lại thành một khối thống nhất theo kiểu “Văn - Sử - Triết bất phân”. Các nhà khoa học khi đó được đào tạo, làm việc và trưởng thành trong một môi trường học thuật tổng hợp, nên có điều kiện làm liên ngành thuận lợi hơn bây giờ. Đến khi triển khai các đề tài nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó thì họ lại từ cái phông, cái nền rất rộng, rất vững mà đi vào nghiên cứu chuyên sâu, rồi lại từ nghiên cứu chuyên sâu ấy mà củng cố vững thêm, chắc thêm cái phông, cái nền vốn đã bề thế từ trước. Bằng những nỗ lực phi thường của những bậc kiệt hiệt hết mực dấn thân, vượt lên trên những khó khăn hạn chế của thời kì khai sơn phá thạch, các cụ đã khéo kết hợp được khối kiến thức tổng hợp uyên bác của mình với những thành tựu mới mẻ của các nghiên cứu chuyên sâu, hình thành nên những tác phẩm “kinh điển” như PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế từng nhắc đến.
Tôi bất chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên viết vào những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước: “Thời đại qua rồi Đinh Bộ Lĩnh ơi / Không thể lấy cờ lau mà đánh giặc”. Thời buổi bây giờ không còn giống những năm 30, 40, 50 của thế kỉ XX nữa, khó khăn cũng thay đổi, thuận lợi chẳng như xưa, mà yêu cầu của liên ngành trong điều kiện khoa học đã phân chuyên ngành quá sâu, đòi hỏi chúng ta phải có cách đi khác. Thế thì làm sao có thể cắt nghĩa một cách rành rẽ là tại sao thế hệ các cụ làm được mà thế hệ chúng tôi thì lại không. Điều mà tôi kì vọng là lớp sau chúng tôi có điều kiện hơn, có năng lực hơn chắc là họ có thể làm được nhiều nghiên cứu liên ngành có giá trị hơn các cụ trước đây đấy.
- Qua những ý kiến mà GS trình bày ở trên, có thể thấy rõ rằng câu chuyện về nghiên cứu liên ngành thực chất là câu chuyện về tầm nhìn, về nhận thức cũng như khả năng tổ chức và quản lí?
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Đúng như thế. Tôi tin rằng vị trí, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn và nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội nhân văn càng ngày càng được nhận thức rõ ràng và chuẩn xác hơn. Nhiều những vấn đề khoa học lớn của đất nước, của các ngành, các khu vực, các địa phương chỉ có thể giải quyết bằng nghiên cứu liên ngành. Tuy nhiên muốn có nghiên cứu liên ngành thực sự, bài bản và hiệu quả thì phải có chiến lược phát triển, phải có đầu tư tương xứng, phải biết tổ chức quản lí và phải có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những chuyên gia làm nghiên cứu liên ngành.
Tôi cho rằng so với tất cả các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học, sau đại học trên phạm vi toàn quốc, thì chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội là có lợi thế hơn hẳn để đi đầu trong nghiên cứu, đào tạo, xây dựng môi trường học thuật liên ngành và triển khai các chương trình khoa học liên ngành lớn, có giá trị cao phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá, Mở cửa và Hội nhập quốc tế của đất nước.