Thay mặt Ban lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Bùi Thành Nam (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐT) đã đến tham dự tọa đàm và chúc mừng các thầy cô cựu giáo chức. Cùng dự có TS Ngô Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Công đoàn trường; ThS Nguyễn Văn Thủy, Phó CT CĐ.
Đặc biệt là sự có mặt của gần 50 thầy cô đang sinh hoạt trong các chi hội trực thuộc Hội Cựu giáo chức Trường. Trong đó có GS Nguyễn Kim Đính và GS Vũ Dương Ninh là hai cựu sinh viên đại diện hai ngành Văn và Sử của Khóa I Đại học Tổng hợp (1956-1959).
GS Vũ Dương Ninh và GS Nguyễn Kim Đính là hai cựu sinh viên Khóa đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Thay mặt BCH Hội Cựu giáo chức, PGS Lâm Bá Nam (Chủ tịch Hội) đã mở đầu toạ đàm với một thông điệp:
“Tọa đàm: Khóa I - Từ Đại học Tổng hợp đến Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhằm ghi nhận và tiếp tục khẳng định vai trò của khóa I mà cụ thể là các ngành Khoa học xã hội và nhân văn - những người đã góp phần rất quan trọng tạo nên thương hiệu cũng như trường phái khoa học của trường đại học Tổng hợp trước đây và trường Đại học KHXH&NV hiện nay. Các thầy cô là tấm gương tự học, lao động sáng tạo không mệt mỏi. Nhiều thầy cô ra đi khi cầm trên tay những trang sách đang đọc dở. Tên tuổi và đóng góp của sinh viên/ nhà giáo trưởng thành từ Khóa I còn để lại những bài học quý giá trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học và vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ ngày hôm nay. Xin gửi thông điệp này tới Đoàn thanh niên và cựu sinh viên nhà trường”.
PGS Lâm Bá Nam, Nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng, PGS Nguyễn Văn Hàm chủ trì Tọa đàm
Trong không khí đầy xúc động, ấm áp tình nghĩa Thầy trò, các đại biểu tham dự cùng lắng nghe hai thầy cựu sinh viên Khóa I chia sẻ những kỉ niệm sâu sắc về những ngày đầu tiên bước vào giảng đường Đại học Tổng hợp, cũng như nhiều học trò bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân đối với thế hệ khai khoa, khai trường.
PGS Nguyễn Văn Hàm (sinh viên khoá 8 ĐH Tổng hợp) đã nhớ lại kỉ niệm những ngày đầu tiên của một cậu sinh viên từ vùng núi trung du được xuống thủ đô học tập. “Chúng tôi bước vào trường với niềm tự hào, hãnh diện và sung sướng vô cùng khi được học tập tại trường đại học nổi tiếng hàng đầu cả nước với các thầy cô tài cao đức trọng. Những tháng ngày học tập tuy gian khó, thiếu thốn nhưng chúng tôi nhanh chóng vượt qua khó khăn, ngày một trưởng thành vì được sự dìu dắt của các thầy cô uyên bác, yêu thương học trò hết mực. Phong cách sống, nhân cách của các thầy luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo. Tôi vô cùng tâm đắc câu nói của nhà văn hoá của Trung Quốc Quách Mạc Nhược: “Mặt trời mọc rồi lại lặn, mặt trăng tròn rồi lại khuyết nhưng ánh sáng người thầy mãi mãi soi đường cho lớp lớp học trò”. Với tôi các thầy cô ở trường ĐH Tổng hợp, đặc biệt là những thầy Khoá đầu tiên thực sự là vầng dương soi đường cho chúng tôi đi”.
Với NNC Bùi Việt Thắng, danh xưng “Tôi là sinh viên, cán bộ Đại học Tổng hợp” mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh theo ông suốt cả cuộc đời. Với ông hình ảnh những người thầy đáng kính như GS Nguyễn Kim Đính, GS Vũ Dương Ninh là những người dẫn lối, mở đường, khai tâm, mở trí. “Thế hệ chúng tôi khi bắt đầu vào giảng đường đại học như những trang giấy trắng và người thầy của Khóa I Tổng hợp Hà Nội là những người họa sĩ tài ba vẽ lên những nét vẽ đầu tiên của bức tranh tri thức, và sẽ là những nét vẽ theo chúng tôi đến cả cuộc đời. Mỗi giờ lên lớp chúng tôi học tập một cách say mê, “nuốt” từng chữ, từng lời thầy dạy và học thầy với một tinh thần ngưỡng mộ. Chính điều đó đã giúp chúng tôi có được những thành công trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu sau này” - ông nhấn mạnh.
Không khí của buổi toạ đàm như lắng lại khi GS Nguyễn Kim Đính đọc những câu thơ ông viết vào năm 1956 khi ông mới là chàng sinh viên năm thứ nhất ở nhà quê ra Thủ đô học tập, được học tại giảng đường Lê Thánh Tông:
“Cổng trường mở rộng/Lớp lớp đi vào/Ngước nhìn lên vòm cao đại học/Tên mỗi người lấp lánh một vì sao”. Và với thế hệ đầu tiên của chúng tôi, thì danh xưng “Tổng hợp Văn, Tổng hợp Toán” là một thương hiệu. Những năm tháng khi Miền Bắc mới giải phóng vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất, không có tài liệu, không có chỗ làm việc theo đúng nghĩa, nhưng các thầy vẫn say sưa, đam mê truyền dạy cho chúng tôi bằng tất cả tinh thần và trí tuệ. Có lẽ vì vậy mà lứa chúng tôi nhanh chóng trưởng thành. Và những trí thức được đào tạo từ ĐH Tổng hợp đã đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của đất nước. Nhiều cựu sinh viên là anh hùng, liệt sĩ hi sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, đây cũng là nơi đào tạo nhiều những chính trị gia nổi tiếng, nhà khoa học hàng đầu trên rất nhiều lĩnh vực, nhà giáo mẫu mực, được cả xã hội tôn vinh.
Vẫn nụ cười hồn hậu và cách nói chuyện hài hước, gần gũi, GS Vũ Dương Ninh tâm sự: “Tôi có một lí lịch rất “đơn giản”: năm 1956 vào trường, 1959 tốt nghiệp và ở lại trường công tác và về hưu cũng là cán bộ của Đại học Tổng hợp. Như vậy cả cuộc đời tôi gắn bó ở đây, chính vì vậy đối với tôi ĐH Tổng hợp sau đó là ĐHKHXH&NV là “mối tình duy nhất”, mỗi lần tôi vào đây như là trở về ngôi nhà của mình. Đối với tôi và thế hệ đầu tiên của ĐH Tổng hợp được trực tiếp các giáo sư đáng kính, mẫu mực, trí tuệ uyên bác, tài cao đức trọng như GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giầu, GS Cao Xuân Huy,... Và tôi vẫn khắc ghi một câu nói của Thầy Trần Văn Giàu đã xác định cho tôi cả một hướng đi trong cả cuộc đời của tôi. Thầy nói: “Có nghiên cứu thì cậu mới có thể đi sâu và đi xa được. Sau này không ai nhớ Nguyễn Văn Huyên từng là Bộ trưởng nhưng người ta sẽ nhớ mãi một Nguyễn Văn Huyên là nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam”. Và tôi đã thấm thía lời thầy dạy đến suốt cuộc đời. Khi tôi đến thăm Thầy đã gần 100 tuổi, Thầy vẫn đưa cho tôi một cuốn sổ thầy đang viết về những vấn đề của sử học thế kỉ XX. Một tấm gương cống hiến hết mình, cả cuộc cho khoa học.
Rồi những thế hệ sau như các thầy giáo “tứ trụ” huyền thoại ngành Sử: GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng. Có thể khi là sinh viên ngồi trên ghế Nhà trường tôi không được các thầy giảng dạy (khi đó các thầy là những cán bộ trẻ, trợ giảng cho các giáo sư). Nhưng sau khi tốt nghiệp, đi dạy và tham gia nghiên cứu thì chính là lúc tôi được học các thầy rất nhiều, tận dụng từng cơ hội nhỏ để được học thầy, từ chuyên môn, học thuật, trí tuệ đến phong cách làm việc, đối nhân xử thế. Và thấm tinh thần tự học, học không ngừng ấy, cho đến nay dù mắt mờ chân chậm tôi vẫn thường xuyên vào trường để tham gia các hoạt động học thuật, vẫn tiếp tục học thế hệ trẻ, để mình không lỗi thời với sự phát triển của khoa học”.
GS.TS Bùi Duy Cam, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức ĐHQGHN bày tỏ niềm vinh dự và xúc động khi được lắng nghe chia sẻ quý báu từ thế hệ lão thành của ĐH Tổng hợp Hà Nội, đồng thời khẳng định: “Hội Cựu giáo chức của Trường ĐHKHXH&NV luôn tiên phong trong việc tổ chức nhiều hoạt động gắn bó chặt chẽ với chuyên môn, đóng góp rất lớn cho hoạt động chung của ĐHQGHN. Đây thực sự là một tọa đàm vô cùng ý nghĩa. Nhưng tôi rất mong muốn những buổi gặp gỡ quý báu này sẽ được tổ chức nhiều hơn, mở rộng cho đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham dự để thế hệ trẻ được lắng nghe để có thể hiểu được lịch sử vẻ vang của trường ĐH Tổng hợp, truyền lửa cho các em về ý thức tự học, niềm đam mê chiếm lĩnh tri thức mới”.
Những câu chuyện về kỉ niệm của lớp học trò về những người thầy đáng kính của mình dường như kéo dài không ngớt. Năm tháng đã qua, nhiều thế hệ học trò đã là những nhà khoa học thành danh nhưng vẫn nhớ về người thầy của mình với niềm kính ngưỡng sâu sắc, luôn khắc ghi công lao dạy dỗ, chỉ bảo, tình yêu thương của các thầy cô.
Với Nhà văn Trần Hinh, Thầy Nguyễn Kim Đính là một nhà khoa học thông tuệ có tầm ảnh hưởng rất lớn, một người lãnh đạo ấm áp, yêu thương học trò. Khi là Chủ nhiệm khoa Văn học, thầy chăm chút Khoa như chăm sóc một gia đình, cán bộ, giảng viên như những người thân.
Với chiêm nghiệm sau nhiều năm tham gia công tác đào tạo, khoa học, quản lí và gần đây bước vào nghề viết văn, PGS.TS Phạm Quang Long luôn tâm niệm: “Với tôi, sau những thăng trầm, thành công và hạnh phúc tôi vẫn thấy may mắn lớn nhất trong cuộc đời chính là được học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi có những vị giáo sư tâm cao, đức cả, tài lớn, bộ óc bách khoa, những nhà văn hóa lớn chứ không chỉ là những người THẦY. Mỗi khi có bất kì khó khăn trong công việc và kể cả trong cuộc sống tôi lại tìm đến THẦY như một chỗ dựa lớn lao, vững chắc. Các thầy là những bộ óc bách khoa, là tấm gương vĩ đại về tinh thần tự học, cống hiến cho khoa học, là hình mẫu về nhân cách, đạo đức, chúng tôi cứ nhìn theo các thầy mà học, mà sống sao cho xứng đáng.
Giảng viên Khoa Lịch sử Nguyễn Văn Ánh tâm sự: Thệ hệ học trò chúng tôi khi mới vào trường vẫn băn khoăn tự hỏi: tại sao trong những năm tháng khó khăn, các sinh viên khóa I lại có thể trở thành những chuyên gia nổi tiếng như vậy. Và quá trình được học thầy, làm việc cùng thầy chúng tôi vỡ lẽ ra rằng: do các thầy cô có may mắn được học tập trực tiếp với các giáo sư, bộ óc vĩ đại của Việt Nam, nhưng quan trọng nhất là một tinh thần tự học suốt đời, đam mê, kiên định theo đuổi đến cùng con đường khoa học mà mình đã lựa chọn”.
Với PGS.TS Vũ Đức Nghiệu những người thầy dù trí tuệ uyên bác, nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng cũng lại vô cùng gần gũi và ấm áp. Hiện nay người ta thường băn khoăn, học để làm gì? Nhưng khi nhìn vào những người Thầy đáng kính của mình tôi thấy được rằng: học chính là để khai trí, khai tâm, để sống có ích, cống hiến cho cuộc đời.
Đại diện cho lứa học trò hậu bối, PGS.TS Đặng Hồng Sơn (Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc: “Những đóng góp của thế hệ các thầy khai khoa sẽ mãi mãi được các thế hệ sinh viên của Khoa Lịch sử kính ngưỡng, tôn vinh và khắc ghi.
Đối với Khoa, với ngành, GS Vũ Dương Ninh chính là người có công lao to lớn, một trong những người đầu tiên trong việc xây dựng nên ngành Lịch sử thế giới của khoa Lịch sử, Khoa Quốc tế học và nhiều môn học mới: lịch sử văn minh. Hiện nay học phần Lịch sử văn minh đã trở thành ngành học bắt buộc của tất cả sinh viên ngành KHXH&NV và nhiều ngành khác cũng chọn: công nghệ, kinh tế, khoa học cơ bản. Thế hệ chúng em luôn ghi nhớ hình ảnh một người thầy cần mẫn say mê với nghề nghiệp, tác giả nhiều công trình lớn từ khi còn là một giảng viên trẻ đến khi gần tuổi 90. Thầy dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo hàng nghìn sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người được thầy dìu dắt đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử thế giới. Chúng em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của người thầy đáng kính.
PGS.TS Bùi Thành Nam bày tỏ sự vui mừng, xúc động, là lớp học trò sau này, nhưng có may mắn trực tiếp được các thầy lớn, uy tín khoa học không chỉ trong nước và quốc tế; trong đó có GS Vũ Dương Ninh (là học sinh Khóa I). Vinh dự và vui mừng hơn nữa khi chúng em vẫn được gặp và thấy các thầy cô luôn khỏe mạnh, minh tuệ, luôn dõi theo, gắn bó đồng hành với tất cả những hoạt động của Nhà trường.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Bùi Thành Nam cũng vui mừng chia sẻ với các thầy cô những thành tựu và định hướng lớn trong đào tạo, nghiên cứu, tự chủ đại học những năm tiếp theo của Nhà trường, đồng thời nhấn mạnh: “Thế hệ các thầy cô cựu giáo chức đã, đang và sẽ là phần rất quan trọng làm nên những thành tựu rực rỡ ấy, xây dựng nên thương hiệu, vị thế hàng đầu của Đại học Tổng hợp Hà Nội – ĐH KHXH&NV.
Đúng như các thầy đã nói: Nghề giáo là nghề không về hưu, dù tuổi đã cao, chân đã mỏi nhưng nhiều thầy cô không chỉ động viên, chỉ bảo mà vẫn đang sát cánh đồng hành, trực tiếp tham gia cùng hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường, hướng dẫn khoa học cho lớp lớp ThS, NCS, chủ trì các đề tài khoa học các cấp.
Khép lại toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hàm đã thay lời thế hệ học trò gửi lời tri ân sâu sắc đến hai người thầy đại diện cho thế hệ Khoá I ĐH Tổng hợp, đồng thời khẳng định: Thế hệ Khoá I là thế hệ “vàng”, là niềm tự hào, tấm gương sáng để tất cả học trò noi theo. Lớp lớp học trò đã được các THẦY dìu dắt trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà giáo, nhà quản lí nổi tiếng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những tài liệu, công trình của các thầy cô vẫn là công trình khoa học mẫu mực, dù đã xuất bản sau hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn còn nguyên giá trị và luôn tài liệu “gối đầu giường” vô cùng quý báu đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thay mặt các thế hệ học trò, PGS Lâm Bá Nam và PGS Nguyễn Văn Hàm trân trọng gửi tặng hai NGƯỜI THẦY đáng kính bó hoa tươi thắm thay cho lời tri ân
BCH Hội Cựu giáo chức ghi nhận tiếp thu những gợi ý của các thầy cô, đại biểu trong việc tiếp tục tổ chức những sinh hoạt khoa học ý nghĩa, xây dựng một cuốn sách ngắn gọn giới thiệu về ĐH Tổng hợp để những em sinh viên ngay từ năm thứ nhất khi về trường đã có thể biết được và nhân lên niềm tự hào, truyền cảm hứng về ý chí, tinh thần tự học, đam mê với khoa học, chiếm lĩnh tri thức đỉnh cao.
Trung tâm Truyền thông và Công nghệ thông tin game đánh chắn online đổi thưởng
Media xin trân trọng gửi đến các Quý thầy cô những tấm ảnh lưu niệm ghi lại khoảnh khắc trong buổi Tọa đàm.
Link ảnh: