Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV), ông Ali Akbar Nazari (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Iran tại Việt Nam, tham dự trực tuyến), ông Amir Fatemisadr (Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam), PGS.TS Lê Phước Minh (Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông); đại diện lãnh đạo khoa Đông phương học, phòng Hợp tác và Phát triển, phòng Quản lí nghiên cứu khoa học thuộc VNU- game đánh chắn online đổi thưởng
, đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong Trường.
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đại học Tehran (Iran), Trường ĐHKHXH&NV, viện nghiên cứu tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường gửi lời cảm ơn đến Đai sứ quán Iran tại Việt Nam đã đồng hành, hợp tác rất hiệu quả với Nhà trường trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài trợ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Hội thảo quốc tế hôm nay không chỉ có ý nghĩa lớn về khoa học, thực tiễn, mà còn là một minh chứng rất rõ ràng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường ĐHKHXH&NV với các trường đại học, tổ chức giáo dục của Iran thông qua sự kết nối, ủng hộ của Đại sứ quán Iran tại Việt Nam. Sự kiện cũng là một hoạt động thiết thực tăng cường mối quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Iran.
PGS.TS Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Thay mặt cho Đại sứ quán Iran tại Việt Nam, ông Ali Akbar cũng gửi lời cảm ơn chân thành lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, khoa Đông phương học và các nhà khoa học đã ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tổ chức hội nghị này. Ông khẳng định: “Việc phối hợp giữa Đại học Tehran và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cùng tổ chức hội nghị này là một ý tưởng độc đáo và ý nghĩa, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa giới tinh hoa và học giả của Iran và Việt Nam thông qua nghiên cứu về những đóng góp quan trọng của nền văn minh Ba Tư cho nhân loại. Quan hệ Iran-Việt Nam là một ví dụ điển hình về mối quan hệ gần gũi và hữu nghị vì sự phát triển và củng cố nền hòa bình thế giới. Và hội thảo quốc tế hôm nay không chỉ là một sự kiện khoa học mà còn có ý nghĩa lớn khẳng định và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đó”.
Ông Ali Akbar (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Iran tại Việt Nam) phát biểu đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Trần Tiến (Phó Chủ nhiệm Khoa Đông phương học) và PGS.TS Đỗ Thu Hà (nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Đông phương) chủ trì phần báo cáo tham luận và trao đổi
Chủ đề của Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 12 nhà khoa học với 12 nghiên cứu giá trị về khía cạnh khác nhau xung quanh chủ đề: giá trị và đóng góp của văn minh Ba Tư vào nền văn minh nhân loại từ quá khứ đến hiện tại; đồng thời đề cập khá toàn diện về những vấn đề: kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, y tế của quốc gia Hồi giáo Iran hiện tại trong cái nhìn so chiếu với giá trị văn minh trong quá khứ.
Các nghiên cứu đã khẳng định: Từ các đế chế cổ đại của Ba Tư đến Iran hiện đại, vùng đất này đã là cái nôi của văn hóa, khoa học và kiến thức. Nền văn minh Ba Tư, với nguồn gốc kéo dài hàng ngàn năm, đã có những đóng góp lâu dài cho các lĩnh vực kiến thức khác nhau, từ khoa học và y học đến toán học, thiên văn học, nghệ thuật và triết học. Chính nhờ những hiểu biết sâu sắc và tiến bộ của các học giả Ba Tư mà chúng ta đã có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó, các nhà thiên văn học Ba Tư, như Omar Khayyam và Al-Biruni, đã có những đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu các thiên thể, đo thời gian và phát triển các dụng cụ thiên văn. Chúng nâng cao hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, để lại một di sản tiếp tục truyền cảm hứng và hướng dẫn các nhà thiên văn học cho đến ngày nay.
Hiện nay, Iran là một cường quốc khu vực và tầm trung, với vị trí địa chính trị chiến lược ở lục địa châu Á, là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc, một số tổ chức ECO, OIC và OPEC. Di sản văn hóa phong phú của đất nước được phản ánh một phần bởi 26 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Người Iran kế thừa những giá trị của nền văn minh Ba Tư, tiếp tục đóng góp cho những tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới. Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu Iran đang tích cực tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, bao gồm y học, công nghệ nano, năng lượng tái tạo và thám hiểm không gian.
Tham luận của ông Amir Fatemisadr (Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam) đã cho thấy một bức tranh tổng thể về những đóng góp rất nổi bật của văn minh Ba Tư cho lịch sử nhân loại: thế chế nhà nước (nơi ra đời đế chế đầu tiên trong lịch sử); xây dựng (kênh đào Suez cổ đại, kênh dẫn nước Qunat (Kariz); khoa học (phát minh “tủ lạnh” đầu tiên trên thế giới, cồn công nghiệp và axit Sulfuric); y học (phân biệt sởi và đậu mùa,…), kiến trúc (công trình kiến trúc vĩ đại và độc đáo); nghệ thuật (hội họa, điêu khắc,…),… Những phát minh khoa học, công trình kiến trúc độc đáo có lịch sử hàng nghìn năm của nền văn minh Ba Tư cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Amir Fatemisadr (Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam) trình bày tham luận tại Hội thảo
TS Phùng Thị Thảo (Trưởng bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học) trong tham luận của mình đã đưa ra những minh chứng cho thấy những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới Đế chế Hồi giáo Mughal (Ấn Độ) chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn minh Ba Tư
PGS.TS Đỗ Thu Hà (Khoa Đông phương học) trình bày tham luận tại Hội thảo
TS Phạm Thị Thanh Huyền (Khoa Đông phương học) với trong tham luận của mình, thông qua phân tích rất cụ thể về bộ phim nổi tiếng thế giới “Gió sẽ cuốn ta đi” của Đạo diễn Abbas Kiarostami đã nêu bật đặc sắc của nền điện ảnh Iran đó là: Phong cách tối giản, nhưng rất giàu tính thơ trong điện ảnh Iran đương đại.
NCS Nguyễn Mạnh Cường (Khoa Khoa học Chính trị) trình bày tham luận tại Hội thảo
NCS Vũ Thị Thanh (Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) trình bày kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa giáo dục và tôn giáo ở Iran từ thế kỉ XIX đến nay, cũng như quá trình Islam hóa hệ thống giáo dục.
PGS.TS Lê Phước Minh (Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông) trao đổi tại Hội thảo
NCS Phạm Ngọc Thúy (Khoa Khoa học Chính trị) với tham luận “Tôn giáo và Chủ nghĩa dân tộc Iran” phân tích lịch sử và những đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc Iran hiện đại
Cũng tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường và ông Hamid Mosadeghi (Đại biện, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam) đã trao Chứng nhận hoàn thành khóa học sơ cấp tiếng Ba Tư cho các bạn sinh viên đại diện cho hơn 20 sinh tham gia khoá học. Khóa học “Ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư” trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐHKHXH&NV và Đại sứ quán Iran tại Việt Nam đã được tổ chức từ cuối tháng 10/2022 bao gồm các lớp học về "Ngôn ngữ và văn hoá Ba Tư". Sau 3 tháng học tập, các bạn sinh viên lớp sơ cấp đã làm quen với ngôn ngữ Ba Tư và tìm hiểu về di sản văn hóa phong phú, lâu đời của đất nước Iran.
Các sinh viên của Khoa Đông phương học được cấp chứng chỉ hoàn thành Khoá học sơ cấp rất tự tin biểu diễn bài hát Ey Iran bằng tiếng Ba Tư
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Đỗ Thu Hà nhấn mạnh: Thay mặt cho lãnh đạo Trường ĐHKXH&NV một lần nữa cảm ơn sự đồng hành và quan tâm của Đại sứ quán Iran tại Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội thảo. Sự tham gia đông đảo, trao đổi sôi nổi của các học giả, nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong trọn một ngày Hội thảo diễn ra cho thấy sức hấp dẫn của nền văn minh rực rỡ này. Thông qua những trao đổi học thuật này, giúp nhiều người Việt Nam hiểu thêm về giá trị, đóng góp của nền văn minh Ba Tư đối với nhân loại, đồng thời kết nối để lan tỏa nền văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Trong thời gian tới, Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Đông phương học rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của Đại sứ quán Iran tại Việt Nam để có thể tiến hành nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường tặng quà kỉ niệm thay lời cảm ơn gửi đến Đại sứ quán Iran tại Việt Nam
Một số hình ảnh từ Hội thảo