Bấm để nhận tiền thưởng | game đánh chắn online đổi thưởng

   

Tóm tắt luận án NCS: Nguyễn Kim Dung

Thứ hai - 19/10/2020 05:27

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

______________________

 

NGUYỄN KIM DUNG

 

 

GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM

THỜI CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

 

 

                        Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam

                        Mã số: 62220313

 

 

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

 

 

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

  1. GS.TSKH. VŨ MINH GIANG
  1. PGS.TS. TRẦN VIẾT NGHĨA

 

                                   

 

 

Hà Nội - 2020

 

 

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

______________________

 

NGUYỄN KIM DUNG

 

 

GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM

THỜI CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

 

 

           

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

 

                                               

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2020

 

 

 

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Nền giáo dục do chính quyền Sài Gòn kiểm soát ở miền Nam Việt Nam là một thực thể lịch sử tồn tại cách ngày nay nửa thế kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu có hệ thống về nền giáo dục này. Các nghiên cứu thường đi sâu vào các vấn đề cụ thể mà thiếu tính tổng quan. Diện mạo nền giáo dục do đó chưa được thể hiện một cách toàn diện, chân thực và sinh động, nhiều nhận thức còn mang tính chủ quan và nhiều khoảng trống nghiên cứu vẫn chưa được lấp đầy.

Nghiên cứu giáo dục chính là nghiên cứu con người và văn hóa miền Nam, tìm ra các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội miền Nam nói riêng và đất nước nói chung. Giáo dục cũng là một di sản của quá khứ cần huy động để phục vụ hiện tại.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Luận án tập trung phân tích thực trạng hệ thống giáo dục và chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với giáo dục miền Nam. Từ đó, luận án đưa ra nhận thức một cách hệ thống về nền giáo dục này. Luận án làm rõ thực trạng hệ thống giáo dục, phân tích hiện trạng chính sách giáo dục của chính quyền Sài Gòn trong từng giai đoạn cụ thể gắn với sự chuyển đổi mô hình giáo dục từ mô hình Pháp sang mô hình Âu Mỹ. Luận án đánh giá hiệu quả của chính sách giáo dục và tác động của cải tổ giáo dục đối với sự điều chỉnh chính sách và chuyển đổi mô hình giáo dục. Trên cơ sở đó, luận án nhận thức đặc điểm nền giáo dục miền Nam thời kỳ này và tìm ra những kinh nghiệm cho phát triển giáo dục hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là nền giáo dục miền Nam dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn (1954-1975). Đó là một nền giáo dục hoàn chỉnh từ cấp phổ thông (mẫu giáo, tiểu học, trung học) đến đại học (đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp và sau đại học).

Về phạm vi nghiên cứu của luận án như sau:

Về nội dung nghiên cứu, luận án tập trung vào 3 vấn đề: bối cảnh tác động đến nền giáo dục, thực trạng chính sách và hệ thống giáo dục. Thực trạng hệ thống giáo dục được nghiên cứu trên phương diện tổ chức bộ máy quản lý giáo dục và từng cấp học qua 3 trụ cột là nhà trường, giáo chức và học sinh, sinh viên, theo trục dọc thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, minh họa bằng các số liệu thống kê. Luận án không nghiên cứu hiện trạng của các loại hình giáo dục. Luận án căn cứ vào các tài liệu lưu trữ để điểm những nét chính về thực trạng chính sách giáo dục gắn với sự chuyển đổi của mô hình giáo dục và cải tổ giáo dục.

Về thời gian nghiên cứu, nền giáo dục miền Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn được nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975. Xét về mô hình tổ chức, nền giáo dục được phân kỳ thành hai giai đoạn chính: mô hình giáo dục Pháp (1954-1969), mô hình giáo dục Âu Mỹ (1969-1975). Mốc phân kỳ căn cứ vào Sắc lệnh số 660-TT/SL ngày 1 tháng 12 năm 1969 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Phân kỳ này có ý nghĩa chủ yếu đối với việc nghiên cứu chính sách giáo dục như là yếu tố quyết định sự chuyển đổi mô hình tổ chức giáo dục từ thượng tầng. Riêng về thực trạng hệ thống giáo dục, nghiên cứu vẫn tiến hành theo trục dọc thời gian từ 1954 đến 1975 nhằm đảm bảo tính liền mạch và biểu hiện rõ sự thay đổi của số liệu thống kê.

Về không gian nghiên cứu, chúng tôi thực hiện nghiên cứu nền giáo dục nằm trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Ranh giới của nền giáo dục dưới chế độ Sài Gòn và nền giáo dục vùng giải phóng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát, được xem là trùng lặp với ranh giới hành chính và quân sự của miền Nam thời kỳ này.

4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu

4.1. Nguồn tài liệu

Nguồn tư liệu nghiên cứu của luận án phong phú, đa dạng, bao gồm: tài liệu lưu trữ; tài liệu nghiên cứu về giáo dục miền Nam (1954-1975); sách, tập san, báo, tranh, ảnh về giáo dục đương thời; nhật ký, hồi ký, tư liệu ghi âm phỏng vấn nhân chứng lịch sử.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu chủ đạo và quan trọng nhất nhằm phân kỳ lịch sử giáo dục và nghiên cứu nền giáo dục trong một cấu trúc hệ thống.

Phương pháp thống kê, định lượng số liệu lưu trữ rất quan trọng trong việc khắc họa thực trạng giáo dục một cách khách quan bằng các con số đáng tin cậy. Phương pháp phỏng vấn sâu nhân chứng lịch sử làm cơ sở để kiểm chứng độ tin cậy và rút ra nhận thức chính xác từ các tài liệu viết nói chung và tài liệu lưu trữ nói riêng. Ngoài ra, phương pháp hệ thống hóa, phương pháp so sánh và các phương pháp liên ngành khác đều được vận dụng.

5. Đóng góp của luận án

Trên cơ sở các tài liệu lưu trữ đáng tin cậy, đặc biệt là các số liệu thống kê, luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống nền giáo dục miền Nam Việt Nam thời chính quyền Sài Gòn. Nền giáo dục được nghiên cứu từ thực trạng hệ thống giáo dục đến chính sách giáo dục, phân tích tác động của bối cảnh lịch sử và cải tổ giáo dục đối với sự phát triển nền giáo dục này. Qua đó, luận án rút ra một số đặc điểm nổi bật của nền giáo dục.

Luận án cung cấp nhiều nhận thức mới về nền giáo dục miền Nam Việt Nam thời chính quyền Sài Gòn. Luận án chỉ ra nền giáo dục miền Nam thời kỳ này có tính kế thừa nền giáo dục Pháp, do đó mang đậm tính chất giáo dục tinh hoa. Bên cạnh đó, nền giáo dục hội nhập quốc tế mạnh mẽ, chủ động tiếp thu tinh hoa của nhiều nền giáo dục tiên tiến khác, đặc biệt là nền giáo dục Mỹ. Nền giáo dục có cơ cấu đa dạng và hiện đại. Tuy nhiên, nền giáo dục phát triển trong điều kiện chiến tranh ác liệt nên gặp rất nhiều khó khăn và mắc nhiều hạn chế.

Luận án đóng góp một khối lượng lớn sử liệu về nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn bao gồm: các tài liệu lưu trữ, các số liệu thống kê, định lượng, sưu tập sách, báo, tạp chí về giáo dục…

6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận án gồm 5 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.

Chương 2: Bối cảnh tác động đến giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975).

Chương 3: Thực trạng hệ thống giáo dục miền Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn.

Chương 4: Chính sách giáo dục của chính quyền Sài Gòn.

Chương 5: Đặc điểm và kinh nghiệm từ nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn.

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu

Trước năm 1975, các nghiên cứu về nền giáo dục do chính quyền Sài Gòn kiểm soát chủ yếu được các học giả miền Nam và các chuyên gia tổ chức viện trợ giáo dục của Mỹ, UNESCO và quốc tế thực hiện.

Sau năm 1975 đến trước thời kỳ Đổi mới, các nghiên cứu thường gắn với quan điểm coi giáo dục miền Nam là sản phẩm của xã hội thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ năm 1986 đến nay, nền giáo dục này thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước với đa dạng quan điểm và phương pháp nghiên cứu liên ngành.

1.2. Những vấn đề Luận án cần giải quyết

1.2.1. Những nội dung kế thừa từ các công trình đã công bố

Luận án kế thừa các nghiên cứu trước năm 1975 với tư cách là nguồn tư liệu lịch sử giá trị về nền giáo dục đương thời. Các nghiên cứu sau năm 1975 bổ sung cho Luận án điểm nhìn đa diện về nền giáo dục này về cả ưu điểm và hạn chế. Đặc biệt, các nghiên cứu của chuyên gia quốc tế thời kỳ này gợi ý nhiều phương pháp nghiên cứu liên ngành hữu ích như thống kê, xã hội học, kinh tế học, nhân học văn hóa…

1.2.2. Những nội dung mới cần giải quyết trong luận án

Thứ nhất, luận án thực hiện nghiên cứu có hệ thống về nền giáo dục, từ đó rút ra nhận thức tổng quát về toàn bộ nền giáo dục này. Tiếp cận từ cấu trúc hệ thống nền giáo dục từ trước đến nay chưa có công trình nào thực hiện. Để làm sáng rõ vấn đề một cách khách quan, luận án trú trọng vào tư liệu lưu trữ và phương pháp thống kê, định lượng để đưa ra các con số tin cậy minh họa nền giáo dục.

Thứ hai, Luận án trình bày thực trạng hệ thống giáo dục trên phương diện tổ chức bộ máy quản lý giáo dục, các cấp bậc giáo dục thông qua ba trụ cột: nhà trường, giáo chức, học sinh và sinh viên. Cho đến nay, chưa có một công trình nào đề cập chi tiết đến hiện trạng bộ máy quản lý giáo dục miền Nam thời kỳ này cũng như đưa ra được một hệ thống số liệu cụ thể, chi tiết để minh họa cho thực trạng hệ thống giáo dục.

Thứ ba, Luận án phân tích thực trạng chính sách giáo dục của chính quyền Sài Gòn trong từng giai đoạn cụ thể gắn với chuyển đổi mô hình giáo dục từ mô hình Pháp sang mô hình Âu Mỹ. Luận án đánh giá hiệu quả chính sách một cách khách quan thông qua việc nghiên cứu những phê phán nền giáo dục của các học giả đương thời. Luận án xem xét chính sách giáo dục gắn với các cuộc cải tổ giáo dục và chỉ ra tác động của cải tổ đến với sự điều chỉnh chính sách và thực trạng giáo dục đương thời.

Cuối cùng, luận án đánh giá khái quát những đặc điểm của nền giáo dục này, qua đó lý giải những đặc trưng trong quá trình phát triển nền giáo dục. Luận án chỉ ra nền tảng phát triển của nền giáo dục và khẳng định tính hội nhập quốc tế mang đến cho nền giáo dục một cơ cấu đa dạng và hiện đại.

Chương 2

BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1975)

2.1. Dấu ấn của giáo dục Pháp ở miền Nam Việt Nam

Nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn kế thừa gần như nguyên trạng hệ thống tổ chức thời Pháp thuộc. Trong suốt 10 năm đầu tiên của nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn, tư tưởng và mô hình giáo dục Pháp, hệ thống nhân sự đóng vai trò chi phối gần như tuyệt đối. Dấu ấn giáo dục Pháp in đậm trong chương trình giáo dục miền Nam từ cấp phổ thông đến đại học, đồng thời ảnh hưởng rất rõ lên phương pháp giảng dạy và được áp dụng rất nhiều trong chính sách và thực tế vận hành của hệ thống giáo dục.

2.2. Biến chuyển chính trị - xã hội miền Nam (1954-1975)

Hệ thống chính trị miền Nam luôn bất ổn khiến nền giáo dục hoạt động thiếu ổn định. Người đứng đầu ngành giáo dục bị thay đổi liên tục gây trở ngại cho hoạch định chính sách. Chiến tranh khiến nhiều hạn chế của nền giáo dục không thể khắc phục, làm suy giảm chất lượng giáo dục. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và giáo chức chống chính quyền, chống chiến tranh, đòi chuyển ngữ tiếng Việt và tự trị đại học không ngừng diễn ra.

2.3. Tác động của viện trợ quốc tế đối với giáo dục miền Nam

Mỹ viện trợ cho giáo dục miền Nam khá toàn diện về tổ chức, nhân sự và tài chính. Tuy nhiên, viện trợ giáo dục rất nhỏ bé trong tổng viện trợ của Mỹ. Pháp là nước có viện trợ cao thứ hai tại miền Nam, thua kém không đáng kể so với Mỹ. Ngoài ra, giáo dục miền Nam còn nhận viện trợ lớn từ các nước Đức. Nhật, Anh, Canada, Hà Lan… và Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế khác.

Chương 3

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG GIÁO DỤC MIỀN NAM

DƯỚI THỜI CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

3.1. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục

Từ 1954 đến 1965, giáo dục miền Nam đặt dưới sự quản lý của Bộ Quốc gia Giáo dục. Giai đoạn 1965-1969, bộ máy quản lý giáo dục có nhiều xáo trộn. Năm 1965, Bộ Quốc gia Giáo dục được tổ chức lại và đổi tên thành Bộ Giáo dục. Đầu năm 1968, Bộ Giáo dục cũng được tổ chức lại, đổi tên thành Bộ Văn hóa Giáo dục, phụ trách thêm chức năng quản lý văn hóa. Tháng 6 - 1968, Bộ Văn hóa Giáo dục được đổi thành Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên. Tháng 10 -1969, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên được tổ chức lại và đổi thành Bộ Giáo dục. Tháng 5 -1973,  Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa được sát nhập vào Bộ Giáo dục thành Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.

Từ năm 1967, Hội đồng Văn hóa Giáo dục thành lập, là cơ quan giám sát hoạt động của Bộ Giáo dục. Hội đồng này có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ soạn thảo và thực thi chính sách văn hóa giáo dục.

3.2. Bậc tiểu học

3.2.1. Nhà trường

Từ 1954 đến 1965, trường tiểu học miền Nam theo mô hình tiểu học Pháp. Năm 1965, toàn bộ trường tiểu học công lập miền Nam chuyển thành trường tiểu học cộng đồng. Bên cạnh trường tiểu học trực thuộc Bộ chủ quản giáo dục, còn có trường tiểu học quân đội trực thuộc Nha Xã hội Quân đội của Bộ Quốc phòng. Hệ thống trường tư do thiếu sự quan tâm của chính quyền nên tồn tại rất nhiều bất cập. Số trường tiểu học gia tăng rất nhanh ở cả khu vực công lập và tư thục. Trường công chiếm khoảng 3/4 số trường tiểu học.

Chương trình tiểu học chú trọng ba môn chính là Quốc văn (tiếng Việt), Toán và Khoa học thường thức. Kể từ niên học 1965-1966, kỳ thi tiểu học được bãi bỏ.

3.2.2. Đội ngũ giáo chức

Giáo chức tiểu học chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu giáo chức miền Nam (khoảng 70-80%). Giáo chức công lập luôn chiếm trên 3/4 số giáo chức tiểu học và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn giáo chức tư thục rất nhiều. Giáo chức tiểu học miền Nam chuyển dịch theo xu hướng tỷ lệ giáo chức nam ngày càng giảm. Chất lượng giáo chức tiểu học không đồng đều.

Giáo chức tiểu học được đào tạo tại các Trường Sư phạm trực thuộc Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục Tráng niên. Việc đào tạo và tu nghiệp, đãi ngộ ưu ái gần như chỉ dành cho giáo chức chính ngạch, giáo chức ngoại ngạch chiếm hơn một nửa số giáo chức và giáo chức tư thục gần như bị bỏ quên. Bộ Giáo dục dành trên 90% ngân sách tiểu học trả lương cho giáo chức. Lương bổng một giáo viên tiểu học hạng thấp nhất gấp gần 3 lần lương căn bản. Trong thời chiến, thậm chí, lương bổng giáo chức còn được ưu ái hơn quân đội.

3.2.3. Học sinh

Học sinh tiểu học chiếm khoảng 80% tổng số học sinh, sinh viên miền Nam và tăng nhanh nhất trong ba cấp học. Tại đô thị, hiện tượng quá tải các lớp tiểu học thường xuyên xảy ra. Học sinh trường công chiếm tỷ lệ cao, khoảng trên 80% số học sinh tiểu học và có tốc độ tăng nhanh hơn học sinh trường tư.

Chất lượng giáo dục tiểu học cho thấy một thực trạng sa sút. Hiện tượng trẻ chậm học (học sinh bị ở lại lớp) rất phổ biến. Bỏ học giữa chừng trở thành một vấn nạn của ngành tiểu học.

3.3. Bậc trung học

3.3.1. Nhà trường

Từ 1955 đến 1975, trường trung học có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong toàn bộ hệ thống giáo dục với tỷ suất tăng trưởng hằng năm đạt 13%. Trường trung học gồm có trung học phổ thông, trung học tổng hợp, trung học kỹ thuật, chuyên nghiệp và nông lâm súc. Mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 trường trung học đệ nhị cấp công lập. Các trường trung học trực tiếp chịu sự quản trị của trung ương. Các trung học tư thục chịu sự kiểm soát chuyên môn của Hiệu trưởng trường trung học tỉnh lỵ kiêm nhiệm chức Thanh tra tư thục. Trường trung học tư thục luôn chiếm trên một nửa số trường trung học.

Trong 20 năm, chương trình học không có nhiều thay đổi. Chương trình Trung học đệ nhất cấp cung cấp cho học sinh những kiến thức tổng quát, nhưng chưa đi vào chuyên môn, bao gồm các môn Quốc văn, Sinh ngữ, Lý Hóa, Vạn vật, Toán, Sử Địa, Công dân, Nhiệm ý. Chương trình Trung học đệ nhị cấp giúp hoàn tất kiến thức bậc trung học và sửa soạn cho học sinh bước vào đại học. Chương trình học theo ban: ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (khoa học tính toán), ban C (văn chương, sinh ngữ) và ban D (văn chương cổ ngữ). Thi cử bậc trung học tồn tại nhiều bất cập. Trước thực trạng đó, năm 1972, Bộ Giáo dục sửa đổi lề lối thi cử, dần chuyển sang hình thức thi trắc nhiệm và ứng dụng công nghệ.

3.3.2. Đội ngũ giáo chức

Số lượng giáo chức trung học bắt đầu tăng và tăng mạnh từ năm học 1966-1967 khi chuyển đổi hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trong 20 suốt năm, tình trạng thiếu hụt nhân lực ở bậc trung học vẫn xảy ra. Giáo chức bán công - tư thục luôn đông hơn giáo chức công lập, thường chiếm trên 50% tổng số giáo chức trung học.

Giáo sư trung học được đãi ngộ ưu ái. Đời sống giáo chức trung học tương đối khá giả ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Nhà nước tạo điều kiện để các giáo sư trung học tăng cường học vấn và chuyên môn. Tuy nhiên, hơn một nửa giáo chức trung học là giáo chức tư thục gần như không được kiểm soát về trình độ và nghiệp vụ.

3.3.3. Hệ thống trường đại học sư phạm

Đại học sư phạm đào tạo giáo sư trung học là điểm son trong hệ thống giáo dục miền Nam trước năm 1975 nhờ tính lâu đời và chất lượng đào tạo được đánh giá là hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học. Hệ thống các trường này gồm hai loại hình công lập và tư thục. Các trường đại học sư phạm gồm: Đại học Sư phạm Sài Gòn, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ, Đại học Sư phạm Đà Lạt và nhiều phân khoa sư phạm được mở tại Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, các viện đại học cộng đồng… Trường đại học sư phạm phân bố khá đồng đều ở các khu vực miền Nam như Sài Gòn, Thủ Đức, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ. Chương trình học tập của các trường đại học sư phạm khá nặng với quy chế học tập và thi cử rất khắt khe.

3.3.4. Học sinh

10 năm đầu nền giáo dục, học sinh trung học có tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu học sinh, sinh viên, chỉ chiếm khoảng 10%. Giai đoạn sau, tỷ lệ học sinh trung học tăng lên khoảng 20%, đến năm học 1974-1975, đã chiếm 27%. Mặc dù Bộ Giáo dục chủ trương phát triển mạnh ngành trung học kỹ thuật và chuyên nghiệp nhưng năm 1968, học sinh trung học kỹ thuật, chuyên nghiệp và nông lâm súc chỉ chiếm khoảng 5% cơ cấu học sinh trung học. Học sinh trường bán công - tư thục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu học sinh trung học (trên 60% tổng số học sinh trung học).

Nhờ chế độ thi cử nặng nề, khắt khe nên giá trị văn bằng trung học được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều này ảnh hướng lớn đến mặt bằng chất lượng trung học, khiến cho chỉ khoảng 20% học sinh đăng ký thi lấy được bằng tú tài II.

3.4. Bậc đại học và chuyên nghiệp

3.4.1. Nhà trường

Đến năm 1974, giáo dục đại học miền Nam có 2 cấp độ: trung cấp với học trình 2 năm và đại học quốc gia với học trình 4 năm trở lên. Trung cấp được thực hiện qua loại hình đại học cộng đồng, đại học chuyên nghiệp trung cấp. Niên khóa 1973-1974, miền Nam 15 viện đại học và học viện, gồm: 4 viện đại học quốc gia, 2 viện đại học cộng đồng, trường Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp và 8 viện đại học, học viện tư lập.

Các viện đại học ở tầm quốc gia là Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế và Viện Đại học Cần Thơ tương ứng với 3 trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của miền. Viện đại học tư tập trung đào tạo những ngành thực nghiệp chưa được phát triển mạnh mẽ để có thể thu nhận tối đa sinh viên như Sư phạm, Y khoa, Kỹ thuật, Quản trị xí nghiệp, Doanh thương… Đến năm 1974, các trường cao đẳng kỹ thuật chuyên nghiệp (11 trường) được sát nhập vào hệ thống đại học quốc gia.

Ngoài ra còn có một số viện nghiên cứu chuyên biệt phụ trợ như Viện Khảo cổ học, Hải học viện Nha Trang, Học viện Toán học… và Hội đồng Khảo cứu Khoa học. Một hệ thống phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu là các thư viện. Đến năm 1975, miền Nam có 34 thư viện của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức giáo dục quốc tế và tôn giáo...

Thí sinh có hai hình thức nhập học đại học: ghi danh hoặc thi tuyển. Cuối những năm 60, sinh viên ghi danh tại Viện Đại học Sài Gòn chiếm gần 4/5 số sinh viên toàn miền Nam. Thí sinh phải qua một kỳ thi tuyển gay go ở phân khoa thi tuyển, thường chỉ khoảng 10% trúng tuyển. Đầu ra đại học vô cùng gian nan, chưa đến 10% tổng số sinh viên ghi danh có thể theo học đến năm cuối và đủ điều kiện đăng ký thi tốt nghiệp, so với tổng số sinh viên thì số sinh viên đỗ tốt nghiệp chưa đến 2%. Tại đại học tư, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn đại học công nhiều.

3.4.2. Đội ngũ giáo chức

Giáo chức đại học chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu giáo chức toàn miền Nam nhưng tăng khá nhanh với tỷ suất tăng trưởng hằng năm từ năm 1969 đến năm 1975 là 20%. Tuy nhiên, đến năm 1974, hầu hết các viện đại học khác đều thiếu hụt giáo chức trầm trọng. Giáo chức đại học công lập thường chiếm khoảng 4/5 số giáo chức. Bất bình đẳng giới xảy ra trong giáo chức đại học, với tỷ lệ giáo chức nam luôn luôn chiếm trên 80%. Trong cơ cấu giáo chức tại hầu hết các đại học công, tỷ lệ giáo chức được đào tạo từ trường đại học Pháp hoặc chịu ảnh hưởng giáo dục Pháp vẫn rất lớn, như Đại học Kiến trúc đến hơn 60%.

Đãi ngộ của giáo chức đại học theo chế độ đẳng cấp. Giáo chức được đãi ngộ ưu ái, phụ cấp rất cao. Tuy nhiên, sự chênh lệch địa vịa và lương bổng giáo chức đại học rất lớn. Lương căn bản của của giảng viên tập sự so với lương căn bản của giáo sư thực thụ đầu ngành tương đương với sự chênh lệch lương của một Thiếu úy và một Thiếu tướng trong quân đội.

3.4.3. Sinh viên

Sinh viên đại học chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu học sinh, sinh viên. Năm học 1974-1975, tỷ lệ sinh viên cao nhất, cũng chỉ đạt 3,44%.

Sinh viên có sự mất cân bằng giới khá sâu sắc. Đến năm học 1974-1975, tỷ lệ sinh viên nữ cao nhất, chỉ chiếm 1/3 số sinh viên. Sinh viên đại học cũng mất cân đối giữa các phân khoa, tập trung phần lớn vào phân khoa ghi danh (khoảng 70%). Tỷ lệ sinh viên ngành kỹ thuật và ứng dụng thấp, chưa đạt 20% tổng số sinh viên.

Sinh viên đại học công gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, tài liệu học tập thiếu thốn. Chuyển ngữ tại bậc đại học là cửa thử thách đối với mọi sinh viên. Hoàn cảnh chiến tranh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sinh viên. Từ năm 1968, khi Sắc lệnh Tổng động viên được ban hành, phần lớn những học sinh, sinh viên trong độ tuổi quân ngũ không được lên lớp đều phải nhập ngũ.

CHƯƠNG 4: CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

4.1. Mô hình hệ thống giáo dục qua các giai đoạn

Xét về mô hình tổ chức, có thể chia giáo dục miền Nam Việt Nam làm hai giai đoạn chính sau:

- Từ 1954 đến 1969. Nền giáo dục theo mô hình Pháp, theo đó, bậc trung và tiểu học được chia làm làm ba cấp: tiểu học, trung học đệ nhất và trung học đệ nhị. Hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp được điều phối bởi các viện đại học quốc gia.

- Từ 1969 đến 1975. Giáo dục phổ thông được chuyển thành một hệ thống liên tục trong 12 năm, theo mô hình Âu Mỹ và tham khảo kinh nghiệm một số nước có nền giáo dục tiên tiến khác. Đối với đại học và chuyên nghiệp, các viện đại học quốc gia vẫn giữ vai trò chủ đạo, các trường đại học cộng đồng trực thuộc viện đại học quốc gia. Căn cứ pháp lý cho sự thay đổi này là Sắc lệnh số 660-TT/SL của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 1 tháng 12 năm 1969.

4.2. Giáo dục miền Nam trong giai đoạn đầu dưới chính quyền Sài Gòn

Chính sách giáo dục tập trung vào hai vấn đề cơ bản: tái thiết chế độ giáo dục mới của quốc gia độc lập và khắc phục những hậu quả nặng nề của thời thuộc địa, trước hết là xóa nạn mù chữ.

4.2.1. Tình hình ngay sau Hiệp định Genève

Năm 1954, Đại học Đông Dương và các trường sở, giáo chức, học sinh, sinh viên miền Bắc di cư được nhập vào hệ thống giáo dục miền Nam.

4.2.2.  Phục hồi, ổn định giáo dục phổ thông

Bộ Quốc gia Giáo dục mở trường tiểu học tại các nơi mới phục hồi chính quyền quốc gia, kế hoạch xây dựng ở mỗi tỉnh một trường trung học công lập.

4.2.3. Củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp

Ngoài việc thu hồi quyền quản lý Viện Đại học Sài Gòn vào năm 1955, Viện Đại học Huế được thiết lập ngày 1-3-1957. Viện Đại học Đà Lạt thiết lập năm 1959. Chính quyền Sài Gòn mở mang một số trường dạy nghề ngành kỹ thuật và mỹ thuật, đặc biệt là thành lập Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ.

4.2.4. Thiết lập quy chế cho hệ thống giáo dục

Bộ Quốc gia Giáo dục duy trì gần như nguyên trạng mô hình giáo dục Pháp. Năm 1958, Bộ Quốc gia Giáo dục biên soạn “Tập Quy lệ về Giáo dục” gồm 10 quyển tương ứng với 10 vấn đề lớn cần phải tổ chức lại của giáo dục. Đại hội Giáo dục năm 1958 họp, xác định mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là hướng đến xây dựng nền giáo dục quốc gia, dân chủ và khoa học. Chương trình giáo dục tôn trọng ba nguyên tắc Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng. Các quy chế về giáo chức và học sinh được thiết lập.

4.2.5. Hợp tác quốc tế và du học

Ủy hội Quốc gia về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa được thành lập năm 1956, trụ sở Ủy hội đặt tại Sài Gòn, để liên lạc với UNESCO. Pháp là nước có tỷ lệ học sinh du học khá cao, nhưng không ổn định, trong khi đó số học sinh du học sang Mỹ có xu hướng ngày càng tăng. Số du học sinh đi các nước khác luôn chiếm tới 1/3.

4.2.6. Bình dân giáo dục và xóa nạn mù chữ

Chiến dịch Thanh toán nạn mù chữ phát động rầm rộ toàn miền Nam. Gần 2 triệu người mù chữ đã biết đọc, biết viết, chỉ còn 5% dân số thất học.

4.3. Mô hình giáo dục miền Nam trong giai đoạn 1961-1964

Giai đoạn 1961-1964, nền giáo dục miền Nam đi vào kiến thiết và hoạt động khá ổn định trong mô hình giáo dục Pháp.

4.3.1. Giáo dục phổ thông (bậc tiểu học và trung học)

Điểm nổi bật trong chính sách giai đoạn này là việc Bộ Quốc gia Giáo dục đưa ra một chương trình dài hạn biến cải các trường tiểu học phổ thông thành tiểu học cộng đồng. Bộ có kế hoạch cải thiện dần chương trình trung học cho sát thực tế hơn.

4.3.2. Giáo dục đại học

Vấn đề quan trọng nhất ở bậc đại học là hoàn thiện và mở rộng các phân khoa của hai trường đại học công lớn nhất và duy nhất lúc đó là Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Huế. Đặc biệt, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành trực thuộc phân khoa được thành lập để đảm bảo chức năng nghiên cứu và hỗ trợ giảng dạy ở đại học.

4.3.3. Các ngành kỹ thuật

Chính sách tập trung vào củng cố các cơ sở hiện hữu, xây cất thêm trường mới, mở rộng chương trình học nghề cho thanh niên tại các địa phương, hoàn thiện hệ thống tổ chức của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ.

4.3.4. Tình hình du học

Từ năm 1961, tỷ lệ học sinh sang Pháp học tăng lên, duy trì ở mức xấp xỉ 1/3 số du học sinh. Năm 1964, tỷ lệ học sinh sang Pháp lên đến 54,25%. Năm 1965, tỷ lệ du học sinh Pháp lao dốc xuống chỉ còn 5,22%. Trong khi đó, tỷ lệ du học sinh Mỹ tăng lên 28,43%. Tỷ lệ du học sinh các nước khác khá đều đặn chiếm khoảng 40% số du học sinh.

4.4. Quá trình chuyển đổi hệ thống giáo dục từ mô hình Pháp sang mô hình Âu Mỹ (1964-1969)

4.4.1. Nguyên tắc và mục tiêu giáo dục

Đại hội Giáo dục 1964 đưa ra ba nguyên tắc định hướng căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khoa học và hai mục tiêu tổng quát cho nền giáo dục: 1/ Tạo khung cảnh và điều kiện thuận tiện cho mọi người công dân phát triển theo khả năng và chí hướng; 2/ Đào tạo cán bộ mọi cấp cần thiết cho mọi ngành sinh hoạt quốc gia. Hiến pháp năm 1967 của Việt Nam Cộng hòa đã xác định mục tiêu hướng đến “nền giáo dục độc lập, dân chủ và có gốc rễ”.

4.4.2. Phương thức biến cải nền giáo dục

Năm 1966, lãnh đạo ngành giáo dục Nguyễn Lưu Viên đề xuất ba phương thức thực hiện nền giáo dục đại chúng: 1/Xã hội hóa học đường. 2/ Dân chủ hóa tổ chức. 3/ Hữu hiệu hóa chương trình. Nhân sự là phương tiện quan trọng nhất để biến cải nền giáo dục.

4.4.3. Giáo dục phổ thông (bậc tiểu học và trung học)

Đối với bậc tiểu học, chính sách giáo dục đại chúng và thực dụng được thực hiện trên nguyên tắc cộng đồng hóa. Trong thông điệp trước Quốc hội lưỡng viện, ngày 6-10-1969, chính phủ xác định chính sách giáo dục bậc tiểu học là giáo dục cộng đồng. Để tạo hạt nhân cho xác lập hệ thống giáo dục mới ở bậc trung học (trung học tổng hợp), Bộ Giáo dục đầu tư xây dựng các trường kiểu mẫu.

4.4.4. Đào tạo đại học và kỹ thuật - chuyên nghiệp

Chính quyền công nhận và nhấn mạnh tính tự trị theo mô hình đại học của phương Tây. Chính quyền thực hiện một số biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo chức và cơ sở vật chất, chế độ pháp lý và tổ chức lỗi thời. Chính quyền chủ trương phát triển tới mức tối đa ngành học kỹ thuật và nông lâm súc.

4.4.5. Vấn đề trường tư thục

Chính quyền bắt đầu thừa nhận những thiếu sót và bất công trong chính sách đối với trường tư.

4.4.6. Tình hình du học

Pháp gần như không còn sức hấp dẫn với học sinh du học cũng như việc liên kết quốc tế với Pháp về giáo dục đã gần như không còn vị trí quan trọng trong chính sách của chính quyền Sài Gòn. Nhằm hướng đến nền giáo dục đa dạng, Bộ Giáo dục không tập trung gửi du học sinh sang Mỹ mà gửi phần lớn du học sinh, có năm lên đến trên 80% đến khắp các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để học hỏi.

4.5. Nền giáo dục theo mô hình giáo dục Âu Mỹ (1969-1975)

4.5.1. Nguyên tắc và mục tiêu giáo dục

Năm 1969, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa bổ sung thêm hai nguyên tắc giáo dục căn bản là “Đại chúng và Thực dụng”. Mục tiêu dân chủ trong giáo dục được khẳng định nhiều lần. Lãnh đạo ngành giáo dục nhấn mạnh một nền giáo dục dân tộc phải có sự dung hợp hai nền giáo dục: truyền thống của phương Đông và khoa học kỹ thuật của phương Tây.

4.5.2. Đánh giá tổng quát về chính sách giáo dục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa

Về mô hình giáo dục, chính quyền chủ trương chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục sang mô hình giáo dục Âu Mỹ, cộng đồng cho bậc tiểu học, tổng hợp cho bậc trung học và cộng đồng cho bậc đại học.

Sự phát triển của đại học chính là điểm nổi bật trong bức tranh giáo dục miền Nam giai đoạn này. Đại học cộng đồng được thiết lập. Giáo dục tư thục nói chung và đại học tư nói riêng phát triển mạnh.

Bộ Giáo dục chủ trương thiết lập cơ cấu tổ chức tản quyền và địa phương hóa. Năm 1970, Bộ Giáo dục thành lập 48 Sở Học chính tại các tỉnh thị và bãi bỏ các Ty Tiểu học nhằm mục đích thống nhất quản lý tại địa phương. Bộ Giáo dục thành lập 4 Khu Học chính tương ứng với 4 Quân khu. Không thu học phí ở cấp học bắt buộc (tiểu học) và học phí thu được tại trường nào phải tiêu dụng tại trường đó. Vấn đề tự trị đại học sẽ được ban hành bằng một đạo luật trong đó, mỗi đại học sẽ có một ban quản trị riêng.

Đào tạo sư phạm và tu nghiệp giáo chức được chú trọng. Năm 1973, miền Nam có 15 Trường Sư phạm trực thuộc Nha Sư phạm Tu nghiệp và Giáo dục Tráng niên.

Bộ Giáo dục tiến hành cải tổ chương trình và thi cử. Hội đồng Chương trình thành lập để nghiên cứu, sửa đổi chương trình trung tiểu học hiện hành. Việc sửa đổi lề lối thi cử được triển khai theo hướng đề thi được ra nhiều câu hỏi nhỏ, trải đều trong chương trình như lối thi trắc nhiệm đã được áp dụng cho các môn Sử Địa và Công dân. Kỳ thi tú tài năm 1974, miền Nam áp dụng lối thi trắc nhiệm với sự hỗ trợ của máy tính IBM.

Luật số 004/70 ngày 10 tháng 6 năm 1970 phê chuẩn Hiến chương của Tổ chức Tổng trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMES, thúc đẩy sự hợp tác về giáo dục cho toàn vùng. Điều kiện tuyển chọn du học sinh cũng được nới rộng. Việc gửi sinh viên và giáo chức đi học ngành Sư phạm được chú trọng. Tính từ năm 1957 đến năm 1971, toàn miền Nam có gần 19.000 du học sinh Pháp, Mỹ và các nước khác, trong đó du học Pháp chiếm 11,4%, du học sinh Mỹ chiếm 25,47%, còn lại 63,13% là du học sinh các nước khác.

Phương tiện căn bản thực hiện các chính sách giáo dục trên là tài chính và nhân sự. Đặc biệt, một bước tiến quan trọng của chính quyền trong quản lý giáo dục là các chính sách dần được luật hóa.

4.6. Tác động của những cuộc cải tổ

4.6.1. Nhận thức những khiếm khuyết của nền giáo dục

Học giả và giáo chức đương thời phê phán gay gắt các khuyết điểm của nền giáo dục nhằm vận động một cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Các phê phán này được giới lãnh đạo thừa nhận và đó là nền tảng cho việc chính quyền đề ra các kế hoạch cải tổ.

Trước hết, đó là nhận thức về hạn chế của mô hình giáo dục, cho rằng nền giáo dục miền Nam vay mượn mô hình giáo dục Pháp. Mô hình giáo dục vay mượn là nguyên nhân quan trọng gây ra những khiếm khuyết của nền giáo dục. Sự chuyển giao từ mô hình giáo dục Pháp sang mô hình giáo dục Âu Mỹ cũng gây ra nhiều mâu thuẫn nội tại giữa phái cũ và phái mới. Tổ chức giáo dục thiếu tính nhất quán. Trong tổ chức và điều hành hệ thống giáo dục cũng có nhiều thiếu sót. Đường lối tổ chức hệ thống giáo dục thiếu tính ổn định do chịu tác động của những bất ổn hệ thống chính trị, đặc biệt là sau biến động năm 1963. Nền giáo dục ở mọi cấp học đều xa rời thực tiễn, không ăn nhập với thực trạng xã hội và nhu cầu của địa phương. Chương trình mang tính chất từ chương, nặng và dài, thi cử nặng nề, xa thực tế, thiếu địa phương tính, không thực dụng, không hướng nghiệp. Giáo dục cũng vấp phải những vấn đề xuống cấp của kỷ luật học đường…

4.6.2. Những ý tưởng cải tổ giáo dục

Sau năm 1963, miền Nam thực hiện khoảng 6 kế hoạch cải tổ, trong đó cải tổ giáo dục năm 1969 được đánh giá là toàn diện nhất, nhằm chuyển đổi hệ thống giáo dục. Các kế hoạch cải tổ giáo dục đưa ra trên lý thuyết rất quy củ và hào nhoáng nhưng thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc và kết quả không như mong muốn. Nguyên nhân do thiếu ngân sách và nhân lực.

 

CHƯƠNG 5: ĐẶC ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM TỪ NỀN GIÁO DỤC MIỀN NAM THỜI CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

5.1. Đặc điểm nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn

Nền giáo dục miền Nam thời kỳ này có một số đặc điểm chủ yếu sau: Nền giáo dục chịu sự chi phối của hai mô hình giáo dục Pháp và Âu Mỹ; Nền giáo dục được định hướng bằng các nguyên tắc giáo dục và hướng đến pháp chế hóa các chính sách nhằm đạt tối đa hiệu quả thực thi trong một xã hội bất ổn; Nền giáo dục không ngừng cải tổ; Nền giáo dục hiện đại với cơ cấu đa dạng; Nền giáo dục có sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ; Nền giáo dục có nhiều hạn chế.

5.2. Kinh nghiệm từ nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn

Một số kinh nghiệm từ nền giáo dục miền Nam thời kỳ này: Thực hiện cơ chế tản quyền, không tập trung toàn bộ quyền hành vào Bộ Giáo dục và Đào tạo; Dự báo chiều hướng phát triển của dân số để có chính sách thích hợp trong việc gia tăng và mở rộng trường lớp, đặc biệt là cấp tiểu học; Thực hiện miễn học phí tại bậc học cưỡng bách; đối với bậc học không cưỡng bách thì để các địa phương tự ấn định mức và thu học phí theo điều kiện của từng trường và theo nguyên tắc thu ở đâu chi dụng ở chỗ đó; Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ giáo viên; Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bắt đầu bậc trung học; Khuyến khích mở rộng du học, đặc biệt là du học tự túc; Cải thiện năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên bằng cải cách chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; Từng bước nới lỏng để các tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục  dưới sự quản lý nhà nước chặt chẽ, nhằm tận dụng tiềm lực vật chất, tinh thần to lớn và mối liên kết quốc tế rộng lớn của họ…

KẾT LUẬN

Nền giáo dục miền Nam Việt Nam thời chính quyền Sài Gòn là một khía cạnh quan trọng của văn hóa - xã hội miền Nam trước năm 1975. Điểm đặc biệt của nền giáo dục này là nó phản ánh cả hai hệ thống giáo dục Pháp và Âu Mỹ, do đó nó có khả năng soi chiếu cả nền giáo dục miền Nam thời Pháp thuộc và nối dài đến thời cai trị của chính quyền Sài Gòn dưới sự chi phối của Mỹ. Lát cắt lịch sử chỉ gói trong thời kỳ 1954-1975 nhưng có thể nhìn xuyên suốt giáo dục miền Nam hơn 100 năm từ thời điểm bắt đầu nền giáo dục thuộc địa miền Nam cuối thế kỷ XIX bởi di sản to lớn của nền giáo dục Pháp. Tính kế thừa trở thành một thế mạnh, một nền tảng to lớn và quý giá cho sự phát triển của nền giáo dục miền Nam.

Xét trên góc độ chính sách và mô hình, nền giáo dục miền Nam thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn lớn: từ năm 1954 đến năm 1969: nền giáo dục theo mô hình Pháp; từ năm 1969 đến năm 1975: nền giáo dục theo mô hình Âu Mỹ. Căn cứ pháp lý cho sự phân kỳ này là Sắc lệnh số 660-TT/SL ngày 1 tháng 12 năm 1969 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về tổ chức lại hệ thống giáo dục. Sự chuyển đổi mô hình giáo dục được sự chỉ đạo và điều phối của chính quyền thông qua hàng loạt các chính sách giáo dục theo từng giai đoạn cụ thể và được thúc đẩy bởi cuộc vận động của các nhân sĩ trí thức, giới chức giáo dục để đi đến cuộc cải tổ toàn diện nền giáo dục. Nền giáo dục không ngừng cải tổ, ước tính trong 21 năm, chính quyền đề xuất 6 kế hoạch cải tổ, trong đó kế hoạch cải tổ năm 1969 là to lớn và toàn diện nhất, thay đổi cả hệ thống giáo dục. Điều này cho thấy một ưu điểm rất lớn là: nền giáo dục có đủ năng lực và khát vọng để “phủ định chính mình” mà cải tiến.

Khi xem xét nền giáo dục miền Nam dựa trên các nguyên tắc căn bản mà nó vạch ra và theo đuổi: Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng, Khoa học, Thực dụng và Đại chúng, chúng tôi nhận thấy nền giáo dục này có nhiều ưu điểm, đặc biệt là việc nỗ lực tạo ra tính chủ động trong việc định hướng và vận hành nền giáo dục luôn bị động trước tác động nặng nề của chiến tranh. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng nền giáo dục dân chủ từ đầu những năm 1970 góp phần gia tăng tính chất tự trị và tinh thần dân chủ cho nền giáo dục. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích thực trạng hệ thống giáo dục qua ba trụ cột của nền giáo dục bằng các số liệu thống kê, định lượng được thu thập từ các tài liệu lưu trữ của chính quyền Sài Gòn, các khuyết điểm và những vướng mắc của nền giáo dục đã hiển hiện rất rõ. Có thể nói, trong 21 năm từ 1954 đến 1975, nền giáo dục miền Nam đã luôn nỗ lực giải bài toán về nền giáo dục quốc gia độc lập, tiên tiến. Tuy nhiên, hoàn cảnh chiến tranh và những hạn chế về phương tiện thực hiện đến từ hai vấn đề then chốt: tài chính và nhân lực, khiến kết quả không được như mong đợi, nhiều khiếm khuyết của nền giáo dục chưa được khắc phục.

Hình thành và phát triển trong phần lãnh thổ của Tổ quốc mà suốt một thế kỷ dưới ách đô hộ và kiểm soát của thực dân, đế quốc, nền giáo dục miền Nam trước năm 1975 dễ bị áp đặt nhận thức rằng nó bị chi phối nặng nền bởi nền giáo dục Pháp và nền giáo dục Âu Mỹ. Tính chủ động và nỗ lực xây dựng nền giáo dục quốc gia độc lập, tiên tiến thường bị bỏ qua. Khi xem xét nền giáo dục miền Nam thời kỳ này trên phương diện hợp tác quốc tế và du học, chúng tôi nhìn thấy một diện mạo khác: nền giáo dục này đa dạng và phong phú, chủ động có mối liên hệ quốc tế mạnh mẽ với nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tỷ lệ và số lượng du học sinh miền Nam đến các nước ngoài Pháp và Mỹ luôn chiếm trên 60% số du học sinh, có năm lên tới trên 80%. Du học sinh Mỹ chỉ chiếm khoảng 1/4 và tập trung đông vào ngành Sư phạm. Du học sinh Pháp tăng trưởng trồi sụt, đến đầu những năm 1970 thì tỷ lệ không đáng kể. Du học sinh tự túc không ngừng tăng và đến cuối thời kỳ đã gấp đôi số du học sinh học bổng, phản ánh sự gia tăng mạnh của tầng lớp trung lưu và thượng lưu xã hội miền Nam. Sự đa dạng và phong phú của du học sinh cho thấy tính chất đa dạng của nền giáo dục và phần nào phản ánh sự linh động của giới trí thức tinh hoa miền Nam thời kỳ này. Tuy nhiên, Mỹ và Pháp luôn có sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt đối với giáo dục miền Nam, khi hai mô hình giáo dục của họ tồn tại song song và đầu tư cho giáo dục miền Nam của hai cường quốc không chênh lệch đáng kể.

Chủ động hội nhập quốc tế đa dạng, liên tục và nhờ sự chi phối, ảnh hưởng của hai nền giáo dục lớn của thế giới là Pháp và Mỹ mà giáo dục miền Nam có cơ hội hấp thu trọn vẹn rất nhiều thành tựu của giáo dục thế giới và cập nhật hệ thống giáo dục hiện đại nhất đương thời.

Dấu son của nền giáo dục miền Nam chính là hệ thống trường sư phạm và đại học sư phạm với quy trình tuyển lựa và đào tạo giáo viên rất khắt khe. Các trường đại học sư phạm luôn là trường tốp đầu về đào tạo và chất lượng giáo dục đại học. Phẩm chất, chuyên môn và nhân cách của nhà giáo được xem là nhân tố quyết định thành bại của nền giáo dục. Vì vậy, quá trình trở thành giáo chức chính ngạch vô cùng gian nan, thử thách, đòi hỏi người sinh viên phải có tố chất, tuân thủ nghiêm ngặt nội quy sư phạm và nỗ lực hết mình để vượt qua các kì thi rất gay go. Tấm bằng sư phạm rất danh giá, được xã hội nể trọng, góp phần củng cố sự tôn nghiêm của nhà giáo trên giảng đường. Đối với lực lượng giáo chức được đào tạo bài bản, chính quyền dành sự ưu ái đặc biệt, có phần hơn cả lực lượng quân đội trong hoàn cảnh xã hội chiến tranh, ngoài lương bổng cao còn nhận được chế độ phụ cấp đa dạng, phong phú. Đời sống giáo chức chính ngạch ổn định, khá giả.

Bàn về sản phẩm của nền giáo dục, chúng tôi nhận thấy rằng, tính chất của nền giáo dục tinh hoa thời Pháp vẫn rất sâu đậm. Mặc dù đầu những năm 1970, nền giáo dục miền Nam đã chuyển sang mô hình giáo dục đại chúng Âu Mỹ nhưng trong thời gian ngắn khoảng 4-5 năm chưa thể tạo ra kết quả rõ ràng. Nền giáo dục có mô hình hình thang với đáy lớn phình to là số học sinh tiểu học đông đảo, thu nhỏ dần ở bậc trung học, phần chóp nhọn là sinh viên đại học, với tỷ lệ rất nhỏ từ 1-3%. Điều này cho thấy, cho đến năm 1975, trên 95% số học sinh nhập học tiểu học không thể theo đuổi đến đại học. Một lượng rất nhỏ những học sinh ưu tú nhất có cơ hội để bước chân vào tầng lớp trí thức. Cơ hội này cũng rất mong manh khi chưa đến 20% số sinh viên này có thể cầm được tấm bằng đại học. Giới trí thức tinh hoa thì càng ít ỏi hơn. Phần lớn thành tựu của nền giáo dục còn lưu giữ và lấp lánh đến ngày nay chính là nhờ sức ảnh hưởng trí tuệ của giới trí thức tinh hoa này.

Những ưu điểm và hạn chế của nền giáo dục miền Nam thời kỳ này có thể trở thành những kinh nghiệm quý cho công cuộc phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó là những kinh nghiệm về xây dựng và tuân thủ nguyên tắc căn bản của giáo dục, nền đại học tự trị, chế độ thi cử gắn với giá trị văn bằng, đào tạo ngoại ngữ, cải cách sách giáo khoa, học phí, vấn đề đối tượng chính sách trong giáo dục… Xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế và kế thừa các di sản lịch sử chính là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Luận án khái quát các đặc điểm của nền giáo dục miền Nam thời chính quyền Sài Gòn và gợi ý một số kinh nghiệm cho nền giáo dục hiện này. Tuy nhiên, trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, xác đáng và xem xét sự phù hợp của các kinh nghiệm này trong quá trình áp dụng vào cải tiến nền giáo dục hiện nay.

 

Tác giả: Vũ Ngà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây