Cần có ngay một ngành nghiên cứu chuyên biệt về Hà Nội!
thanhha
2010-10-07T02:00:22-04:00
2010-10-07T02:00:22-04:00
//2dzanga.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/can-co-ngay-mot-nganh-nghien-cuu-chuyen-biet-ve-ha-noi-6975.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
game đánh chắn online đổi thưởng
- ĐHQGHN
//2dzanga.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ năm - 07/10/2010 02:00
Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, văn hiến, vì hoà bình” sẽ khai mạc chiều nay, 07/10/2010. Đây là diễn đàn khoa học liên ngành cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế công bố, thảo luận những kết quả mới nhất từ những công trình nghiên cứu toàn diện về Hà Nội. Nhân dịp này, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về tương lai phát triển của ngành Hà Nội học.
Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, văn hiến, vì hoà bình” sẽ khai mạc chiều nay, 07/10/2010. Đây là diễn đàn khoa học liên ngành cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế công bố, thảo luận những kết quả mới nhất từ những công trình nghiên cứu toàn diện về Hà Nội. Nhân dịp này, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về tương lai phát triển của ngành Hà Nội học.
- Thưa PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, khái niệm Hà Nội học có từ bao giờ và nên được hiểu như thế nào?
- Hà Nội học là một thuật ngữ mà chúng ta quen nói “cửa miệng” với nhau. Nhưng nếu đã được xem là tên gọi của một ngành khoa học về Hà Nội, thì như mọi ngành học khác, bản thân chữ Hà Nội đã xác định cho chúng ta một không gian cụ thể để nghiên cứu.
Hà Nội học nghiên cứu tất cả các yếu tố kinh tế, địa lí địa chất, môi trường tự nhiên, khí hậu, thời tiết… cho đến các vấn đề của xã hội, lịch sử... đã, đang và sẽ hình thành, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá… của Hà Nội. Các yếu tố tác động tiềm tàng, có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy ấy quy định quá trình hình thành và phát triển, quy định hình thái hoạt động của khu vực Hà Nội với tư cách là trung tâm hành chính của đất nước không chỉ một thế kỉ mà nhiều thế kỉ, là kinh sư của quốc gia Đại Việt, Thủ đô của nước VNDCCH và giờ là Thủ đô của nước CHXHCNVN.
Trong lịch sử, giới hạn hành chính địa bàn Hà Nội biến động trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như trong những năm 1830, mở rộng ra về phía Nam đến tận Phủ Lí, bao trùm lên toàn tỉnh Hà Nam bây giờ. Năm 1978, 1979, Thủ đô mở rộng sang một vùng Mê Linh, phần lớn Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Sóc Sơn nhưng sau đó Hà Nội thu hẹp lại với mấy quận nội thành và một số huyện Đông Anh. 1/8/2008, lại mở rộng ra bao trùm toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ và mở rộng ra một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và một vài xã của Hoà Bình, vẫn là tên Hà Nội.
Nhưng hạt nhân cốt lõi, tảng nền sớm và lâu bền của Hà Nội thì phải nói đến tảng nền tự nhiên, xã hội của vùng đất bên sông Tô Lịch, sông Hồng mà trên cơ sở đó hình thành nên một trung tâm chính trị - hành chính, đầu não của quốc gia được khẳng định.
- Vậy PGS đánh giá thế nào về những thành tựu nghiên cứu Hà Nội từ trước đến nay?
- Khác với các khu vực khác, khu vực này là trung tâm chính trị, đầu não hành chính, văn hoá của cả nước Việt Nam nên ở góc độ nào đó, nghiên cứu Hà Nội như một yếu tố cấu thành của Hà Nội học đã có từ rất sớm. Mọi khoa học như lịch sử, văn hoá, địa chất… bằng cách này hay cách khác trong cái nhìn chung đều coi khu vực Hà Nội như một yếu tố riêng, mặc dù chưa hề có một ngành khoa học chính thức có tên gọi Hà Nội học trong lịch sử.
Ví dụ ngay từ những năm 1430-1434, Nguyễn Trãi đã viết hẳn mục Thượng kinh trong Dư Địa chí, nói về sông ngòi, địa thế của kinh thành, trong đó đã tiềm tàng những yếu tố sơ khai của Hà Nội học. Năm 1960 sau khi chúng ta giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã cho in bộ Lịch sử Hà Nội. Đó là những tảng nền cho việc xây dựng cách nhìn về Hà Nội. Năm 1985, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc - người tận tâm gắn bó và tìm hiểu Hà Nội - được giáo sư Trần Quốc Vượng và nhiều giáo sư khác gọi thân mật là nhà Hà Nội học, từ đó thuật ngữ Hà Nội học trở thành tên quen thuộc và phổ biến hơn. Trong chương trình tiến tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long thì bản thân ngành Văn hoá Hà Nội, Sở Văn hoá Hà Nội, Sở Giáo dục Hà Nội đã thiết kế chương trình Hà Nội học và biên soạn hẳn một bộ lịch sử địa lí dạy cho phổ thông, những kiến thức phổ thông mà tác giả biên soạn là giáo viên dạy địa, sử, văn của Hà Nội có từ rất sớm từ những năm 1980. Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã từng đọc và đóng góp ý kiến cho bản thảo giáo trình về Hà Nội học cách đây hơn 1 năm.
Vậy trên thực tế, địa chí, thiên nhiên về Hà Nội và Thăng Long xưa là nơi có nhiều công trình nghiên cứu nhất. Bản thân Hà Nội là đối tượng nghiên cứu của tất cả các ngành, mạnh nhất là ngành khoa học xã hội nhân văn như Sử, phong tục, tập quán, văn học, văn hoá rất nhiều. Nhưng tích hợp các nghiên cứu ấy lại, nhìn nó tổng thể thành một ngành học thì chưa có. Nhưng rõ ràng đây là thời kì chín muồi để nhìn ngành học, nghiên cứu về Hà Nội với đầy đủ các thành quả rất rõ ràng.
- Vậy trong tương lai, Hà Nội học có nên và có thể là một ngành khoa học riêng biệt không?
- Để xây dựng một ngành học, ngành nghiên cứu riêng biệt, chúng ta phải căn cứ ít nhất vào 2 yếu tố: Một là nhu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội hôm nay và ngày mai. Thứ hai là đội ngũ các nhà khoa học. Hai yếu tố đó đó kết hợp với nhau mới có thể có điều kiện căn bản để hình thành nên một ngành học.
Về đội ngũ các nhà khoa học thì chúng ta tự tin là nửa thế kỉ qua ta thừa hưởng được thành quả của các nhà nghiên cứu trước cách mạng, các nhà nghiên cứu nước ngoài từ Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Mĩ về Hà Nội học. Tổng thuật của Khoa Sử về nghiên cứu Hà Nội học là 5700 đơn vị. Tổng thuật các nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá về Hà Nội của chúng tôi còn “kinh khủng” hơn, riêng về địa chí Hà Nội là 3000 mục. Có lẽ riêng về địa phương thì Hà Nội là đầu bảng, không có khu vực nào, tỉnh nào ở Việt Nam với tư cách là một khu vực không gian mà trong quá khứ và hiện tại lại được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhiều bằng Hà Nội.
Còn nếu bạn hỏi là ngành học này có cần không thì tôi với tư cách là nhà khoa học sẽ nói rằng cần lắm. Hà Nội học là khoa học liên ngành, sẽ giúp đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, xác định phương hướng phát triển…, đóng góp rất tích cực và hiệu quả cho sự phát triển Thủ đô. Rõ ràng là thành tựu nghiên cứu về Hà Nội cũng tự thân nó đẻ ra nhu cầu cấp thiết phải có ngành Hà Nội học để phục vụ trực tiếp cho chính quy hoạch phát triển bền vững thủ đô trong điều kiện công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Nhưng vấn đề là Hà Nội học chỉ phát huy được tác dụng khi những nghiên cứu của nó thật sự phục vụ được cho các quyết sách của TW và Thủ đô. Các nhà quản lí có thực sự nhận ra điều đó và ứng dụng được những nghiên cứu trên vào các chính sách quản lí của mình? Khi ấy chúng ta hãy xây dựng ngành Hà Nội học.
- Vậy để Hà Nội học trở thành một ngành khoa học chuyên biệt hiện còn có những khó khăn trở ngại gì?
- Như tôi đã nói với bạn đấy, một ngành khoa học được xây dựng nên thì sản phẩm đào tạo cần phải được sử dụng. Nếu không thì đấy là một quyết định vô trách nhiệm với người được đào tạo.
- Nhưng nếu cần một dự đoán cho sự hình thành chính thức khoa học cơ bản mang tên Hà Nội học, thưa PGS?
- Mọi nhận thức chưa đầy đủ của quản lí chỉ là nhất thời còn dòng chảy tự nhiên của khoa học sẽ tất yếu đi xuyên qua những suy nghĩ duy ý chí của con người. Bởi vì không gì cản trở được khoa học, cản trở được quy luật khách quan.
Ví dụ người ta đã từng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp cấp cao nhưng rồi cuối cùng vẫn phải trở lại việc khoán đất cho dân, nhưng việc này đã phải phải trả giá rât lâu và rất đắt. Hay quy hoạch phát triển Hà Nội đã có bao nhiêu là trục trặc, bất hợp lí, làm xong lại dỡ ra, lấp xong lại đào lên… Đó là vì quản lí không đi đôi với khoa học.
Cái chênh nhau giữa nhà quản lí và nhà khoa học là ở chỗ quản lí dễ nghiêng về duy ý chí, nhất thể hoá, đơn giản hoá bằng các mệnh lệnh hành chính trong khi khoa học lại vô cùng phong phú, đa diện và đòi hỏi sự sáng tạo và tự do tuyệt đối, vượt lên trên mọi ranh giới ý chí của con người.
Hiện nay, các nhà khoa học chỉ nghiên cứu về Hà Nội khi được đặt hàng. Mà khoa Lịch sử chứ không phải các đơn vị khác được nhận những lời đặt hàng này, đó là do chúng ta đã có những chuẩn bị trước về nhận thức, về tiềm lực đề đón chờ những thời cơ ấy. Điều đấy cho thấy khoa học còn là tầm nhìn xa và một sự đầu tư dài hạn.
- PGS. đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội, văn hiến, vì hoà bình” đối với sự phát triển của Hà Nội học nói riêng cũng như sự phát triển của Thủ đô nói chung?
- Có lẽ đây là một hội nghị, diễn đàn tập hợp đông đảo nhất những người nghiên cứu liên quan đến Hà Nội học trong nước và quốc tế từ trước đến giờ. Điều đó có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là lại do ĐHQGHN - một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực lớn của đất nước - là đơn vị đầu mối triển khai. Phải nói ngay là sở dĩ hội nghị của chúng ta thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu vì chúng ta đã có “vốn” rồi, nên đây chính là dịp tổng kết thành tựu, là sản phẩm chào mừng dịp chào mừng Thủ đô 1000 năm tuổi. Nhưng điều quan trọng hơn là hoạt động này đã chứng tỏ sự lay động, sức ảnh hưởng rất quan trọng của khoa học nói chúng đối với sự phát triển của thủ đô Hà Nội. Xã hội và đặc biệt là các nhà làm quản lí đã càng ngày càng nhận ra vai trò của khoa học đối với tương lai phát triển của Hà Nội.
Vấn đề là sau Hội thảo này, trách nhiệm của các nhà quản lí là gì? Nhận thức cuối cùng của người làm quản lí như thế nào, có tận dụng được những đóng góp của các nhà khoa học không vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội hay không?
- Xin cảm ơn PGS!