Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam

Thứ hai - 18/12/2017 04:54
Trong chiến tranh, sẽ không thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán nếu như không có thắng lợi trên chiến trường. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Bằng cuộc đấu tranh đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, tháng 10/1972, văn bản Hiệp định Paris hình thành và được sự nhất trí giữa những đại diện tham gia đàm phán.

Tuy nhiên, Mỹ đã lật lọng, không ký hiệp định theo dự kiến, mà còn tiến hành biện pháp chiến tranh ác liệt nhất: mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 nhằm huỷ diệt Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, với tham vọng làm suy yếu miền Bắc, gây thêm những tội ác man rợ đối với nhân dân Việt Nam.

Với trận “Điện Biên Phủ trên không”, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đập tan cố gắng cao nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh lược xâm lược Việt Nam, buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán, chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam, rút quân viễn chinh khỏi miền Nam. Nhân dân Việt Nam hoàn thành căn bản nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

1. Cuộc đấu tranh dai dẳng, quyết liệt trên chiến trường, ở Hội nghị Paris và sự tráo trở của Mỹ

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tết Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam tiến hành một chiến dịch đặc biệt, đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà; mặc dù không đạt được kết quả tối đa, nhưng đã làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Theo Kissinger, sự kiện Tết Mậu Thân đã “làm cho toàn bộ chiến lược đang lên của Hoa Kỳ bị lật nhào”.

Tết Mậu Thân đã làm nản chí những người thuộc phái diều hâu ở Mỹ. Cliffort (Clip-phớt), một con người “cứng rắn”, kẻ “diều hâu” nhất trong những kẻ “diều hâu”, được Johnson chọn thay cho Mc Namara làm Bộ trưởng Quốc phòng (1-3-1968), lại chính là người muốn Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến tranh một cách cương quyết nhất. Tại cuộc tham khảo ý kiến ngày 25 và 26-3-1968, “phần đông nhóm cố vấn cấp cao tán thành chấm dứt leo thang và có những biện pháp đi đến tách ra khỏi chiến tranh, đi từ hạn chế ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến giảm các lực lượng Mỹ và chuyển giao nhiều trách nhiệm chiến tranh cho Việt Nam Cộng hòa”. Tết Mậu Thân “làm cho phe chống đối mạnh lên. Mùa hè năm 1968, những người Mỹ nghĩ rằng gửi quân sang Việt Nam là một sai lầm đã vượt xa những người ủng hộ”[1]. Cựu Tổng thống Mĩ Eisenhower (Aixenhao) nói: "Tôi chưa bao giờ gặp phải một tình thế đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về một cuộc chiến tranh"[2].

Trước sức ép từ nhiều phía, Tổng thống Johnson quyết định không tăng thêm quân Mỹ tới Việt Nam theo yêu cầu của Westmoreland. Ngày 31/3/1968, ông tuyên bố xuống thang chiến tranh: ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; không tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai; sẵn sàng đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đi đến kết thúc chiến tranh; mở rộng lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa để họ có thể dần dần thay thế vai trò của Mỹ. 

Sau khoảng một tháng trao đổi ý kiến về địa điểm cuộc tiếp xúc, ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán chính thức tại Paris giữa hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ bắt đầu. Đến tháng 11-1968, Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc. Ngày 25/1/1969, Hội nghị Paris với sự tham gia của 4 bên khai mạc.

Như vậy, từ chỗ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô ngày càng lớn, cường độ ngày càng ác liệt, Mỹ quyết định xuống thang chiến tranh, đơn phương ngừng ném bom và ngổi vào bàn đàm phán hoà bình. Từ chỗ ồ ạt đổ lực lượng quân sự vào miền Nam để tiến hành "Chiến tranh cục bộ", Mỹ phải tính đến việc rút quân khỏi miền Nam bằng cách tuyên bố “phi Mỹ hoá” chiến tranh, rồi tiến tới thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những động thái đó chứng tỏ bước ngoặt đi xuống của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris 
năm 1973 (Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao)

Cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn kết thúc nhưng lại kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau:

Trước hết, Mỹ thực hiện học thuyết Nixon, tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhằm rút dần quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn muốn duy trì được quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hoà;

Thứ hai, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam bị tổn thất sau nhiều đợt tấn công vào các thành phố trong năm 1968 và gặp nhiều khó khăn trong những năm 1969-1970, mất chỗ đứng chân ở nhiều vùng nông thôn đồng bằng;

Thứ ba, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng căng thẳng và xấu đi rõ rệt, dẫn tới cuộc chiến tranh ở biên giới giữa hai nước (1969);

Thứ tư, quan hệ Mỹ - Trung, và Mỹ - Xô phát triển theo xu hướng hòa dịu. Mỹ muốn lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nước đồng minh lớn nhất của Việt Nam để thỏa hiệp với Trung Quốc và hòa hoãn với Liên Xô, hy vọng lôi kéo các nước này đồng tình với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam có lợi cho Mỹ;

Thứ năm, Mỹ hy vọng chia rẽ khối đoàn kết ba nước Đông Dương, phân hóa các lực lượng trên thế giới ủng hộ Việt Nam, gây sức ép với Việt Nam và tạo cho Mỹ thế mạnh buộc đối phương chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ.

Từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, Việt Nam và Mỹ đều sử dụng phương thức vừa đánh vừa đàm phán. Những diễn biến phức tạp trên chiến trường và quan hệ quốc tế được phán ánh trong cuộc đấu tranh ngoại giao dai dẳng và quyết liệt trong suốt 4 năm 9 tháng tại Paris.

Lợi dụng sở hở của Việt Nam trong việc chậm chuyển hướng tiến công về vùng nông thôn sau Tết Mậu Thân, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành phản công trên quy mô lớn bằng việc thực hiện những kế hoạch “bình định” quyết liệt, kéo dài từ giữa năm 1968 đến đầu năm 1970, gây cho các lực lượng cách mạng miền Nam nhiều khó khăn. Sau cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Xihanuk, thiết lập chính quyền Lonnon (3-1970), Mỹ mở những cuộc hành quân lớn sang Campuchia và ra vùng Đường 9 - Nam Lào, biến Đông Dương thành một chiến trường.

Tuy nhiên, với những nỗ lực mới, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã làm thất bại những chương trình “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định bổ sung” và kế hoạch “Phượng hoàng” của Mỹ ở miền Nam; chuyển hướng chiến lược về nông thôn, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; đồng thời phối hợp cùng các lực lượng kháng chiến Campuchia và Lào đập tan những cuộc tiến công lớn của Mỹ và quân đội Sài Gòn, rồi thừa thắng mở cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972, đẩy quân đội Sài Gòn đứng trước nguy cơ tan rã. Nước Mỹ càng thêm rối loạn. Dư luận thế giới đòi Mỹ phải rút quân, ngừng ném bom miền Bắc để kết thúc chiến tranh, nhanh chóng có thỏa thuận tại Hội nghị Paris.

Trong tình thế lúng túng cả về quân sự và ngoại giao, Nixon quyết định “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh, tăng cường dùng không quân, kể cả máy bạy chiến lược B52, đánh phá mang tính hủy diệt ở miền Nam, tiến hành trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với qui mô lớn và cường độ ác liệt chưa từng thấy, phong tỏa đường biển ra vào miền Bắc và đe dọa mở rộng chiến tranh Đông Dương. Mỹ muốn gắng sức tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, nhưng vẫn không thể đảo ngược được tình hình. Vấn đề chiến tranh Việt Nam trở thành sức ép lớn đối với chính quyền Nixon khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Tháng 8/1972, Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn hoãn không thời hạn các phiên họp tại Hội nghị Paris, nhưng Mỹ vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc bí mật với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trung ương Đảng chủ trương tạo bước đột phá trong đàm phán. Trong điện chỉ đạo đoàn đàm phán tại Paris (4-10-1972), Bộ Chính trị nêu rõ: “Yêu cầu lớn nhất của ta hiện nay là chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở miền Nam. Mỹ rút hết, chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam và chấm dứt cuộc chiến tranh không quân, hải quân, thả mìn chống miền Bắc. Việc chấm dứt sự dính líu về quân sự của Mỹ ở miền Nam và ngừng bắn ở miền Nam đưa đến việc thừa nhận trên thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai địa bàn ở miền Nam Việt Nam. Đạt được yêu cầu này là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai miền trong điều kiện so sánh lực lượng hiện nay ở miền Nam Việt Nam, sẽ tạo ra một tình hình so sánh lực lượng mới nhất có lợi cho ta”[3].

Tại Hội nghị Paris, Việt Nam tập trung vào vấn đề đòi Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh; thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị; chưa yêu cầu loại bỏ chính quyền Sài Gòn.

Với nỗ lực không để đàm phán bế tắc, ngày 8-10-1972, phía Việt Nam đưa ra bản Dự thảo Hiệp định. Hai bên hoàn thành “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh” và “Dự thảo về thỏa thuận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Tổng thống Nixon và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi công hàm nhất trí với nội dung văn bản Hiệp định; đồng thời thỏa thuận việc Kisinger sẽ đi Hà Nội và ký tắt Hiệp định trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 31-10-1972. Dường như Mỹ đã quyết “đi một mình” và bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cử tri Mỹ dễ dàng tin vào tuyên bố của Kisinger cuối tháng 10-1972 rằng “hoà bình đã ở trong tầm tay”. Mặt khác, Nixon tới thăm Trung Quốc và Liên Xô. Những động thái đó giúp Nixon dễ dàng vượt qua được cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng áp đảo.

Tuy nhiên, ngày 25-10-1972, Mỹ lật lọng, không ký tắt văn bản hiệp định theo dự kiến. R. Nixon gửi công hàm đề nghị hai bên có cuộc họp riêng để bàn thêm một số vấn đề và báo hoãn chuyến đi của H. Kissinger đến Hà Nội. Ngày 26-10-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho công bố các văn kiện và đòi Mỹ phải ký hiệp định theo thời gian đã thỏa thuận. Dư luận nước Mỹ và quốc tế lại tăng cường gây sức ép với chính quyền Nixon.

Từ ngày 20-11-1972 đến ngày 13-12-1972, cuộc họp hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tiếp nối trở lại. Mỹ yêu cầu sửa đổi nhiều điểm trong Dự thảo Hiệp định. Kissinger đòi rút tượng trưng một số quân miền Bắc Việt Nam ra khỏi miền Nam và đề nghị thay đổi một số điểm trong văn bản để làm suy yếu vị thế chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, giới hạn quyền lực của Uỷ ban ba bên và thiết lập một khu phi quân sự như một đường ranh giới thực tế. Ông ta doạ rằng Mỹ sẽ không ngần ngại trong việc “làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ”[4]. Thấy rõ sự tráo trở của Mỹ, Lê Đức Thọ không chấp nhận nhân nhượng, kiên quyết bác bỏ đề nghị của Mỹ, đồng thời nêu lại ý kiến trước đây là phế bỏ Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng, đến giữa tháng 12-1972 hai bên quay lại bản thoả hiệp ban đầu, trừ vấn đề qua lại khu phi quân sự phải tạm gác. Cố vấn Lê Đức Thọ báo cho Kissinger, rằng ông cần một tuần lễ về Hà Nội để thống nhất vấn đề liên quan đến khu phi quân sự và sẽ có câu trả lời cho phía Mỹ. Nhưng với sự cố tình đi nước cờ chiến tranh mới, người Mỹ đã không chờ Lê Đức Thọ trở lại Paris, mà quyết định ngừng đàm phán và giải quyết vấn đề bằng vũ lực ngay khi Lê Đức Thọ vừa về tới Hà Nội.

3. Trận “Điện Biên Phủ” trên không đập tan nỗ lực cao nhất của Mỹ, kết thúc cuộc đàm phán. Hiệp định Paris được ký kết

Một góc phố Khâm Thiên bị máy bay B52 của Mỹ huỷ diệt (internet)

Với những toan tính và sự chuẩn bị từ trước, Tổng thống R. Nixon quyết định đánh con bài cuối cùng, mở cuộc tập kích chiến lược đường không (từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972) vào thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc, với mật danh “Linebacker 2” mà đặc điểm nổi bật là tiến công dồn dập bằng thay vì các , dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc trên thế giới. Riêng Hà Nội, không quân Mỹ đánh có tính chất hủy diệt, trút hàng chục ngàn tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì...  Mỹ hy vọng sẽ buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận các yêu sách của Mỹ. Theo giáo sư sử học Mỹ Gorge C. Herring, quyết định của Nixon “có vẻ là buộc Hà Nội ký một thoả thuận” nhưng thực chất là “phản ánh nỗi tức giận và dồn nén trong suốt 4 năm và làm cho Bắc Việt Nam suy yếu đi đến mức họ không thể đe doạ Nam Việt Nam sau khi ký một giải pháp hoà bình”. Nixon ép Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thực hiện quyết tâm của ông ta gây thiệt hại tối đa cho miền Bắc Việt Nam: “Tôi không muốn nghe các anh nói vớ vẩn là không thể đánh mục tiêu này hay mục tiêu kia. Đây là cơ hội để các anh dùng sức mạnh quân sự nhằm chiến thắng cuộc chiến tranh này và nếu các anh không làm được tôi sẽ quy kết trách nhiệm cho các anh”[5].

6 tuần sau khi tái thắng cử và một tuần trước lế Giáng sinh năm 1972, Nixon lệnh cho những chiến máy bay B52 đầu tiên ra Hà Nội. Suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh tiếp theo, Mỹ liên tục điều máy bay chiến lược B52 thực hiện những trận ném bom dữ đội và ác liệt nhất, trút hơn 36 000[6] tấn bom xuồng miền Bắc Việt Nam.

Những khẩu đội pháo cao xạ của bộ đội ta bảo vệ bầu trời Hà Nội

Song, một lần nữa, chính quyền Nícxơn lại nếm mùi thất bại. Từ dự báo chiến lược: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội”... “Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”,  Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc. Tháng 11-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Âm mưu của Mỹ cho B52 đánh thủ đô Hà Nội sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc nhân dân Việt Nam phải nhân nhượng. Vì vậy phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô...  Với ý thức cảnh giác và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, quân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô trong thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, kết hợp các quân chủng và binh chủng, kiên quyết chiến đấu không chỉ bằng vũ khí hiện đại, mà bằng cả trí thông minh và lòng dũng cảm, làm nên “Trận Điện Biên Phủ trên không”, giáng cho quân xâm lược Mỹ những tổn thất nặng nề. Cho dù số “Pháo đài bay” B52 bị bắn rơi được mỗi bên công bố có khác nhau[7], nhưng chắc chắn đó là một tổn thất lớn về vật chất đối với Mỹ, đặc biệt gây tâm lý nặng nề cho giới quân sự Mỹ, bởi đây là chiến dịch mà Mỹ chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng vũ khí hiện đại nhưng hoàn toàn thất bại.

Cuộc tập kích chiến lược của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng trong dịp lễ Giáng sinh tuy gây ra những tổn thất nặng về nhân mạng và cơ sở vật chất cho nhân dân Việt Nam nhưng đã không làm thay đổi được lập trường của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về nội dung cơ bản của hiệp định Paris, đồng thời tạo ra một làn sóng bất bình trong nhân dân Mỹ, trong dư luận và chính giới các nước trên thế giới trong đó có cả các đồng minh lâu dài của Mỹ. Liên Xô và Trung Quốc căm phẫn lên án hành động chiến tranh điên cuồng của Nixon. Các nhà phê bình lên án Nixon là  “điên dại” và buộc tội ông ta đã tiến hành chiến tranh để thoả mãn cơn tức giận. Nhân dân Mỹ choáng váng và căm phẫn bởi “món quà giáng sinh đáng buồn” mà Nixon tặng cho họ. Tỷ lệ dân chúng ủng hộ Nixown giảm ngay xuống 39%. Phái ôn hoà trong Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ kiên quyết đấu tranh với tổng thống[8].

Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972

Con bài cuối cùng đã rút ra và chẳng thể làm được gì hơn, gặp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại bị cả thế giới lên án mạnh mẽ, uy tín của bị xuống thấp nghiêm trọng. Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, ngày 30-12-1972, Nixon buộc phải ra lệnh chấm dứt cuộc tập kích “vốn đã mang nhiều hy vọng trước đó”, sẵn sàng cử đại diện trở lại bàn đàm phán. Mặc dù sau này, cả Nixon và Kisinger đều tuyên bố việc dùng B52 ném bom vào dịp lễ Giáng sinh năm 1972 đã buộc Hà Nội chấp nhận một giải pháp theo mong muốn của Mỹ, nhưng đó chỉ là những lời lẽ nhằm giữ thể diện cho những người phải thua chạy.  

Ngày 8-1-1973, cuộc đàm phán ở Paris được nối lại. Các đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trở lại bàn đàm phán trên tư thế của người chiến thắng, trong niềm hân hoan của nhân dân yêu chộng hoà bình toàn thế giới. Ngược lại, “nước Mỹ ở thế bất lợi nghiêm trọng trong cuộc tranh chấp với một đối thủ mạnh và quyết tâm trên vũ đài “vừa đánh vừa đàm”[9]. Mặc dù cuộc tập kích chiến lược của Mỹ hết sức tàn bạo nhưng không thể làm thay đổi được nội dung của Hiệp định Paris mà họ đã yêu cầu trước đó. Gorge C. Herring nhận xét: “Những thay đổi so với thoả thuận hồi tháng 10 chủ yếu chỉ là hình thức, khiến cho bên nào cũng có thể nói rằng họ không phải nhượng bộ chút nào. Về một điểm quan trọng vào tháng 12, tức là vấn đề khu phi quân sự, Bắc Việt Nam đồng ý nêu rõ trong hiệp định nhưng Mỹ chấp nhận ý kiến của họ mô tả khu phi quân sự này chỉ là “tam thời và không phải là đường biên giới lãnh thổ”, do vậy vẫn giữ được tố chất cơ bản trong lập trường của Hà Nội. Vấn đề đi lại của nhân dân qua khu phi quân sự được để lại giải quyết sau trong các cuộc đàm phán giữa Bắc và Nam Việt Nam”[10].  

Xác máy bay Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi trong trận chiến 12 ngày đêm

Sau 6 ngày họp liên tiếp, các bên tham gia đàm phán hoàn thành văn bản cuối cùng và ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Mỹ chấp nhận rút quân viễn chinh khỏi miền Nam, thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam.

Thất bại trong cuộc ném bom bằng mãy bay B52 xuống Hà Nội không chỉ buộc Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, mà còn thúc đẩy họ thẳng tay áp đặt nội dung hiệp định đối với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nixon không ngần ngại bộc lộ rằng, nếu Thiệu phản đối, ông ta sẽ cắt viện trợ và Mỹ sẽ đi một mình.

Đã có nhiều ý kiến bình luận về “Trận Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris từ những góc nhìn khác nhau. Trả lời (6-1973), Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khẳng định, "Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất... Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa để hạ máy bay"[11].

Theo nhà sử học Mỹ George C. Herring, kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này. “Nixon đã kiên quyết tìm đến một nền “Hòa bình trong danh dự” để duy trì địa vị của Mỹ trên thế giới, nhưng Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ vốn đã chán ngấy việc dính líu vào chiến tranh”[12].

Với thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong “trận Điện Biên Phủ trên không” và việc ký Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam tạo ra bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, giành lợi thế về so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo điều kiện tiếp tục tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 45 năm đã trôi qua, nhưng những đám lửa đỏ của những pháo đài bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội vẫn như đang in hình sâu dưới đáy nước Hồ Gươm.

 


[1] Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, HN, 2003, tr. 358.

[2] Theo UPI ngày 27-3-1968.

[3] Dẫn theo Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.495.

[4] Gorge C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 323.

[5] Gorge C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 325.

[6] Theo Daniel Ellsberg, thì số bom Mỹ trút xuông miền Bắc Việt Nam trong dịp Lẽ Giáng sinh năm 1972 là 20000 tấn, một lượng chất nổ tương đương với quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nagaski (xem Những bí mật về chiến tranh Việt Nam (Hồi ức về Việt Nam và hồ sơ Lầu Năm góc, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 655(.  Nhưng theo Gorge C. Herring thì con số này là 36000 tấn (Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 325)

[7] Những công bố của phía Việt Nam là 34 chiếc, phía Mỹ là 15 chiếc B52, cần được xác minh thêm.

[8] Gorge C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 426.

[9] Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, bản dịch tiếng Việt lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 1982, tr. 2.

[10] George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 327.

[11] Trường Minh: Chặn đứng pháo đài bay, VietNamNet, ngày 3-12-2012.

[12] George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 229.

Tác giả: PGS.TS Vũ Quang Hiển

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây