Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   
Tin tức

Việt Nam thế kỷ XX - Từ đối đầu đến hợp tác (Một cách tiếp cận Lịch sử - Văn hóa)

Chủ nhật - 17/05/2020 12:26
Việt Nam thế kỷ XX - Từ đối đầu đến hợp tác (Một cách tiếp cận Lịch sử  - Văn hóa)
Việt Nam thế kỷ XX - Từ đối đầu đến hợp tác (Một cách tiếp cận Lịch sử - Văn hóa)

1. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Như một sự bài định của lịch sử, trong tiến trình phát triển lâu dài của dân tộc, Việt Nam đã phải thường xuyên đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của các cường quốc khu vực và đế chế thế giới. Trong tác phẩm “Tính thống nhất trong đa dạng của lịch sử Việt Nam”, Giáo sư sử học Phan Huy Lê từng tổng kết: Chưa kể những cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Hùng Vương được phản ánh trong truyền thuyết, chỉ tính từ cuộc kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III trước Công nguyên đến năm 1975, dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành 15 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, có 12 cuộc kháng chiến giành thắng lợi và 3 cuộc kháng chiến bị thất bại. Các cuộc kháng chiến không thành công đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam[1].

Từ tổng kết đó chúng ta thấy, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà thất bại vào năm 179 TCN đưa đến thảm hoạ Bắc thuộc kéo dài 1.000 năm và phải đến năm 938 mới giành được độc lập sau chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo. Cuộc kháng chiến chống Minh năm 1406-1407 của nhà Hồ bất thành đã đẩy đất nước đến hai thập niên Minh thuộc (1407-1427). Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhà Nguyễn (1802-1945) và phong trào Cần Vương (1885-1896) không thành công đã khiến dân tộc Việt Nam phải chịu ách nô lệ của thực dân Pháp trong suốt hơn 80 năm (1858-1945). Đó là những trang bi thương, đen tối trong lịch sử Việt Nam!

Trong vòng 30 năm (1258-1288), quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của nhà Trần đã phải ba lần kháng chiến chống lại tham vọng bành trướng, xâm lược của đế chế Mông - Nguyên, một thế lực du mục hùng mạnh, hung hãn bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Ảnh: Internet.

Điều đáng chú ý là, trong thời kỳ bị các thế lực ngoại xâm đô hộ, dù bị bóc lột, kìm nén, chịu nhiều tổn thất, hy sinh nhưng nhân dân Việt Nam luôn bền bỉ đấu tranh để giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Tính ra, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 200 cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử. Hầu như không có thế kỷ nào Việt Nam không phải kháng chiến chống xâm lược. Có những giai đoạn như thế kỷ XIII, trong vòng 30 năm (1258-1288), quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của nhà Trần đã phải ba lần kháng chiến chống lại tham vọng bành trướng, xâm lược của đế chế Mông - Nguyên, một thế lực du mục hùng mạnh, hung hãn bậc nhất thế giới thời bấy giờ[2]. Vào thế kỷ XVIII, trong 5 năm (1784-1789), dân tộc Việt Nam cũng đã phải đồng thời kháng chiến chống Thanh ở phía Bắc và quân xâm lược Xiêm ở phía Nam[3]. Nhìn chung, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đó, các đội quân xâm lược thường có sức mạnh lớn hơn gấp nhiều lần. Nhiều cuộc chiến tranh còn thể hiện rõ mục tiêu thôn tính và huỷ diệt mà biểu hiện cụ thể nhất là âm mưu đồng hoá và tàn huỷ các di sản văn hoá. Có thể nói, trong lịch sử các dân tộc châu Á, hiếm có quốc gia nào lại phải gánh chịu nhiều thách thức chính trị khắc nghiệt, tác động trực tiếp đến sự tồn vong của dân tộc như Việt Nam. Để sinh tồn, phát triển và để đủ sức chống lại giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã hợp tụ lại thành một khối thống nhất, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng bản sắc văn hoá của mình[4].

Hiển nhiên, lịch sử Việt Nam không thể chỉ là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam còn là lịch sử của một dân tộc với nhiều sáng tạo văn hoá; của các mối quan hệ và hoạt động kinh tế; là lịch sử hình thành, chuyển biến của các giai tầng xã hội, của các cộng đồng cư dân; lịch sử của giới tinh hoa và cả những tầng lớp bình dân, những con người bình dị... tất cả đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử Việt Nam còn là lịch sử của các thể chế chính trị và luật pháp; của các khuynh hướng và trào lưu tư tưởng; của các dòng phái và đức tin tôn giáo; của các mối bang giao quốc tế, khu vực[5]... Nhưng, chiến tranh đã trở thành nguy cơ thường trực thậm chí có thể coi là một “đặc tính tiêu biểu” của lịch sử Việt Nam. Đặc tính đó đã tác động sâu sắc đến đời sống tâm lý, phương cách ứng xử văn hoá, chính sách phát triển của Việt Nam không chỉ trước và trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh mà còn để lại những hệ quả lâu dài trong tư duy của một dân tộc ở những thời hậu chiến.

2. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, có thể thấy thế kỷ XX là thế kỷ mà dân tộc ta phải đương đầu với những thách thức chính trị gay gắt, quyết liệt nhất. Gần nửa đầu của thế kỷ này, Việt Nam phải tập trung tất cả sức lực để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược và ách đô hộ của thực dân Pháp[6]. Việt Nam đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc trong bối cảnh cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đang đi vào hồi kết có những điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ở Đông Á, cuộc Chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương đã tác động mạnh đến đời sống chính trị khu vực. Trên thực tế, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ là mốc kết thúc hơn 8 thập niên đô hộ của thực dân Pháp mà còn đồng thời chấm dứt sự hiện diện của quân đội Nhật Bản ở Việt Nam[7]. Tuy nhiên, trong điều kiện quốc tế phức tạp thời bấy giờ, nấp dưới danh nghĩa của các lực lượng đồng minh, giới chính trị Pháp đã cho quân quay trở lại Đông Dương kéo theo là quân đội Anh và lực lượng của Tưởng Giới Thạch. Nghe theo lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã đứng dậy chống lại các đội quân xâm lược[8]. Trong sự nghiệp cách mạng thiêng liêng, cao cả đó đã nổi lên vai trò của lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh. “Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì tự do và độc lập, cuộc đấu tranh này là một cống hiến vô giá vào phong trào giải phóng dân tộc và tiến trình cách mạng thế giới, vào việc củng cố các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên hành tinh chúng ta... Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giáng một đòn chí mạng vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á. Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã thiết lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã bảo vệ nhà nước đó trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp[9].

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945. Ảnh: Internet.

Trong suốt thời kỳ 1946-1954, song song với cuộc đấu tranh vũ trang, chính phủ Hồ Chí Minh còn thực hiện các chính sách ngoại giao dũng cảm, khôn khéo, nhằm tranh thủ sự ủng hộ và công nhận của quốc tế. Cuối cùng, sau 9 năm chiến đấu trường kỳ, gian khổ, với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam đã khôi phục được nền độc lập trên một nửa đất nước[10].

Căn cứ theo Hiệp định Geneva, vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải được quy định là giới tuyến phân chia tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc[11]. Và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Mỹ cùng các nước “đồng minh” đã phải kéo dài 21 năm (1954-1975) mới giành được thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, sau đó các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc đã diễn ra. Trong khoảng 10 năm, Việt Nam phải trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn trên cả phương diện chính trị, kinh tế và ngoại giao, phát triển văn hóa và duy trì sự ổn định xã hội.

Như vậy, cũng như thế kỷ XIII, XV, thế kỷ XX là thế kỷ mà dân tộc Việt Nam phải đương đầu với nhiều thách thức chính trị khắc nghiệt. Sự tồn vong của dân tộc bị đe doạ nghiêm trọng. Chưa có một thế kỷ nào mà trên lãnh thổ Việt Nam lại xuất hiện đồng thời nhiều đội quân xâm lược nước ngoài như thế. Và cũng chưa có một thế kỷ nào mà đất nước Việt Nam lại phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất như vậy! Nhưng, Việt Nam đã đứng vững, đã từng bước hồi sinh và phát triển sau các cuộc chiến tranh. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc có sinh lực văn hóa mạnh mẽ. Trên một số phương diện, các thách thức khắc nghiệt của lịch sử đã tôi rèn bản lĩnh, hun đúc tinh thần yêu nước, khát vọng hoà bình, vươn tới sự cường thịnh trong mỗi người dân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh là thách thức quyết liệt, toàn diện nhất đối với sức sống của một dân tộc. Để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung hãn, mạnh hơn gấp nhiều lần về binh lực, dân tộc Việt Nam đã phải huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một cuộc “Chiến tranh nhân dân[12], cuộc “Chiến tranh thần thánh” đã được tổ chức để bảo vệ những giá trị thiêng liêng nhất của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến anh dũng đó, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc đã được thể hiện cao độ trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng lòng, quyết tâm bảo vệ các giá trị văn hóa nguồn cội của đất nước, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn thống nhất dân tộc. Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới[13]. Trong chặng đường dài 21 năm gian khổ ấy, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã hợp tụ, tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến thắng lợi mùa Xuân năm 1975.       

Bà Nguyễn Thị Bình-Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (ở giữa) ký vào Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1973. Ảnh: Internet.

3. Sau khi những thách thức khốc liệt của các cuộc chiến tranh qua đi, đến những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi căn bản. Nhận thấy không thể tiếp tục duy trì các chính sách quản lý và tư duy, quan điểm đối ngoại “truyền thống” của một thời Chiến tranh lạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 mà chủ trương đột phá đầu tiên là xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, thực hiện chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Là một quốc gia mà tiềm lực kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách khai mở trong nông nghiệp, đồng thời vạch định xu thế phát triển cho các thành phần kinh tế, cho các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và văn hóa[14]. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ thiếu lương thực, luôn phải đương đầu với nạn đói, Việt Nam đã có thể giải quyết căn bản vấn đề lương thực và trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng về lương thực, có khả năng xuất khẩu một lượng lớn nông phẩm ra thị trường thế giới. Cùng với dầu thô và các nguồn nông phẩm, lúa gạo trở thành hàng xuất khẩu quan trọng, đem lại nguồn ngoại tệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho hơn 80% dân số nông thôn đồng thời góp phần xây dựng một số ngành công nghiệp, kinh tế mới của Việt Nam[15].

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei năm 1995. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chính sách Đổi mới, nhận thức về bối cảnh chính trị, lực lượng thế giới của Việt Nam cũng có những thay đổi căn bản. Trong khoảng 10 năm (1986-1995), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quan hệ quốc tế. Từ chủ trương “Muốn là bạn với tất cả các nước” đến phương châm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển[16], Việt Nam đã gửi đi một thông điệp hoà bình, bày tỏ thiện chí muốn xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới và thực tế đã viết nên một trang mới trong quan hệ quốc tế. Chính sách đối ngoại hoà bình, chủ động và tích cực đối thoại  đó đã làm cho vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Thực hiện một chính sách đối ngoại ngày càng rộng mở, các quốc gia khu vực và thế giới cũng hiểu thêm, hiểu đúng hơn về Việt Nam. Bước sang thập kỷ 1990, cùng với những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã giải quyết thành công “vấn đề Campuchia”, tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Lào, từng bước cải thiện quan hệ với các nước ASEAN và điều quan trọng là đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Mỹ[17]. Với Trung Quốc, sau nhiều nỗ lực, tháng 3-1991, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tuyên bố “quan hệ Việt - Trung đã tan băng”. Đến tháng 11-1991, lãnh đạo hai nước tuyên bố chính thức bình thường hoá quan hệ. Đối với các quốc gia khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam tiếp tục củng cố mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản và năm 1992 chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với Hàn Quốc[18].

Ông Lương Văn Tự và ông Batia - Trưởng đoàn Hoa Kỳ - ký Hiệp định song phương gia nhập WTO ngày 31/5/2006 tại TP. Hồ Chí Minh, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Công Phụng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Surance - Trưởng đại diện USTR. Ảnh: Internet.

Trong hành trình lịch sử từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới, có hai thời điểm có ý nghĩa quan trọng đó là năm 1995 và 2006. Năm 1995 là thời điểm diễn ra nhiều bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Một số nhà bình luận cho rằng, đó là năm thắng lợi lớn của Việt Nam trên phương diện đối ngoại. Vào năm đó, ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức ASEAN. Cũng trong năm này, sau lệnh bãi bỏ chính sách cấm vận đối với Việt Nam đưa ra vào ngày 3-2-1994, ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã tuyên bố chính thức bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Với các thắng lợi ngoại giao quan trọng đó, một thời kỳ Việt Nam bị cô lập và phong toả trong quan hệ quốc tế đã kết thúc. Trên thực tế, Việt Nam đã có thêm những cơ hội thuận lợi để hội nhập với những phát triển chung của khu vực và thế giới.

Một thập niên sau, vào năm 2006, Việt Nam tiếp tục giành được 2 thắng lợi quan trọng nữa trên phương diện ngoại giao đó là việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị APEC tại Hà Nội. Trong năm này, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng lên tầm chiến lược. Quan hệ với Trung Quốc và Mỹ cũng có nhiều bước cải thiện quan trọng. Với Trung Quốc, hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề vướng mắc căn bản trong quan hệ song phương[19]. Một làn sóng đầu tư mới đã tập trung vào Việt Nam, một quốc gia giàu tiềm năng về tài nguyên, nhân lực... Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nhân, tập đoàn kinh tế, ngân hàng và tài chính lớn thế giới.        

Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2017. Ảnh: Internet.

Từ việc phác dựng lại diện mạo và diễn tiến lịch sử căn bản thế kỷ XX, có thể rút ra một số nhận xét và luận giải:

1. Vị trí chiến lược của Việt Nam

Thực ra, để trả lời thấu đáo câu hỏi vị thế chiến lược của Việt Nam từng đóng vai trò và thể hiện như thế nào qua các thời đại lịch sử và trong hành trình lịch sử lâu dài của dân tộc không phải là một việc dễ dàng. Bởi cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, vị thế địa - chiến lược của Việt Nam có những nhân tố hằng xuyên, bất biến nhưng cũng có những yếu tố khả biến, tức có sự chuyển dịch qua thời gian bởi chính các tác nhân trong nước, khu vực và quốc tế. Có thể thấy, cùng với tiềm năng, nguồn tài nguyên phong phú của Hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới (General ecosystem), nguồn sức lao động dồi dào, các châu thổ tương đối rộng lớn, nhiều thương cảng thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch phòng vệ quân sự và thúc đẩy sự phát triển của giao thương quốc tế... thì vị trí tiếp giao và chuyển giao giữa các quốc gia Đông Bắc Á với Đông Nam Á, giữa lục địa với đại dương cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trên bản đồ chính trị khu vực[20]. Trong bài viết, “Địa - chính trị Việt Nam nhìn từ châu Á: Bài học nào cho cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba cho hôm nay?”, nhà nghiên cứu Christoper Goscha cho rằng: “Việt Nam đã và sẽ mãi là quốc gia có vị trí địa - chính trị vô cùng quan trọng trên thế giới do vị trí địa lý của Việt Nam trên lục địa Á - Âu và do Việt Nam nằm giáp các vùng Biển Đông”. Đặt Việt Nam trong mối quan hệ và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các châu Á và thế giới chúng ta cũng thấy, tuy về diện tích lãnh thổ Việt Nam chỉ là một đất nước tương đối nhỏ nhưng từ trong lịch sử đến hôm nay, Việt Nam “luôn giữ vị trí quan trọng không chỉ đối với người Mỹ mà còn đối với người Nga, người Trung Quốc, người Nhật Bản, thậm chí cả người Ấn Độ”[21].   

Trải dài theo sườn đông của bán đảo Đông Nam Á, với đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam giữ vị trí tiếp giao giữa Đông Nam Á bán đảo với Đông Nam Á hải đảo, giữa khu vực Đông Bắc Á với Tây Nam Á... Việt Nam là điểm đến của nhiều luồng thiên di, là vùng giao thoa của nhiều nền văn hoá khu vực Đông Nam Á cũng như giữa Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trong lịch sử, nếu như những ảnh hưởng của Ấn Độ truyền đến Đông Nam Á bằng con đường kinh tế, văn hóa và tôn giáo - con đường hoà bình, thì với các dân tộc trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia có chung biên giới đất liền và vị trí thương mại biển quan trọng ở Đông Á, đều phải chịu áp lực chính trị, quân sự từ phương Bắc thường xuyên, mạnh mẽ.

Là một quốc gia giữ vị trí tiếp giao giữa hai thế giới: Đông Bắc Á và Đông Nam Á, dường như Việt Nam luôn là quốc gia đầu tiên phải gánh chịu những sức ép mạnh mẽ từ phương Bắc và cả một số thế lực từ vùng biên giới phía Nam và Tây Nam. Trong quá trình mở rộng ảnh hưởng xuống phương Nam, Việt Nam là quốc gia giữ vị trí cửa ngõ trên đường tiến xuống Đông Nam Á của nhiều triều đại quân chủ phương Bắc bởi đây là điểm kết nối cả giao thông trên đất liền và trên biển. Đến thời cận hiện đại, các thế lực phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Pháp...), từ vùng biển phía Nam, muốn thâm nhập vào bán đảo Đông Nam Á và khu vực thị trường rộng lớn miền Nam Trung Quốc, cũng đều coi Việt Nam là mục tiêu quan trọng cần phải chinh phục. Nhìn nhận một cách khách quan, vị trí địa - chiến lược của Việt Nam luôn dung chứa, tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi khách quan cho đất nước ta phát triển kinh tế, mở rộng bang giao, giao lưu văn hoá... nhưng vị trí đó cũng dễ biến Việt Nam thành mục tiêu, địa bàn tranh chấp của các thế lực khu vực, quốc tế[22].

2. Về cội nguồn, sức sống mãnh liệt của dân tộc     

Như đã trình bày ở trên, nếu tính từ cuộc xâm lược của nhà Tần thế kỷ III TCN đến năm 1975, trong vòng 22 thế kỷ, Việt Nam đã phải tiến hành 15 cuộc kháng chiến giữ nước và thời gian chống ngoại xâm lên đến 12 thế kỷ[23]. Là một dân tộc hình thành sớm ở Đông Nam Á, cư dân các nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đã sớm có ý thức về môi trường sống, không gian sinh tồn và nền văn hoá riêng biệt của mình. Trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, cùng với quá trình “Hán hoá” là quá trình tự vệ về văn hóa: “giải Hán hoá”. Một số tác giả cho rằng, quá trình “Hán hoá” chỉ diễn ra mạnh đối với một số tầng lớp xã hội bên trên và tập trung ở vùng Đông Bắc. Độ trù mật của hệ thống các mộ Hán và mộ mang phong cách Hán cũng như các lỵ sở ở khu vực này phần nào minh chứng cho quan điểm đó. Vì thế, dù thống trị ở Việt Nam trong một thời gian tương đối lâu dài nhưng nhìn chung ảnh hưởng của văn hoá phương Bắc đã không thể vươn quá xa ra khỏi phạm vi châu thổ sông Hồng và một số khu vực vốn mang cơ tầng văn hóa bản địa, từng chia sẻ nhiều ảnh hưởng của văn hoá Đông Nam Á. Nhưng, trải qua thời gian, bằng nhiều con đường và cách thức khác nhau, nền văn hoá đó đã có những thẩm thấu nhất định vào đời sống văn hoá của nhiều tầng lớp xã hội. Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, thật khó có thể hình dung văn hoá phương Bắc đã không thể thâm nhập vào một số vùng thôn quê. Trên thực tế, một số thành tố văn hoá, phong tục, tập quán từ phương Bắc và cả từ phương Nam, đã từng bước thẩm thấu và trở thành một bộ phận của văn hoá Việt Nam nhất là với các tầng lớp bên trên của xã hội.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, trong các làng thôn và vùng xa xôi, những yếu tố văn hoá truyền thống Việt cổ, gần gũi và có chung cơ tầng với văn hoá Đông Nam Á, vẫn được duy tồn như một cấu trúc hạt nhân bền vững. Điểm mấu chốt là, dù áp lực của văn hoá Trung Hoa rất mạnh mẽ và ảnh hưởng của nền văn hoá này là liên tục nhưng nó đã không thể làm suy thoái hay phá vỡ cấu trúc truyền thống. Ý thức sâu sắc về nguồn cội, về chủ quyền lãnh thổ và một truyền thống văn hoá riêng chính là sức mạnh nội sinh, nhân tố căn bản để vừa bản địa hoá những yếu tố văn hóa bên ngoài vừa bảo tồn cấu trúc đó. Cấu trúc đó còn được duy tồn trong mối quan hệ mật thiết giữa các thành viên làng xã, trong các tập tính, sinh hoạt văn hoá và cảm thức chung, ý thức sức sâu sắc về cộng đồng. Ý thức đó là sợi dây liên kết linh thiêng giữa các thành viên xã hội và có thể trở thành nhân tố kết tụ, động lực để chuyển hoá thành Chủ nghĩa dân tộc, Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần yêu nước đó luôn được nhân lên gấp bội khi lợi ích, chủ quyền dân tộc bị đe doạ.

Hơn thế nữa, nếu nhìn nhận quá trình tiếp giao văn hoá theo trục Bắc - Nam và theo quan điểm phân tích và cắt lớp văn hoá, có thể thấy những ảnh hưởng của phương Bắc đến Việt Nam có thể phân lập thành ba loại hay ba vòng cơ bản. Trước hết, đó là những ảnh hưởng từ vùng văn hoá Hoa Nam truyền bá đến Đông Nam Á và Việt Nam. Tiếp đó, là những ảnh hưởng từ Hoa Bắc, và cuối cùng là những ảnh hưởng từ Hoa Bắc nhưng đã được “Hoa Nam hoá”. Trong đó, vòng văn hoá thứ nhất có phần gần gũi với văn hoá phương Nam nên khi thâm nhập vào xã hội Đông Nam Á - Việt Nam nhìn chung đã không diễn ra những phản ứng gay gắt.

Điều quan trọng là, trong khi kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập về chính trị thì trên phương diện văn hoá, Việt Nam đã không chối từ nhiều giá trị văn hoá bên ngoài. Với quan điểm “Vô tốn Trung Quốc, bất dị Trung Quốc” (Không kém Trung Quốc, không khác Trung Quốc) các thế hệ người Việt Nam đã tìm thấy trong kho tàng văn hoá khu vực những năng lực phát triển sáng tạo và sẵn sàng tiếp nhận các di sản đó để không chỉ bổ sung thêm mà còn tăng cường kháng lực cần thiết cho mình. Trên thực tế, trong truyền thống văn hoá Việt Nam từ thiết chế chính trị, luật pháp, chữ viết, giáo dục... đều có nhiều dấu ấn văn hóa khu vực. Trong tác phẩm Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam, nhà sử học Hà Văn Tấn từng cho rằng: “Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, thường gặp sự mài dũa các vũ khí tư tưởng sẵn có cho phù hợp với yêu cầu Việt Nam, mà một yêu cầu to lớn và cấp thiết nhất là sự gìn giữ sự sống còn của dân tộc”[24].

Cũng cần phải nói thêm là, sức mạnh văn hoá Việt Nam còn là sự kết luyện những ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đặc biệt là tư tưởng và quan điểm nhân văn của Phật giáo, Hindu giáo[25]. Dựa trên cơ tầng nền văn hoá bản địa, ý thức sâu sắc về chủ quyền dân tộc, văn hoá Việt Nam từng tiếp nhận nhiều giá trị, nhân tố của văn minh Đông Bắc Á, Tây Nam Á, và từ thế kỷ XVI-XVII là những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây để bổ sung, gia tăng giá trị, sinh lực sáng tạo văn hoá của mình[26]. Có thể nói, văn hoá Việt Nam đã tìm thấy năng lực nội sinh và sức sống mạnh mẽ trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và thực sự khởi phát sau 10 thế kỷ Bắc thuộc. Điều đó lý giải vì sao, chỉ sau khi giành được độc lập một thời gian ngắn, với niềm tin về sự trường tồn của dân tộc, với vị thế, tầm nhìn và sức sống mới, Đại Việt đã trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á.       

Trải xuyên qua suốt 1.000 năm Bắc thuộc, qua 10 thế kỷ kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và dựng xây đất nước, dân tộc Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị, bản sắc văn hóa mạnh mẽ, kiên cường, trí tuệ. Nghĩ suy về hành trình lịch sử văn hóa dân tộc, có thể hiểu: Bản sắc văn hóa là những giá trị kết tinh, cốt lõi của một nền văn hóa; các giá trị đó được định thành qua thời gian, hợp luyện qua các thời đại văn hóa, truyền nối qua nhiều thế hệ và nhờ có bản sắc văn hóa đó mà người ta có thể nhận biết được những tương đồng, dị biệt, đóng góp, giá trị độc đáo và năng lực sáng tạo của một nền văn hóa trong tổng thể các nền văn hóa, văn minh nhân loại.

3. Việt Nam - Quốc gia năng động

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp. Nông nghiệp là đặc trưng và bản sắc của văn hoá Việt Nam - Đông Nam Á. Nhưng mặt khác chúng ta cũng thấy, Đông Nam Á không phải là một khu vực hay trung tâm có hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa thuần nhất[27]. Văn hóa Đông Nam Á là một phức thể và mỗi nền văn hoá trong khu vực đều dung chứa, xen cài nhiều truyền thống khác nhau. Văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng. Quá trình mở rộng lãnh thổ và khai phá dải đất miền Trung rồi châu thổ Cửu Long của người Việt đã dần hợp tụ nên một truyền thống văn hoá đa diện của các vùng miền với ba nền tảng căn bản: Văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, Sa Huỳnh - Chămpa ở miền Trung và Óc Eo - Phù Nam ở Nam Bộ, Việt Nam. Điều kiện tự nhiên nằm ở vị trí bán đảo và là quốc gia có chỉ số duyên hải cao cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự phát triển năng động trong hành trình lịch sử của dân tộc[28].

Chịu sự chi phối của hệ sinh thái phổ tạp, là một quốc gia đa dân tộc, người Việt thờ đa thần giáo. Đây chính là nhân tố cốt lõi, tạo nên thế ứng xử văn hóa đặc trưng, truyền thống của Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao, khi những yếu tố văn hoá, tôn giáo mới thâm nhập vào xã hội Việt Nam, một cách tự nhiên, nền văn hoá bản địa đều có thể tiếp nhận và thường không diễn ra những xung đột văn hoá lớn, gay gắt. Tính khoan dung về văn hoá và tinh thần biến tinh thần khoan dung đó thành tư duy hành động trong ứng xử văn hoá là một trong những giá trị đặc thù của văn hóa Đông Nam Á và văn hoá Việt Nam. 

Nhiều thập niên qua, người ta ngày càng nói nhiều đến các giá trị châu Á. Giá trị đó được biểu đạt, kết tinh trong tư tưởng, triết luận của Phật giáo, Hindu giáo, Nho giáo, Islam giáo...; trong mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường xã hội, văn hóa và thế giới tự nhiên; trong đặc trưng của các cấu trúc xã hội, tổ chức cộng đồng châu Á; trong trật tự và tình cảm gắn bó, truyền nối giữa các thành viên gia đình... Các giá trị đó là sự hợp luyện những tinh hoa, giá trị nhân bản nhất của nhân loại, xuyên thấu thời gian và không gian, hiện hữu trong các chiến lược của nhiều quốc gia hiện nay đang hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

TP Hồ Chí Minh - một trong những thành phố phát triển năng động nhất đất nước. Ảnh: Internet

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, trong văn hoá Việt Nam truyền thống, người Việt Nam là cư dân trọng tình, thậm chí duy tình. Tôi cho rằng điều đó đúng như chưa đủ. Người Việt cũng giàu tư tuy thực tiễn, coi trọng các giá trị thực tiễn và có khả năng thích ứng cao với từng môi cảnh chính trị cụ thể. Bằng tư duy, lý trí của mình, người Việt từng tổ chức các lực lượng xã hội để xây dựng nên những hệ thống thuỷ nông quy mô lớn. Người Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều trận đánh lớn có ý nghĩa quyết chiến chiến lược với nghệ thuật quân sự cao và giành được thắng lợi quan trọng trước những kẻ thù mạnh. Bằng tư duy thực tiễn, người Việt Nam cũng đã từng quyết tâm từ bỏ những định chế, phương cách, chính sách quản lý kinh tế - xã hội cũ để thực thi chính sách cải cách trong lịch sử và Đổi mới thời hiện đại. Bằng tư duy thực tiễn, họ cũng biết thay đổi chính sách đối ngoại “truyền thống”, chuyển từ đơn cực sang đa cực, đa phương hoá quan hệ quốc tế để cùng chia sẻ lợi ích và hòa nhịp chung với những bước tiến của nhân loại. Thời Đổi mới, Việt Nam đã hoá giải thành công nhiều mối quan hệ phức tạp, đã chuyển từ thế đối đầu sang đối thoại vì sự phồn vinh, phát triển chung của khu vực. Việt Nam không thể (và không để) bị dồn đẩy, tự biến mình thành “chiến trường” hay “thùng thuốc súng” ẩn tàng ở châu Á[29]. Trong xu thế đối thoại và hợp tác, Việt Nam đã chủ động khép lại nhiều nỗi đau thương trong quá khứ để hướng về tương lai, không bỏ lỡ những cơ hội lớn vì sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Trên thực tế, công cuộc Đổi mới của Việt Nam không phải là sự điều chỉnh hay thay đổi một số chính sách cụ thể mà là một quá trình đổi mới toàn diện có ý nghĩa bước ngoặt nhằm xác định một con đường đi mới cho dân tộc. Con đường đó phù hợp với khát vọng vươn lên của đất nước, với thực tế lịch sử và bối cảnh quốc tế mới. Một mô hình phát triển mới theo hướng hội nhập đang được xác lập ở Việt Nam[30].

Một Việt Nam tự tin, năng động, sáng tạo, thích ứng với những diễn tiến mau chóng của văn minh nhân loại đang trở thành xu thế chung, tất yếu. Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia sáng tạo, khởi nghiệp và là thành viên tích cực, chủ động nắm bắt xu thế vận động của thế giới, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[31]. Nhìn nhận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những chiều hướng tích cực, Klaus Schwab - Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng: “Định hình Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm rằng, nó trao cho con người sức mạnh và lấy con người làm trung tâm, chứ không gây chia rẽ và phi nhân tính, là nhiệm vụ không của riêng bất kỳ chủ thể, lĩnh vực hay bất kỳ khu vực, ngành nghề, nền văn hóa nào. Tính sâu xa và tính cầu của cuộc cánh mạng này đồng nghĩa với việc nó sẽ gây tác động và chịu ảnh hưởng bởi mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, mọi lĩnh vực và mọi người. Vì vậy, điều cấp bách là chúng ta phải quan tâm đầu tư và dành nhiệt huyết cho hợp tác đa chủ thể và liên lĩnh vực, vượt qua biên giới về học thuật, xã hội, chính trị, quốc gia và ngành nghề. Chúng ta cần những nỗ lực phối hợp và tương tác này để xây dựng những kịch bản tích cực, phổ biến và tràn đầy hy vọng, cho phép các cá nhân và tập thể từ mọi nơi trên thế giới có thể tham gia và thụ hưởng lợi ích từ các chuyển đổi đang diễn ra”[32].

Sau hơn 3 thập niên Đổi mới, Việt Nam thực sự mong muốn sẽ là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, củng cố mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, vì sự phồn vinh của đất nước cũng như của chung các quốc gia châu Á và thế giới trong thế kỷ XXI.                                                              


[1] Phan Huy Lê: Tính thống nhất trong đa dạng của lịch sử Việt Nam, trong: Tìm về cội nguồn, Tập 1, Nxb. Thế Giới, H., 1998, tr.495.   

[2] Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1970.

[3] Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 2004.

[4] Phan Huy Lê: Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb. Thế giới, H., 2012; Vũ Minh Giang: Lịch sử Việt Nam truyền trhống và hiện đại, Nxb. Giáo dục, H., 2009.

[5] Nguyễn Văn Kim: Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2016, tr.83-119.

[6] Đinh Xuân Lâm: Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., 2015; Nguyễn Mạnh Dũng: Quá trình xâm nhập của Pháp vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX – Nguyên nhân và hệ quả, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2016.

[7] Trong thời kỳ chiếm đóng ở Việt Nam (1940-1945), cùng với những hành động về quân sự, chính sách kinh tế của lực lượng chiếm đóng quân đội Nhật Bản còn được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm hoạ khiến hơn 2 triệu người chết đói. Xem Văn Tạo - Furuta Motoo: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử, Nxb. Tri thức, H., 2011.

[8] Vũ Dương Ninh: Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2016, tr.39-48; Phạm Hồng Tung: Lịch sử cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2013; Nhiều tác giả: Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2010.

[9] Tuyên bố của Hội nghị quốc tế “Việt Nam và thế giới” kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong: Việt Nam và thế giới, Nxb. Sự thật, H., 1981, tr.202-212.

[10] J.C. Rômê: 1954 - Một năm thay đổi cục diện; trong Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2005, tr.20-26.

[11] Trong điều kiện quốc tế có nhiều phức tạp lúc bấy giờ, Việt Nam chưa thể hoàn toàn chủ động trong việc đưa ra những quyết định về ngoại giao. Trên thực tế, bản hiệp định là sự dàn xếp lợi ích nhằm đạt đến sự cân bằng quyền lực giữa các nước lớn. Trong lịch sử Việt Nam, với việc ký kết hiệp định Geneve, lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt lần thứ hai (21 năm), sau cuộc chia cắt lần thứ nhất diễn ra trong thời kỳ phân tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài 114 năm (1672-1786). Xem Mitchell K. Hall: Because of their Faith - Calcav and Religious Opposition to the Vietnam War, Columbia University Press, 1990; Larry Berman: No Peace, No Honor - Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, Library of Congress Cataloging-in-Publication Data, America, 2002; Pierre Asselin: A Bitter Peace – Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement, The University of North Carolina Press, 2002.

[12] Nội dung và tinh thần cơ bản của khái niệm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đầu tiên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946. Về sau, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp tục phát triển tư tưởng và hoàn chỉnh về lý luận khái niệm này.

[13] Tinh thần dân tộc và ý thức sâu sắc về nền độc lập và thống nhất dân tộc, theo các nhà sử học Việt Nam, được thể hiện rất tiêu biểu trong tác phẩm Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo (1226-1300), Đại cáo bình Ngô của Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442) và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) kế thừa xuất sắc một số tư tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.

[14] Đặng Phong: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, Nxb. Tri thức, H., 2009; Đặng Phong: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nxb. Tri thức, H., 2009; Vũ Cao Đàm: Nghịch lý và lối thoát - Bàn về triết lý phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam, Nxb. Thế giới, H., 2014.

[15] Sản lượng lương thực của Việt Nam đã không ngừng tăng lên từ 17,5 triệu tấn năm 1987 lên 34,3 triệu tấn năm 1999, tức tăng gấp đôi sau 13 năm. Từ chỗ trung bình mỗi năm phải nhập khẩu 1 triệu tấn lương thực đến năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo và đến năm 1999 đã tăng lên đến 4,5 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, sau Thái Lan. Xem Phạm Xuân Nam: Đổi mới kinh tế - xã hội ở Việt Nam (1986-2000) - Một cái nhìn tổng quan; trong: Việt Nam trong thế kỷ XX, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2001, tr. 237.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2006, tr.119.

[17] Cuối năm 1989, Việt Nam đã rút hết quân đội và chuyên gia ra khỏi Campuchia. Trước xu thế hoà dịu chung, Mỹ cũng điều chỉnh chính sách đối với Đông Dương, chấm dứt ủng hộ Chính phủ liên hiệp ba phái Campuchia và bắt đầu đàm phán với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Xem Nguyễn Đình Bin (Cb.): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2005, tr. 334.

[18] Quan hệ hữu nghị Việt - Nhật được chính thức thiết lập ngày 21-9-1973, tức là chỉ 8 tháng sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973). Xem Shiraishi Masaya: Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1951-1987, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1994, tr. 89-95. Tuy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập tương đối muộn nhưng theo các nhà quan sát, tốc độ phát triển của mối quan hệ này hết sức nhanh chóng và có nhiều triển vọng trong tương lai bởi sự tương đồng văn hoá giữa hai nước và môi trường đầu tư thuận lợi, giàu tiềm năng của Việt Nam.

[19] Cùng với việc ký Hiệp định về biên giới trên đất liền ngày 30-12-1999, ngày 25-12-2000 Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc cũng đã ký Hiệp định về phân định vịnh Bắc BộHiệp định về hợp tác nghề cá. Như vậy, theo đánh giá, Việt Nam đã giải quyết dứt điểm được hai trong ba vấn đề về biên giới lãnh thổ vẫn tồn tại với Trung Quốc bao gồm: Biên giới đất liền, Phân định vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông.

[20] Hérodote: Tầm quan trọng của Địa - chính trị Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2018, tr.48-53.

[21] Hérodote: Tầm quan trọng của Địa - chính trị Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2018, tr.26.

[22] Robert D.Kaplan: S minh định của địa lý (Đào Đình Bắc dịch), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2017, tr.72-74.

[23] Phan Huy Lê: Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam; trong: Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, H., 1998, tr.465.

[24] Hà Văn Tấn: Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam; trong: Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2005, tr.50.  

[25] Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2011, tr.121-125.

[26] Phan Huy Lê: Tiếp xúc văn hóa với Pháp và phương Tây trong quá trình cận đại hóa ở Việt Nam, trong: Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb. Thế giới, H., 2012, tr.1004-1016; Trịnh Văn Thảo: Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954), Nxb. Thế giới, 2013; Nguyễn Văn Khánh (Cb.): Nguồn lực trí tuệ Việt Nam: Lịch sử, hiện trạng và triển vọng, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2012.

[27] Tadao Umesao: An Ecological View of History - Japanese Civilization in the World Context, Trans Pacific Press, Melbourne, 2003; Arnold Toynbee: A Study of History - A New Edition Revised and Abridged, 1972.

[28] Có thể xem Keith Weller Taylor: The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983, p.7 và những phân tích sâu sắc của GS. Trần Quốc Vượng về tính ứng biến của yếu tố Nước ví như công trình: Một nét bản sắc của văn hoá Việt Nam: Khả năng ứng biến; trong: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá Dân tộc, H., 2000, tr.41-49. 

[29] Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN: Việt Nam trong tiến trình thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, Nxb. ĐHQG HN, H., 2005; Việt Nam sau 30 năm Đổi mới – Thành tựu và triển vọng, Nxb. Hồng Đức, H., 2017; Vũ Dương Ninh (Cb.): Việt Nam trong thế giới đang đổi thay, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2017; Nguyễn Quốc Hùng: Với thế kỷ XX, Nxb. Thế Giới, H., 2016.

[30] Phùng Hữu Phú - Lê Hữu Nghĩa - Vũ Văn Hiền - Nguyễn Viết Thông (Đồng Cb.): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn vè chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2016.

[31] Vũ Văn Phúc - Phạm Minh Chính (Cb.): Hội nhập kinh tế quốc tế 30 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2015, tr.9-23, 280-292; Đào Thanh Trường (Cb.): Hệ thống khoa học, công nghệ và Đổi mới ở Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, Nxb. Thế Giới, H., 2015, tr.55-70, 71-78.  

[32]Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Thế Giới, H., 2016. tr.12-13.  

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 923 (8-2019), tr.53-59.

Tác giả: GS.TS Nguyễn Văn Kim

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây